Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy3sd-1640361823.jpg
Tranh minh họa: Quân Nguyên Mông tấn công xâm lược Đại  Việt lần thứ ba ((theo cách gọi khác ở Việt Nam là Kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3) diễn ra từ tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288. Nguồn: Internet

 

Kỳ 20.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Bạt Đô Ô Mã Nhi đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Là Tổng chỉ huy thủy binh, tướng quân chuẩn bị thủy binh để ta tiến đánh Thăng Long, phải cử thủy binh kết hợp bộ binh, kỵ binh bảo vệ Vạn Kiếp, phải dùng thủy binh cơ động thật nhanh để truy kích quân chủ lực Đại Việt và triều đình nhà Trần, không để chúng chạy thoát.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Sau khi đã củng cố, xây dựng Vạn Kiếp thành căn cứ thủy bộ vững chắc, không lâu sau Thoát Hoan nói với Áo Lỗ Xích:

-Quân sư có kế gì hay để đánh chiếm Thăng Long không?

Áo Lỗ Xích đáp:

-Thăng Long thì phải chiếm nhưng căn cứ vào các dấu hiệu như trận Vạn Kiếp không ác liệt thì mạt tướng cho rằng trận Thăng Long cũng không ác liệt như lần trước.

-Vì sao vậy?

-Trần Hưng Đạo rất thành thạo trong việc chơi nước cờ rút lui chiến lược, cho nên mạt tướng cho rằng cho đến bây giờ, triều đình Thăng Long, hai vua Trần, bách tính và cả quân chủ lực Đại Việt không còn ở Thăng Long nữa.

Thoát Hoan thất vọng hỏi:

-Thế thì làm sao tìm được hai vua Trần, triều đình  và quân chủ lực Đại Việt. Có nên đánh chiếm Thăng Long nữa không?

Áo Lỗ Xích đáp:

-Vẫn phải chiếm Thăng Long để bảo vệ phía Tây Bắc của Vạn Kiếp, khống chế Tây Bắc của đồng bằng sông Hồng, thứ nữa có ý nghĩa về mặt tinh thần cho chiến thắng. Mặt khác cho thủy binh và kỵ binh do thám, sục sạo khắp các vùng Thiên Mạc, Thiên Trường, Trường Yên xem quân chủ lực, triều đình và hai vua Trần ở đâu để điều binh tổng hợp lực tiêu diệt.

Rồi Thoát Hoan đem hầu hết các Lực lượng bộ binh, kỵ binh, thủy binh tiến đánh Thăng Long. Ô Mã Nhi đem thủy binh đi tiên phong, A Bát Xích đi tiên phong cánh kỵ binh và bộ binh, Phàn Tiếp cùng thủy binh đi hộ tống cho đại quân và Thoát Hoan. Sông nước Lục Đầu Giang, sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng mặt nước bị xé sóng bởi chiến thuyền quân Nguyên Mông dày xéo, mặt đường rung lên bởi bước chân của kỵ binh và bộ binh giặc. Ngày 21-1-1288, một trận kịch chiến giữa thủy quân Việt và thủy quân Nguyên Mông trên sông Đuống. Hai bên dùng cung tên bắn vào thuyền nhau dữ dội. Quân Việt lợi thế là trên thuyền có máy bắn đá, dội đá sang thuyền Nguyên Mông như núi lở. Xác quân Nguyên Mông trúng tên hoặc trúng đá gục xuống thuyền hoặc nhào lộn xuống sông chìm nghĩm. Quân Việt chủ động rút lui. 30-1-1288, thủy quân Nguyên Mông lại giao chiến với thủy quânViệt do Minh Tự Nguyễn Thức chỉ huy ở Đại Than. Hai bên chịu tổn thất nặng nề, thủy quân Việt phải rút lui. Trong khi đó kỵ binh và bộ binh địch giao chiến với quân Việt ở Phú Sơn. 2-2-1288, đại quân Thoát Hoan đến Gia Lâm và vượt sông Hồng đánh chiếm Thăng Long. Quân Nguyên Mông chỉ gặp vòng ngoài kinh thành vài nghìn quân Việt dùng cung tên đánh tiêu hao quân địch. Hàng nghìn quân Nguyên Mông xông lên lại ngã xuống do trúng tên lại đến đợt khác xông lên và lại gục xuống, lại xông lên. Quân Nguyên Mông dùng chiến thuật biển người không tiếc sinh mạng. Nhưng quân Việt không giáp chiến bằng gươm, giáo, dao, búa với quân Nguyên Mông để không lọt vào vòng vây trùng điệp của giặc và sau đó rút lui theo đường bộ trong làng xóm mênh mông mà kỵ bịnh địch không tài nào truy kích được.

Thoát Hoan và đại quân phá cổng thành tràn vào Hoàng thành và Tử cấm thành (Long Phượng thành). Thăng Long vẫn còn tan hoang đổ nát do cuộc tàn phá khi quân Nguyên Mông tháo chạy năm 1285. Triều đình nhà Trần chưa kịp xây dựng lại hoặc không muốn xây dựng vội vì biết chiến tranh lần 3 là không tránh khỏi. Những cung điện cho vua quan ở, những cơ quan hành chính bắt buộc phải có thì nhà Trần cho làm bằng gỗ vừa  nhanh vừa đỡ tốn kém. Toàn bộ Hoàng thành và Hoàng cung trống rỗng không một bóng người, không một thạch gạo, không một cây vàng bạc, đúng với nghĩa thành không nhà trống theo chủ trương của nhà Trần. Thoát Hoan nhìn Thăng Long bỗng hắn rùng mình vì bị ám ảnh bởi hồi ức kinh hoàng mùa hè năm 1285. Thoát Hoan nói với Áo Lỗ Xích:

-Quân sư nói đúng lắm. Ta đã chậm hơn một bước. Trần Hưng Đạo chơi con bài rút lui chiến lược thành thạo hơn lần trước.

Áo lỗ Xích nói:

-Việc trước tiên là phái Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân, Trịnh Bằng Phi chỉ huy kỵ binh đi khắp nơi ở đồng bằng sông Hồng tìm ra nơi ở của triều đình Trần và quân chủ lực Việt để nhanh chóng tiêu diệt.

-Việc thứ hai là phải nhanh chóng lập triều đình bù nhìn, dùng người Việt làm tay sai để bắt lính,  tịch thu lương thực. Đó là biện pháp duy nhất để phá chiến lược chiến tranh lâu dài của Trần Hưng Đạo.

Có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, tướng Ái Lỗ chỉ huy 5 vạn quân theo đường Đại Lý tiến xuống đã đánh bại tướng Trần Nhật Duật, muốn xin vào gặp.

Thoát Hoan nói:

-Cho vào.

Vương tử A Thái, Hữu Thừa Ái Lỗ bước vào:

-Mạt tướng xin chào chủ soái và phó soái.

Thoát Hoan nói:

-Vất vả cho tướng quân rồi.Tướng quân đã đánh bại Trần Nhật Duật như thế nào?

Ái Lỗ đáp:

-Dạ, bẩm chủ soái, mạt tướng cùng Vương tử A Thái, đại tướng Mang Cổ Thái rời Đại Lý tháng 12-1287 với 5 vạn quân, đã tác chiến dữ dội với dân binh của tù trưởng trại Quy Hóa. Ngày 11-12-1287, quân ta đánh nhau dữ dội với 4 vạn quân Đại Việt do Trần Nhật Duật chỉ huy ở Mốc Ngọt. Quân Việt rút về Phú Lương. Ngày 19, quân ta lại giao chiến với quân Việt ở Phú Lương, bắt được hai tướng Việt là Lê Thanh và Hà Anh. Chúng mạt tướng phải đánh 18 trận, hy sinh 1 vạn dũng sĩ Nguyên Mông mới về được Thăng Long.

Thoát Hoan an ủi:

-Không sao, quân ta gan dạ nhưng gặp phải quân Việt đánh cũng rất liều mạng xả thân. Ta từ Vĩnh Bình về đến Vạn Kiếp có 300 dặm mà cũng mất 5 vạn quân. Miễn là các tướng quân phải cố sức để cuối cùng chiến thắng.

-Dạ, đa tạ chủ soái, chúng mạt tướng sẽ cố gắng hết sức.

Thoát Hoan gọi:

-Tướng Ô Mã Nhi đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 100 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh truy tìm tung tích của triều đình Trần và quân chủ lực Đại Việt để bản soái điều động toàn bộ quân đội tiêu diệt chúng.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Trịnh Bằng Phi.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 1 vạn kỵ binh phối hợp với thủy binh của tướng Ô Mã Nhi đi tìm tung tích triều đình Trần và quân chủ lực Đại Việt.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Thoát Hoan ra lệnh:

-Còn tất cả các tướng quân mỗi người đem 5000 quân ra các làng quanh Thăng Long thu lương thực, nếu chống cự hoặc không đưa lương thực thì tàn sát và đốt cháy cả làng.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Vậy là từ một lệnh của tên chủ soái khát máu của giặc, vó ngựa quân Nguyên Mông tỏa ra các vùng nông thôn cướp bóc, gieo rắc cái chết và thảm họa khủng khiếp cho những người dân lành nông thôn Đại Việt. Nhưng số lương thực chúng không cướp được bao nhiều vì bách tính đã tuân lệnh triều đình làm “vườn không nhà trống”, nhiều làng đã rút đi, nhiều làng đã tổ chức lực lượng vũ trang dân binh tự vệ. Nhiều tốp quân Nguyên Mông có đi mà không có về. Lòng yêu nước căm thù giặc đã làm cho bách tính Đại Việt không hề biết sợ, không khuất phục. Thoát Hoan ở Thăng Long gần như phát điên bất lực, đập bàn gào thét:

-Trần Nhật Huyên, ngươi chạy lên trời thì ta theo lên trời, người chui xuống đất thì ta đuổi xuống đất. Ha!ha!ha!

Thoát Hoan cứ như vậy lúc gào thét, lúc điên loạn, lúc im lặng. Các tướng phụ tá đều nơm nớp lo sợ. Một hôm Thoát Hoan sực nhớ ra:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi tướng A Bát Xích vào đây.

-Da.

A Bát Xích bước vào hành dinh:

-Da, có mạt tướng.

Tướng quân đem 5.000 kỵ binh đi về Lạng Châu xem triều đình bù nhìn Đại Việt đã sang chưa. Nếu đã sang nhớ bảo vệ chu đáo đưa về đây để bắt chúng hiệu triệu bách tính thu lương thực và bắt lính phục vụ cho chiến tranh.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Lại nói để phục vụ cho cuộc xâm lược, để lừa bịp bách tính Đại Việt, Hốt Tất Liệt cho lập triều đình giả hiệu do Trần Ích Tắc đứng đầu. Hốt Tất Liệt phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, Trần Tú Hoãn là Phụ nghĩa công, phong Trần Bá Ý, con trai Trần Ích Tắc làm An phủ sứ lộ Đà Giang, em bà con Trần Tú Hoãn Lại Ích Khang làm An phủ sứ lộ Nam Sách, Trần Văn Lộng làm Tuyên phủ sứ lộ Quy Hóa. Vua Nguyên còn soạn một tờ chiếu kể tội nhà Trần, dụ dỗ lừa phỉnh dân Đại Việt. Cuối tháng 1-1288, Hốt Tất Liệt cho Tĩnh đô sự Hầu Sứ Vạn Hộ Đạt, Thiên Hộ Tiêu đem 5.000 quân hộ tống triều đình bù nhìn về Đại Việt. Đi theo đoàn còn có Lê Tắc vốn là gia tướng của Trần Kiện, Nguyễn Lĩnh, Lê Án, Trần Dục (con Trần Ích Tắc mới 9 tuổi). Đoàn tiến vào Lạng Châu. Trần Ích Tắc nói:

-Cẩn thận có phục binh của quân Trần.

Thiên Hộ Tiêu nói:

-Đại quân của chủ soái Thoát Hoan đã đi qua, quân Đại Việt hoảng sợ đã chạy hết vào rừng, có gì mà còn sợ.

Ngày 1-2-1288, triều đình bù nhìn đến Nội Bàng. Trời mùa đông u ám, gió lạnh thổi cắt da, mưa phùn bay lất phất càng tăng thêm giá rét. Bọn Trần Ích Tắc vốn là lớp người quý tộc, quen sống trong nhung lụa, không chịu được gian khổ vất vã, nay đi lại đường dài mệt nhoài ra. Bỗng từ trong rừng rậm hai bên đường những trận mưa tên phóng ra. 1.000 lính Nguyên Mông trúng tên ngã gục. Bọn tướng và lính Nguyên Mông còn lại lấy thân mình che tên cho bọn Việt gian vì Hốt Tất Liệt dặn là không được để chúng chết, chúng là lá bài chính trị quan trọng của Nguyên Mông đối phó với dân Đại Việt. Thiên Hộ Tiêu bị trúng tên gục xuống ngựa chết. Vạn Hộ Đạt hộ tống cả bọn chạy về Bình Giang, đoạn sông Lục Nam chảy qua Nội Bàng. Tại đây, quân Nguyên Mông dựa vào nhà dân cố thủ. Sớm hôm sau, Lê Tắc do thuộc đường đã dẫn đường cho cả bọn tháo chạy về phương Bắc. 3-2-1288, cả bọn về đến Tư Minh đúng ngày 1 tết Nguyên Đán. Cả bọn lôi thôi lếch thếch thất thểu lưu vong xứ người, mang nổi nhục nhã suốt đời cho những tên bán nước. Đến đây lá bài chính trị của Hốt Tất Liệt biến thành mây khói.

A Bát Xích từ Thăng Long đến Vạn Kiếp, từ Vạn Kiếp lên Nội Bàng thì được tin đoàn của Trần Ích Tắc bị đánh đã chạy về Tư Minh, Thiên Hộ Tiêu và gần 5.000 quân hộ tống tử trận. A bát Xích quay lại Thăng Long báo tin với Thoát Hoan. Thoát Hoan ngao ngán nói:

-Vậy là lá bài chính trị của phụ hoàng đã thất bại.

Lại có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có Bạt Đô Ô Mã Nhi vào gặp.

-Cho vào.

Ô Mã Nhi bước vào, Thoát Hoan hỏi ngay:

-Vua Trần và Trần Hưng Đạo ở đâu?

-Dạ bẩm chủ soái, mạt tướng đã cho thủy binh tìm khắp Khoái Châu, Thiên Trường, Long Hưng, Trường Yên mà không thấy tăm hơi của triều đình nhà Trần và quân chủ lực Đại Việt. Mạt tướng tức giận đã cho đào mộ và phá tan hoang lăng tẩm của nhà Trần ở Long Hưng nhưng không thấy thi hài của Trần Thái Tông.

Thế có thu được lương thực không?

-Dạ, lương thực có lẽ dân Việt đốt và dấu hết, mạt tướng không tìm được thạch nào.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-20-a9203.html