Tại sao vua Trần Thánh Tông sai bổ quan tài Trần Trọng Trưng ?

Trở lại vấn đề tai sao Thượng hoàng Trần Thánh Tông lại sai bổ quan tài của Thượng thư Trận Trọng Trưng.

chuy-lg-q1s-1636341795.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Số là, Trần Trọng Trưng (có tài liệu ghi là Trần Trọng Vi), vốn là quan Thượng thư của nhà Nam Tống. Mông Cổ thống trị Trung Quốc, Trần Trọng Trưng đem cả gia quyến chạy sang nương nhờ Đại Việt. Các vua Trần đối đãi với ông quan Thượng thư nhà Tống mất nước này, với tình cảm rất chân thành, nồng ấm. Nhà Trần còn phong chức Thiếu sư, Thiếu bảo cho Trần Trọng Trưng. Lại phong chức quản lý thư viện nhà Trần ở núi Lạn Kha (tức núi Tiên Du có chùa Phật Tích, đồng thời là danh lam thắng tích rất nổi tiếng của nước ta), cho con trai Trần Trọng Trưng, có tên là Trần Văn Tôn. Đó là một đặc ân. Thư viện Lạn Kha rất nổi tiếng, tương đương với một viện nghiên cứu hàng đầu. Đây còn là nơi đào tạo nhân tài cho triều đình. Các vua Trần hằng năm vẫn tổ chức đại lễ mừng Tết Trùng dương, còn gọi là Trùng cửu (9-9) rất long trọng, yến tiệc linh đình. Lại còn có lần mở khoa thi Tiến sĩ tại đây. Trần Văn Tôn là một danh Nho nổi tiếng đương thời. Khoảng 2 năm sau, Thiếu sư Trần Trọng Trưng mất. Vua Trần Thánh Tông viết bài thơ thất ngôn bát cú, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn về sự ra đi mãi mãi của Thiếu sư Trần Trọng Trưng. Bài thơ ấy nhan đề VÃN TRẦN TRỌNG TRƯNG.

Tạm dịch:

“Thương xót khóc bề tôi kỳ cựu ở vùng Giang Nam / Trước gió đông, thương xót ông, nước mắt lại chan hòa / Trách trời đa đoan, chẳng quản sự sống thác của ông / Chẳng kể gì đến trần gian ai đáng sống, ai đáng chết / Muôn tầng mây trắng che khuất ngôi nhà cũ / Đôi nấm đất vàng vùi lấp tiếng thơm / Sức xoay trời, thôi phó cho dòng nước chảy / Dòng nước đầu ghềnh cùng chung nỗi bất bình”.

Ân tình sâu nặng là vậy đấy. Nhưng khi Thoát Hoan dẫn quân sang đánh phá Đại Việt năm 1258, con trai của Trần Trọng Trưng là Trần Văn Tôn lại quay lưng làm phản. Chính hắn đã dẫn đường cho Thoát Hoan đánh thẳng vào Vạn Kiếp, khiến quân Trần phải bỏ căn cứ Vạn Kiếp, rút chạy để bảo toàn lực lượng. Vạn Kiếp là căn cứ quân sự chiến lược vô cùng quan trọng. Mất Vạn Kiếp, quân Đại Việt rơi vào thế lúng túng, bị địch dồn ép, phân tán lực lượng. Thượng hoàng Thánh Tông vô cùng tức giận, đã sai bổ quan tài người cha Trần Văn Tôn mà vua Trần đã từng hết mực thương quý, cho hả cơn giận lớn.

Thế mà tại sao nhà Trần lại không xóa tên xóa họ của “tên phản bội đầu hàng” Trần Ích Tắc cho hả giận lớn, mà chi gọi là Ả Trần? Một vấn đề cũng rất quan trọng, cũng xem là “tồn nghi”, ấy là việc Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc từng mở trường tư thục bên cạnh phủ đệ của ông, đào tạo nhiều nhân tài hàng đầu cho đất nước, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu v.v…Thời phong kiến, các thầy giáo làm quan khi mắc tội lớn, bị xử lý chém đầu, hoặc tru di tam tộc, thì học trò của vị quan ấy ắt phải bị liên lụy. Có khi họ bị đuổi khỏi chức quan. Có khi cũng bị xử lý theo thầy. Có khi phải “bỏ của chạy lấy người”, hoặc thay tên đổi họ lẩn trốn vào rừng sâu núi thẳm. Vậy mà “ngạc nhiên chưa”! Các vị Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn… vẫn thấy đàng hoàng làm quan rất to ở triều Trần, như thể họ chẳng có liên quan gì? Trong khi ở Triều Hậu Lê sau đó, Nguyễn Trãi từng nhiều năm dạy học ở Khuyến Lương, ở Côn Sơn. Học trò thầy Nguyễn Trãi làm quan nhan nhản ở trong triều. Nguyễn Trãi có mấy bài thơ nhắc đến chuyệnTiên sinh dạy học, kể cả thơ Nôm và cả thơ chữ Hán. Nguyễn Trãi có riêng bài thơ chữ Hán nội dung khuyến cáo, nhắc nhở các học trò của Tiên sinh đang làm quan trong triều phải biết giữ nhân cách của người làm quan, đồng thời phải biết thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống nhiều bất trắc. Vậy mà khi Nguyễn Trãi bị bọn xấu vu oan, giết cả ba họ, không thấy có ai còn nhận mình là trò của thầy Ức Trai nữa. Cũng không thấy một bài thơ nào của học trò thầy Trãi viết về thầy, còn lưu lại ở đời. Còn ai dám chiềng mặt ra mà tự chuốc lấy cái chết, mặc dù là họ rất yêu kính thầy. Mặc dù là họ thừa biết đó là một sự tráo trở, một vụ lừa dối bẩn thỉu của kẻ cầm quyền, rất bất công phi lý?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/tai-sao-vua-tran-thanh-tong-sai-bo-quan-tai-tran-trong-trung-a8020.html