"Không thể mồ côi" (Kỳ 10): KHÔNG AI ĐƯỢC KHÓC KHI BIẾT TIN BA TÔI HI SINH TRONG ĐÊM NOEL NĂM 1969

Giữa năm 1971, tôi chuẩn bị xong đại học, em Ngọc chuẩn bị đi học Liên Xô vào Đại học Tổng hợp Lomonoxop - Đại học danh tiếng nhất toàn Liên bang Nga. Em học giỏi suốt 10 năm liền, thi vào khoa Toán.

chuydvh1-1640230404.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đúng lúc đó thì tôi được má Hai đưa tôi lên gặp bà Đại tá, Anh hùng Hồ Thị Bi. Tôi thấy bà và Má Hai nói chuyện với nhau. Tôi nghe loáng thoáng những từ như: bị đụng độ, bị đắm thuyền, bị mất tích, còn má Hai thì khóc… Mọi người không cho tôi nghe. Tôi ngồi ở ngoài đợi.

Thời gian này má Hai của tôi không đi xe đạp nữa mà đã đi xe máy Babeta. Nghe nói cả Hà Nội lúc đó chỉ có mấy chiếc xe loại này, được phân phối cho một số cán bộ nữ cao cấp, trong đó có má Hai.

Một hôm, về đến nhà ăn cơm nước dọn dẹp xong, em Nam lúc đó cũng đã đi sơ tán, còn Ngọc thì chưa về, má Hai gọi tôi lại với thái độ rất nghiêm trọng:

- Thứ nhất, con nghe xong rồi phải thật bình tĩnh. Thứ hai, con không được cho em Ngọc, em Hồng biết câu chuyện hôm nay. Khi nào cần cho em biết má sẽ tự nói chuyện với em. Thứ ba, đối với me Kíu của con, má sẽ cho bà biết tin.

Tôi hoang mang vô cùng không biết chuyện gì sẽ sắp xảy ra đây? Theo ý nghĩ của tôi lúc đó, chắc là tin má Hường tôi đã hy sinh, vì bà ở trong tù... Nhưng không phải thế, tôi nghe má Hai nói mà bỗng choáng váng đầu óc:

- Má mới nhận được tin không vui. Con lớn nhất nhà, má phải có trách nhiệm thông báo cho con biết: Ba Lộc con giữ trọng trách rất quan trọng. Nhưng đêm Noel năm 1969 trên đường đi công tác qua sông, đã bị Mỹ bao vây để hòng bắt sống...

- Dạ, má nói gì con không hiểu?

- Anh em bảo vệ và cả ba Lộc con đã dũng cảm chiến đấu chống trả quyết liệt. Nhưng bọn địch có tàu to và vũ khí mạnh hơn, nên tất cả đều mất tích, đã hơn một năm nay...

- Ba con... Ba con bây giờ sao rồi? – Tôi lo quá, ngắt lời má Hai, cuống cả lên.

- Tổ chức đã cho người đi tìm nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ba của con. Không rõ có bị chúng bắt sống và nhốt ở đâu không? Hoặc đã hi sinh mà không tìm được xác…

- Không! Ba của con không thể chết được! - Tôi nấc lên trong giàn giụa nước mắt.

Má Hai đã nói nhiều lắm. Nhưng hầu như tôi không còn nghe và không muốn tin điều không may mắn đã đến với cha tôi. Tôi âm thầm khóc, mồ hôi toát ra ướt hết trán hết cả lưng.

Thế là niềm ao ước chờ ngày thống nhất để tôi được gặp cha, chả nhẽ không còn nữa. Chẳng nhẽ niềm hi vọng đó đã không còn…

Tôi đã òa khóc nức nở. Má Hai cũng khóc theo tôi. Tôi nằm khóc vật vã cả ngày không chịu ăn uống gì. Má Hai cũng để yên cho tôi khóc, không hề la mắng hay bắt tôi làm việc gì.

Ngày hôm sau, má Hai bảo:

- Con phải ráng ăn chút gì đó để giữ sức khỏe. Dù ba Lộc có còn hay đã hi sinh thì con vẫn phải vững vàng. Con là chị lớn trong nhà, phải làm gương sống tốt để về còn gặp má Hường, em Thu và em Phong con má nữa. Nên nhớ, con phải tiếp tục học cho tốt, năm tháng nữa tốt nghiệp rồi. Không còn con đường nào khác, các con chỉ có đi tới, không được bước lùi và phải sống tốt để trả thù cho cha.

Má Hai nói nhiều lắm, như một Chính ủy trong quân đội đang khích lệ động viên bộ đội trước khi vào trận đánh mới… Còn tôi thì tai ù đặc, không nghe, không thấm gì cả. Dù sao thì tôi cũng là con gái. Tôi chỉ biết một điều: Niềm hi vọng đã tắt, tôi không còn có cơ hội để gặp cha nữa.

*

Hai ngày sau là thứ bảy, má Hai bảo tôi cùng xuống thăm me Kíu.

Tôi để hai người phụ nữ nói chuyện riêng với nhau rất lâu ở trong phòng.

Khi ra ngoài, tôi thấy cả hai bà đều khóc.

Má Hai gọi tôi lại và bảo: “Vân à, tối nay con ở lại với me Kíu nha”. Má Hai về rồi, tôi thấy me mặc áo dài màu nâu, đi mua hoa quả, mua gà, mua hương mới… Về nhà, bà làm một mâm cơm cúng rất thịnh soạn. Bà thắp hương xong, lạy khấn rất kỹ lưỡng, rồi cứ ngồi yên như thế đến hai tiếng đồng hồ trong im lặng.

Mãi đến tối, bà nói với tôi: “Lúc trước, con ở đây có năm em, nay Dũng, Trang, Hùng đều về theo bố mẹ. Tin của cha con là một nỗi đau đớn tột cùng, giáng mạnh vào niềm tin và cuộc sống của mẹ và của con. Biết làm sao đây con gái, bây giờ thì mẹ sẽ thay thế cha con. Nếu sau này con lập gia đình, mẹ sẽ thay chỗ bố Lộc và mẹ Phụng (và bà đã làm đúng như vậy). Nhưng con đừng mất hi vọng, cứ hi vọng con à! Còn nước còn tát. Mẹ không tin và không bao giờ tin bố con chết cả. Người tốt như vậy làm sao mà chết được!…

Me Kíu khóc rất nhiều và tôi cũng khóc.

Sau này tôi mới hiểu: Me Kíu khóc vì niềm tin được gặp cha tôi của bà đã tắt. Khóc vì không còn ai để minh oan cho bà không phải “giai cấp bóc lột”. Không còn ai chứng minh bà là người của tổ chức đằng mình, người trực tiếp nhận nhiệm vụ và cơ sở của cha tôi…

Tôi khóc vì hi vọng gặp mặt cha dù chỉ một lần trong đời cũng không còn. Tôi đã chờ đợi cha suốt tuổi thơ tôi. Nhiều năm sau, nhớ lại tâm trạng lúc ấy, nhớ lại cảnh mẹ ôm tôi và hai mẹ con cùng khóc. Lúc ấy, tôi đã thất vọng và buồn tủi như thế nào? Tôi cũng đã tự làm một bài thơ để ghi nhớ tâm trạng đầy thất vọng, đầy đau khổ của một người con mất cha khi đó.

*

Từ đó trở đi, tính tình tôi thay đổi hẳn. Nhiều lúc tự tôi thấy mình như con dở hơi, bất cần đời, thích đi lang thang, thích phải phá phách một cái gì đó. Trong tâm của tôi giờ đây không có ai trên đời làm cho tôi sợ nữa. Cũng có khi tôi tự thu mình lại. Bởi ý nghĩa nghĩ tôi thật sự là “mồ côi” như bọn trẻ con hàng xóm nhiều lần đã nói.

Tôi không thích gặp bất cứ ai trong họ hàng. Mà khổ quá, tôi có nhiều họ hàng đâu? Chú và cô đều ở xa… Lại có lúc, tôi nghĩ, hay là mình đi thanh niên xung phong vào Nam đi tìm cha thử xem sao?

Tôi bị sốc nặng, bị lạc mất phương hướng một thời gian dài. Má Hai tôi không nhận ra vì thực ra bà không phải người sâu sắc. Bà chỉ hỏi “Tại sao con cứ đi tối ngày”?

Me Kíu thì nhận ra ngay. Bà nói: “Hình như con đang định làm một trò gì đấy hả? Đừng có dại dột con nhé! Trời có mắt, sẽ không phụ người tốt như cha con đâu”. Hoặc bà bảo: “Đừng mất hi vọng, kẻo bố về lại thấy có lỗi với ông”. Bà không mắng thẳng ra rằng: “Dạo này con hư, hay con có nhiều thái độ không tốt…” Bà chỉ dặn hãy hi vọng đến tận cùng.

Tôi trách cứ cha mẹ. Tại sao họ lại lần lượt bỏ tôi mà đi? Trong tâm của tôi lúc nào tôi cũng đặt câu hỏi, tại sao cả hai người không ai chịu nuôi tôi vậy? Tôi cứ ôm nỗi khổ sở đó một mình suốt thời gian dài. Chỉ tôi hiểu tôi, cũng chỉ có tôi tự điều chỉnh tôi. Và theo thời gian, nỗi đau nguôi dần. Có lẽ những lời trách móc cha mẹ đã đến tai ông bà. Nên ông bà đã đi theo kéo tôi lại, không cho làm điều gì xằng bậy, không quá đáng, không cho tôi theo bạn bè rủ rê làm điều xấu.

Điều mà tôi bực bội nhất là, ai cũng cứ dặn không được cho người thân tôi biết tin xấu về Cha. Vì đang còn giữ bí mật không cho địch biết… Trời ơi trời, đến nỗi đau khổ cũng phải giữ bí mật!

Mấy chục năm sau, tôi lại nghe hai người nhắc lại câu này, đó là chú Sáu Hoàng và chú Năm Xuân . Vì úc đó đang chiến tranh, ta không muốn cho địch tung tin trùm tình báo Hoàng Minh Đạo bị tiêu diệt.

*

Sau khi tôi ra trường được mấy tháng, lúc đó đã là cuối năm. Một bữa, má Hai báo về và bảo có nơi gọi tôi đi làm. Họ yêu cầu tôi phải đến gặp Cô Loan làm tổ chức ở cơ quan đóng tại chùa Bộc gấp.

Đến nơi, tôi thấy đây là một cơ quan rất lớn, có nhiều xe ô tô ra vào liên tục. Cô Loan là người Nam Bộ. Cô hỏi han tôi rất nhiều, cô gọi tôi là cháu và xưng bằng dì, dặn tôi cứ gọi cô bằng dì.

Cô Loan đã hỏi đủ mọi chuyện như: Ai đã nuôi dưỡng tôi? Bạn bè ra sao? Các em thế nào? Tôi thích những gì? Muốn làm công việc gì? Tôi trả lời rất thẳng thắn, nghĩ gì nói đó, chứ không hề chuẩn bị xã giao như sinh viên đi xin việc thời bây giờ…

Sau đó tôi nghe cô bảo: “Con về đi, ba hôm nữa quay lại cô cho biết kết quả”. Lúc ra về, tôi nghe cô bảo hình hài con bé cũng dễ coi quá trời! Tính tình thật thà nữa… chắc là cô báo cáo sẽ thuận tiện.

Tôi đã được nhận vào làm ở Ban CP72 của Chính Phủ . Mọi người gọi là Bộ Ngoại giao B. Tôi về làm ở Vụ B8 là Vụ Thông tin Báo chí và Tuyên truyền. Trong vụ chỉ có ba người nữ là tôi, Kha Quỳnh Liên (là con Bộ trưởng Kha Vạn Cân) và chị Nguyễn Thị Ngà học tiếng Pháp ra. Chúng tôi có độ tuổi sàn sàn nhau nên chơi rất thân và thường xuyên chia sẻ nhường nhịn nhau. Ông Vụ trưởng tên Tình là một người rất khó tính.

Tôi mới ra trường, được nhận lương tập sự là 51 đồng/tháng. Đối với tôi vậy là quá nhiều. Tôi được giao vừa làm văn thư, vừa cập nhật một số thông tin hàng ngày theo sự kiện và lưu giữ thông tin của Vụ.

Trong Vụ tôi làm việc có chú Hai Kính, mọi người gọi chú là Hoàng Kính Cuba vì chú giỏi tiếng Tây Ban Nha, giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Chú Hai Kính lại vừa làm Tham Tán ở Đại sứ quán Cuba về, nên chú là một chuyên gia về Cuba và châu Mỹ La tinh.

Chú Hai Kính rất thẳng tính và nghiêm túc, nhưng lại rất thương tôi. Chú hướng dẫn từng ly từng tí, cách lấy tin công khai trên các loại báo, cái nào cần lấy, cái nào không. Chú chỉ cho cách lập tài liệu theo sự kiện, theo khu vực, theo quan hệ ngoại giao. Lúc nào Chú cũng bảo “Phải học con à! Học ở trường là chưa đủ, con phải nỗ lực và tích cực hơn nữa mới theo kịp”.

Tôi sợ chú Hai, nhưng cũng rất kính nể và tôi học được ở chú rất nhiều. Đời sống riêng của chú càng làm cho tôi kính phục. Chú đi tập kết 21 năm, người to cao khỏe mạnh, nhưng không lấy vợ và một lòng trung thủy với Thím đang chiến đấu ở Miền Nam. Chú có nuôi con, là con của đồng đội chú và thím trước đây.

Sau ngày giải phóng, chú thím Hai được gặp nhau. Thím ở tù về, bệnh tật rất nhiều. Chú thím coi con nuôi là con ruột. Vui mừng vì có cháu nội, cháu ngoại… thật đáng kính nể. Chú thím không có con chung, bởi thời gian có khả năng sinh đẻ thì hai người không được gần nhau. Sống với nhau được vài năm thì thím theo Phật về trời, do những di chứng khi ở trong tù về làm thím bệnh nặng.

Đáng tiếc, khi chú Hai Kính bị bệnh tai biến mạch máu não, thì người con nuôi vô lương tâm đó lại bỏ mặc không chăm sóc chú, mà chỉ lo bán của cải tài sản của chú thím để lại. Cuối cùng, có một người cháu gọi bằng cậu phải đưa chú về quê để săn sóc.

Trong Vụ B8, còn có anh Thuần là bộ đội chuyển về. Anh Thuần chuyên lo việc dịch sách báo tiếng Anh. Chú Chung người miền Trung chuyên tạo tin, cả tin thật cả tin “ngoại giao”. Chú Năm là người Nam bộ, bạn Chiểu là người tập hợp tin mặt trận. Nếu nói đùa một chút thì tin thật là tin giả và tin giả là tin thật… Vụ B8 còn một số người nữa, mà tôi không còn nhớ hết tên. Họ giống nhau là tất cả đều làm việc tự giác, trách nhiệm. Tính tình ai cũng rất tốt, rất chân tình đùm bọc, che chở, thương yêu nhau…

Tôi học được ở các cô chú, anh chị trong Ban CP72 này nhiều thứ về trí tuệ, về cách làm việc, niềm say mê công việc. Quan trọng nhất là, tôi học được ở đây là sự đồng cảm, không có sự phân biệt nhiều giữa cấp trên và cấp dưới. Luôn giúp đỡ lẫn nhau và sẵn sàng chỉ dẫn.

Tôi, Nga và Liên rất thân nhau. Mặc dù lúc đó Liên là con gái một vị Bộ trưởng. Nhưng tôi thấy Liên rất khiêm tốn, gần gũi mọi người, thấy chả có gì khác biệt với chúng tôi.

*

Một tháng hai kỳ, toàn cơ quan chúng tôi họp nghe phổ biến tình hình chiến trường, tin ta thắng trận ở những đâu, rồi tình hình thắng lợi ngoại giao trên thế giới ra sao và cả tình hình địch giành lại đất và dân của ta…? Có những cuộc họp có mặt cả cô Bình và cô Ba Định, cô Chơn cùng dự.

Làm ở Ban CP72, tôi học được một nguyên tắc quy định: Tuyệt đối bí mật! Một điều tưởng là dễ làm nhưng lại rất khó với tôi. Bởi do tính tôi “ruột để ngoài da”. Chúng tôi được yêu cầu giữ bí mật những gì mình đang làm. Giữ bí mật những cuộc gặp với những người mà mình thấy trên báo chí. Bí mật tất cả những thông tin mình được nghe và được biết. Chú Kính lúc nào cũng dặn “Cháu cứ học như chú, ra ngoài cơ quan là quên tất cả. Cháu cần để lại tất cả ở cơ quan”. Đây là môi trường mà tôi có thể học được nhiều thứ.

Cơ quan có bác Lê Quang Chánh, hàm Thứ trưởng, rất thương và quý tôi. Bác hay gọi tôi lên, dặn dò nhiều thứ. Bác coi tôi như con. Đôi lúc bác nói với tôi: “Cứ hi vọng con à! Bác tin cha con chưa hy sinh. Vì đã có ai làm lại lý lịch cho con là con liệt sĩ đâu!”. Bác còn bảo: “Có nhiều người mất tích đã nhiều năm, vẫn đi tìm lại được. Mọi chuyện đều có thể xảy ra ở trong chiến tranh”… Bác Chánh là Thứ trưởng phụ trách tổ chức và nội bộ. Những ngày nghỉ, bác rất hay động viên, kêu tôi đến chơi với hai bác tại nhà.

Sau giải phóng, khi vào Sài Gòn, bác Lê Quang Chánh đảm nhiệm trọng trách là Phó Chủ tịch Thành phố một thời gian, rồi nghỉ hưu. Tôi vẫn hay đưa các con lên thăm hai bác.

Cô Loan người đầu tiên đón nhận tôi vào cơ quan. Ba tháng sau, cô nói với tôi: “Con rảnh về nhà cô chơi. Chú nói biết rất rõ về ba của con”. Mỗi khi tôi đến, chú Hai Hoàng, chồng cô Loan thường hỏi han đủ thứ… Rồi chú nói trước chú cùng ở chung với ba ở Bộ Tư lệnh Nam bộ kháng chiến chống Pháp. Bấy giờ, chú Hai Hoàng là Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Chú nói ở ngoài này có nhiều người giữ trọng trách đều biết ba tôi, vì làm việc chung trước đây thời 9 năm. Chú dặn nếu rảnh rỗi cháu cứ ra cô chú chơi. Tôi có thể coi cô chú như gia đình. “Chú là chú Hai, em của ba cháu”… Đây cũng là người đầu tiên tôi thấy có chức vụ cao, đã nói với tôi những điều kính trọng ba tôi một cách thực sự.

Ở cơ quan Ban CP72, khi có ai ở chiến trường ra, thỉnh thoảng bác Hai Chánh hoặc cô Loan lại gọi tôi lên. Kêu tôi chào các cô chú đó. Đấy là những người từ mặt trận ra. Là những người biết rất rõ cha tôi và từng ở chung với ông. Tôi thấy, những người đó đều là những người nổi tiếng trên báo chí và đều có chức vụ rất lớn. Tôi láng máng hiểu ra rằng cha tôi cũng là một người như vậy.

Nhưng ở cơ quan này, kỷ luật không được hỏi lung tung đã tập thành nếp. Nên trong những lần gặp gỡ đó, chưa bao giờ tôi dám hỏi cha cháu làm tới chức gì? Đa phần cô chú bác đều động viên là sẽ tìm ra tin tức của cha tôi rất nhanh. Hầu như ai cũng tạo cho tôi một niềm tin là cứ hi vọng...

(Còn nữa)

Ảnh đính kèm: Di ảnh và bút tích của Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc gửi tặng con gái, trước khi ông hi sinh 7 tháng, trong đêm Noel 1969 trên sông Vàm Cỏ Đông.

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-the-mo-coi-ky-10-khong-ai-duoc-khoc-khi-biet-tin-ba-toi-hi-sinh-trong-dem-noel-nam-1969-a9153.html