Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chongquannguyenlan2-1639962532.png
Bản đồ minh họa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 15.

Ngày 9 tháng 3 lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng và Quốc công tiết chế, do Trần Kiện dẫn và chỉ đường để Giảo Kỳ là tướng của Toa Đô đánh tập hậu nên phòng tuyến Lưu Vệ, Quảng Xương, Thanh Hóa bị vỡ, 5000 quân ta trong đó có tướng Đinh Xa và tướng Nguyễn Tất Thông hi sinh. 

Ngày 13-3 thám mã lại về báo:

-Bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, bẩm Quốc công tiết chế, do Trần Kiện chỉ đường, tướng Trần Lê Mạnh ở Yên Duyên, Quảng Xương, Ái Châu phải rút lui. Quân Nguyên Mông đã đốt và thảm sát cả làng.

Ngày 14-3 thám mã về cấp báo:

-Dạ, bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, bẩm Quốc công tiết chế, ngay 13-3 do Trần Kiện chỉ đường, Toa Đô và Giảo Kỳ đã đánh bất ngờ vào nơi sơ hở của quân ta ở bến Phú Tân, quân ta thiệt hại lớn buộc Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, Thiên Vương Trần Đức Việt đã phải đem 10 vạn quân rút khỏi Thanh Hóa về Trường Yên. Trong trận này Đại Liêu Bang Hộ đã hy sinh.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng, Quốc công tiết chế, 40 vạn quân Nguyên Mông do Thoát Hoan chỉ huy từ Thăng Long đã tiến tới Khoái Châu, tốc độ tiến rất nhanh.

Trần Hưng Đạo nói:

-Bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng, chúng ta phải làm một cuộc hành quân vào Thanh Hóa bao gồm toàn bộ hoàng gia, triều đình và 30 vạn quân để phá tan âm mưu hai gọng kìm của địch.

Trần Thánh Tông hỏi:

-Kế hoạch rút lui thế nào?

Trần Hưng Đạo đáp:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, toàn bộ sẽ đến cửa biển Giao Hải ở Thiên Trường vào ban đêm, ở đó có 1000 chiến thuyền sẽ đưa triều đình hoàng gia, 30 vạn quân vào Thanh Hóa. Tuy nhiên thuyền rồng và thuyền sang trọng của quý tộc sẽ công khai chạy ra lộ Hải Đông để đánh lạc hướng quân giặc.

Trần Nhân Tông hỏi:

-Nhưng Thoát Hoan đã đến Khoái Châu rồi, làm sao giảm tốc độ truy kích của giặc?

Trần Hưng Đạo nói:

-Ta cho sứ giả đến giả vờ thương lượng để kéo dài thời gian cho quân ta rút, đồng thời sẵn sàng hy sinh 4 vạn quân để ngăn chặn, làm giảm tốc độ của giặc.

Trần Nhân Tông gọi:

-Trần Đương đâu.

-Dạ có thần.

-Khanh đi sứ đến doanh trại Thoát Hoan giả vờ thương thuyết để kéo dài thời gian cho quân ta rút lui.

-Thần tuân chỉ, sẵn sàng hy sinh vì nạn nước.

Thoát Hoan dừng lại trên vùng Khoái Châu cho quân ăn uống, đang ngồi trong tổng hành dinh thì có thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái có sứ giả vua Trần đến xin gặp.

-Cho vào.

Trần Đương bước vào hành dinh của Thoát Hoan. Các tướng Nguyên Mông trong trướng mặt mày dữ tợn nhìn Trần Đương chòng chọc. Trần Đương không khiếp sợ, không cúi đầu, chỉ chào Thoát Hoan:

-Mạt tướng xin chào tướng quân.

-Nhà ngươi sang đây để truyền đạt ý muốn đầu hàng của Trần Nhật Huyên phải không?

Trần Đương đáp:

-Có thể như thế, có thể không như thế.

-Nói vậy nghĩa là thế nào?

-Hàng hay không hàng còn phải chờ hai bên thương lượng. Triều Trần chỉ đầu hàng với điều kiện có thể chấp nhận được, còn nếu điều kiện quá khắt khe, bức người quá đáng thì không thể đầu hàng được. Ví như nay hai bên đang thương lượng mà nguyên soái từ Bắc ép xuống, Toa Đô từ Nam Trường Yên ép ra thì thương lượng cái gì?

Thoát Hoan bảo A Lý Hải Nha:

-Quân sư đưa bức tranh ra đây.

Thoát Hoan cầm tranh và đưa cho Trần Đương. Trần Đương cầm xem thì người trong tranh là công chúa An Tư, con gái của Tiên Hoàng Đế Trần Thái Tông, em của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cô của vua Trần Nhân Tông, em con ông chú của Trần Hưng Đạo. Công chúa An Tư vốn đẹp nổi tiếng trong nước. Thoát Hoan hỏi:

-Ngươi có biết mỹ nhân trong bức tranh này không?

-Dạ, mạt tướng không biết.

Thoát Hoan nghiêm nét mặt hung dữ:

-Ngươi giả vờ, bên Trung Nguyên người ta còn biết công chúa An Tư không chỉ đẹp nổi tiếng Đại Việt mà còn nổi tiếng cả Trung Nguyên. Bức tranh này do vương thân nhà Trần là Trần Di Ái khi đầu hàng đã đưa tặng ta. Ngươi về nói với Trần Nhật Huyên muốn ta tha mạng cho triều đình, không tàn sát hoàng gia và bách tính thì đưa công chúa An Tư đến cho ta. Ngày mai ta sẽ chờ ở Long Hưng và đón người đẹp ở đó, rõ chưa?

Trần Đương rủa thầm: “ Thằng Trần Di Ái đúng là đồ chó chết, đã phản bội tổ quốc còn bán cả anh em họ hàng”, liền trả lời Thoát Hoan:

-Mạt tướng sẽ về nói lại, còn hoàng thượng của ta có đồng ý hay không thì ta không biết.

-Hết ngày mai mà không đem công chúa tới ta sẽ xua 40 vạn quân làm cỏ Trường Yên, rõ chưa?

-Cáo biệt tướng quân.

Trần Đương về đến Hoa Lư thì toàn quân, triều đình, hoàng gia đã xuống thuyền ra sông Hoàng Long để ra cửa biển Giao Hải, Giao Thủy. Trần Nhân Tông hỏi:

-Khanh đi sứ thế nào?

-Bẩm Thái  thượng hoàng, bẩm thoàng thượng, nó muốn triều đình trao cho nó công chúa An Tư thì nó giảng hòa.

Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo nghe Trần Đương nói vậy thì vô cùng tức giận, Nhưng Trần Thái Tông lại nói:

-Công chúa An Tư là em gái thứ 6 của ta, đẹp người đẹp nết. Trong các cuộc chiến tranh, việc dùng mỹ nhân kế để cứu đất nước, cứu triều đại thì cũng có nhiều. Nay nếu em ta cứu được quốc gia, cứu được cơ nghiệp nhà Trần, cứu được bách tính thì sự hy sinh đó cũng nên lắm, còn hơn là mất hết. Ai mà chẳng thương xót ruột thịt của mình nhưng phải hy sinh vì nghĩa lớn, vì sơn hà xã tắc thì sẽ lưu danh muôn thuở.

Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo có ý ngăn Thái thượng hoàng nhưng Trần Thánh Tông đã gọi:

-Người đâu.

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng.

-Thuyền công chúa An Tư đã rời bến chưa?

-Dạ, đang chuẩn bị ạ.

-Gọi công chúa đến gặp ta.

Công chúa An Tư bước vào như một nàng tiên giáng thế, nàng quỳ xuống hành lễ và nói:

-Hoàng huynh cho gọi muội?

-Muội này.

-Dạ.

-Nước nhà nay đang như nghìn cân treo sợi tóc. 40 vạn quân của Thoát Hoan đang ở phía Bắc và đã đến Long Hưng, 10 vạn quân Toa Đô đang đánh đến Bắc Trường Yên. Triều đình, hoàng gia và 30 vạn quân phải cần một ngày nữa mới rút về được Ái Châu. Phải làm sao giữ Thóat Hoan ở lại Bố Hải Khẩu hai ngày nữa. Huynh và hoàng thượng vừa cho sứ giả vào hành dinh của hắn, hắn nói nếu đưa muội đến hành dinh của hắn, hắn sẽ ở lại Bố Hải Khẩu chờ đợi và đàm phán. Ý của muội thế nào?

Công chúa An Tư dịu dàng đáp:

-Muội rất muốn được tham gia cứu dân, cứu nước. Nay vì non sông xã tắc mà vào trại giặc một mình và hy sinh muội cũng không từ.

Trần Hưng Đạo nói:

-Xin Thái thượng hoàng và muội nghĩ lại…

Trần Nhân Tông cũng nói:

-Xin phụ hoàng và cô nghĩ lại…

Trần Đương cũng nói:

-Xin công chúa nghĩ lại…

-Ý muội đã quyết. Hãy cho muội trả nợ non sông, đất nước. Hoàng thượng bảo trọng, các huynh bảo trọng.

Trần Thánh Tông gọi:

-Đào Kiên đâu.

Đào Kiên là quan nội thị bước vào:

-Dạ có thần.

Trần Thánh Tông nói:

Khanh chọn mấy cấm quân hộ tống công chúa An Tư đến trại Thoát Hoan ở Long Hưng.

-Hạ thần tuân chỉ.

Công chúa An Tư nói cứng vậy nhưng khi sắp dã biệt hai người anh là Trần Thánh Tông và Trần Hưng Đạo, người cháu là vua Trần Nhân Tông và những người thân yêu trong hoàng tộc, đôi mắt xinh đẹp của nàng rớm lệ. Nàng biết chuyến đi này là chuyến đi không trở lại. Nàng ôm Trần Thánh Tông:

-Huynh bảo trọng.

Nàng quỳ và lạy Trần Nhân Tông:

-Hoàng thượng bảo trọng.

Trần Nhân Tông nâng An Tư dậy và nghẹn ngào:

-Cô bảo trọng.

An Tư cầm tay Trần Hưng Đạo và nói trong ngẹn ngào:

-Huynh bảo trọng và phải đánh thắng quân thù trả thù cho muội…

Trần Hưng Đạo buồn bã xúc động:

-Huynh không cứu được muội, tội đáng muốn chết. Huynh nhất định đánh bại quân thù rửa thù cho muội.

Rồi công chúa An Tư lên kiệu ra đi. Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo đi theo kiệu một dặm đường rồi đứng nhìn chiếc kiệu có công chúa An Tư thương yêu đi lên hướng Bắc trong một chiều hoàng hôn đầy gió bụi. Chiến tranh là tổn thất và đây là tổn thất thứ hai trong hoàng tộc, sau sự kiện Trần Bình Trọng hy sinh. Tấm gương hy sinh vì nước của công chúa An Tư được những người dân Đại Việt muôn đời ca  tụng và sử sách lưu truyền.

Từ Long Hưng đến Hoa Lư khoảng 100 dặm nhưng hai ngày không thấy đạo quân 40 vạn của Thoát Hoan tràn xuống, đủ thời gian cho 30 vạn quân Việt, hoàng gia và triều đình bí mật di tản về Thanh Hóa. Quân Toa Đô đã ra đến Tam Điệp nhưng không thấy Thoát Hoan tấn công nên cũng dừng quân lại chờ để phối hợp hai gọng kìm cho tốt. Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo là những người cuối cùng xuống thuyền ở Hoàng Long và đi ra cửa Giao Hải. Hơn 1000 thuyền chiến của quân Đại Việt bí mật âm thầm tiến về cửa biển Thần Phù, sau đó đi vào cửa biển Lạch Trường rồi tiến vào sông Mã. Cuối cùng 30 vạn quân, hoàng gia và triều đình lên làng Giàng, Tư phố. Tư Phố, trấn trị Thanh Hóa thành nơi làm việc của triều đình trong thời kỳ sơ tán. Còn 200 chiếc thuyền sang trọng, trong đó có cả thuyền rồng của Trần Nhân Tông đi về vùng biển Hải Đông cốt để cho do thám quân Nguyên Mông đánh hơi được, sau đó bí mật biến vào vùng Ba Chẽ và biến mất trong sự huyền bí của miền Đông Bắc.

Thoát Hoan dừng quân lại ở Long Hưng tới ba ngày. A Lý Hải Nha sốt ruột nói:

-Quân Toa Đô đã ở Tam Điệp đang chờ đợi, xin chủ soái xuất quân tiến về Hoa Lư để khép hai gọng kìm tiêu diệt quân Đại Việt.

Thoát Hoan nói:

-Kẻ kia như cá nằm trong lưới, bắt lúc nào mà chả được. Vả lại ta ở đây là còn chờ sứ giả nhà Trần tới xin hàng.

Bỗng có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, thuyền rồng của vua Trần và thuyến chiến của quân Việt từ Trường Yên đã chạy ra lộ Hải Đông miền Đông Bắc hết rồi ạ.

Thoát Hoan khi đó mới sực tỉnh gọi:

-Tướng quân Lý Hằng và Đường Ngột Đãi.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân Lý Hằng dùng kỵ binh đi trên bờ biển, Tướng quân Đường Ngột Đãi chỉ huy thủy binh đi trên biển, lật tung cả Hải Đông lên mà tìm quân Việt và vua Trần, rõ chưa?

-Mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-15-a9033.html