Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 59)

PGS TS Cao Văn Liên

06/11/2022 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 59.

THI GAN GIỮA BIỂN KHƠI

            Đêm 26 – 9 -1963,  chiếc tàu thô sơ bằng gỗ giống tàu đánh cá của đồng bào Nam Bộ mang số hiệu 41 chở 18 tấn vũ khí đạn dược do thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy và thủy thủ đoàn 18 người rời quân cảng K20 (Bính Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Gió đêm mùa thu se lạnh. Thủy thủ nôn nao nhìn dòng sông Cấm nhộn nhịp thuyền bè ngược xuôi trên nước. Nước hòa phù sa cuồn cuộn trôi. Thành phố Hải Phòng vàng vọt chìm trong ánh điện lùi về phía sau con tàu. Dòng sông và thành phố xa dần khi con tàu vượt qua cửa Nam Triệu tiến ra biển cả mênh mông.

dh1abq1-1667640475.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 hội ngộ nhân ngày truyền thống tháng 10/2020 (Ảnh internet).         

           

  Tàu 41 hành trình ngược lên phía Bắc trên hải phận Trung Quốc, dừng lại ở Hải Khẩu hai ngày rồi đi về phương Nam theo hải phận quốc tế. Tàu cố ý đi trong cơn bão cấp sáu đang đổ bộ vào biển Đông để hi vọng không bị máy bay, tàu hạm đội Mĩ và tàu ngụy quyền Sài Gòn bám đuổi, phát hiện. Trên tàu, trừ Đặng Văn Thanh, Thắng Rô, bác Năm Sao (Huỳnh Văn Sao) còn tất cả đều say sóng và mửa. Từng con sóng lớn đập vào mạn làm tàu lắc nghiêng như sắp bị lật úp, rồi lại lật nghiêng về bên kia. Không thể nấu được cơm ăn vì nồi đặt lên bếp bị sóng hất tung xuống sàn boong tàu. Cuối cùng có chiến sĩ nghĩ ra sáng kiến hai người khênh nồi lên ngọn lửa. Trong nồi, cho lẫn màn vào nấu với gạo để sóng không đánh nước trào ra ngoài. Bảy giờ sáng đến mười ba giờ chiều mới được nồi nửa cơm nửa cháo.

Theo tọa độ hàng hải, tàu đã vào ngang vĩ tuyến Bà Rịa -Vũng Tàu, nơi tàu 41 cần vào cập bến để giao vũ khí đạn dược. Tàu 41 rẽ về hướng Tây, gần bờ, tàu chen vào lẫn với thuyền đánh cá của ngư dân. Đêm 2 – 10,  tàu chạy trên biển gần bờ Phước Hải để đánh tín hiệu lên bờ. Tàu chạy lòng vòng mãi nên khi bắt được tín hiệu trong bờ thì nước thủy triều đã rút xuống khiến tàu 41 mắc cạn. Trên bờ không xa là đồn Phước Hải đông đặc lính Sài Gòn, đèn điện sáng trưng.  Số phận con tàu 41 rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm.

            Ba giờ sáng, bộ đội ở căn cứ đành liều xếp hàng bốc dỡ vũ khí đạn dược trên tàu 41 rồi đem vào bờ cất giấu. Trong đêm sóng biển rì rào, hàng trăm con người nín thở chuyền tay nhau, chuyển vác những hòm gỗ vũ khí bọc ni lông nặng 60 - 70 kg. Tiếng thở hì hụi mệt nhọc dồn nén, tiếng lội nước vội vã gấp gáp nhưng êm nhẹ. Đến sáng “hàng” vẫn chưa bốc hết nhưng phải dừng lại vì nếu bốc tiếp sẽ bị lộ. Theo lệnh của thuyền trưởng Lê Văn Một, 16 thủy thủ lên bờ. Chính trị viên Đặng Văn Thanh và thợ máy Huỳnh Văn Sao xin ở lại tàu và nếu tàu lộ thì điểm hỏa hủy tàu.

            Đặng Văn Thanh và Năm Sao đốt hết giấy tờ của con tàu, kéo lá cờ ba sọc của Việt Nam cộng hòa lên cột tàu để ngụy trang đánh lừa địch, cài kíp nổ vào một tấn bộc phá để chuẩn bị cho việc điểm hỏa hủy tàu, còn chuẩn bị thêm một phi xăng,  một đống vải màn đề phòng thuốc không nổ thì đốt tàu. Hai người cũng kéo lưới ra đầy boong như tàu đang đánh cá bị mắc cạn.

            Trời sáng bạch, con tàu 41  phơi mình giữa bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa thanh thiên bạch nhật trước mắt ngư dân đánh cá và đồn lính ngụy Phước Hải. Trên bờ, lính trong đồn chạy đi chạy lại nhốn nháo chỉ trỏ vào con tàu. Lãnh đạo trên bờ ra lệnh cho Đặng Văn Thanh hủy tàu. Đặng Văn Thanh và Năm Sao cùng chung suy nghĩ: tàu chưa bị lộ mà hủy tàu thì dù có xóa sạch dấu vết nhưng tuyến đường vận tải vũ khí vào Bà Rịa và vào vùng Đông Nam Bộ vừa mới khai thông sẽ bị lộ. Thôi thì thi gan với địch, bao giờ lộ thì hủy tàu cũng chưa muộn.

Mười giờ sáng, nắng chói chang tuôn chảy khắp nơi. Làng ven biển Bà Rịa uốn lượn xanh thắm. Trời trong xanh, sóng biển vỗ rì rào đưa sóng liếm vào bờ cát trắng trải dài. Thuyền đánh cá ngư dân chạy đi  chạy lại tấp nập ra khơi. Tàu 41 vẫn thi gan nằm phơi mình nơi mắc cạn. Sóng như nô đùa tung tẩy vỗ vào mạn tàu. Trên tàu, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao lòng như lửa đốt. Hai người đã uống hết chai rượu vang và vài con mực nướng. Hai người lại đang cầm lưới để vá. Họ không lo lắng cho sinh mạng của mình. Họ lo lắng cho số phận con tàu 41 mà số phận tàu 41 lại gắn với số phận con đường biển bí mật tiếp viện vũ khí cho cho miền Đông và cho toàn Nam Bộ.

            Mười một giờ trưa. Có tiếng động cơ máy bay bay do thám trên đầu hai người. Hai người nín thở nhìn lên trời. Chiếc máy bay bay vòng quanh con tàu một lần rồi nghiêng cánh bay về đất liền. Trong bờ lại cho hai người ra thúc giục hủy tàu. Đặng Văn Thanh đồng ý thực hiện mệnh lệnh. Vừa khi đó hai chiếc máy bay lại từ đất liền bay ra. Chiếc thứ nhất bổ nhào nhưng không cắt bom hay bắn xuống tàu 41 mà bay qua. Chiếc thứ hai lại bổ nhào nhưng cũng không cắt bom mà bay vút lên bay về phía đông. Động cơ hai chiếc máy bay vang rầm rĩ một vùng.

            Anh Thanh nói với bác Sao:

- Tàu chưa bị lộ. Nếu bị lộ máy bay đã bắn. Chúng chỉ thử xem ta phản ứng như thế nào thôi. Nếu ta bắn chúng là lộ ngay. May mà ta chưa nổ súng vào chúng và chưa huỷ tàu.

            Năm Sao đồng ý với nhận định của Đặng Văn Thanh.

            Trong bến lại cho người ra thúc giục hủy tàu. Lần này nắm chắc tàu chưa bị lộ nên anh Thanh nói:

- Hai đồng chí cứ vào bờ đi, chúng tôi sẽ có quyết định và chịu trách nhiệm.

            11 giờ 30  phút, hai máy bay khu trục lại bay ra rất thấp và bổ nhào gần như sắp chạm cột buồm của tàu. Bác Năm Sao và Đặng Văn Thanh vẫn vá lưới và uống rượu. Hai phi công có lẽ đã nhìn thấy một chiếc tàu mốc thếch bằng gỗ mắc cạn, trên tàu có hai người một già, một trẻ đang bò trên đống lưới để nhậu nhẹt, có lẽ đã say bò. Vì thế chúng kết luận là tàu đánh cá mắc cạn nên chúng không tấn công.

            Quá mười hai giờ trưa, nắng như đổ lửa xuống biển. Thủy triều đang lên, nước chảy ào ào như thác, sóng đánh tung tóe chung quanh con tàu. Đáy tàu đã nghe tiếng lóc bóc róc rách. Tàu 41 nổi dần lên. Đặng Văn Thanh và Năm Sao mừng đến rơi nước mắt. Năm Sao xuống gầm tàu nổ máy. Đặng Văn Thanh lên cabin lái tàu. Máy nổ, tàu rung lên. Chân vịt quay trong nước đẩy con tàu  khỏi bãi cạn. Con tàu nằm chết từ ba giờ sáng cho đến một giờ chiều ngày hôm sau, bây giờ nó tung tăng nhẹ nhàng bơi trên sóng biển.

Đặng Văn Thanh cho tàu chạy lòng vòng xa bờ hơn và giả bộ đánh cá chờ tối. Mười bảy giờ, nắng trên biển tắt dần, hoàng hôn và bóng đêm bao trùm khắp biển. Tàu 41 vào bờ. Thủy thủ và các chiến sĩ khu căn cứ vui mừng khôn tả, nhanh chóng bốc số đạn dược còn lại. Tàu 41 nhẹ tênh. Chiến sĩ quân khu VII trên bờ và 18 thủy thủ ôm nhau tạm biệt trong đêm tối. Tàu 41 hoàn thành nhiệm vụ, ra khơi về Bắc.

Do sự bình tĩnh, thi gan, nhận định và xử lí đúng trong  hoàn cảnh hiểm nghèo nhất đã cứu được con tàu và cứu được con đường trên biển không bị lộ. Tàu 41 là con tàu bình tĩnh nhất, gan lì nhất trong số tàu của Hải đoàn cảm tử.

 QUÂN TA

Các tàu của Hải đoàn cảm tử khi chở vũ khí cho Quân khu miền Đông, vào Bà Rịa-Vũng Tàu thường rất khó khăn khi vào bến. Khi gặp khó khăn như vậy, các tàu thường đi thẳng vào các tỉnh phía Nam. Do đó Quân khu Miền Tây dư thừa vũ khí, ngược lại Quân khu Miền Đông càng thiếu thốn.

            Lần này, tàu 56 do thuyền trưởng Thắng làm thuyền trưởng 1 và  Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng 2, nhận lệnh chở vũ khí cho Quân khu Miền Đông, vào bến Phước Bửu (Bà Rịa- Vũng Tàu). Mệnh lệnh cấp trên nói rõ dù khó khăn khi vào bến cũng phải vào, không được đi bến khác ở Miền Tây.

            Tháng 12-1963,  tàu 56 xuất phát. Trải qua bao sóng gió nguy hiểm, mười giờ đêm ngày 22 tháng 12 năm 1963,  tàu 56 vào biển Bà Rịa, thuyền trưởng Thắng đã nhận ra bến Phước Bửu. Trên bờ biển Bà Rịa, cây cối rậm rạp nhưng kênh rạch ít cho nên dễ nhận ra bến phải vào. Bóng tối bao trùm dày đặc, bờ biển lơ thơ vài chiếc thuyền đánh cá với những ngọn đèn lập lòe mờ ảo như ma trơi. Thuyền trưởng Thắng dùng đèn pin bịt kín, chỉ hở một lỗ bằng chiếc cúc áo cho ánh sáng chui qua để đánh tín hiệu vào căn cứ trong bờ. Trong cái mênh mông của đêm tối và rừng cây, trong bờ không một tín hiệu đáp lại. Tàu 56 vẫn đi lại chầm chậm dọc bờ biển có cái cửa gọi là Phước Bửu. Ngoài khơi,  những bóng đen lùi lũi của những con tàu tuần tra Mĩ và ngụy lúc gần, lúc xa. Đồn địch cách tàu 56 không xa, trên bờ đèn điện sáng rực rỡ một vùng. Chốc chốc ánh đèn pha của đồn lại quét lên trời và phạm vi rộng lớn chung quanh đồn tìm kiếm. May mắn là chúng chưa quét ra bờ có bến Phước Bửu. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh:

- Thả neo tàu.

            Lệnh tiếp:

- Hai đồng chí lên bờ liên lạc với căn cứ! Đi lại nhiều tàu sẽ bị lộ.

            Thuyền trưởng Lê Quốc Thân đáp:

- Có lẽ như vậy thôi.

            Tàu 56 tắt máy, thả neo. Hai chiến sĩ Thành và Phú được cử lên bờ, tìm liên lạc với căn cứ. Thành và Phú lên bờ đi vào rừng cây rậm rạp. Bỗng nhiên có hai họng sung gí vào lưng hai người và tiềng quát nhỏ nhưng đanh gọn:

            - Giơ tay lên!

            Thành và Phú vừa giơ tay lên thì hai người đã bị trói chặt vào cây. Thành và Phú không hiểu những người bắt mình là ai. Ta hay là địch. Hai chiến sĩ rất lo lắng cho số phận của con tàu. Mỗi phút trôi qua thật là căng thẳng. Chợt có nhiều người cùng đi lại phía Thành và Phú. Có tiếng hỏi:

- Tàu to không?

- Dạ to. Tàu địch mới to như vậy, thưa anh.

- Có thấy tín hiệu gì không?

- Dạ không.

Khi đó Thành và Phú đoán chắc là người của căn cứ liền nói to:

- Tàu của chúng ta đấy. Chúng tôi vào để bắt liên lạc với các đồng chí vì trong bờ không có tín hiệu đánh ra.

            Những bóng đen tiến lại gần Thanh và Phú. Một giọng Miền Nam cất lên hỏi:

            - Thuyền trưởng tàu tên là gì?

            - Thắng và Lê Quốc Thân.

            - Trời! Người của mình, cởi trói mau! Đánh tín hiệu ra ngoài nhanh!

            Ngoài biển chờ lâu trời sắp sáng, tàu 56 đang định đi ra biển đến tối vào tiếp thì một chiến sĩ kêu lên:

            - Có tín hiệu trong bờ.

Cùng với tín hiệu thì một chiếc xuồng trong bờ lao ra. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh:

- Máy tiến  hết tốc độ vào lạch Phước Bửu!

            Tàu 56 chạy hết tốc lực lao vào lạch Phước Bửu theo chiếc xuồng dẫn đường. Trời vừa sáng. Mọi vật vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu lộ ra dưới ánh sáng ban mai. Duy có tàu 56 đã được rừng cây lạch Phước Bửu che phủ để tối bộ đội bốc “hàng”.

            Câu chuyện nhận được tín hiệu mà trong bờ không trả lời rồi quân ta bắt quân mình vẫn được bến giải thích một cách muôn thuở vì tàu 56 to quá cứ tưởng tàu địch!

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 59)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn