Tìm hiểu và nhận diện tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Đà Nẵng              

NNDG Ngô Thị Ngọc Bông*

08/03/2022 00:52

Theo dõi trên

Thờ Mẫu tại miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng mang đặc trưng của tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na, được bắt nguồn từ tục thờ bà Ponagar của người Chăm. Khi người Việt đến định cư ở đây đã “Việt hóa” tục thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm.

dao-mau-da-nang5-1646675293.jpg
 

 

Đà Nẵng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều di sản văn hóa tiêu biểu và độc đáo, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, là một trong nhiệm vụ quan trọng của thành phố Đà Nẵng.

Di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Nó còn là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Đà Nẵng còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... mang đậm sắc thái cội nguồn. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng Quảng từ bao đời nay. Các tín đồ tín ngưỡng Thờ Mẫu với những ước mong thực tế trong cuộc sống hiện tại: cầu tài, cầu lộc, gia đạo an vui, v.v… Ngày nay trên đất nước ta Đạo Mẫu đã phát triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miền núi, tạo nên một nét riêng  trong bối cảnh hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Điện thờ Mẫu được xây dựng ở nhiều nơi, có những công trình đồ sộ với kiến trúc cổ kính tương tự đình, chùa, có nơi là điện thờ nhỏ trong tư gia, nhưng dù lớn nhỏ thì cách bài trí điện thờ và các nghi thức thực hành tín ngưỡng đều thể hiện những nét đặc trưng của tín ngưỡng độc đáo riêng của người Việt.

Thờ Mẫu tại miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng mang đặc trưng của tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na, được bắt nguồn từ tục thờ bà Ponagar của người Chăm. Khi người Việt đến định cư ở đây đã “Việt hóa” tục thờ Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm. Bằng truyền thuyết về bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà, Nha Trang. Việc thờ cúng Thiên Y A Na mang đậm yếu tố tục thờ Mẫu  Liễu Hạnh của Bắc Bộ, xen lẫn với nghi lễ Hầu đồng, hát Chầu văn. Ở các miếu Bà, có nơi bên trong có thờ một tượng thần Chămpa, nhưng truyền thuyết đi kèm thường miêu tả như là một nữ thần thuần Việt. Từ miền Trung, Po Nagar được đồng nhất thành Thiên Y A na - bà Chúa Ngọc Thánh phi, tục gọi là bà Chúa Ngọc.

dao-mau-da-nang1jpg-1646675294.jpg
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn tại thành phố Đà Nẵng

Âm nhạc trong Chầu văn của miền Trung có mang một số làn điệu của các loại hình nghệ thuật dân gian khác như: hát Chèo, hò Huế, làn điệu dân ca Khu 5, nhạc Chăm. Nghi thức lễ Mẫu nhiều màu sắc kết hợp với diễn xướng hát văn đem lại không khí sôi động cho tín đồ trong các cuộc lễ. Có thể nói, nhu cầu giải tỏa áp lực trong đời sống tinh thần, ước mong về mộtm cuộc sống bình an, sung túc của mọi người khiến cho tín ngưỡngThờ Mẫu có sức lan tỏa lớn, được nhiều người tin theo. Dạng thức chủ yếu thờ Mẫu ở Nam Trung bộ, hình thức thờ Nữ thần Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Po Nagar.

Trước năm 1975, tại thành phố Đà Nẵng có Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo tại số 30 đường Triệu Nữ Vương thành phố Đà Nẵng. Sau năm 1975, các thành viên trong Ban Chấp hành của Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo (cũ) đã giao cơ sở Thánh Đường cho Nhà nước quản lý và sử dụng, hiện nay là Nhà văn hóa phường Hải Châu II, quận Hải Châu. Từ năm 1975 đến năm 1994, hầu hết các am, đền, điện tại Đà Nẵng đều ngưng hoạt động. Từ năm 1995 đến nay, bắt đầu hoạt động quy mô trở lại nhưng chủ yếu tại các nhà tư gia. Trước năm 2014, các lễ này được tổ chức tại khu Đảo Xanh 2 thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Từ năm 2015, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng bố trí khu đất tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ để xây dựng cơ sở thờ tự chung của tín ngưỡng. Trong những năm qua, di sản văn hóa tại Đà Nẵng ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố. Qua đó, giá trị di sản được nhận diện, bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh của thành phố thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Từ khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016, tín ngưỡng thờ Mẫu tại thành phố Đà Nẵng dần phát triẻn và đang phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng.

dao-mau-da-nang2-1646675293.jpg
 

Năm 2019, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thành lập Chi hội Di sản văn hóa Trung Thiên Thủy Cảnh, thành phố Đà Nẵng. Đến nay, Chi hội Chi hội Di sản Trung Thiên Thủy Cảnh được là thành viên của Hội Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 4826/QĐ-UBND). Với trách nhiệm Chủ tịch Chi hội Di sản Văn hóa Trung Thiên Thủy Cảnh thành phố Đà Nẵng, hàng năm chiếu lệ từ 19 – 22 tháng Ba âm lịch, tôi cùng các thanh đồng Bản điện Trung Thiên Thủy Cảnh hành hương về Nha Trang - Khánh Hòa thực hành nghi lễ tại Đại An - Núi Chúa và Tháp Bà thực hành nghi lễ tín ngưỡng cho tín đồ thờ Mẫu. Từ 06 đến 10 tháng Bảy âm lịch lại cùng thanh đồng hành hương về Cố đô Huế tiến hành tham gia Lễ hội Thu Tế tại điện Huệ Nam (Hòn Chén); Lễ hội cung nghinh Thánh Mẫu từ điện Huệ Nam về làng Hải Cát dự lễ tế thần. Năm nay, nhận lời mời của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, ngày 23/3/2021 (11/2 Tân Sửu) tham dự Ngày hội Văn hóa Lễ hội Bà Thu Bồn đã trình diễn Nghi lễ loan giá với giá hầu “Thánh Bà Tam động Hỏa Phong Thần Nữ”, một trong năm Bà Chúa Ngũ Hành

Ngoài tham gia các Lễ hội tại địa phương, tôi còn tham gia Hội thảo Quốc tế “ Văn hoa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và Châu Á - Bản sắc và giá trị”, ngày 29-30/9/2012, tại tỉnh Nam Định (2012); Tham dự Tọa đàm khoa học “Mối quan hệ giữa Đạo Mẫu và tín ngưỡng Thờ Đức Thánh Trần”  tại đền Trần Thương, tỉnh Hà Nam (2016); Tham dự Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản,  tỉnh Nam Định (2017). Tham gia Hội Thảo Khoa học " Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt: Hai năm nhìn lại từ phương diện nhận thức xã hội" (2018) và " Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt: Ba năm nhìn lại từ Cộng đồng xã hội” (2019) do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam tổ chức. Tham gia các Liên hoan giao lưu văn hóa tại các tỉnh thành phố trên cả nước: Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hải Dương, Yên Bái…Tham gia chương trình "Giới thiệu Quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với bạn bè quốc tế và Cộng đồng người Việt Nam tại Liên Bang Malaysia (2016), Hàn Quốc (2018), tại Hoa Kỳ (2019).

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, việc cần thiết và cơ bản chính là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

dao-mau-da-nang3-1646675293.jpg
 

___

dao-mau-da-nang4-1646675293.jpg
 

_______________________.

*Uỷ viên BCH Hội Di sản Văn hóa Thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội Di sản Văn hóa Trung Thiên Thủy Cảnh Đà Nẵng

 

(Bài đã đăng trên Tạp chí Di sản Văn hóa của Hội Di sảnVăn hóa Thành phố Đà Nẵng, Tập 2/2022)

Bạn đang đọc bài viết "Tìm hiểu và nhận diện tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Đà Nẵng              " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn