Thần tượng của tôi ở phố Hàng Bột

Hồ Công Thiết

11/09/2021 14:07

Theo dõi trên

Tôi lớn lên trên phố Hàng Bột và hình thành tính cách theo gương các bậc đàn anh. Suốt thời niên thiếu, các đàn anh trên phố Hàng Bột là thần tượng của đám trẻ chúng tôi.

pho-hang-bot-1631343977.jpg
 

Khi tôi còn bé, phố Hàng Bột của tôi cũng bé tí xíu. Đứng vỉa hè chơi bi, khi thấy hàng xóm bên kia đường đang dọn cơm, đó cũng là lúc đứa nào về nhà nấy, không chờ người lớn ra gọi.

Tối đến, cơm nước xong xuôi, cả đám trẻ lại rủ nhau xuống đường chia bên đá bóng. Hôm nào đông, chúng tôi lại sang phố Phan Văn Trị, quần thảo với trái bóng suốt đêm.

Đường phố chỉ rộng non chục mét, còn lại là đường tàu điện chạy song song. Ban ngày thỉnh thoảng mới có xe đi. Tối đến, đường vắng tanh, thỉnh thoảng mới có chiếc xe đạp phóng vụt qua. Hồi đấy hết giờ làm, ai cũng về và ở tịt trong nhà chứ không có cảnh tối đến mới là giờ bát phố như sau này.

Phố Khâm Thiên hình thành sau phố Hàng Bột nhưng đến thời thuộc Pháp, đông đúc, rộng rãi hơn Hàng Bột nhiều. Nhất là khi việc làm ăn ở Thái Hà Ấp gặp trục trặc, xóm Cô đầu chuyển về Khâm Thiên. Khách văn nhân, công chức và người giàu có nườm nượp kéo đến đến phố này nghe hát Cô đầu, nhảy đầm hoặc lui tới mấy nhà Săm ( nhà thổ) trên phố làng chơi.

Phố Hàng Bột của tôi vẫn giữ nếp xưa, nơi phần đông dân cư là người lao động hoặc buôn bán nhỏ. Cả phố chỉ có một nhà Săm ở đầu ngõ nhà 83 bây giờ. Ngôi nhà dài hai tầng, quét vôi hồng, chạy dọc từ mặt phố, song song với tường rào của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1, đến nay vẫn còn nguyên trạng. Thường có một bà già to béo ngồi ngoài cửa, mặc áo hoa, mặt trắng xóa vì đánh phấn. Lúc đó chúng tôi tò mò vì những người phụ nữ phố tôi hầu như không ai đánh phấn tô son. Bà là chủ cũ của nhà Săm. Bà ngồi trên ghế, phe phẩy quạt. Quả bóng bọn tôi đá lăn đến chân bà, bà vẫn để nguyên và như không biết sự quấy rối của lũ chúng tôi. Ông Bảy, một danh thủ bóng đá ở đội Dệt Nam Định có thời gian cũng ở trong dãy nhà này, khi ngôi nhà đã được công tư hợp doanh và được Nhà nước cho thuê lại. Vì vậy, mấy ông trên phố hay gọi ông là Bảy “nhà thổ”. Tôi là hậu sinh, hàng xóm với ông nhưng chỉ được đá bóng với ông khi ông thôi chuyên nghiệp, về đá phong trào ở Câu lạc bộ Đống Đa.

pho-hang-bot-xich-lo-1631343977.jpg
 

Sát nhà tôi là ông Niết, ông Trung “phệ”.

Ông Trung “phệ” còn được hàng phố gọi là Trung “giò chả”. Nhà ông rộng. Mặt trước là cửa hàng mái ngói dành bán giò chả và là nơi ông ngồi giã giò. Cửa hàng mặt sau để trống, thông qua cái sân rộng mới tới chỗ ở của gia đình ông.

Ông Niết làm công chức và là cầu thủ bóng đá. Mỗi lần ông đi tập bóng đá về, xách đôi giày đinh (tăm pông) nhọn hoắt, vai vắt chiếc áo cầu thủ thật ngang tàng và oai phong.

Ông đá cùng đội với ông Thời “bẩn” ở ngay sau nhà tôi. Tôi theo nghiệp bóng đá  là do ông Thời.

Khi ông Thời về làm ở Nhà in Ngân hàng, ông thành lập đội bóng và kéo tôi về đá cùng mỗi khi đội In Ngân hàng vào giải ở khu Đống Đa hoặc thi đấu giao lưu.

Tôi biết sân bóng đá Triều Khúc khi theo đội In Ngân hàng về thi đấu với đội bóng của làng. In Ngân hàng là đối tác chung thủy của đội bóng làng Triều Khúc vì các ông trong đội bóng Triều Khúc biết tiếng và nể ông Thời, quái kiệt của bóng đá Đống Đa. Làng bóng đá Hà Nội khi đấy hình như chỉ mỗi ông Thời có quả đá má lai mu đầy uy lực và kỹ thuật. Từ chấm phạt góc, ông nhiều lần đá phạt. Bóng lượn lên rồi quặt vào góc cao khung thành, ngoài tầm rướn của thủ môn. Đá với đội bóng In Ngân hàng, các thủ môn dù cảnh giác nhưng rất nhiều lần vẫn phải vào lưới nhặt bóng vì quả đá kiểu “Lá vàng rơi” này.

Tôi không biết sao người ta gọi ông là Thời “bẩn’, nhưng mọi ngóc ngách của bóng đá ông đều biết rõ.

Đội Triều Khúc hay chơi kiểu của làng. Được thì thôi còn nếu thua thì trận đấu cứ kéo dài tới tối mịt, đến khi đội khách bị gỡ hòa hoặc tự thua thì mới kết thúc. Với ông Thời “bẩn” thì khác. Đá đủ thời gian, gặp cảnh đội Triều Khúc muốn gỡ thì ông đá bóng tít ra cái ao cạnh sân rồi hô anh em cởi áo, không cần trọng tài thổi còi kết thúc. Danh tiếng ông lớn nên cả đội bóng Triều Khúc cũng phải răm rắp tuân theo. Ông có đứa con trai tên Thắng. Nó đá cũng khéo nhưng không theo nghiệp đá bóng.

Ngoài đá bóng, các đàn anh của tôi trên phố hay tụ tập ở phòng Boxing nhà ông Trường, đối diện với nhà tôi.

Sau hồi tập, các ông ra cửa ngay sát đường tàu điện chạy qua để tạm nghỉ. Bên đấy không xây vỉa hè. Từ đường tàu điện, cỏ mọc dài đến gần cửa nhà. Chiều hè phố bên đấy mát vì nắng bị các ngôi nhà hướng Tây che khuất. Các bà các chị muốn đi qua, phải lách qua mấy ông võ sỹ, ngực vun đầy cuồn cuộn.

Ông Chính “cò”, cùng lứa với ông Niết ông Thời hay bỏ dở việc sửa xe đạp của mình để ngồi tụ tập mỗi chiều. Ông Chính còn làm tổ trưởng dân phố. Mỗi khi nghe có tiếng cười ré lên của mấy ông võ sỹ hoặc tiếng la oai oái của các chị đi ngang qua, tôi đều thấy ông Chính có mặt, gật gù cười.

Hàng phố mỗi khi có va chạm, xích mích, ông Chính “cò” lại cùng các anh lớn đến dàn hòa. Cách sống đĩnh đạc, phóng khoáng của các ông khiến bà con hàng phố ai cũng vị nể. Mỗi khi có tai nạn giao thông trên đường, lại những đàn anh của tôi, cùng với ông Chính “cò” khoác vội chiếc băng đỏ ra hỗ trợ giải quyét

Lớn một chút, tôi đá ở sân Xã Đàn. Có ông Thời bảo kê, tôi được đá cùng các anh lớn. Ông bầu Lễ hồi đấy làm lãnh đội. Tính ông hào phóng. Tôi thỉnh thoảng cũng được ông dúi cho ít tiền để tiêu vặt. Hè năm 1970, sau mấy tuần được ông Tòng “cháy”, ông Hạc “phệ” kiểm tra năng khiếu ở sân Hàng Đẫy, rồi ông Tô Hiền kiểm tra lần cuối trong đội hình thi đấu ở sân Quần Ngựa,  tôi được tuyển vào đội bóng Công an Hà Nội, nhưng phải tháng 1/1971 mới được quyết định chính thức và ăn ở tập trung.

Tôi lớn lên trên phố Hàng Bột và hình thành tính cách theo gương các bậc đàn anh. Suốt thời niên thiếu, các đàn anh trên phố Hàng Bột là thần tượng của đám trẻ chúng tôi.

 

Theo Chuyện làng quê

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thần tượng của tôi ở phố Hàng Bột" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn