Sau lưng thiên đường

Truyện ngắn của Đào Phạm Thùy Trang

02/12/2022 18:17

Theo dõi trên
sau-lung-thien-duong-1669979813.jpg
 

 

Ba mươi lăm tuổi mà trông hắn nhão nhè hơn đàn ông sáu mươi. Bụng to, mặt xề xệ bợt bạt vì nắng gió, lưng cong khuỳnh khuỳnh và đôi tay sần sần “Vì ngày nào cũng chạy trăm cây số”.

- Nhà một mẹ một con sao để bà già đi chi vậy?

- Chị không biết đó chứ… cảnh mẹ chồng nàng dâu khổ lắm…

- Mình đứng giữa, là người có “uy” nhất, sao để xảy ra “chiến tranh”?

- Ai mà biết… phải chi hồi đó bà già có hai, ba thằng con chắc không đến nỗi?

- Rồi giờ sao?

- Muốn chị chỉ cho đường nào đó rước bà già về.

- Cũng có cách, chỉ có điều sau đó anh có thể dung hòa mẹ và vợ không. Nếu để bả đi nữa thì tìm về làm gì?

- Chắc… không có chuyện đó nữa đâu chị.

Tôi biết ông chú hắn trước. Chả gì, ông là em kết nghĩa của ba tôi. Mãi năm mươi tuổi mới lấy vợ, nói rằng do làm ăn khó khăn quá. Nhà mười mấy anh em, làm ăn chưa có được nhà riêng thì sao dám lấy vợ. Mãi năm mươi thì cưới một bà bốn hai. Ngày cưới của ông ấy là niềm vui của cả xóm vì ông “mua trâu được nghé”. Cô dâu chết chồng, hai con đứa vào cấp hai, đứa đang cấp một. Ông không những có nhà riêng, còn có 4000 mét vuông đất trồng mì tưới. Năm một vụ mì, còn lại xen canh sả, ớt, bầu, bí. Ở với nhau bốn năm, bà vợ làm tròng làm tréo nói rằng không làm nông nổi, nắng cháy nám cả da mặt bả vừa lột. Thì bịt kín vào. Lại nắng đen người bả mới vừa tắm trắng. Ông làm công nhân lò mì, bà có nghề “cò con” là lám móng, lột mụn. Làm ngày nào lủm ngày đó, mớ đất này là để đẻ ra tiền cho con cái học hành, cho mấy cái giỗ quảy trong năm có chút ít mà “thủ” sẳn. Tui với bà con không dám có con chung nữa là… Thôi ông xã yêu ạ, thì mình bán đất cho em lấy vốn đầu tư vào ngành công nghiệp không khói là chắc ăn như bắp. Bà mở công ty du lịch à? Không… em làm chủ thảo hụi, cho tiền góp. Chồng à, mười ăn mười hai lận đó! Hụi của em toàn chơi với người uy tín cả. Dây nào cũng mười, hai mươi triệu/tháng. Anh thấy không, chỉ cần mỗi tháng “bẻ cò” một dây thôi là mình dư cơm dư cá.

Bùi tai, ông chú hắn bán liền miếng đất được hơn nửa tỉ đồng. Lận lưng chục triệu đi “rửa mắt” với bạn bè, còn bao nhiêu đưa vợ hết. Ai ngờ bả làm ăn kiểu gì mà có tám tháng đã bay mất bốn công đất! Bả khóc bù lu bù loa nói “già mà còn dại/sắp có cháu ngoại mà còn ngu” không có “máu mặt” làm sao trụ vững với nghề này. Thôi, xem như bắt đền cho ông vậy, mình cho tui đi hợp tác lao động nhé! Lương tháng hai mươi triệu, tui đi ba năm là nhà mình khá lên mấy hồi. Chừng đó ông mà vui, thì tui sẽ đi thêm ba năm nữa. Tiền gửi về cho ông sắm “con Mẹc” chạy xèn xẹt chơi mà ngẩng mặt với đời. Nhà nóc Thái ông nhé, phòng vợ chồng mình sắm luôn cái máy lạnh “ba ngựa” cho mát tận răng. Ông chú hắn không cho, nói bà sắp năm mươi rồi, đi làm cái gì nỗi mà đi? Tiền mất hết nhưng mình cũng còn công việc, ở đâu sống tốt bằng ở quê mình? Mà còn thế chân thế cẳng nữa, tiền đâu? Ông khỏi lo, công ty này tuyển người không cần thế chân, không giới hạn tuổi tác, dưới 60 tuổi là ô kê hết. Đất người ta là xứ thiêng đường mà, cái gì cũng tốt hết, chủ nhà tốt, dịch vụ y tế tốt, chế dộ lương thưởng tốt…Người tuyển dụng nói với tôi như vậy mà!

Ông chồng còn chần chừ, bà vợ đã nhanh tay nộp hồ sơ và đi mất. Trước khi đi còn nhắn chồng ráng chăm dùm hai đứa con, ba năm sau bà về sẽ “hậu tạ”.

Bà chị dâu đi chưa được bao lâu, chồng bà đang lùng sục tìm về thì cô em họ cũng đi mất. Mà không phải vì gia cảnh túng thiếu, mà vì “không chịu được con dâu nên đi cho bõ ghét”.

- Tôi là nhân viên tiếp thị mà chị. Ngày đi trăm cây số là chuyện thường. Bữa tôi đang bỏ hàng bên Bình Long thì bà già kêu về ký giấy cho bả đi. Tôi về, nhưng chần chừ nói tối rồi, mệt, không đọc rõ hồ sơ được nên sáng mai coi lại sẽ ký. Sáng mai, bà già chưa dậy, tôi đã đi mất, nói công việc gấp, chiều về tính. Là tôi trù trừ vậy để bả suy nghĩ lại. Ai ngờ bà già tôi “gân” lắm, nhờ người khác ký giả tên tôi rồi cầm hồ sơ đi luôn. Báo hại tôi phải mấy phen sặc gạch đi kiếm. Nghe chỗ nào có tuyển dụng lao động nước ngoài không thế chân là tôi tới, nhưng bóng người như bóng chim.

- Bà già anh đi bao lâu rồi?

- Mới trước tết tới giờ thôi, nhưng tuần trước điện về, bảo tôi làm sao “cứu” mẹ. Ở đó không phải thiên đường, tiên cảnh gì hết. Không có chuyện ngày làm tám tiếng, lương hai chục triệu đâu. Làm bất kể giờ giấc. Chỉ là giúp việc gia đình nhưng mười giờ tối vẫn chưa xong, sáng 4 giờ đã dậy làm. Lương tháng 6 triệu tiền Việt nhưng bốn tháng nay chưa lãnh đồng nào, bệnh thì tự mua thuốc, mà có biết tiếng người ta đâu mà tự đi bác sĩ. Khổ bất biết luôn!

- Mẹ anh bệnh nhiều lắm à?

- Cũng không nhiều, cao huyết áp, thấp khớp và hở vài cái van tim thôi! Giờ than chết than sống kêu tôi cứu về. Mẹ mình mà chị, có chết cũng chết ở quê hương mình, chứ nói thật là tôi cũng bực lắm. Lại còn con vợ tôi nữa, phen này về tôi “xử” hết. Tôi đi làm cực khổ không ai biết, ở nhà mẹ chồng nàng dâu rảnh quá ăn rồi sinh chuyện với nhau thôi!

Hắn về rồi, tự dưng tôi ước có một phép màu nào đó để chừng 1 tuần là mình “dốt đặc” 1-2 ngày, cho khỏi đọc báo, khỏi thấy chữ, khỏi nghe những gì trái tai, buồn bã của xã hội. Nào nông dân hết bị thương lái xứ ta o ép, tới bị thương lái xứ người dụ khị, phân bón giả, tiền mua thật, bán nông sản không bù công lao động… Ra đường hết gặp tai nạn giao thông thì thấy cảnh mấy tay choai choai đánh nhau vì tranh…trả tiền nhậu, vì giành “em út”. Ra bệnh viện huyện gặp cảnh ông già bà cả hết xí quách chen nhau ngồi thở hừ hừ chờ lãnh vài bụm thuốc để bị kẻ đáng tuổi con cháu mình gọi tên trông trổng. Hóa ra vì nạn “dịch vụ con ruột, bảo hiểm con ghẻ” mà ra cả. Đi chứng cái giấy tờ cho con cháu thì bị nạn quan liêu, bởi cái thời “kính thưa ô sin” đang lên giá. Phô tô cái này thiếu, cái kia dư, cái nọ chưa có bác nhá; tám mươi tuổi mất chứng minh thư đi làm lại thì bị cô gái tầm hơn hai mươi hỏi đon hỏi ren “Giấy khai sinh ông đâu? Không có thì khó làm lại căn cước công dân lắm à!”.

Về xóm trên nghe bà già chồng nọ bảy mươi sáu tuổi còn khó với con dâu mấy chục năm nay. Dù cô dâu này cũng đã lên chứ bà nội, bà ngoại nhưng hàng ngày vẫn phải đi chợ theo “thực đơn” của bà già chồng, tiền vợ chồng cô làm đều “nộp” hết cho bả. Hỏi sao cô giỏi chịu đựng vậy? Cứ bung bét ra coi ai cần ai cho biết? “Làm một trận” không gì khó cả, nhưng mẹ già sống được bao năm nữa? Cứ giữ nhà cửa yên ổn cho con cái được tiếng với đời mà vững vàng chỗ làm, mà giữ gìn hạnh phúc bé mọn của nó. Làm mẹ, phải hi sinh vì con, cháu ạ!

Xuống xóm dưới nghe cô con dâu mới hơn hai mươi mà quá quắt, mới cưới về mà đòi mẹ chồng phải sang tên hết nhà đất cho vợ chồng nó “để mai mốt mẹ chết rắc rối lắm’. Bà già chồng lên cơn cao huyết áp vì lời trù ẻo của con dâu. Bà bảo, nhà có một mẹ một con mà chưa gì nó đã vội chia tài sản. Rồi trên tivi hôm nay đưa tin con mẹ nọ vì giận thằng cha nó mà ném đứa con 3 tháng xuống đất, xí lắc léo mấy cọng dây thần kinh. Hôm qua báo chí giật tít rần rần chuyện thằng cha dượng nọ làm chuyện bậy bạ với cô bé 14 tuổi con của vợ, cô bé còn bị tâm thần. Nhà nạn nhân gửi mấy cái đơn rồi, bụng cô bé đã lùm lùm mà “cha’ này vẫn nhởn nhơ như người ngoài cuộc.

Đời, có tiền là sướng nhất, hèn nào người ta chẳng lao đi kiếm tiền.

***

Hắn lại gõ cửa nhà tôi. 6 giờ sáng, chưa kịp dọn quét gì cả. Hẹn hắn, sớm gì cũng 7 giờ, chứ giờ mắc lo cho con ăn sáng rồi đưa đi học, không thể tiếp chuyện. Hắn quay xe còn “trả giá”: “Sáu rưỡi nghe chị, bà già em ở bển đang khổ lắm…”. Ai cũng kêu khổ, vậy đời này ai sướng hả trời?

Cái áo màu cháo lòng, dáng khuỳnh khuỳnh và tiếng kèn tin… tin… khuấy động buổi bình minh minh của hắn ám ảnh tôi suốt mấy ngày. Cứ hửng sáng là tự hỏi “không biết chút nữa hắn có đến quậy” nữa không? Chả quậy gì, chỉ là cái cảnh đang trong nhà tắm, chồng con còn ngủ, không nhờ được ai mở cửa mà kèn xe cứ tin… suốt mấy mươi giây. Tạm “đình chỉ” mọi việc để ra hé cánh cổng nói câu duy nhất “Bảy giờ vui lòng trở lại” là khi quay vô mọi thứ về trang thái “quy hoạch treo” hết rồi.

Hắn bảo, bà già hắn quá năm mươi nên không thể đi lao động nước ngoài bằng tuổi thật, phải đổi tên, sửa tuổi, nói chung là lao động “chui” í mà. Hồi bắt đầu đi, người ta nói lương 20 triệu VNĐ/tháng, cơm chủ nuôi ngày ba bữa, làm việc tám tiếng/ngày. Ai ngờ qua tới nơi thì không phải thiên đường mà là… sau lưng thiên đường thôi.

Ngày bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng, kết thúc lúc 23 giờ đêm. Mà không phải làm cho một chủ đâu, tất cả lao động bị “lùa” vào một trại, rồi ngày hôm sau sẽ được quản lý trại ‘điều” đi bất cứ nơi nào mà chủ nhà cần. Nói nôm na giống như lao động theo giờ ở xứ ta, nhưng có điều là ngày làm từ 12-14 giờ đồng hồ chứ không phải làm tám tiếng như ở xứ mình! Ăn uống không hợp khẩu vị, tiếng người ta mình không biết, lương bao nhiêu cũng không hay, chỉ thấy nếu ai đủ sức khỏe đi làm suốt tháng thì cuối tháng quản lý trại kêu lại “ký lương”, sau khi trừ hết các khoản từ chỗ ở, xe đưa rước, tới…can nước tắm thì nói “còn bốn triệu đồng”. Nhưng người lao động chỉ “ký khống” vậy thôi, tiền quản lý trại vẫn “cất giùm” nói, “Chừng nào hết hạn 3 năm hợp đồng thì trả cho một cục về nước luôn”. Bây giờ bệnh tim bà già hắn tái phát, có lẽ do ăn uống kham khổ và lao động quá sức mà thuốc men không có. Mấy chứng thấp khớp, cao huyết áp, gai cột sống… lâu nay “bế quan luyện công” giờ đồng loạt xuất quân quật cái thân gầy 38kg của bả. Vậy giờ làm sao đưa mẹ tôi về hả chị? Dễ ợt thôi, thì anh hỏi bả, công ty nào đưa bà đi, cho biết tên và địa chỉ, anh tới đó “kiện” đòi họ đưa mẹ anh về thôi mà.

Hắn lập cập móc điện thoại, gấp gáp như người chết hụt vừa vớ được chiếc phao. Sau những hồi chuông dài là âm giọng nhỏ dịu yếu ớt ở xa lắc xa lơ đáp lại. Bà bảo, không biết công ty nào đưa mình đi cả, trong tay có tờ hợp đồng “Nhưng toàn tiếng gì không đọc được”.

Hắn chạy mấy nơi nữa, nào là Cục quản lý người lao động người nước ngoài; Đại sứ quán nước sở tại nơi mẹ hắn đang là lao động “chui” ở đó, công an tỉnh… Nhưng nơi nào cũng đòi địa chỉ chỗ làm việc của bà, hoặc nơi bà đang cư ngụ. Liên lạc duy nhất của hai mẹ con chỉ là chiếc điện thoại rám nắng của hắn, nhưng luôn phải trong tư thế nạp card gọi đi vì mẹ hắn cả tiền mua card cũng không. Mà bà thì không có nơi làm việc ổn định, làm sao cho hắn biết. Địa chỉ nơi ở cũng được, nhưng bà bảo, bà không biết đọc tiếng tây tiếng u!!! Cơ quan chức năng nói, cái gì liên quan tới mình mà mình cũng không biết, thì làm sao họ biết mà giúp được? Vậy nên giờ tôi tính… bán nhà qua bển tìm mẹ. Biết đâu mà tìm? Mà đi cũng bạc trăm triệu đấy! Thì cứ tới Đại sứ quán rồi từ từ gọi điện thoại cho bả riết chắc cũng ra, trăm triệu cũng phải tìm chứ không lẽ để bà già chết bên xứ người? Chỉ khổ là không biết tiếng người ta để hỏi thăm đường.

Hắn về rồi, tôi không còn biết cách nào mà giúp cả, chỉ dặn chừng nào quyết định đi thì cho tôi gửi vài triệu gọi là phụ tiền ăn cơm hộp dọc đường.

Bạn đang đọc bài viết "Sau lưng thiên đường" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn