Nuôi chó kiểu truyền thống VN có thể diễn tả như sau:
Chó nuôi được cho ăn uống hằng ngày. Thức ăn cho chó chủ yếu là cơm thừa canh cặn của chủ nhà. Khi chủ ăn, con chó nằm gần đó chờ đến lượt mình. Thỉnh thoảng, chủ vứt cho một cục xương hoặc một miếng gì đó dai quá không nhai nổi. Khi chủ xong bữa, chúng được hưởng những gì còn lại trên mâm. Thức ăn thừa được đổ vào một cái tô hay chậu nhỏ gì đó, miễn là không rỉ nước ra ngoài, còn thì cáu bẩn, sứt mẻ… không thành vấn đề. Đồ đựng thức ăn cho chó hầu như không bao giờ cần rửa!
Chó nuôi truyền thống không hề có tắm rửa gì. Nó cứ sống như thế quanh năm ngày tháng. Cũng có khi được mưa “tắm” giúp hoặc lao xuống ao hồ trong làng mà rửa lông. Ít khi có nhà nào làm riêng chuồng cho chó. Chúng thường ngủ vạ vật ở một góc nào đó bên hiên nhà, hoặc xó bếp. Cũng hầu như không có ai xích chó nuôi bao giờ, trừ khi đó là con chó mới mua về, chưa quen chủ. Chó chạy rông suốt ngày ngoài đường, trong sân. Chó thoải mái xả “thải” bất kể nơi nào, trừ bên trong nhà chủ, bởi chúng biết sẽ bị ăn đòn. Chó mặc sức “yêu đương” lẫn nhau, bất kể thứ bậc, nòi giống và sinh con đẻ cái hoàn toàn tự nhiên. Vài chục năm gần đây, chính quyền đã lo việc phải tiêm phòng bệnh dại cho chó. Việc này đến nay đã khá phổ biến, nhất là ở thành thị. Còn nông thôn thì chắc vẫn coi như chó vô hại.
Chó “truyền thống” có chức năng chủ yếu là gác cổng cho gia chủ. Thấy người lạ là chúng sủa ầm lên, đe dọa. Hồi xưa, chó nuôi còn được coi là “cái máy” dọn phân cho trẻ nhỏ được người lớn xi ỉa ngay trong nhà. Ở nông thôn, không hiểu nay còn cảnh một đứa trẻ ngồi ỉa ngoài sân, thì con chó của nhà ngồi canh gần đó, để sẵn sàng… xơi hết! Chó ở nông thôn đúng là coi cứt người là thực phẩm khoái khẩu của chúng! Có lẽ, ngày nay, khi nhà vệ sinh đã được coi là không thể thiếu đối với mỗi ngôi nhà ở nông thôn, thì cũng không còn thứ thực phẩm khoái khẩu này của chó nữa! Một chức năng không thể thiếu của chó truyền thống Việt Nam là cung cấp thực phẩm “đặc sản” cho con người. Câu châm ngôn “sống trên đời ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có hay không” truyền khẩu từ thuở tiền nhân đến nay vẫn còn hương vị sống động của nó. Ở nông thôn miền bắc, hầu như gia chủ nào cũng thịt chính chó mình nuôi để ăn nhậu. Mỗi khi mưa phùn gió bấc, trời rét căm căm, không thể làm gì được, là người ta dễ nghĩ đến món “mộc tồn” (mộc là cây, tồn là còn. Cây còn là nói lái của Con cầy), còn được gọi là “cờ tây” (nói lái của Cầy tơ).
Thời chiến tranh và bao cấp ở miền Bắc, chó thực sự là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng với người nông thôn. Hồi ấy, nhà nước buộc nông dân phải bán hết lợn nuôi được cho chính phủ, để có nguồn thịt cung cấp cho người ăn lương và dân thành thị. Ai dám thịt “chui” một con lợn của nhà mình cũng bị HTX riềng cho “lên bờ xuống ruộng”! Gà vịt nuôi không dễ, vả lại còn phải dành bán để có tiền tiêu pha, Thành ra, chỉ còn thịt chó là thoải mái. Còn nhờ có một dạo, vì nạn chó dại lan tràn, chính quyền ban lệnh cấm nuôi chó. Thi hành lệnh này, các làng xã huy động dân quân đi “triệt để” (tiêu diệt) chó. Nhưng tiêu diệt mãi vẫn không hết. Thì ra, các quan chức địa phương đã sáng tạo khi thi hành lệnh này theo kiểu “triệt” nhưng phải “để”. Nếu triệt hết, lấy gì ăn? Cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, anh em cơ quan chúng tôi vẫn thường dùng thịt chó làm món chủ lực cho các cuộc liên hoan đơn vị. Có vài cậu ở quê ra sành thao tác món này lắm, từ A đến Z luôn. Nghĩa là từ mua chó sống về, rồi thế này, thế nọ… cuối cùng là cho ra những món nức mũi như chả nướng, rựa mận, canh măng, luộc, dồi…
Ngày nay, có nhiều người Việt Nam nuôi chó cảnh, gọi là “thú cưng”. Nhưng có lẽ số người nuôi chó cho đúng nghĩa “thú cưng” còn ít lắm. Trước hết, đó hoàn toàn không phải là văn hóa Việt. Người nuôi đa phần là học đòi, muốn tỏ ra “văn minh”. Họ có thể mua một con chó rất đắt tiền, nhưng không có thói quen chăm sóc chúng cho đúng cách mà chủng loại chó này cần phải được đối xử. Không hiếm thấy những con chó đúng là nòi giống chó cảnh, nhưng bẩn thỉu, hôi hám, ăn tạp, ỉa bậy… Ở vài thành phố lớn, như Hà Nội, Sài Gòn…, đã hình thành một tầng lớp hẹp thôi, những gia đình nuôi chó cảnh đúng kiểu thú cưng. Đã có thức ăn riêng cho chó cảnh và “nơi ở” riêng cho chúng trong khuôn viên nhà chủ. Chúng đã được chăm sóc, nuông chiều, tắm rửa tương đối vệ sinh. Có cả thú y chăm sóc cho loại chó này. Cũng đã có vài người kinh doanh loại hình dịch vụ chăm sóc chó cảnh theo kiểu phương Tây. Tại những gia đình ấy, đã bắt đầu hình thành một lứa trẻ nhỏ yêu quy thú cưng từ khi mới chào đời. Hi vọng là trong tương lai, không gần lắm đâu, văn hóa nuôi chó cảnh của người Việt Nam sẽ ngày càng lan rộng, cùng với sự khấm khá của đời sống người Việt nói chung.
Dư luận phản bác ăn thịt chó cũng lan rộng trong xã hội, nhất là ở đô thị và trong “tầng lớp trung lưu” trở lên. Họ lập luận theo kiểu văn minh phương Tây để phản bác ăn thịt chó; thậm chí dùng những ngôn từ khá độc địa để lên án những người ăn thịt chó. Nhưng cũng có một bộ phận không ăn thịt chó, mà tôi nghĩ là đông đảo hơn số “văn minh phương Tây” kia. Trong số này, nhiều người bỏ thịt chó dể tránh các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì, colectron cao, “gút”… Lại có không ít người “sợ thịt chó” bởi coi đó là thứ sui xẻo, đen đủi cho vận làm ăn của mình! Số này thuộc diện “làm ăn” trông cậy vào hên/sui, như buôn gian bán lậu, đưa nhận hối lộ, mua quan bán chức… Họ bỏ thịt chó không phải vì văn minh văn hóa gì, mà đích thực là mê tín dị đoan!
Thôi thì dù học theo văn minh hay tránh bệnh tật và sa vào mê tín, thì cũng ngày càng có thêm nhiều người không ăn thịt chó. Loài chó ta bớt bị làm thịt! Nhưng chó ta vẫn nuôi kiểu ta. Chúng vẫn được thả rông bừa bãi và “yêu” vô tư rồi đẻ thoải mái vô tội vạ. Vậy mà không có cách “tiêu thụ” thì rồi chúng “tăng dân số” vượt tầm kiểm soát, lan tràn thành hiểm họa xã hội sao???
Theo Chuyện Làng quê
Ngoc Hung Nguyen
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-ta-a8877.html