Quán nhỏ ven đường

Thế Thanh

23/06/2022 11:02

Theo dõi trên

Hồi tôi còn mới học cấp một khoảng đầu năm chín mươi, cuộc sống vùng quê tôi nghèo lắm. Gọi là xơ xác như mấy mớ rau tạp tàng. Đi thì đi bộ vài ba cây số, mà cái nắng miền trung như thiêu như đốt, ai bảo bình minh đẹp chứ tôi chỉ thấy toát mồ hôi hột.

quan-nho-1655956878.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Qua quán nhỏ ven đường gần trường học, thấy vài ba đứa chúm chụm mua bánh kẹo nhai tóp tép. Giờ nghĩ lại cũng thấy biết bao nhiêu kỉ niệm đã trở thành nơi để nhớ về cho những cánh chim trời bay xa.

Quán đó của chú Long, mà cũng chẳng biết là chú hay là cô vì nhìn giống con gái hơn. Thôi kệ cái đó. Cái mà tôi thèm nhất mỗi lần đi qua quán chú, cái bánh dẻo, ngoài bột trắng giữa bột đậu xanh dẻo quạnh, ăn ngon đến ngây dại. Rồi tới bánh khảo, oản, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi… nhiều lắm. Nhìn mê ơi là mê. Mấy ông anh cấp hai thì:

- Chú Long bán cháu gói thuốc ĐIỆN BIÊN.

Anh khác thì:

- Cháu 12-6 nữa nhé!

Chú Long vừa bán vừa lắc đầu:

Ba tuổi ranh mà thuốc với chả thang, bố mẹ mày thấy đập cho nhừ người.

- Kệ cháu đi, bán nhanh có muộn học.

Mấy ông con trời ấy cầm nhanh phóng gấp. Cuộc sống nơi làng quê bình dị và rất êm đềm. Nào là dòng sông xanh biếc, bơi lội hăng say. Chợ thì đúng là mùi xa ngái ấy nghĩ lại là chảy nước miếng. Bánh xèo, bánh cục… ngon tận đỉnh.

Hồi đó có cái kẹo kéo, vừa dai vừa dài vừa ngọt. Được bố mẹ cho ít đồng là mua cái đó nhai bỏm bẻm, nhúm bạn vừa ăn, vừa nô đùa nghịch ngợm. Vang khắp thôn làng. Nhà ai không có gà gáy sáng ngủ quên, có chúng tôi gọi không lo, không khác gì đồng hồ báo thức cười nói inh ỏi. Đi học sớm lắm, toàn rủ nhau mua mấy thứ linh tinh. Mà học thì chỉ ngắm mây bay gió thổi, bởi nghèo ăn không đủ no nên đói réo ruột gan.

Cái năm mì tôm gói giấy, hồi đó mua được gói thì không khác gì bây giờ mua cân thịt bò. Hãm nước sôi cũng ngon, thơm đến vẹo cả cổ vì ngó xem nhà nào nấu. Mà ăn sống là tuyệt hảo, gói gia vị chấm thì có phải nhấm nháp cả ngày. Có đứa không có nhìn nuốt nước miếng ừng ực. Vui lắm, giờ vẫn còn thèm mà tìm không thấy, cái mùi vị đó cứ quẩn quanh lơi là nơi đầu mũi.

Quán nhỏ đó tụm năm tụm ba nói chuyện lúc tan học về:

- Này , mai anh em đi bắt cua ốc hay đi tát vũng không

- Có chứ

- Đi mà kiếm cái bỏ vào miệng tuần sau

Mấy ông cứ om xòm. Chú Long nhắc ngay:

- Mấy thằng ăn chịu xở mà trả tiền đi.

- Gớm mới được mấy tuần mà chú lại hỏi.

Anh Huy đội trưởng đội ăn vặt nhanh nhảu trả lời

Chú lắc đầu:

- Mấy ông tướng, mai có được con cá chuối nào mang chú con rồi chú trừ cho.

- À cá rô, chạch cũng được. Bận không đi chợ mua gì ăn đang thèm mấy thứ đó.

Nhóm nhao nhao:

- Vâng, thưa đại ca.

Đúng là tếu táo. Cười nói ầm làng, khắp cả bốn phương.

Ngày cũ đã qua, nhiều lúc nghĩ sao hồi đó nhỏ mà lại hút thuốc thì thật là nguy hiểm nhưng vùng quê nghèo mà ở quê bố mẹ bận bịu đồng áng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nên không hay để ý được. Rồi những lần lấy tiền của bố mẹ đi ăn quà, những trận roi đau. Có lẽ vì thế sau này lớn có nhận thức tốt, thấy ai cũng có cuộc sống tốt lành.

Bây giờ quán lá ven đường không còn, do cơ chế thị trường. Siêu thị hàng quán nhiều không đếm xuể. Quán lớn quán bé mọc lên như nấm. Chú Long cũng tuổi cao, không có gia đình sống một mình trong căn nhà cũ của bố mẹ. Ngày ngày đi bán rau ở chợ kiếm sống qua ngày.

Cuộc sống đôi khi có những kỉ niệm, những trò vụng dại, đã in sâu trong trái tim của chúng tôi. Năm tháng sau này dù quá khứ đã lùi xa. Vẫn nhớ về những ngày tháng tươi vui ấy. Để nhắc nhở về một miền quê, quán nhỏ ven đường, những khuôn mặt thân quen. Không dễ gì để có thể tìm lại nụ cười hồn nhiên.

Dòng đời thì cứ trôi, con người thì càng ngày càng già đi, suy nghĩ cũng đầy nếp nhăn. Không biết có ai còn thời gian nhớ về quán nhỏ đấy không. Có thể nơi đó không phải là cánh đồng thơ mộng, là trường học thân yêu. Nhưng cũng không thể quên trong tâm trí suốt cuộc đời của mình như dòng sông quê lúc xanh lúc đục vậy.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Quán nhỏ ven đường" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn