Thầy dùi

Nguyễn Hộp

03/08/2022 17:35

Theo dõi trên

Lão Dần đi ăn sáng, gặp chú Cao. Chú Cao mặt buồn rười rượi, ngồi ăn bát bún mà như người mất hồn! Người ngoài nhìn Cao ăn bún, mà như là bò nhai rơm. Chắc chắn chú Cao đang có chuyện buồn.

296343155-2841321129509418-4447600210102889137-n-1659514572.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Lão Dần bê bát bún đến bàn chú Cao, vừa ăn vừa chủ động hỏi “Chú em có chuyện gì mà buồn thế?”. Chú Cao không trả lời câu hỏi của lão Dần, mà chú hỏi lại “Bác có tiền cho em vay tạm mấy triệu. Tết em bán đàn gà rồi gửi lại bác ạ”.

Chú cần tiền thì anh cho mượn, sao phải khách sáo thế! Mà chú vay tiền làm gì? Chả giấu gì bác! Tối hôm qua vợ chồng em cãi nhau trong lúc đang ăn cơm. Cũng chỉ là chuyện lo cho con gái theo học trường nọ, trường kia… em thì muốn cho cháu học đại học, vợ em thì muốn cho cháu học trường nghề, vừa gần nhà lại dễ tìm việc sau khi ra trường. Em không đồng ý, vì học đại học vẫn hơn, có bằng cấp… sau này xin vào cơ quan nhà nước oai hơn nhiều. Thế là hai vợ chồng cãi nhau, em tức quá đập vỡ hết cả mâm bát, mục đích chỉ cảnh cáo vợ tý thôi. Vợ em biết tính em, nên không nói gì nữa.

Ai ngờ ông Kích đến chơi miệng bô bô “Chú tức giận gì mà đập cả mâm bát thế này? Chết có cái phích nước để đây, cô cất đi ngay, không chú ấy lại đập vỡ bây giờ”. Cơn tức mới dịu một tý, thì lại bùng phát, em vớ tay đập nát cái phích nước. Ông Kích thấy vậy, chạy ra ôm cái ti vi SONY 45 inch. Đang cơn hăng máu… em chạy tới gạt ông Kích ra. Tay cầm vỏ phích nước, cứ màn hình ti vi em táng vào cho bõ cơn tức… ông Kích nửa nạc, nửa mỡ bảo “Chú nóng quá! Tôi về đây”.

Ông Kích về rồi, vợ em cũng bỏ sang hàng xóm. Em bình tĩnh lại… thì ôi thôi mâm bát, phích nước, ti vi đã tan tành. Em ân hận quá! Cái ti vi mới mua hơn chục triệu, tiếc quá anh ơi! Anh cho em vay tạm mấy triệu, để em mua chiếc ti vi cũ xem thời sự, mua cái phích để anh em mình có cái pha trà, mua cái mâm với ít bát đĩa để hàn gắn vết thương chiến tranh với vợ.  (Chú Cao là người quen cùng khu, khác xóm với lão Dần. Chú Cao chịu khó, hiền lành, nhưng rất nóng tính, dễ bị kích động và không kiểm soát được hành vi mỗi khi nóng giận).

Lão Dần thong thả góp ý với chú Cao: Chú cả giận, mất khôn rồi. Phải rút kinh nghiệm, nóng nảy quá… chỉ thiệt thân. Còn cái ông Kích can ngăn gì, mà như đổ thêm dầu vào lửa ấy. Thôi tý nữa sang anh lấy mấy triệu, đi mua mâm bát… luôn đi. Trưa còn có cái mà dùng.

Nghe được câu chuyện giữa tôi và chú Cao. Chú Trường chủ quán đến gần, nói như chửi “Mẹ cái lão Kích thầy dùi, chuyên đâm bị thóc, chọc bị gạo… ông bị lão can đểu rồi. Lão ấy mà can ngăn hai người chửi nhau, thì họ càng chửi mạnh hơn… đến khi hai bên đánh nhau là lão chuồn luôn”.

Chú Cao như tỉnh ra, ân hận nói “Cám ơn các bác! Lỗi chính vẫn là tại em, ông Kích cũng chỉ góp thêm tý gió thổi bùng cơn tức âm ỉ trong em thôi. Em sẽ rút kinh nghiệm ạ”. Lửa cháy thì phải dùng nước để dập tắt lửa, mới phải chứ? Lửa cháy lại thổi gió vào… lửa càng cháy to hơn. Can ngăn người đánh cãi, chửi nhau… thì phải chân tình, khéo léo! Can ngăn theo kiểu của ông Kích, chẳng biết là vô tình hay cố ý… chỉ làm hại thêm cho người khác thôi. Ai đã từng can ngăn kiểu ấy là có tội với đời, với lương tâm đấy!

Người như ông Kích, tuy không phổ biến. Nhưng từ làng quê đến phố thị, công sở… họ đều có mặt. Họ luôn tìm cách (chọc ngoáy) cho tình hình thêm phức tạp, nội bộ cơ quan, gia đình, dòng họ, bạn bè… mất đoàn kết. Họ bị người đời khinh bỉ, mỉa mai… gắn cho thương hiệu là “Thầy dùi”. Lão Dần chia sẻ để bà con cảnh giác, đừng để thầy dùi lợi dụng!

02/8/22

Chuyện Làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Thầy dùi" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn