Thử tìm nguồn gốc và ý nghĩa một câu ca dao

Nguyễn Vinh Hùng

07/01/2022 21:31

Theo dõi trên

Cách nay khoảng 5 – 6 ngàn năm, tổ tiên người Việt đã sinh sống ở vùng lưu vực sông Trường Giang là lãnh thổ của vương quốc Trong Nguồn. Ở đó, có núi Thái Sơn và sông Trong Nguồn (ngày nay người Hán gọi là sông Hán Thủy. Khi xâm chiếm vương quốc Trong Nguồn, họ cứ phiên ngang “Trong” thành “Trung”; “Nguồn” thành “Nguyên” để hình thành cái tên gọi là “Trung Nguyên”)

268833872-4811813082194906-17714146523520634-n-1641456839.jpg

Trong trạng thái bình thường mới, bố mẹ đi làm, các cháu vẫn chưa được đi học, đành phải gửi ông bà. Bữa trưa nọ, bà ru cháu bằng câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Bỗng, ông lên tiếng, có vẻ hơi gay gắt: Núi Thái Sơn ở tận bên Tàu, bà dạy cháu làm chi cái bài của Tàu ấy. Tiếng bà vẫn nhỏ nhẹ, nửa như giải thích cho ông, nửa như kể cho cháu nghe lịch sử về nguồn gốc dân tộc mình:

Cách nay khoảng 5 – 6 ngàn năm, tổ tiên người Việt đã sinh sống ở vùng lưu vực sông Trường Giang là lãnh thổ của vương quốc Trong Nguồn. Ở đó, có núi Thái Sơn và sông Trong Nguồn (ngày nay người Hán gọi là sông Hán Thủy. Khi xâm chiếm vương quốc Trong Nguồn, họ cứ phiên ngang “Trong” thành “Trung”; “Nguồn” thành “Nguyên” để hình thành cái tên gọi là “Trung Nguyên”).

Vua của nước Trong Nguồn là Thần Nông Đại Đế, ông có tài nếm hàng trăm loại cây cỏ để chế ra các loại thuốc trị bệnh cho dân nghèo, ông thường chỉ dạy cho dân các kỹ năng canh tác lúa, sử dụng thanh tre cọ sát vào mớ bùi nhùi khô của lá lúa để kéo thành lửa, sử dụng nùn rơm để giữ lửa được lâu hơn. Vì thế mà cuộc sống người dân ngày càng no ấm. Để tôn vinh ngài, dân chúng gọi là Hỏa Đức Vương (Viêm Đế). Ngoài ra, do có công chỉ dạy dân trồng lúa, làm thuốc, nên ngài còn được dân phong là Dược Vương. Sau khi Thần nông qua đời, con trai trưởng là Khôi lên ngôi. Ngay từ khi còn nhỏ, Khôi đã từng theo cha đi hái thuốc trong rừng sâu, núi thẳm nên tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu, sau này lớn khôn, mỗi lần vua cha đi hái thuốc thì đều giao quyền hành cai quản đất nước cho Khôi. Từ khi chính thức nối ngôi, Khôi kế tục sự nghiệp của cha, ông điều hành đất nước rất quy củ có phép tắc làm cho xã hội trở nên thịnh vượng, kinh tế phát triển phồn vinh. Đế Khôi qua đời, con trai trưởng là Thừa nối ngôi. Để củng cố cơ nghiệp thịnh vượng, bên cạnh việc thực hiện đúng chính sách của cha và ông nội, hàng năm Ngài vẫn đi tuần thú các vùng biên viễn; trước để dạy dân cải tiến kỹ thuật trồng lúa nước sau là để ngao du sơn thủy hữu tình. Từ đồng bằng đến vùng ven biển đông không nơi nào Ngài không đến.

Trải qua ba đời vua, nhà nước Trong Nguồn thực sự trở thành một nền văn minh rực rỡ nhất ở phương Đông. Khi Đế Thừa qua đời, con trai là Minh đã trưởng thành và có con lớn là hoàng tử Nghi. Sau khi kế thừa ngôi báu Đế Minh vẫn thường giao quyền cai quản đất nước cho hoàng tử để noi gương vua cha đi tuần thú nhiều nơi. Mùa xuân năm đó, trên đường tuần thú phương nam, vua nghỉ chân tại nhà của Vũ Thiên là viên quan cai quản vùng Ngũ Lĩnh. Vua kết duyên với Vũ Thị là con gái của Vũ Thiên và sinh ra Lộc Tục.

Lộc Tục càng lớn càng khôi ngô tuấn tú. Vua rất yêu quý và muốn truyền ngôi; nhưng Lộc Tục không giám vâng lệnh vì còn có anh là hoàng tử Nghi ở phương bắc. Vua bèn gọi cả Nghi và Lộc Tục rồi phân chia: lấy núi Ngũ Lĩnh làm ranh giới: Nghi làm vua phương Bắc, gọi là nước Xích Thần. Lộc Tục làm vua phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ và chứng kiến hai anh em làm lễ ăn thề. “Giữa đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì sẽ chết dưới đao thương. Nếu có gặp nguy hiểm thì lập tức báo cho biết để cùng nhau giúp đỡ. Nhớ đừng quên”.

Nói về nhà nước Xích Quỷ, sau lễ ăn thề, Lộc Tục kéo quân xuống phía Nam núi Ngũ Lĩnh, xưng là Kinh Dương Vương Ngài chú tâm xây dựng đất nước. Trên cơ sở những kỹ thuật và con người đã có từ thời nhà nước Trong Nguồn, lại được sự giúp đỡ chân thành từ vua cha là Đế Minh và vua anh là Đế Nghi nên chả mấy chốc nhà nước Xích Quỷ trở nên phong lưu, thịnh vượng, có nhiều tiến bộ kỹ thuật còn tỏ ra vượt trội so với nước Xích Thần. Người Hoa Hạ là các bộ tộc bán du mục người từ phương bắc sau khi đánh chiếm toàn bộ nhà nước Xích Thần lại có tham vọng lấn chiếm dần xuống phương Nam làm cho các đời vua phương Nam từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân cứ phải dời đô dần về phía Nam, đến các vua Hùng thì định đô ở Phong Châu Phú Thọ.

Tuy phải dời đô về vùng đất mới nhưng các vị vua nước Việt không khi nào không nhớ về quê hương núi Thái, sông Nguồn là nơi khởi nguồn của dân tộc Việt. Ngay từ thời Kinh Dương Vương, ngài đã đặt ra tục lệ thờ cúng tổ tiên ông bà bằng quy định cụ thể: mỗi gia đình đều phải có một bàn thờ là một bịch đắp bằng đất ở gian chính giữa giáp tường hậu (Bịch là vật dụng bằng đất, có thành, trong đựng thóc). Trên bịch đất đặt bát hương và bài vị tổ tiên, ông bà. Để căn dặn con cháu tinh thần uống nước nhớ nguồn. Ngài còn sáng tác và truyền cho phụ nữ ru con bằng câu hát: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra/Một lòng chờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Với ý nghĩa rằng dù đi đâu, ở đâu cũng đừng quên cội nguồn của dân tộc bắt đầu từ vùng núi Thái, sông Nguồn.

Nghe xong, ông bảo: Thế mà các bài văn mẫu lớp 7 ở ta vẫn miệt mài phân tích rằng: “núi Thái Sơn là ngọn núi cao, đồ sộ vững chãi nhất ở Trung Quốc, còn nước trong nguồn là dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhất, dạt dào mãi chẳng bao giờ cạn. Khi so sánh công cha, nghĩa mẹ với hai hình ảnh đó, tác giả dân gian muốn khẳng định ơn nghĩa to lớn, sâu nặng biết bao” và sách lịch sử thì chẳng động gì đến sự kiện này. Bà vẫn nhỏ nghẹ: Thì người Tàu họ muốn giấu để thế giới tin rằng nền văn minh Trung Hoa có trên năm ngàn năm. Từ đời nhà Chu đến Tần Thủy Hoàng rồi nhà Minh, phàm những tài liệu liên quan đến nước Việt họ đều đốt hết cả đấy thôi. Thế rồi, các sử gia của mình thì cứ lấy sử Tàu và Tư Mã Thiên để xào xáo lại cho lành. Viết khác đi, lấy gì làm bằng chứng và chắc gì đã ai tin.

Ông vẫn gật gù: May mà còn tấm bia miệng là câu ca dao này người Hán không thể đốt được nên ta vẫn nhớ về cội nguồn dân tộc. Bà nhớ dặn cháu khi viết bài này, chữ Trong Nguồn phải viết hoa đấy nhé.

 

Bài được viết trên cơ sở tham khảo từ nhiều nguồn thông tin; trong đó có 3 bài: “Văn Minh Việt - một sự thật lịch sử” của Vũ Ngọc Phương và công trình nghiên cứu của các tác giả Hà Văn Thùy, Đỗ Văn Xuyền; các website: "donghodovietnam.vn"...

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Thử tìm nguồn gốc và ý nghĩa một câu ca dao" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn