Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuytrhd1-1640050668.jpg
Ảnh: Internet

 

Kỳ16.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm nguyên soái, Bạt Đô Toa Đô đã vào Trường Yên, không thấy quân Đại Việt đã kéo quân ra Thiên Trường rồi ạ.

Thoát Hoan gọi:

-Quân sư A Lý Hải Nha.

-Dạ, có mạt tướng.

-Kéo đại quân về Thiên Trường.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tại hành dinh của Thoát Hoan ở Thiên Trường, Thoát Hoan đang cùng A Lý Hải Nha uống rượu thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái có tướng quân Toa Đô xin vào gặp.

-Cho vào.

Toa Đô bước vào, người cao to, đen sạm gầy guộc do đói khát và chiến trận liên miên từ năm 1283 ở đất Chiêm Thành, đất Hoan Châu, Diễn Châu, Thanh Hóa của Đại Việt. Toa Đô nói:

-Xin chào chủ soái và phó chủ soái, mấy năm chinh chiến xa xôi nay mới được hội ngộ.

Thoát Hoan không đứng dậy vồn vã, chỉ xem như là cuộc gặp gỡ bình thường và nói:

-Vất vả cho tướng quân quá, tướng quân ngồi. Bay đâu, rót rượu cho tướng quân.

Khi đã có rượu, Thoát Hoan và A Lý Hải Nha nâng bát:

-Chúc cuộc hội ngộ.

-Chúc cuộc hội ngộ.

-Chúc chúng ta ca khúc khải hoàn trên đất Đại Việt.

Ba người cạn bát xong, Thoát Hoan nói:

-Cái bẫy hai gọng kìm do phụ hoàng vạch ra từ Đại Đô rất là huyền diệu nhưng chúng ta không thực hiện được. Trần Nhật Huyên và quân đội của ông ta lại chạy thoát, đến nay bản soái cũng chưa biết chúng chạy về đâu. Lý Hằng chỉ huy kỵ binh, Đường Ngột Đãi chỉ huy thủy binh truy lùng khắp miền Đông Bắc, thậm chí đến cả vùng biển Khâm Châu, Liêm Châu của chúng ta mà vẫn không thấy tăm hơi.

Toa Đô nói:

-Bây giờ có thêm 10 vạn quân của mạt tướng cùng với 40 vạn quân của chủ soái thế nào nay mai chả bắt được chúng, thế nào chả uống rượu mừng chiến thắng ở Thăng Long.

Thoát Hoan nói:

-Ta sẽ về lại Thăng Long, còn tướng quân cùng 10 vạn quân phải ở lại khống chế vùng Hồng Châu, Khoái Châu, Long Hưng, Thiên Trường, Trường Yên là những vùng căn cứ quan trọng của quân Việt kẻo chúng lại trở về.

Toa Đô nói:

-Thế thì chủ soái phải cho mạt tướng lương thực, 10 vạn quân của ta đã hết lương thực từ Chiêm Thành, đói khát từ hai năm nay rồi. Ra đến Đại Việt càng đói vì không kiếm được một chút gạo thóc nào.

Thoát Hoan nói thẳng:

-Chiến tranh kéo dài, lương thực của bản soái cũng đã sắp hết. 40 vạn quân của bản soái cũng đang đói khát do không thu được lương thực ở Đại Việt. Tướng quân ở lại đây phải tự tìm kiếm lương thực mà nuôi quân thôi.

Toa Đô thất vọng. Nguồn hy vọng duy nhất là hội quân với Thoát Hoan để giải quyết lương thực giờ tan thành mây khói. Toa Đô giận tím mặt nhưng cố nén. Hắn biết hắn đang nói chuyện với ai, gây sự với Thoát Hoan thì chỉ có một con đường chết. Vừa lúc đó có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có dấu vết rằng quân Trần và Trần Nhật Huyên đã chạy vào Thanh Hóa.

Thoát Hoan nhân tiện nói với Toa Đô:

-Ta sẽ về Thăng Long. Tướng quân ở lại đây và quay lại Thanh Hóa một lần nữa tìm nhà Trần và quân Việt xem sao.

Toa Đô đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Toa Đô đáp vậy như hắn thầm nguyền rủa Thoát Hoan: “Đồ chó, chờ đó ta vào Thanh Hóa cho mày. Bố mày khó nhọc vào sinh ra tử từ Chiêm Thành ra đây, không một lời khích lệ, không cho lương thực, lại còn bắt quay lại đất chết Thanh Hóa. Đợi đó thằng ranh con ạ”.

Sau đó Thoát Hoan đem quân về Thăng Long. Toa Đô ở lại vùng đồng bằng sông Hồng. Quân Nguyên hình thành hai khối quân lớn, mất phương hướng chiến lược, ngày càng sa vào những khó khăn, bị tiêu hao, bị đói khát, bị bệnh tật bởi mùa hè ở Đại Việt  nóng bức, với những kẻ phương Bắc quen khí hậu giá lạnh thì thật là khốc liệt. Từ đây, quân Nguyên Mông lâm vào thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường. Quân Đại Việt giành lại quyền chủ động và chuẩn bị phản công giải phóng đất nước.

*  *

*

Cuối xuân sang hè, làng Giàng cây cối đang đâm chồi nẩy lộc, tươi rói một màu xanh của tre trúc, thông, phi lao, đa, mít... Các dãy núi Con Rùa, núi Con Voi vươn lên bầu trời xanh thắm. Sông Mã vẫn muôn đời tung nước về Đông như ngựa phi. Làng Giàng nay có cái khác xưa là quân đội, triều đình từ Thiên Trường, Trường Yên về đây đông ngút ngàn, các lều trại màu nâu của quân đội tưởng như mênh mông vô tận, hàng vạn con ngựa chiến đi lại đông đặc trên các bãi, hàng nghìn chiến thuyền đậu hàng chục dặm ven bờ sông Mã. Thành Tư Phố, trấn trị của Thanh Hóa trở thành nơi làm việc của triều đình, quan chức ra vào tấp nập, cấm quân cầm vũ khí đứng gác nhiều vòng. Vùng làng Giàng rộng lớn cũng xuất hiện vô kể những xe ngựa của tầng lớp quý tộc cùng những tiểu thư, thiếu phụ, thiếu niên sang trọng quen sống ở kinh thành Thăng Long nay tỏ ra thích thú với làng quê tươi đẹp. Họ đi bộ ở làng quê, đi chợ. Sự đài các diêm dúa của họ làm cho làng quê thêm nhiều màu sắc.

Trong thành Tư Phố, ở đại sảnh đường, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và đầy đủ các tướng lĩnh như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…Sau một lượt trà xong, thái thượng hoàng Trần Thánh Tông nói:

-Qua cuộc rút lui chiến lược thành công từ Thiên Trường, Trường Yên về đây, hiện nay quân số quân đội đã tăng lên 35 vạn do thanh niên các Thanh Hóa, Châu Diễn, Châu Hoan tòng quân, lương thực cũng dồi dào do các châu Ái, Diễn, Hoan đóng góp. Nay có thể bước sang giai đoạn phản công tiêu diệt giặc, giải phóng kinh thành và giải phóng đất nước. Quốc công tiết chế có cao kiến gì không?

Trần Hưng Đạo nói:

-Bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, thần cho rằng thời cơ phản công tiêu diệt quân thù, giải phóng kinh thành, giải phóng đất nước đã tới. Thứ nhất, chúng ta không nên để lâu hơn nữa vì quân Mông Cổ có thể tự sản xuất lương thực để đứng chân lâu dài. Thứ hai, để lâu quân Mông cổ có thể lập bộ máy cai trị ở vùng chúng chiếm đóng sẽ rất khó khăn cho bách tính. Thứ ba, khó khăn của Quân Mông Cổ hiện nay đã lên đến cực điểm, nhất là vấn đề đói khát và kiệt quệ. Cho nên, các lực lượng ra Bắc chuẩn bị phản công như sau:

-Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đem 10 vạn quân ra gần Thăng Long chuẩn bị giải phóng kinh thành.

-Thần sẽ đem 10 vạn quân trở lại Vạn Kiếp hỗ trợ cho thái sư Trần Quang Khải giải phóng Thăng Long, hỗ trợ cho các lực lượng dân binh từ Vạn Kiếp đến Lạng Châu cùng với việc đưa quân đội chính quy mai phục trên con đường này tiêu diệt giặc tháo chạy về nước, đồng thời hỗ trợ hoặc tham gia những trận đánh diệt các  cứ điểm của địch ở Nam Thăng Long, Chương Dương và  Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương lộ Khoái Châu.

-Thái thượng hoàng và hoàng thượng chỉ huy 10 vạn quân về lại Thiên Trường, Trường Yên, Long Hưng, Khoai Châu cùng các tướng  Nguyễn Khoái, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy dưới sự sai khiến của Thái thượng hoàng, hoàng thượng để tấn công quân Toa Đô ở các vùng trên và tấn công tiêu diệt các phòng tuyến Nam Thăng Long như Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương. Trong số 10 vạn trên, Thái thượng hoàng phải để 2 vạn quân chốt ở phòng tuyến Tam Điệp.

-5 vạn quân do tướng Trần Quốc Hiến ở lại làng Giàng bảo vệ hoàng gia và triều đình. Trong số 5 vạn quân trên phải để 200 chiến thuyền và 1vạn quân chốt ở cửa Lạch Trường.

Thái thượng hoàng nói:

-Ta đồng ý với cách bài binh bố trận của Quốc công tiết chế.

Vua Trần Nhân Tông nói:

-Chuẩn tấu kế hoạch phản công chiến lược của Quốc công tiết chế.

Các tướng đều quỳ xuống và nói:

-Chúng thần tuân chỉ.

-Cáo biệt Thái thượng hoàng.

-Cáo biệt hoàng thượng.

-Chúc Quốc công tiết chế, Thái sư và các tướng quân ca khúc khải hoàn.

-Đa tạ hoàng thượng và Thái thượng hoàng.

Từ Làng Giàng - Thanh Hóa, các đạo quân Đại Việt bí mật hành quân ra Bắc theo đường thủy và theo đường bộ.

*      *

*

Tháng 4 năm 1285, quân Đại Việt trên chiến trường miền Bắc đã hình thành 3 khối quân tác chiến trên ba vùng chiến lược. Khối thứ nhất của Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải, mục tiêu là giải phóng Thăng Long. Khối quân thứ hai do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy chiếm lại Vạn Kiếp để hỗ trợ cho ba hướng, hỗ trợ cho Trần Quang Khải tấn công Thăng Long, hỗ trợ cho quân của Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông tấn công Toa Đô, tấn công phòng tuyến Nam Thăng Long, kiểm soát con đường Vạn Kiếp- Lạng Châu, cắt đứt con đường lương thực của Thoát Hoan, chuẩn bị chặn đánh tiêu diệt quân Nguyên Mông tháo chạy về nước. Khối quân thứ ba do Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy sẽ tiêu diệt khối quân Toa Đô, làm chủ Trường Yên, Thiên Trường, Long Hưng, Khoái Châu, tiêu diệt các trại lớn của giặc như Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương. Hai vua lại quay về cố đô Hoa Lư và lấy đó làm tổng hành dinh.

Vào một buổi sáng, Trần Hưng Đạo vừa ăn sáng xong, đang ngồi uống trà ở tổng hành dinh tại Vạn Kiếp thì có thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm Quốc công tiết chế, có tin hôm nay quân Nguyên Mông sẽ đưa những kẻ đầu hàng phản quốc về Đại Đô Trung Quốc.

-Yết Kiêu đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Đem danh sách những quý tộc đầu hàng quân xâm lược ra đây.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Yết Kiêu đem danh sách ra, Trần Hưng Đạo lướt qua thấy:

-Hiến Chương Hầu Trần Kiện, ra hàng giặc ở Thanh Hóa và dẫn đường cho giặc do đó làm sụp đổ mặt trận phía Nam, đưa vận nước đến “nghìn cân treo sợi tóc”, phạm tội ác tầy trời. Ra hàng giặc ở Thiên Trường gồm có Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Văn Chiêu Hầu Trần Lọng, Văn Nghĩa Hầu Trần Tú Hoãn, Phạm Cự Địa, Lê Diễn,Trịnh Long.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-16-a9069.html