Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 64)

PGS TS Cao Văn Liên

11/11/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 64.

KHÚC TRÁNG CA

Đêm 30 Tết âm lịch năm 1968, đại dương mênh mông, gió rét thổi căm căm, từng đợt sóng biển đen ngòm. Con tàu giả tàu đánh cá số 43 của Hải đoàn cảm tử đang đè sóng lùi lũi tiến về phương Nam, vạch đỏ của la bàn chỉ mũi con tàu đang hướng tới 0 độ. Trong lòng con tàu nhỏ bé này chở 38 tấn đạn dược, vũ khí, súng đạn cho mặt trận miền Trung. Nơi con tàu phải đến là bến Mĩ Á, Đức Phổ, Quãng Ngãi. Khi nhận ra tàu đã đến ngang tầm biển Đức Phổ, thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh cho tàu rẽ phải, chuyển hướng tây tiến vào biển gần bờ. Kim la bàn chỉ 90 độ.

dh1tau-kdmi-1668066884.jpg
Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 - 1975 (Ảnh tư liệu).

           

Chuyển hướng chưa được bao lâu tàu 43 bị tàu Mĩ theo dõi phát hiện. Chúng dùng tàu khu trục và nhiều tàu hộ tống bám theo tàu 43. Gần tàu 43 nhất là tàu PCF của hải quân ngụy Sài Gòn. Khi gần tầm bắn, tàu PCF, khu trục hạm và các tàu hộ tống nó nã pháo vào tàu 43. Nước biển do đạn nổ dựng thành cột quanh tàu của ta. Trên đầu, máy bay trực thăng của Mĩ -ngụy cũng dội đạn xuống. Đạn địch trúng vào tàu 43 chát chúa, tóe lửa. Thuyền phó hỏa lực tàu 43 Nguyễn Xuân Thêm hạ lệnh chiến đấu bắn trả vào tàu địch. Tất cả các vũ khí của tàu như DKZ, B40, B41, súng bộ binh AK, hai khẩu pháo loại bé 12 li 7 ở boong đầu và boong đít tàu thi nhau nhả đạn. Chiếc tàu gần nhất của địch trúng đạn DKZ của ta bốc cháy mang theo một khối lửa tháo chạy. Cùng lúc, một máy bay trực thăng của địch bốc cháy do trúng pháo 12 li 7, nó như một bó đuốc trên không trung và nhào xuống biển tắt lịm, một chiếc máy bay trực thăng khác bị thương vọt lên  hoảng hốt bay vào bờ. Cuộc giao chiến khốc liệt, một vùng biển Quảng Ngãi vang rền súng nổ đạn reo. Đạn như những bó đuốc bay vù vù xé toạc màn đêm. Không gian ầm vang súng đạn.

            Tàu 43 trong cuộc hải chiến không cân sức vừa bắn vừa lao vào bờ. Đội hình tàu địch ở phía bắc bị hỏa lực tàu 43 đánh dãn ra. Lợi dụng tình thế đó, tàu 43 mở hết tốc độ phá vòng vây ở biển phía bắc. Hai tàu địch lao tới chặn ngay trước mũi tàu 43. Tàu 43 lại lao xuống phá vòng vây ở biển phía Nam. Như một con cá voi dũng cảm tả xung hữu đột phá vây nhưng tàu 43 bị trúng đạn của tàu khu trục và của máy bay địch. Cuối cùng tàu 43 cũng vào được cách bờ 12 hải lí (khoảng hơn 20 km).

            Tại cabin tàu Vũ Xuân Ruệ đang lái tàu. Một loạt đạn của máy bay bắn vào buồng lái làm Ruệ hi sinh. Lưu Công Hào, hàng hải số 2 vào thay lái lại bị thương. Thuyền phó hàng hải Nguyễn Văn Đức vào lái thay nhưng lại bị thương. Dù vậy anh vẫn giữ vững tay lái. Hầu hết các chiến sĩ tàu 43 người thì bị thương, người thì hi sinh. Đạn các cỡ súng trên tàu đã gần cạn hết. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh:

            - Thuyền phó Thơm, thả pháo mù nhanh!

            Thuyền phó Thơm đập pháo mù. Khói đen bay ra lan rộng tạo nên một vùng biển vốn đã tối do bóng đêm càng tối mù che khuất con tàu. Tàu 43 nhanh chóng vượt vòng vây tiến vào bờ.

            Ra khỏi vùng biển đen mù, tàu 43 lị bị tàu địch phát hiện, truy đuổi và bắn xối xả vào tàu. Tất cả các chiến sĩ đã hi sinh hoặc bị thương. Còn cách bờ 200m, tàu 43 lại bị mắc cạn, không thể chạy thêm vào bờ, cũng không thể  chiến đấu được nữa. Trong tình thế hiểm nghèo đó, thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh hủy hết tài liệu mật, yêu cầu các chiến sĩ rời tàu để tự hủy. Các chiến sĩ, người bị thương ôm theo thi hài đồng đội hi sinh nhảy xuống biển bơi và dìu họ vào bờ. Biển quanh tàu nước bỗng nhiên đỏ hồng vì máu của các chiến sĩ. Sóng dập dồn như nâng bước dìu họ vào bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng, chính trị viên Trần Quốc Tuấn cùng bốn chiến sĩ ở lại tàu làm nhiệm vụ kích nổ con tàu. Họ hẹn sau ba mươi phút nữa tàu sẽ nổ. Thủy thủ trưởng Kiểm điểm hỏa ở khoang mũi con tàu. Máy trưởng Nguyễn Trọng cho dây cháy chậm bắt đầu cháy. Dây cháy tóe lửa nổ đèn đẹt chậm như pháo hoa cải. Dây cháy chậm này sẽ bắt vào 5 tấn thuốc nổ đã cài sẵn ở buồng máy và sẽ kích 38 tấn đạn dược cùng nổ. Ba mươi phút nữa con tàu 43 sẽ hòa cùng sóng biển.

            Thuyền phó Nguyễn Văn Đức bị trọng thương nhưng anh cố đẩy thi hài Vũ Xuân Ruệ xuống biển để mang vào bờ và nhảy xuống. Các thủy thủ dìu, cõng, đẩy thi hài đồng đội nhằm bờ bơi vào. Tàu 43 cách bờ 200m. Các tàu địch vẫn bắn vào tàu 43 như mưa. Máy trưởng Kiểm điểm hỏa xong vừa nhảy xuống biển thì trúng đạn chìm xuống. Tòng Nho, y tá kiêm pháo thủ DKZ hi sinh trên tàu. Huỳnh Ngọc Hoa đuối sức chìm. Thơm nhường phao cho Hoa nhưng anh đuối sức chìm dần. Khi chân anh chạm cát thì một đợt sóng mạnh tung anh về phía bờ. Thơm lấy hết sức chồm về phía trước và may mắn một đợt sóng khác hất anh lên bờ.

            Từ tàu 43 mắc cạn, một tiếng nổ long trời dậy biển vang lên. Cột lửa như núi lửa tuôn trào, một vùng biển rung lên chấn động như động đất bởi tiếng nổ khủng khiếp. Sóng biển mù mịt dâng cao như sóng thần. Sau những phút dữ dội, biển trở lại lặng sóng thì tàu 43 đã không còn nữa. Nó đã tan thành từng mảnh nhỏ hòa tan với sóng đại dương cùng bốn chiến sĩ của con tàu. Mười bốn chiến sĩ còn lại bị xung lực của sóng sau tiếng nổ hất vào bờ.

            Thơm bừng tỉnh dậy sau tiếng nổ khủng khiếp của con tàu. Trời đã sáng. Bầu trời xám xịt. Biển vẫn gào lên những đợt sóng lừng. Con tàu 43 thân yêu  và bốn đồng đội của anh không còn. Anh nằm im lặng đau xót, nước mắt tràn ra hòa với nước biển đang từng đợt phả vào mặt anh. Trước mắt anh như đang diễn ra hình ảnh trận hải chiến khốc liệt không cân sức như một một bản tráng ca anh hùng của con tàu 43 và những đồng đội bất tử của anh.

 NHƯ MỘT HUYỀN THOẠI

            Tháng 2 năm 1968, trời biển chuyển dần sang tiết xuân nhưng biển mênh mông nên gió mùa đông bắc vẫn thổi thông thốc. Mặt biển bị gió mùa đông bắc lay động đen kịt phập phồng như tấm vải xanh đen lộng gió tạo nên những đợt sóng lừng nhấp nhô. Trong cảnh mờ ảo của biển, trên hải phận quốc tế, chiếc tàu sắt mang số hiệu 165 giả tàu đánh cá của Hải đoàn 125 đang mải miết hành trình về hướng Nam. Tàu do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy, trên tàu có 18 chiến sĩ. Tàu chở 64 tấn vũ khí đạn dược có nhiệm vụ vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Máy tàu chạy êm, chân vịt khua nước phía sau rào rào đẩy con tàu lao đi.

            Thốt nhiên, trên không phận tàu đang hành trình, xuất hiện những chiếc máy bay do thám của hải quân Mĩ. Chúng bay lượn trên tàu nhiều lần, sà xuống thấp, nghiêng cánh nhòm ngó rồi lại bay vút lên không trung biến mất. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm nhận định tàu 165 đã bị địch phát hiện. Anh ra lệnh cho toàn tàu chuẩn bị chiến đấu. Cửa sổ tàu buông rèm kín mít nhưng bên trong tàu các họng súng DKZ, B40, B41, súng tiểu liện bộ binh AK đã được các pháo thủ túc trực sẵn sàng nhả đạn vào tàu địch. Ở boong đầu tàu và đuôi tàu hai khẩu 12 li 7 vẫn ngụy trang nhưng đạn đã được nạp đầy đủ, chỉ cần bật tung lưới ngụy trang và áo vải bạt che thì pháo có thể nhanh chóng khạc lửa. Ban chỉ huy tàu thay nhau trực chiến sẵn sàng chỉ huy chiến đấu.

            Ngày 29 tháng 2  năm 1968, khi tàu 165 ngang vĩ độ biển Cà Mau thì máy bay do thám Mĩ lại xuất hiện trên đầu. Không lâu sau khi tàu chuyển hướng tây để vào biển Cà Mau thì xuất hiện 3 tàu khu trục Mĩ và 5 tàu HQ Sài Gòn, 8 tàu địch to lớn lừng lững như những con dã thú trên biển, với những nòng pháo đen kịt hình thành thế bao vây nhằm bắt sống tàu 165. Khi thấy tàu địch lọt vào tầm bắn của ta, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm ra lệnh:

            - Nhằm tàu địch bắn!

            Tất cả các loại súng của tàu ta khạc những làn lửa đỏ rực vào tàu địch. Tàu địch cũng dùng hỏa pháo mạnh bắn vào chung quanh tàu 165. Súng nổ dữ dội, một vùng biển đạn đan chéo nhau đỏ rực, những cột nước dựng lên chung quanh tàu 165.

            Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm quan sát thấy cự li tàu ta và tàu địch rất gần mà địch không bắn phát nào trúng vào tàu 165, ý định bắt sống tàu ta của địch quá rõ ràng. Anh ra lệnh:

            - Chuẩn bị điểm hỏa hủy tàu!

            Hai chiếc tàu HQ Sài Gòn nhân lúc tàu 165 ngừng bắn đã áp sát mạn tàu ta. Lính thủy Sài Gòn đang tìm cách nhảy sang tàu 165. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm ra lệnh:

- Điểm hỏa hủy tàu!

Sau lệnh của thuyền trưởng không đầy vài giây, một tiếng nổ khủng khiếp chấn động cả một vùng biển Cà Mau, một cột lửa khổng lồ bốc cao như núi lửa. Lực công phá của 64 tấn đạn dược thuốc nổ làm tàu 165 và hai tàu Sài Gòn thành sắt vụn, mảnh bắn lên không trung như mưa và rơi xuống biển. Sóng xung lực của tiếng nổ đã đẩy sáu con tàu còn lại của Mĩ ra xa. Sau tiếng nổ của “hỏa diệm sơn” và sóng thần, biển trở lại im lặng nhưng lính Mĩ và ngụy trên sáu con tàu còn lại rụng rời khiếp sợ. Chúng định thần nhìn lại thì ba con tàu đã biến mất. Chỉ còn lại một vùng lửa đang cháy loang theo vết dầu trên mặt nước. Lính Mĩ và ngụy lắc đầu lè lưỡi kinh hoàng trước sự hi sinh lẫm liệt anh hùng của các chiến sĩ tàu 165. Mười tám chiến sĩ của tàu 165 đã chọn biển xanh của Tổ quốc làm nơi yên nghỉ của mình. Biển mãi mãi hát ca chiến công và ru giấc nghìn thu cho các anh hùng liệt sĩ. Sau này, Đài phát thanh Sài Gòn đưa tin:  “Đêm giao thừa Mậu Thân, tại biển Cà Mau, tàu chở vũ khí Bắc Việt đã bị bao vây nhưng cố tình lẩn trốn và đánh trả. Cuối cùng đối phương cho nổ tàu. Hai tàu Quốc gia đành chịu chung số phận”.

Vụ nổ tàu 165 thành nỗi kinh hoang khiếp sợ cho các tàu Mĩ - ngụy mỗi khi đối mặt chạm trán với tàu của Hải đoàn cảm tử.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 64)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn