Thuốc tiên... Phở

Trần Minh

19/10/2021 16:46

Theo dõi trên

Từ khi Hà Nội thực hiện chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, các hàng quán đều đóng cửa nên cả nhà tôi lúc ăn sáng bằng mỳ gói, lúc thì phở gói hay bánh mỳ...

245085413-3782637991962035-2442248665849674360-n-1634623512.jpg

Thèm lắm một bát phở bò trên phố mà tôi hay ăn sáng quen ở đó. Rồi Hà Nội bỏ giãn cách, các hàng quán được phép bán hàng trở lại theo quy định. Thế là, thói quen hàng ngày đã dần trở lại. Hôm nay chủ nhật, thư thả thời gian, tôi phóng xe lên phố ăn phở, không quên mang theo chiếc cặp lồng để mua một bát phở mang về cho mẹ tôi. Cũng lâu rồi bà chưa được ăn phở. Mẹ tôi đã già yếu, ăn lấy "hương hoa" là chính. Dù bà ăn ngon miệng, nhưng cũng chỉ ăn được một chén nhỏ phở mà thôi. Vừa ăn, bà vừa kể chuyện xưa cho con tôi nghe:

Ngày trước, phở là món ăn xa xỉ, thi thoảng, bà mới mang cặp lồng ra cửa hàng ăn uống Hoà Bình, chỗ chợ Trời (phố Huế, quận Hai Bà Trưng) bây giờ, xếp hàng mua 2 bát phở bò, nhưng xin thêm đầy cặp lồng nước phở. Mua về, bà đổ phở ra cái tô to tráng men Trung Quốc, cho thêm mỳ chính và đổ nước sôi vào. Nhà có 4 anh em trai, mỗi đứa một bát cơm nguội chan nước phở vào húp xì xoẹt ngon lành. Đó là những hôm được ăn sang, còn thường thì ăn cơm nguội hoặc cơm rang là tốt rồi. Mẹ tôi kể tiếp: Một bận, tôi bị ốm, sốt cao, cũng chẳng cần đi khám, uống thuốc làm gì. Ngày đó trẻ con ốm sốt là bình thường, sốt cao thì đắp cái khăn ướt lên trán, vài ngày rồi tự khỏi, chứ không phải như bây giờ, hơi tý là đi khám, tống một nắm thuốc vào người. Cơm hôm đó nhà tôi không có thức ăn gì. Thấy tôi ốm, ăn uể oải, mẹ tôi hỏi:

- Có ăn phở không, mẹ mua cho một bát.

Mắt tôi sáng lên thay câu trả lời. Thế là, mẹ tôi mang cặp lồng mua một bát phở cho tôi. Bát phở đầy mà tôi húp sạch bong cả nước trong sự thòm thèm của mấy ông anh. Ăn xong, mồ hôi tôi túa ra, người nhẹ nhõm hẳn. Tôi nói với mẹ:

- Mẹ ơi, ăn phở xong con khỏi ốm rồi.

Mẹ tôi sờ đầu tôi gật gù:

- Ờ cũng mát thật rồi này.

Thế là chỉ cần ăn một bát phở đầy, tôi đã khỏi ốm, chẳng cần phải đi khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp phim... như đi khám bệnh thời nay. Chính vì câu chuyện này, mà sau đó, mỗi lần tôi ốm, mấy ông anh lại trêu:

- Nó giả vờ ốm để đòi ăn phở đấy mẹ ạ.

Trẻ con hồi ấy đâu dám mè nheo đòi hỏi gì, bố mẹ mua cho thì ăn, không mua thì cũng phải chịu, vì biết bố mẹ làm gì có tiền. Kể câu chuyện này không phải là "ôn nghèo kể khổ", cũng chả phải nuối tiếc cái thời bao cấp khó khăn, khi ăn được bát phở như ăn "sơn hào hải vị". Mà chỉ là một câu chuyện vui vui, để nhớ về một thời khó khăn thiếu thốn của đất nước. Nhưng chính cái khó khăn thiếu thốn ấy đã làm cho con người sống mạng mẽ hơn, không như trẻ con bây giờ, một số cháu được cưng chiều, sống trong đủ đầy về vật chất đã không biết trân quý đồng tiền bố mẹ, không cần biết những gì mà chúng đang hưởng thụ do đâu mà có. Đôi khi mua đồ ăn sáng về, phải hò hét gọi chúng dậy, hầu ăn tận mồm chúng mới ăn cho đấy ạ. Nhiều lúc mắng chúng: Không ăn cho nhịn đói, mai bố không mua đồ ăn sáng nữa. Chúng cũng chẳng phản ứng gì, mà nhịn đói đi học. Thế là phải chịu thua chúng đấy!

 

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Thuốc tiên... Phở" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn