Theo đề nghị của đồng đội, cựu chiến binh Thân Bá Chi đã chia sẻ: “ Anh sinh năm 1952 tại thôn Chùa, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, nhập ngũ cuối năm 1970, học lái xe ở trường xe 255 Sơn Tây; năm 1971 vào chiến trường B3, được biên chế vào đại đội 1 tiểu đoàn 58 xe vận tải, binh trạm 37 thuộc sư đoàn 470 đoàn 559; Binh trạm có vị trí đặc biệt quan trọng nằm ở ngã ba Đông Dương, có nhiệm vụ đánh địch mở đường vận chuyển hang hóa cho chiến trường B2 và B3”.
Theo CCB Thân Bá Chi: “Thời gian này tại đây, địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá ngăn chặn vô cùng ác liệt như: phun thuốc Đi ô xin (thuốc diệt cỏ) làm rụng lá cây, dùng B52 đánh phá hủy diệt. Tại các trọng điểm, suốt ngày máy bay 0V10 hoạt động chỉ điểm cho máy bay phản lực đánh phá; ban đêm, chúng dùng máy bay AC130 có gắn tia hồng ngoại bay cầm canh bắn phá xe của ta; chúng đã gây cho chúng ta thiệt hại nhiều về người và hàng hóa”.
Nguyên Trung tá Đoàn Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hội TT Trường Sơn Sư đoàn 470 toàn quốc kể lại: “ Đầu năm 1972, để phục vụ cho chiến trường đánh lớn, Thân Bá Chi đã được giao nhiệm vụ cùng đơn vị vận chuyển hàng hóa, vũ khí của sư đoàn 470 hết sức nặng nề. Sư đoàn đã phát động chiến dịch tổng công kích vận chuyển hàng hóa cho chiến trường từ lái xe, công binh, pháo binh, kho hàng... toàn sư đoàn bước vào chiến dịch. Tiểu đoàn xe 58 có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí lên B3 Tây Nguyên, vào kho R1 Binh trạm 50 đóng trên đất Căm pu chia. Cung đường chạy 2 ngày 2 đêm một chuyến xe, lúc này xe chạy nhiều lần bị vùi dập trong vòng đánh phá của máy bay B52, máy bay 0V10 chỉ điểm cho máy bay phản lực đuổi đánh khi chạy xe ban ngày. Có nhiều chuyến chạy đêm, Thân Bá Chi đã bị máy bay AC130 phát hiện đuổi bắn, nhưng chưa lần nào anh để cháy hàng cháy xe. Trong chiến dịch, Thân Bá Chi liên tục lái xe vượt cung, tăng chuyến. Cung đường đơn vị chạy 2 ngày 2 đêm/1 chuyến, anh rút xuống chạy một ngày một đêm/1 chuyến, rồi 2 ngày 3 chuyến và tăng lên một ngày 2 chuyến”.
Kết thúc tháng tổng công kích vận chuyển tháng 4/1972, Thân Bá Chi đã chạy được 31 chuyến hàng, đạt thành tích vận chuyển cao nhất của sư đoàn, Thân Bá Chi được phong tặng danh hiệu dũng sỹ cấp ưu tú và được nhà nước tặng thưởng huận chương chiến công hạng hai. Kết thúc chiến dịch vận chuyển đông xuân năm 1971- 1972 của sư đoàn 470, Thân Bá Chi được tặng danh hiệu dũng sỹ quyết thắng và được nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba.
Khi trò chuyện với Đồng chí Nguyễn Xuân Hưởng, Chủ tich Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh huyện Việt Yên về những thành tích mà Thân Bá Chi đã được ghi nhận, đồng chí cho biết thêm: “ Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa ri được ký kết, Thân Bá Chi được điều động vào lái xe cho Ban liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên giám sát các bên ngừng bắn thực hiện hiệp định Pa ri. Tháng 10-1974 Thân Bá Chi được điều động về Bộ chỉ huy quân sự miền (B2), Thân Bá Chi vinh dự được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài gòn 30/4-1975”.
Chiến tranh kết thúc, Thân Bá Chi ra quân thi đỗ vào trường Đại học kinh tế kế hoạch, sau ra công tác đến tháng 10-2013 nghỉ hưu theo chế độ. Tại Đại hội lần thứ nhất Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ (2012-2016), Thân Bá Chi được bầu vào Ban chấp hành, giữ chức vụ Phó chủ tịch Tỉnh Hội. Tại Đại hội nhiệm kỳ II, Hội Trường Sơn tỉnh Bắc Giang, Thân Bá Chi được Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Tỉnh Hội. Tại Đại hội Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam lần thứ II ( 2017-2021) Thân Bá Chi được Đại hội bầu vào Ủy viên Ban Chấp Hành Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Hình ảnh người lính năm xưa và những kỷ niệm đẹp đã để lại một thời quân ngũ của CCB Thân Bá Chi, gợi nhớ cho những CCB chúng ta hôm nay về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ cả nước đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường góp phần để đất nước có ngày độc lập, tự do.
Kỷ niệm 50 năm, tuổi 20 trên Trường Sơn của CCB Thân Bá Chi là một ký ức đẹp của người chiến sĩ, sự cống hiến và những thành tích đã đạt được là tấm gương để lớp trẻ noi gương.
Vũ Hoàng Thương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-giang-ky-niem-50-nam-tuoi-20-tren-truong-son-cua-nguoi-chien-si-a9517.html