Kể thêm về Liệt sỹ

Lớn lên trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, tôi có 14 năm tham gia quân đội. Trong đó có 8 năm an điều dưỡng ở các trạm trại quân y. Còn 6 năm tôi cùng đồng đội liên tục chiến đấu ở các chiến trường Quân khu 4 và Lào.

Tôi bị thương 7 lần, các lần đều có giấy (chứng nhận bị thương), có lần rất nặng, đồng đội tưởng như tôi không sống nữa.Thế mà tôi lại thở, rồi trở về vị trí chiến đấu của mình. Đại đội tôi được Đảng, Nhà nước tuyên dương tập thế Anh hùng LLVT nhân dân ngày 01/10/1971. Vì tham gia chiến đấu với quân thù nhiều trận, thắng lợi dòn giã, lập công liên tục, những cũng có những trận đánh đầy hy sinh tổn thất. Tôi may mắn sống sót với thương tật mất sức 81% và được sống đến ngày nay, có hạnh phúc gia đình, có vợ hiền đảm đang, có con ngoan, hiếu thảo, sống trong độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi không công thần, đòi hỏi chỉ luôn nhớ và biết ơn những đồng đội bên tôi đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì thống nhất đất nước.

liet-si-1642120713.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

 Nay tôi xin được kể vài dòng về sự hy sinh vô bờ bến của các liệt sỹ mà tôi được chứng kiến, mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Kính mong các bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng những thân nhân của các liệt sỹ miễn thứ, những gì khiếm khuyết mà từ trước tới nay, tôi chưa dám kể, hoặc báo chí cũng chỉ nói chung chung, các liệt sỹ đã mang niềm vinh quang cho đất nước, mãi mãi trường tồn và cũng là niềm đau thương vô hạn của tôi với đồng đội, của các thân nhân liệt sỹ, của các tình cảm máu thịt và tôi cùng nghĩ rằng: Chiến tranh yêu nước là thế...!

 Những ngày mới vào quân ngũ (1966). Sau vài tháng huấn luyện tôi được bổ sung về C2, D9, E90 của F324. Với nhiệm vụ “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Mỗi lần vượt sông Bến Hải, nếu là ban ngày - (Đoạn Bến Tắt, Bến Than, Bến Cẩm Sơn...) tôi đã từng thấy những xác người nằm rải rác bên mép sông mà tôi cho đó là thi hài của các liệt sĩ bởi họ mặc những bộ quần áo, giày dép, mũ mão thân quen. Vào sâu hơn phía Nam sông Bến Hải cũng ở các hẻm núi, khe suối thỉnh thoảng lại gặp những thi hài như vậy. Nhưng không có nhiệm vụ gì với họ ngoài sự chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, là tiến công kẻ thù ở phía trước. Cũng có lúc đơn vị cũng tổn thất. Tôi cũng được phân công cùng anh em đưa thương binh liệt sỹ, ra bờ bắc Sông Bến Hải. Giao cho đơn vị tiếp nhận, phần lớn các thi hài liệt sỹ của đơn vị tôi hy sinh ở vùng Gio Linh, Cam Lộ nhất là khu vực xã Gio An, đều được chôn cất ở cao điểm 45, phía Bắc Bến Than vào ban đêm vội vã, không có hương khói gì, không chôn cất ban ngày là vì máy bay L19 luôn luôn đi lại hoặc đồn Cồn Tiên và Dốc Miếu quan sát thấy, chúng sẽ cho pháo hoặc các loại máy bay đến oanh tạc ngay. Có lần từ đồi Đá Đen, phía Tây Nam đồn Cồn Tiên, có Trung đội đơn vị bạn bị chúng tập kích, hy sinh cả 12 người. Đơn vị tôi được lệnh đưa 12 liệt sỹ này ra chôn khi cả 12 thi hài đã trướng phình do mưa nắng. Hình như các thi hài bắt đầu phân hủy thiếu khí Hydro nên người khiêng thấy rất nặng, phải chui dưới những rừng cây gai lúp xúp ngang đầu người, trong đêm tối, đầy mưa gió, gai góc chọc thủng lóp ni long và vải bọc ngoài. Người khiêng đi sau quệt đầy nước nhờn của liệt sỹ thấm vào người, một mùi vị chúng tôi suốt đời không thể nào quên!

 Về mùa nước lũ, sông Bến Hải đầu nguồn chảy ầm ào, đưa liệt sỹ qua sông chúng tôi phải dùng dây song hoặc dây thép, dây võng buộc vào 2 cây đôi bờ rồi làm ròng rọc kéo liệt sỹ sang phía Bắc. Có lần giây bị đứt do nước chảy quá mạnh cuốn trôi cả liệt sỹ. Có lần đang khiêng liệt sỹ, dọc đường chúng tôi bị phục kích

bằng thám báo, bằng bom pháo, đạn cối, đạn thẳng từ Cồn Tiên bắn ra. Bản thân đã đói khát, mệt mỏi...đưa được 1 liệt sỹ đến nơi quy định, chúng tôi có khi còn bị hy sinh hoặc bị thương vài người nữa.

 Cuối năm 1967, chúng tôi được lệnh "Hy sinh ở đâu trên đất Tổ quốc thì chôn cất ở đó”. Nhưng bom đạn lại đào bới kể cả cao điểm 45 nơi nhiều mồ liệt sỹ nhất. Ở bờ Nam kẻ địch, còn tàn bạo, dùng bộc phá đánh tan những nấm mồ mới chôn.

 Lợi dụng những khó khăn trong việc giải quyết liệt sỹ của ta. Kẻ thù lại dùng các đài phát thanh như Đài cờ đỏ, Đài tự do, Hoa Kỳ, Sài Gòn...và cả đài BBC nữa, ngày đêm ra rả tuyên truyền, cố ý nói xấu nhằm lay động ý chí vì miền Nam ruột thịt, của cả nước và cán bộ chiến sỹ rằng: (Việt Cộng bỏ lại nhiều thi hài trên chiến địa) còn Việt Nam cộng hòa và lực lượng đồng minh thì không. Truyền đơn chúng rải khắp núi rừng làng mạc Quảng Trị.

 Cũng cuối năm 1967 mặt trận Trị Thiên đã tập kích mạnh bằng nhiều thứ hỏa lực vào một đơn vị lính thủy đánh bộ, khi biết chúng đã co cúm ở một điểm phía Tây Cồn Tiên, chúng trở tay không kịp, đã bỏ lại khoảng 30 xác giặc. Trời Quảng Trị mùa này mưa trút ào ào rồi đột ngột nắng bỏng, rồi lại mưa, lại nắng, các xác giặc phồng to lên như xác trâu bò rồi dẹp xuống. Ký sinh trùng ruồi, muỗi bâu bám đầy. Quân nhân Mỹ từng tích cực lấy xác đồng bọn để được khen thưởng về nước sớm hơn hạn quân dịch. Bởi vậy, chúng rất liều. Trong đơn vị có dũng sĩ còn cài lựu đạn vào những tên giặc đã chết bởi ý chí căm thù và lòng thi đua giết giặc lập công.

 Lần ấy, chúng tôi được phân công lên chốt giữ xác, quyết không cho kẻ thù khoác lác. Hình như chúng biết ý, nên không giám liều mạng nữa. Chúng tôi sống giữa những xác chết gần nửa tháng chẳng thấy ma, không có bom đạn gì, chỉ chịu sự hôi thối và căng thẳng chờ địch. Khi đài Giải phóng phát đi bản tin: “quân đội Mỹ cùng lực lượng đồng minh và quân lực Việt Nam cộng hoà đang bỏ lại hàng loạt thi hài trên chiến địa. Lúc ấy, chúng tôi mới được rút, để chúng thu hồi

 Cuối 1967, đơn vị tôi nhường địa bàn Gio Linh - Cam Lộ cho đơn vị bạn để tiến sâu hơn. Đến sông Mỹ Chánh, trong một trận đánh ác liệt, tôi bị  gãy tay phải ra Bắc điều trị. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Tôi được quân lực của quân chủng phòng không không quân, thấy tôi còn trẻ, có Đoàn, Đảng nên nhận tôi về làm pháo thủ của C1O, D15, E284, F367(cao xạ). Tôi lại được huấn luyện gấp rút (với vũ khí mới) và chiến đấu ngay. Chưa đầy một tuần tôi đã cùng đơn vị bắn rơi tại chỗ một con ma Mỹ (F4H) ở ngã 3 Thụ Lộc - Quảng Bình. Quân dân đã bắt sống được giặc lái.Để bảo vệ vững chắc tuyến đường Trường Sơn. Nhiều trận đánh thắng lợi và có tổn thất đau thương. Khi đánh trả địch ở miền Bắc. Ở địa bàn Quân khu 4 như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mỗi lần tên lửa hoặc bom của địch vào trận địa, có đồng đội ngã xuống, phương tiện tổn thất. Chúng tôi bắn 3 phát súng báo hiệu có nguy hiểm, khắc được dân quân, bộ đội đơn vị bạn, thanh niên xung phong... theo hợp đồng đến hỗ trợ giúp đỡ động viên giải quyết khó khăn. Nhưng đến chiến trường B và C thì phần này bị hạn chế. Ở trận địa K2 Khăm Muộn - Lào, có con đường 12 nằm giữa một bên là những đỉnh lèn đồ sộ cao vút, một bên là dãy núi Phù Ác dài sừng sững đầy rừng già. Máy bay A6A bay ngang cắt bom toạ độ về âm thanh của máy bay bị địa hình cản trở, người chỉ huy nghe không chính xác. Vào một tối, đơn vị bạn đang họp Chi đoàn trên mâm pháo. Một quả bom rơi đúng công sự 12 đồng đội hy sinh, pháo hỏng. Mờ sáng hôm sau, đơn vị tổ chức tìm kiếm đồng đội, chỉ nhặt được chừng 3 bao xác rắn thịt có đầu, có tay, có chân màu khói đen trộn máu chia thành 12 suất, bỏ vào 12 quan tài xác định ghi tên các liệt sĩ rồi đưa về biên giới chôn cất. Nhưng chỗ Bãi Dinh này còn tiếp tục những năm tháng đầy bom đạn đào bới, mưa lũ hàng năm lại tràn ngập xô đẩy xói mòn. Vì vậy, ngày nay tìm hài cốt họ ở đó là không có được.

 Giữa năm 1966 anh em có sáng kiến khâu tên vào túi áo, sau đó lại đục những miếng sắt tây nhỏ khắc tên mình bỏ vào túi áo để khi lâm nguy người khác có thể biết được là ai. Nhưng bom na pan thì áo cũng chẳng còn, mà miếng sắt tây cũng khó có thời gian làm, còn viết giấy, bỏ vào lọ pênixilin để chôn theo liệt sĩ là sau (1968) mói xuất hiện. Mà có lọ đâu để (viết và bỏ) khi tình huống xẩy ra một lúc, nhiều, phức tạp ...

Đầu 1972 tôi lại được trở vào Quảng Trị. Lúc này tôi đã là chỉ huy phó của một Đại đội pháo phòng không khi thừa thắng tấn công giặc đến cầu Dài, trên đường 1. Tôi cũng thấy rất nhiều xác chết của lính, không có ai phân ra của ta hay của địch nữa, chiếc cầu Lai Phước bị sập lơ lửng trên mặt nước, số xác lính phía đầu sông trôi về bị vướng thành cầu cản lại, bộ đội thì vội vàng tiến công. Đám xác nổi lên cũng chẳng biết của phía địch hay của ta.

Cuối tháng 6/1972 khi chúng tôi kéo pháo đến ngã 3 Long Hưng, cách Thành cổ Quảng Trị chừng 700m về phía đường 1, Đại đội cao xạ chúng tôi đang bí mật phục kích địch đổ bộ đường không nhằm chi viện hỗ trợ cho bộ binh giữ vững Thành cổ. Nhưng kẻ thù không dùng máy bay thấp . Mà chúng chỉ dụng B52 kết hợp pháo biển công kích rồi cho bộ binh của chúng bắc cầu vượt sông Mỹ Chánh ào ạt tiến ra theo đường 1. Buộc chúng tôi phải kích chân pháo phòng không, hạ nòng bắn chặn bộ binh địch hai cơ số đạn không còn, nòng pháo nóng đỏ lên, bộ binh địch lợi dụng góc chết của pháo, liều chết tiến vào. Được lệnh của cấp trên, chúng tôi đốt xe, tháo khóa nòng pháo rồi cho bộ đội rút về Ái Tử. Kiểm điểm lại, chúng tôi bị thất lạc một chiến sỹ tên Nhập - quê Bắc Giang cho đến ngày nay gọi là mất tích. Đang nhận pháo mới ở cao điểm 88 để tiếp tục trở lại tấn công kẻ thù thì bom B52 rải trúng đội hình đơn vị, tôi bị thương nặng, 2 chiến sỹ bên tôi hy sinh tại chỗ. Khi vào viện cấp cứu, tôi vẫn cố ghi vài dòng nhật ký. Chính nhờ vài dòng ấy, sau này tôi đã trở lại thăm chiến trường xưa, cùng đồng bào, đồng chí và thân nhân liệt sỹ tìm được 6 bộ hài cốt của đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Vừa qua,  tôi nghe tin rộ lên, có nhiều trung tâm tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm, tôi không hiểu: Chỉ có ngồi tại chỗ rồi chỉ cho thân nhân vào Tây Ninh đào bới, tìm kiếm mà liệt sỹ thì hy sinh ở Quảng Trị, không hiểu biết được khi hy sinh có còn xương thịt hay không? Quả là nhũng sự khó hiểu làm đau khổ thêm các gia đình liệt sỹ.

Qua bài viết này, tôi rất mong các CCB, là đồng đội đã từng mắt thấy tai nghe nhớ lại với tình cảm thiêng liêng các đồng đội đã từng (nếm mật nằm gai, chia ngọt sẽ bùi, máu trộn nước mắt) giúp các thân nhân tìm được hài cốt. Cũng rất mong các gia đình liệt sỹ, hãy bình tình, cân nhắc, xác định chính xác qua kỹ thuật ADN mới thực hiện đưa liệt sỹ về với quê hương, họ tộc và cũng cần biết rằng: Có một số liệt sỹ hy sinh không còn hài cốt như tôi đã kể trên.

Khi còn chiến đấu, chúng tôi đã thề “Quyết không đội trời chung với giặc Mỹ xâm lược”, nay (Mỹ cũng đã cút, Ngụy cũng đã nhào), nghe theo Đảng của Bác Hồ, chúng ta phải khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nữa thế kỷ đã trôi qua, những vết thương đau nhức thì chúng tôi, những thương binh phải gánh chịu. Chất độc Đi ô xin vẫn còn ngấm sâu vào da thịt của đất nước, còn các liệt sỹ thì mãi mãi không về.

Theo Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/ke-them-ve-liet-sy-a9768.html