Sáng danh bộ đội cụ Hồ (Kỳ 1)

Hà Minh Sơn (Ghi theo lời kể của CCB Đặng Xuân Kim)

23/10/2022 09:15

Theo dõi trên

Đó là CCB Đại uý Đặng Xuân Kim, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 881 Sư đoàn 314 Quân khu II.

CCB này từng chỉ huy Tiểu đoàn chiến đấu phòng ngự trong những năm tháng ác liệt nhất của Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên, chống xâm lấn biên giới phía Bắc, tại Đồi Đài, Đá Pháp, Cô Ích, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (Nay là Hà Giang) (năm 1985-1986). Khi dời quân ngũ, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 728 Sư đoàn 314 Quân khu II.

dvh2ab2-1666491013.jpg
Ảnh của Đặng Xuân Kim do tác giả cung cấp.

 

Đặng Xuân Kim sinh năm 1958, trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, xã Đức Tân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; hiện cư trú tại xã Hoà Hội, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cha mẹ anh sinh ra được 8 người con, anh là con thứ hai. Năm 1974, khi học xong lớp 7/10 phổ thông, anh phải nghỉ học để giúp đỡ cha mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học, vì anh trai cả lúc này đã nhập ngũ. Đến năm 1976, khi vừa 18 tuổi, anh hăng hái lên đường nhập ngũ, mặc dù gia đình anh cũng rất khó khăn, nhưng cha mẹ vẫn đồng ý để anh lên đường tòng quân.

Anh nhập ngũ ngày 20/8/1976, vào đơn vị thuộc Sư đoàn 334- Đoàn Kinh tế Quốc phòng, đóng quân ở Bắc Bình, Thuận Hải (Nay là Bình Thuận) và Đắc Tô, Kon Tum. Trong thời gian ở đây, anh đã đảm nhận chức Tiểu đội trưởng và Trung đội phó.

Ngày 25/11/1978, Sư đoàn 334 hành quân ra Bắc, đóng quân ở Than Uyên, Hoàng Liên Sơn cũ (Nay là tỉnh Lai Châu) và ở Phong Thổ Lai Châu làm nhiệm vụ mở đường 279. Lúc này, anh được bổ nhiệm chức Trung đội trưởng.

Ngày 17/2/1979, khi biên giới phía Bắc bị xâm chiếm, đơn vị của anh được phối thuộc cho Sư đoàn 316 thay chốt cho Trung đoàn 174 chiến đấu phòng ngự ở đỉnh Ra Pha, Lai Châu.

Ngày 10/3/1979, Sư đoàn 314 được thành lập tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Hoàng Liên Sơn (Nay là tỉnh Yên Bái). Đặng Xuân Kim cùng với nhiều đồng chí khác của Sư đoàn 334 về biên chế vào đội hình Sư đoàn 314 trực thuộc Quân khu 2. Thời gian này, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 20/8/1979, đảm nhận chức Đại đội phó, Đại đội 5 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 728 Sư đoàn 314 Quân khu 2; Năm 1981, anh được cử đi học lớp Bổ túc cán bộ sơ cấp tại Trường Quân chính Quân khu 2.

Tháng 6/1982, anh đảm nhận chức Đại đội trưởng Đại đội 5, rồi Đại đội trưởng đại đội 11, được phong quân hàm Thiếu uý, rồi Trung uý.

Tháng 7/1982, anh được bổ nhiệm giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 728 Sư đoàn 314; tháng 12/1982, anh được phong quân hàm Thượng uý (Từ Trung uý lên Thượng uý chỉ có 6 tháng).

Năm 1983, Đặng Xuân Kim được cử đi học lớp Bổ túc cán bộ Trung cấp Quân sự tại Trường Quân chính Quân khu 2, sau đó về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 881 Sư đoàn 314 từ tháng 2/1984 đến tháng 6/1986. Cũng trong thời gian này, chiến sự tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) nóng bỏng lên từng ngày. Từ ngày 02/4/1984, chúng dùng hoả lực pháo cối, bắn phá ác liệt cả ngày đêm sang trận địa phòng ngự của Sư đoàn 313 trên tuyến 1 và sâu vào đất ta tại huyện Vị Xuyên và trận địa của Tiểu đoàn 3 huyện đội Yên Minh ở Núi Bạc, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên. Từ 28/4/1984, đến ngày 15/5/1984, quân địch đã dùng lực lượng cấp, trung đoàn, sư đoàn có pháo binh chi viện mạnh đánh chiếm và chốt giữ trái phép 29 điểm trên đất ta ở Vị Xuyên (Vào sâu đất ta từ 2-3km) và Núi Bạc, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Tuyên.

Đầu tháng 4/1985, Trung đoàn 881 được lệnh cơ động chiến đấu trên hướng Vị Xuyên, Hà Tuyên. Sau khi đến xã Phương Độ đóng quân, đơn vị tổ chức huấn luyện bổ sung về chiến đấu tiến công và phòng ngự trên địa hình rừng núi; đồng thời tổ chức cho cán bộ Tiểu đoàn và Đại đội đi trinh sát nắm địa hình, tình hình địch, tình hình các trận địa phòng ngự của ta trên hướng Thanh Thuỷ, Vị Xuyên.

Ngày 25/8/1985, Trung đoàn 881 được lệnh phối thuộc cho Sư đoàn 313 đảm thay phiên cho Trung đoàn 567 (Phiên hiệu là e982 f313).

Tiểu đoàn 6 được Trung đoàn giao nhiệm vụ phòng ngự trên hướng chủ yếu tại Đồi Đài, Đá Pháp, Cô Ích (Tây sông Lô). Trong 3 đêm 28, 29 và 30/8/1985, Tiểu đoàn đã lần lượt đưa bộ đội vào thay phiên cho 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 567 an toàn tuyệt đối. Bố trí đội hình như sau:

- Tại hướng chủ yếu: Đồi Đài, có Đại đội 10, do đồng chí Vũ Văn Nghệ, làm Đại đội trưởng, đồng chí Ngô Đình Toạ, làm Đại đội phó – Chính trị; đi đốc chiến có đồng chí Nguyễn Văn Dân- Tiểu đoàn phó quân sự chỉ huy trực tiếp.

- Tại đồi Cô Ích: có Đại đội 11 phòng ngự, do đồng chí Trần Đình Thành làm Đại đội trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Hưng làm Đại đội phó – Chính trị chỉ huy.

- Tại đồi Đá Pháp có Đại đội 9 phòng ngự do đồng chí Nguyễn Bá Hiệp làm Đại đội trưởng; đồng chí Nguyễn Hoài Linh làm Đại đội phó - Chính trị chỉ huy.

- Đại đội 12 cối 82ly/4khẩu do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn làm Đại đội trưởng; đồng chí Tạ Đình Toàn làm Đại đội phó - Chính trị, chỉ huy, bố trí trận địa bên hướng Pa Hán.

- Trung đội súng máy 12ly7/2khẩu, do đồng chí Nguyễn Văn Vương, Trung đội trưởng chỉ huy, bố trí trận địa bên hướng Pa Hán, cách trận địa cối 82/c12 khoảng 250m;

- Trung đội DKZ82ly/2khẩu do đồng chí Bùi Văn Dòn làm Trung đội trưởng bố trí ở Bốt Pháp, đầu cầu Thanh Thuỷ;

Các Trung đội Trinh sát, Thông tin, Vận tải bảo đảm cho Tiểu đoàn chỉ huy chiến đấu.

-Vị trí chỉ huy Tiểu đoàn ở Đá Pháp 2, do đồng chí Đặng Xuân Kim làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỳnh Đen) làm Tiểu đoàn phó – Chính trị chỉ huy. Còn bộ phận hậu cần đặt tại Hang Dơi, do đồng chí Nguyễn Quốc Lịch, Bí thư chi bộ cơ quan Tiểu đoàn bộ phụ trách, cùng đồng chí Phạm Ngọc Châu- Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn đi đốc chiến trực tiếp Tiểu đoàn 6. Bảo đảm cơ số đạn bắn thẳng từ 15-20 ngày chiến đấu liên tục, lựu đạn mỗi chiến sĩ trên chốt có từ 40-50 quả; đạn cối 82 phải đánh được từ 5-10 ngày liên tục. Riêng bảo đảm ăn uống cho bộ đội trong chốt là phức tạp và khó khăn nhất.

Tiểu đoàn bảo đảm thông tin bằng 3 phương tiện đến các Đại đội và với sở chỉ huy Trung đoàn.

Trong 3 đêm từ 31/8, 1 và 2/9/1985, tình hình địch hoạt động hoả lực khá ít, chủ yếu là bắn sâu nội địa và bên hướng Đông sông Lô. Thấy hiện tượng lạ và phía trước tiền duyên có nhiều tiếng động phát ra, Tiểu đoàn đã đề nghị Trung đoàn và Sư đoàn 313 cho bắn pháo cối trước tiền duyên và kéo dài sâu về phía sau địch đề phòng địch tấp kết quân chuẩn bị tấn công ta vào dịp ngày Quốc khánh 2/9.

6 giờ 30, sáng ngày 3/9/1985, bất ngờ quân địch dùng hoả lực pháo, cối đồng loạt bắn phá dồn dập, dữ dội vào các khu vực trận địa phòng ngự của ta trên toàn tuyến ở Bắc suối Thanh Thuỷ, bắn sâu cả vào 673, 812, Nà Cáy, làng Pinh và cả hướng Đông sông Lô. (Được Trung đoàn trưởng Nguyễn Nhớ thông báo như vậy và lệnh cho bộ đội ẩn nấp nhưng phải cảnh giác sẵn sáng đánh quân địch khi chúng tấn công vào trận địa).

Đến 8 giờ 30 phút, pháo binh địch chuyển làn, bộ binh chúng bắt đầu tấn công vào trận địa ta.

Trên hướng Đồi Đài, đồi Cô Ích, theo quốc lộ 2, lực lượng địch khảng 1 trung đoàn; chia thành 2 hướng: 1 hướng đánh vào khu vực Đồi Đài; 1 hướng đánh vào khu vực đồi Cô Ích. Mỗi hướng chúng lại chia thành 2 mũi tấn công, mỗi mũi khoảng 1 đại đội; mỗi đại đội chúng hình thành 3 thê đội dàn hàng ngang có kèn đồng làm hiệu lệnh tấn công. Tiểu đoàn trưởng Đặng Xuân Kim lệnh cho Đại đội 10 và 11 bình tĩnh, chờ địch vào tầm hiệu quả của hoả lực cối 60ly, B41, đại liên mới nổ súng; một mặt được sự chi viện kịp thời, rất hiệu quả của hoả lực cối 120 ly của Trung đoàn, cối 82 ly của 3 tiểu đoàn 4, 5,6, của đơn vị bạn và pháo binh của Sư đoàn 313 và Quân khu đánh chặn trước tiền duyên trận địa và kiềm chế pháo binh địch. Chờ cho bộ binh địch vào đúng tầm bắn, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch không cho chúng tiếp cận vào trận địa. Quân địch chết rất nhiều, kêu la inh ỏi rồi lui ra, tiếp tục gọi hoả lực pháo cối bắn vào trận địa ta. Sau đó, chúng lại tiếp tục tổ chức tấn công như những lần trước. đến tận 12 giờ trưa chúng mới tạm dừng. Lúc này, bộ đội ta mới được ăn cơm và sửa chữa lại công sự trận địa, bổ sung đạn dược trang bị, giải quyết thương binh, liệt sỹ đưa về hang Làng Lò và Hang Dơi để sơ cứu cho thương binh, sau đó vận tải của Trung đoàn vào vận chuyển về tuyến sau. Tiểu đoàn 6 đến lúc này: hy sinh 7 đồng chí; bị thương 21 đồng chí. Như vậy, Đại đội 10 ở Đồi Đài: hy sinh 4 đồng chí, bị thương 13 đồng chí, Đại đội 11 ở đồi Cô Ích: hy sinh 3 đồng chí, bị thương 8 đồng chí. Ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, l;àm bị thương trên 200 tên, bẻ gãy 3 đợt tấn công của địch. Ta giữ vững trận địa. Đây là trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 6 và của Trung đoàn 881 trên Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên, đạt hiệu suất chiến đấu cao, thương tổn thất thấp. Được chỉ huy sư đoàn 313, 314 và Bộ Tư lệnh Mặt trận tiền phương Quân khu 2 điện khen ngợi.

Sau đó, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng cho bộ đội củng cố công sự trận địa, bổ sung đạn dược vũ khí trang bị, chuẩn bị đánh địch tấn công tiếp vào buổi chiều cùng ngày.

14 giờ ngày 3/9/1985, địch bắt đầu bắn pháo, cối sang trận địa ta và sâu cả về phía sau và trên toàn tuyến từ tây sang đông sông Lô, trong đó có cả bắn pháo giấy truyền đơn. Sau 30 phút, pháo binh địch chuyển làn sâu về phía sau, bộ binh địch bắt đầu tổ chức đợt tấn công tiếp với nhiều bộc phá ống, bộc phá khối vẫn dùng kèn đồng làm hiệu lệnh tấn công, vẫn theo các mũi hướng như buổi sáng đánh vào khu vực Đồi Đài, đồi Cô Ích. Tiểu đoàn trưởng Đặng Xuân Kim ra lệnh cho Đại độ 10 và Đại đội 11 chờ địch vào tầm bắn hiệu quả mới nổ súng tiêu diệt địch trước tiền duyên trận địa, kiên quyết không để cho địch tiếp cận chiến hào tiền duyên. Bộ đội tiểu đoàn 6 chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường, cùng với sự chi viện đắc lực hiệu quả của hoả lực cấp trên, đánh tiêu diệt nhiều địch chết ngổn ngang trước trận địa, chúng kêu la ầm ĩ rồi bỏ cả ống bộc phá tháo chạy về phía sau. Lúc này, hoả lực địch lại bắn dữ dội vào các trận địa của ta với mục đích để chúng giải quyết hậu quả. Đạn pháo cối của chúng bắn rất nhiều loại, chúng còn bắn cả đạn truyền đơn khoe còn rất nhiều đạn để khủng bố tinh thần bộ đội ta. Sau đó chúng còn tổ chức thêm 2 lần tấn công nữa nhưng đều bị ta chặn đứng trước tiền duyên trận địa. Đến 17 giờ, địch không còn đủ sức tổ chức tấn công nữa, chúng đã rút lui để lại mùi thuốc súng khét nẹt và mùi tanh hôi nồng nặc.

(Còn tiếp)

Ngày, 22/10/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sáng danh bộ đội cụ Hồ (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn