Thiền sư Pháp Thuận và bài thơ Vận nước

Tiểu Vũ (th)

08/11/2021 21:29

Theo dõi trên

Pháp Thuận là thiền sư nổi tiếng Phật giáo Việt Nam. Không những giỏi Đạo Phật, ông còn là một nhà thơ. Bài thơ Vận nước tiêu biểu cho phong cách thơ của thiền sư Pháp Thuận.

thien-su-phap-thuan-1636380787.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Theo Thiền Trúc Lâm, thiền sư Pháp Thuận (914-990), là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Sư trụ trì ở Chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ải.

Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.

Nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chánh trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ pháp sư. Nhà vua nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.

Năm Thiên Phước thứ bảy (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Đại Hành. Vua nhờ Sư cải trang làm lái đò để đón sứ. Trên sông, bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi, cảm hứng liền ngâm:

Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời.

(Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.)

Sư đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:

Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.

(TT. Mật Thể)

(Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.)

Lý Giác rất thán phục.

*
*   *

Vua Đại Hành hỏi vận nước dài ngắn thế nào, Sư đáp bằng bài kệ:

Vận nước như dây quấn
Trời Nam sống thái bình
Rảnh rang trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh.

(Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.)

Về bài thơ Vận nước (Quốc tộ), có tài liệu viết thêm như sau:

Quốc tộ (chữ Hán: 國祚) là một trong những bài thơ sớm nhất có tên tác giả của văn học viết Việt Nam. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, nếu như Nam quốc sơn hà được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam thì Quốc tộ được coi là bản tuyên ngôn hòa bình đầu tiên của Việt Nam. Bài thơ là câu trả lời của thiền sư Đỗ Pháp Thuận đối với Hoàng đế Lê Đại Hành khi được hỏi "Vận nước ngắn dài thế nào?".

Thiền sư trả lời: Vận nước như mây quấn. Ta phải giữ gìn đất nước nầy như thế quấn của dây mây, một sợi mây tuy có dẻo dai nhưng vẫn dễ đứt, dễ gãy nếu ta biết cách bẻ, còn nhiều dây mây quấn lại thành bó khó có sức mạnh nào bẻ gãy. Trăm họ hướng về Vua với một lòng tôn kính, vua lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, nỗi khổ của dân cũng là nỗi khổ của mình. Tìm cách hoá giải những xung đột nội bộ của một quốc gia. Liên kết nhân tâm lại với nhau như những dây mây riêng lẻ thành một bó mây.

Thiền sư khẳng định: Muốn cho đất nước được yên bình, Vua phải biết cách áp dụng phương pháp, hay là nguyên lý tu dưỡng vô vi nơi triều đình của mình. Vua là thiên tử - con trời - theo quan niệm phong kiến. Vua tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của một thể chế, đế chế. Vua là tối tôn đứng trên thầy và cả người cha sinh ra mình Quân-Sư-Phụ, vậy mà kinh Phật nhắc nhở cẩn thận không kiêu ngạo.

Bài thơ Vận Nước của Thiền sư Pháp Thuận nếu kết hợp với bài thơ Thần Nước Nam Sông Núi, có một vị thế hết sức quan trọng không chỉ trong lịch sử văn học mà cả trong lịch sử tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam. Nó đã thành công khi đề xuất được hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh để định hướng cho sự phát triển của một hệ thống chính quyền làm chủ đất nước vừa thỏa mãn yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Kho tàng văn học Việt Nam vẫn còn lưu giữ được những bài thơ chứa đựng được tư tưởng chính trị của Phật giáo Việt Nam như bài Quốc tộ.

Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi. Tác phẩm của Sư có:

*  Bồ-tát Hiệu Sám Hối Văn

*  Thơ tiếp Lý Giác

*  Một bài kệ.

Được biết, Sư Pháp Thuận cùng với 2 quốc sư Khuông Việt và Minh Không được thờ ở nhiều chùa cổ trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư như động Am Tiên, chùa Bà Ngô, chùa Nhất Trụ. Vào đêm 15/1 âm lịch hàng năm tại chùa Nhất Trụ, người dân cố đô Hoa Lư thường tổ chức vịnh thơ để đón tết nguyên tiêu. Làng Lạng hay còn gọi là làng Ngoại Lãng thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, cách thành phố Thái Bình khoảng 10km. Làng thờ Đỗ Pháp Thuận Giang Sứ thiền sư, ông sống vào thời Lê Hoàn (980 – 1005) làm Thành hoàng làng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có đường Đỗ Pháp Thuận, nằm trên địa bàn quận 2.

 

Bạn đang đọc bài viết "Thiền sư Pháp Thuận và bài thơ Vận nước" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn