Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 60)

PGS TC Cao Văn Liên

07/11/2022 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 60.

LÍNH THỦY ĐI BỘ

Vào một buổi hoàng hôn tháng 9 năm 1964, ở quân cảng K20 Bính Động Thủy Nguyên, đối diện với thành phố Hải Phòng, một chiếc tàu gỗ của Hải đoàn cảm tử mang số hiệu 401 đang đậu ở cầu cảng. Dưới bụng tàu, nước sông Cấm đang dâng lên, sóng vỗ ì oạp. Màu gỗ của tàu đã bạc phếch. Trên boong tàu phủ đầy lưới đánh cá. Con tàu dài khoảng 15 mét, rộng 4 mét, vậy mà trong khoang của nó gọi là bụng tàu chứa 30 tấn đạn dược vũ khí, chuẩn bị hành trình tiếp viện cho chiến trường liên khu V, nơi đang rất cần vũ khí để tiêu diệt địch.

dh1-tau-khong-so-16-1667745949.jpg
Tàu vận tải Đoàn 125 Hải Quân vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam năm 1971. Nguồn: Internet.

 

Mười bảy giờ ba mươi phút, sau những cái bắt tay nồng nhiệt lưu luyến tiễn đưa của thượng cấp, thuyền trưởng Phạm Vạn, thuyền phó Trần Phấn và các thủy thủ chuẩn bị  cho tàu 641 xuất phát. Thuyền trưởng lên đài chỉ huy ra lệnh cho tàu rời quân cảng. Các thủy thủ tháo dây cáp của tàu khỏi các cọc phích trên cầu cảng và quấn lại bằng máy. Máy nổ, tàu rung lên bần bật. Khi mũi tàu hướng về đông, ra cửa Nam Triệu, tàu vang lên ba hồi còi chào quân cảng, chào thành phố Hải Phòng và những người ở lại. Hoàng hôn nhạt nhòa nhường chỗ cho bóng tối bao trùm. Thành phố cảng soi mình trên sông Cấm. Bóng đèn điện sáng vàng lung linh. Tàu đưa các chiến sĩ của Hải đoàn xa dần quân cảng và thành phố yên bình, đi ra đại dương đầy sóng gió dữ dội hiểm nguy.

            Tháng 9 mùa đông, biển trời u ám. Gió mùa đông bắc thổi lạnh như cắt. Gió xáo trộn mặt biển làm biển nổi lên từng đợt sóng lừng. Mặt biển đen kịt nhấp nhô. Sóng lừng làm cho người đi biển dù cứng sóng vẫn phải nôn nao, còn người yếu sóng thì say. Tàu mới ra khỏi đảo Long Châu mà hầu hết cấc chiến sĩ đều nôn ọe, ra hết cơm canh. Con tàu như chiếc lá nhỏ nhoi ngụp lặn lên xuống nhấp nhô trong sóng nước. Sóng to gió mạnh báo hiệu cơn bão biển dữ dội sắp tràn đến. Tàu 401 đành phải ghé vào vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc) tránh bão.

            Chưa ngớt bão, con tàu gỗ ọp ẹp rời vùng biển đảo Hải Nam, tiếp tục ngụp lặn trong sóng gió hành trình về phương Nam. Con tàu nom trần trụi, quá  bé bỏng vật vờ trên đại dương mênh mông. Các chiến sĩ trên con tàu không chỉ thi gan với sóng gió khủng khiếp của đại dương mà còn thi gan cả với các tàu chiến của hải quân Mĩ và tàu của hải quân Sài Gòn. Ra đa tối tân của các tàu chiến Mĩ có thể phát hiện thấy con tàu, đúng hơn là một con thuyền và chúng chỉ cho rằng đó là một thuyền đánh cá liều lĩnh tham lam muốn đánh những mẻ cá lớn vì khi bão lớn những đàn cá khổng lồ náo loạn di chuyển đưới đại dương và đó là thời cơ làm ăn của các tàu đánh cá. Có thể chiếc tàu gỗ sắp mục đang lầm lũi đi qua những con mắt thần ra đa của các tàu chiến trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ là con tàu đánh cá tham lam, bất chấp hiểm nguy tính mạng.

            Khi đã đến tuyến phải rẽ để tiến vào biển gần bờ biển tỉnh Bình Định, tàu 401 rẽ mũi 90 độ chạy về hướng tây. Thốt nhiên, trên không phận tàu 401 đang hành trình một chiếc máy bay trinh sát của Mĩ bám theo, thuyền phó Trần Phấn cho kéo lên đỉnh cột lá cờ ba sọc của Việt Nam cộng hòa để ngụy trang. Có lẽ viên phi công cũng tin đó là thuyền đánh cá của dân Trung Bộ nên nghiêng cánh quan sát một hồi, chiếc máy bay bay vào bờ mất hút.

            Đang khi ở vùng biển địch, gấp rút vào bờ thì tàu hỏng máy. Chữa được máy thì tàu hỏng chân vịt. Chữa được chân vịt tàu phải tìm bến. Bốn giờ sau tàu mới tìm được bến Lộ Giao (nay là bến Lộ Diêu), xã Mĩ Đức (nay là xã Hoài Mĩ), huyện Hoài Nhơn, (tỉnh Bình Định). Thuyền trưởng cho tàu lao hết tốc độ vào lạch. Khi vào được lạch thì chân vịt của tàu quay xé tung bùn đất lên mà tàu không chuyển động. Tàu đã hoàn toàn bị mắc cạn. Nhưng tàu 401 vượt gió bão hiểm nguy đem cho quân khu V đang thiếu đạn dược 35 tấn vũ khí đã là một thắng lợi lớn. Con tàu 401 quá cũ kĩ mà mắc cạn nên đành phải cho nó nằm lại trên đất Bình Định. Sau khi bốc hết “hàng” tàu 401 được tháo dỡ và tiêu hủy để giữ bí mật cho con đường.

            Sau khi hủy tàu, 18 chiến sĩ của tàu 401 trở thành lính thủy đánh bộ. Họ phải hành quân bộ ba tháng ròng trên đất kiểm soát của địch, ra Vũng Rô (Phú Yên) đi tàu của Hải đoàn trở về đất Bắc. Vậy là lính thủy của Hải đoàn đã hành quân bộ dẻo dai không kém gì bộ binh.

 SỰ CỐ VŨNG RÔ

Đêm mồng Một Tết âm lịch năm 1965, quân cảng K20 của Hải đoàn cảm tử trên đất Bính Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng như không ngủ. Cầu cảng vươn mình trên dòng sông Cấm. Nước sông luôn bị xao động bởi những con thuyền, con phà xuôi dòng ra cửa Nam Triệu hoặc ngược về phía tây của dòng sông. Bên kia là thành phố Hải Phòng rực rỡ ánh đèn soi mình lung linh xuống dòng sông Cấm. Phía trước quân cảng bên kia dòng sông là nhà máy xi măng có hai ống tròn luôn tỏa khói lên trời.

            Quân cảng K20 đêm nay neo đậu nhiều tàu. Tàu nào các chiến sĩ cũng đang vui vẻ ăn Tết. Duy có tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy sắp rời quân cảng đi xa. Sau những cái bắt tay nồng ấm của thượng cấp ra tiễn, thuyền trưởng Lê Văn Thêm lên đài chỉ huy. Các thủy thủ đã vào vị trí sẵn sàng. Thuyền trưởng ra lệnh cho tàu nhổ neo rời bến. Tiếng máy tàu nổ sôi sùng sục. Tàu kéo ba hồi còi vang rền chào quân cảng và hướng mũi tiến ra giữa dòng sông Cấm. Các chiến sĩ đứng trên boong vẫy chào quân cảng và các tàu bạn. Các thủy thủ trên các tàu bạn cũng vẫy tay chào các chiến sĩ tàu 143. Quân cảng K20 không biết bao nhiêu lần chứng kiến sự chia tay, lưu luyến của các con tàu không số. Sông Cấm nhạt nhòa trong đêm. Thành phố Hải Phòng vẫn thản nhiên trong giấc ngủ mơ màng. Đó là đêm ngày 1 tháng 2 năm 1965. Con tàu sắt nhỏ nhoi, trang bị thô sơ, giả làm tàu khai thác hải sản nhưng trong lòng con tàu đó chứa 63 tấn đạn dược vũ khí và 16 thủy thủ quả cảm của Hải đoàn cảm tử.

            Đang mùa đông, gió mùa đông bắc thổi mạnh lạnh giá. Ra khỏi cửa Nam Triệu và đảo Long Châu, tàu 143 nhỏ nhoi đè lên những lớp sóng lừng xanh lè mà đi tới. Một vài chiến sĩ đã bắt đầu say sóng, nôn ọe. Biển trong đêm như liền với trời mang một màu đen kịt. Những ánh đèn của những con tàu, những con thuyền xa mờ le lói, hiu hắt trong không gian rộng lớn của đại dương.

            Tàu 143 hành trình một ngày một đêm. Rạng sáng ngày thứ hai các chiến sĩ đã nhìn thấy một hòn đảo lớn. Đó là đảo Hải Nam thuộc lãnh thổ Trung Quốc, khoảng 20 triệu dân, phần lớn là dân tộc Choang và dân tộc Hoa. Nhìn thấy gần cảng tàu bè đậu san sát. Đỉnh cột tàu nào cũng cắm cờ đỏ năm ngôi sao vàng, bốn ngôi sao nhỏ hơn bao quanh ngôi sao lớn. Trên vùng biển Hải Nam những thuyền đánh cá của ngư dân Trung Quốc đi lại đung đưa lắc theo sóng biển.

            Tàu 143 dừng lại ở vùng biển Hải Nam mười ngày. Ngày 10 tháng 2 năm 1965 tàu được lệnh tiếp tục hành trình. Con tàu ngụp lặn trong những đợt sóng lừng tiến ra hải phận quốc tế, nó gan dạ lùi lũi chạy với tốc độ 18 hải lí/ giờ. Kim la bàn chỉ mũi tàu đang hướng 0 độ chạy theo hướng Nam. Tàu 143 đi dưới sự giám sát chặt chẽ ngặt nghèo của máy bay do thám Mĩ. Hầu như cứ năm tiếng đồng hồ máy bay lại xuất hiện một lần và bay vè vè trên tàu.

            Đêm xuống thì hai tàu chiến Mĩ đi ngay bên hai mạn  của tàu 143. Hai bên cách nhau khoảng một hải lí. Buổi sáng máy báo vụ thu được lệnh của Tổng hành dinh, chiến sĩ cơ yếu dịch từ mật mã ra và đưa cho thuyền trưởng. Mệnh lệnh viết: “Do tình hình đặc biệt không an toàn cho nên tàu 143 không vào bến Lộ Giao (Bình Định) như kế hoạch mà phải vào căn cứ Vũng Rô, Phú Yên.”

            Thuyền trưởng Thêm hạ lệnh cho tàu rời hải phận quốc tế để vào căn cứ Vũng Rô, bờ biển tỉnh Phú Yên. Đi vào vùng biển này, tàu 143 đang đi vào nơi cực kì nguy hiểm. Trên biển máy bay, tàu tuần tra của Mĩ và hải quân Sài Gòn tuần tiễu liên tục. Trên đất liền, quốc lộ 1A có đồn Mũi Điện của lính ngụy quan sát Vũng Rô rõ như ban ngày. Phía nam Phú Yên là căn cứ hải quân Cam Ranh có thể tấn công Vũng Rô bất cứ lúc nào.

            Tàu 143 đi vào vùng biển Vũng Rô trong đêm tối mịt mùng. Tàu đánh tín hiệu nhưng trên bờ không một tín hiệu nào đáp trả nên tàu không xác định được bến vào. May mà Vũng Rô bị ba mặt núi đá bao bọc như một cái vịnh làm cho tầm quan sát của máy bay, tàu chiến và bộ binh trên đồn Đèo Cả bị hạn chế.

            Cuối cùng tàu 143 cũng cập được bến. Bộ đội của căn cứ K60, K64, tiểu đoàn 83, du kích Tuy Hòa (Phú Yên) trong đêm tối không trông thấy nhau hì hụi nhanh chóng bốc “hàng”. Từng kiện vũ khí, đạn dược nặng 60-70 kg bọc ni lông được chuyền tay nhau chuyển lên bờ và đưa đi giấu ở các hang ngay gần bờ biển Phú Yên. Tiếng đi lại nặng nề nhưng êm nhẹ, tiếng thở gấp gáp mệt nhọc hòa với tiếng sóng biển rì rào. Mồ hôi của các chiến sĩ đầm đìa vã ra trong gió đêm lạnh lùng như cắt.

Bốc hết hàng trong khoang tàu thì đã bốn giờ sáng. Tình hình thật là khẩn trương vì trời sắp sáng, tàu sẽ bị lộ vì bến Vũng Rô không có cây cối che chở cho tàu như các bến miền Đông Nam Bộ. Thuyền trưởng Thêm ra lệnh:          

- Nhổ neo nhanh và xuất phát ra biển!

            Thủy thủ trưởng nổ máy tời kéo neo nhưng máy tời không nổ, anh vã cả mồ hôi mà máy tời vẫn trơ lì. Thủy thủ trưởng báo cáo gần như khóc:

            - Báo cáo máy tời neo bị hỏng.

            Thuyền trưởng nói nhỏ nhưng dứt khoát:

            - Sửa máy nhanh!

            Mọi người nín thở chờ đợi. Thời gian bây giờ là quyết định sống chết của con tàu và quyết định cả số phận con đường huyết mạch trên biển Đông.  Bốn giờ ba mươi phút sáng máy tời neo vẫn không nổ. Anh Mười Tiến đề nghị:

            - Cho rút chốt vứt mỏ neo đi.

            Thuyền trưởng ra lệnh:

            - Tháo vứt mỏ neo, xuất phát!

            Tàu 143 bắt đầu di động nhưng khi đó trời đã sáng rõ. Thuyền đánh cá của ngư dân bắt đầu ra biển, xen vào đó là tàu của hải quân Sài Gòn đã bắt đầu tuần tra. Trong tình hình đó nếu tàu143 ra khỏi bến sẽ bị lộ. Thuyền trưởng Thêm quyết định cho tàu nép vào sát vách một núi đá Vũng Rô. Màu đen ghi của con tàu giống một màu với đá. Con tàu do đó giống một mũi đá nhỏ nhô ra biển. Trên tàu được những cây của vách đá che phủ. Thuyền trưởng ra lệnh rút hết thuỷ thủ lên bờ, chỉ để lại hai người coi tàu. Chờ đêm tối tàu sẽ ra khơi về Bắc.

            Khoảng gần trưa, một chiếc máy bay trực thăng UH1B bay dọc theo bờ biển từ Quy Nhơn về Nha Trang. Có lẽ viên phi công đã nhìn thấy một mõm đá lạ nhô ra mà trước đó không có. Viên phi công đã báo sự nghi ngờ này cho căn cứ ngụy cho nên một giờ, sau hai chiếc máy bay trinh sát bay lượn nhiều vòng trên Vũng Rô. Máy bay đã chụp ảnh và quay phim để đưa về căn cứ của chúng và phân tích mõm đá lạ.

            Mười ba giờ chiều một máy bay bay đến Vũng Rô ném pháo mù chỉ tọa độ của tàu 143. Tiếp đó hai máy bay AD6 nhào xuống ném bom xăng xuống tàu 143. Lửa khói bốc lên ngùn ngụt, lá ngụy trang trên tàu cháy hết. Tàu 143 lộ nguyên hình trong khói lửa của Vũng Rô.

            Sau máy bay ném bom xăng là nhiều tốp máy bay bay tới ném bom quanh Vũng Rô để nhằm tiêu diệt các thủy thủ. Tiếng nổ rung chuyển và những mảnh bom chát chúa bay tứ tung. Thuyền trưởng Thêm còn đứng ngoài hang bị mảnh bom phạt bị thương ở mông. Mười Tiến bị mảnh đá văng vào mặt tóe máu. Thuyền trưởng Lê Văn Thêm biết đến lúc phải điểm hỏa hủy con tàu để phi tang tích. Anh ra lệnh:

            - Đồng chí Nguyễn Long An xuống điểm hỏa hủy tàu!

            - Báo cáo rõ.

            Máy trưởng Nguyễn Long An cùng một thủy thủ đội bom đạn của máy bay đang dội xuống lặn lại con tàu nhưng tàu 143 đã bị lật nghiêng, cánh cửa chặn mất lối vào tàu nên hai người không thể vào khoang để xuống buồng máy điểm hỏa cho nổ 100 kg thuốc nổ đã cài sẵn. Sau nhiều lần tìm cách đột nhập vào tàu không được, hai người lặn sâu nhưng tai ứ máu kiệt sức, An và chiến sĩ thợ máy đành phải ngoi vào bờ.

            Đêm đó máy bay địch thả pháo sáng rực Vũng Rô suốt đêm. Sáng hôm sau hàng tốp máy bay gầm rú trên bầu trời và tiếp tục ném bom. Buổi chiều trên vùng biển xuất hiện ba tàu chiến: Tàu LSM 405, tàu PC 04 và tàu DCE2. Ba tàu chiến tiến vào vây chặt cửa biển Vũng Rô. Trên không, nhiều tốp trực thăng bay vè vè đổ xuống vùng núi Vũng Rô hai tiểu đoàn bộ binh  tạo nên vòng vây thủy bộ phối hợp để bắt sống các chiến sĩ và bắt sống con tàu.

            Lực lượng phía ta bao gồm 18 thủy thủ tàu 143, 1 trung đội du kích Tuy Hòa, hai tiểu đội bộ đội địa phương đã chiến đấu kiên cường chống lại bộ binh, không quân và tàu chiến địch. Mặt đất, núi non, vùng biển Vũng Rô khói lửa mịt mù, tiếng nổ liên hồi chát chúa. Lực lượng ta dù ít nhưng đã dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch từ các cao điểm tràn xuống. Một tiểu đội công binh của quân khu V được điều đến để hủy tàu nhưng tàu 143 không nổ tung từng mảnh như mong muốn mà chỉ vỡ đôi và chìm dần xuống biển. Các thủy thủ nhìn con tàu thân yêu của mình chìm dần trong nước mà lòng đau xót. Họ không chỉ tiếc con tàu mà biết tàu không nát vụn là rất bất lợi. Địch có thể cho thợ lặn trục vớt xác con tàu và như vậy con đường huyền thoại trên biển có thể hoàn toàn bị lộ.

            Vừa sáng địch tăng thêm bộ binh và thắt chặt vòng vây. Sáng 24-2-1965 Ban chỉ huy bến Vũng Rô và Ban chỉ huy tàu 143 quyết định cho bộ đội phá vòng vây, rút lui về căn cứ ở Trường Sơn. Sau đó các chiến sĩ tàu 143 theo đường bộ ra Bắc.

            Sài Gòn đã cho người nhái lặn xuống tháo gỡ một bộ phận của tàu 143. Địch cũng đã tìm thấy một số vũ khí đạn dược của tàu 143 quanh các hầm bí mật ở Vũng Rô. Chúng tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở Sài Gòn, khoe khoang về chiến tích thu hồi được vũ khí của Bắc Việt vận chuyển vào miền Nam cho Việt Cộng. Sau vụ Vũng Rô, Mĩ và ngụy dùng những lực lượng hải quân, không quân lớn mạnh tăng cường kiểm soát Biển Đông một cách nghiêm ngặt.

            Vụ Vũng Rô là một tổn thất lơn cho ta. Sự kiện này chấm dứt thời kì bí mật suốt năm năm trời của con đường huyền thoại trên biển với biết bao kì tích của Hải đoàn cảm tử. Con đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn toàn bị lộ nhưng con đường đó vẫn tồn tại, những con tàu của Hải đoàn vẫn ra đi, bất chấp gian nan nguy hiểm, bất chấp hi sinh suốt mười năm sau đó tiếp viện cho Miền Nam đến ngày toàn thắng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 60)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn