Thừa Thiên Huế: Nguy cơ mất trắng vụ đông xuân vì mưa lũ thất thường      

Quốc Quân

05/04/2022 07:05

Theo dõi trên

Mưa lớn kéo dài bất thường khiến giao thông nhiều vùng ở Thừa Thiên Huế bị chia cắt, hơn 20.000 ha lúa và hoa màu bị ngập lũ thiệt hại nặng.

img-20220405-070056-1649117096.jpg
Hơn 20.000 ha lúa ở Thừa Thiên Huế ngập úng

Lúa, hoa màu trước nguy cơ mất trắng

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trên địa bàn đã xảy ra mưa to và rất to trên diện rộng gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường. Mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều khu vực thấp trũng tại Thừa Thiên Huế như các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh hiện có hơn 28.000 ha lúa đang thời kỳ trổ bông, trong đó hơn một nửa diện tích bị gãy đổ và ngập úng, hư hại; hơn 1.200 ha ngô, lạc, sắn, rau, hoa màu tại nhiều địa phương bị nước ngập úng, nguy cơ mất trắng.

Tại huyện Phú Vang, mưa lớn gây ngập 4.455 ha lúa; 64,5 ha rau màu bị ngập úng hoàn toàn và 166,7 ha hồ nuôi thủy sản hạ triều bị ngập. Mưa lớn nội đồng kết hợp với triều cường khiến hệ thống đê bao trên địa bàn huyện bị tràn và vỡ một số đoạn, gây ngập úng nghiêm trọng. Trong đó, đê Xuân Lương Hồ dài 650 m bị tràn từ 0,1-0,15 m (đã khắc phục chống tràn). Đê Biền Chàm, đê Cách Ly (xã Phú Lương) và đê sông bị tràn từ 0,1-0,15 m với chiều dài 450 m; nhiều đê bao tại Phú Đa bị tràn 0,2-0,3 m, đặc biệt đê Trường Lưu (Phú Đa) bị vỡ 20 m, gây ngập hoàn toàn 607 ha lúa. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đã ban hành công văn triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương sẵn sàng máy móc, phương tiện để tiêu úng kịp thời; có phương án phối hợp, vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê bảo vệ diện tích sản xuất.

img-20220405-070052-1649117096.jpg
Lực lượng DQTV và bà con nhân dân xã Phú Hồ dựng đê cát ngăn nước tràn vào ruộng.

Công tác ứng cứu gấp rút

Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ chiều 3-4 đã phát bản tin dự báo mưa lớn trong những ngày tới ở khu vực này. Cụ thể, trong hai ngày 4 và 5-4, tại Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Nguyên nhân của đợt mưa này được nhận định là do ảnh hưởng của đới gió Đông rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, kết hợp với rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết qua các cơ quan dự báo, cảnh báo sớm thời tiết nguy hiểm để có phương án ứng phó phù hợp. Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát kiểm tra giằng chống nhà cửa; cảnh báo các khu vực nuôi trồng thủy sản; mở tất cả các cống trên tuyến đê để thoát lũ, tổ chức kiểm tra các tuyến đê bao. Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm để tổ chức tiêu úng; rà soát các hộ, vùng có nguy cơ cao về thiên tai cần sơ tán, di dời; bố trí lực lượng, phương tiện, vật chất trang thiết bị phục vụ công tác phòng tránh mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đã ban hành công văn triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương sẵn sàng máy móc, phương tiện để tiêu úng kịp thời; có phương án phối hợp, vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê bảo vệ diện tích sản xuất.

Tại các huyện vùng thấp trũng như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang… có nhiều cầu tràn và nhiều đoạn thấp trũng, lãnh đạo UBND các địa phương này đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương cùng Công an tăng cường các lực lượng chốt chặn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; đồng thời, cắt cử lực lượng công an xã và dân quân tự vệ trực chốt, nghiêm cấm phương tiện và người dân qua lại tại các điểm ngập lụt. Hiện tại, chính quyền các địa phương tại Thừa Thiên Huế cùng với người dân đang khắc phục tình hình ngập úng, rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Bố trí biển báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư gia cố đê bao, chống úng bảo vệ cho cây lúa và hoa màu./.


Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Nguy cơ mất trắng vụ đông xuân vì mưa lũ thất thường      " tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn