Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

27/10/2021 10:16

Theo dõi trên
chuy-lang-nq1-1635304281.jpg
Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) . Nguồn: laodongthudo.vn

Kỳ 2

Ngày hôm sau Ngô Quyền ra lệnh cho quân đội và bách tính ăn mừng chiến thắng và lễ đăng quang của ông lên ngôi vua. Ông bỏ chức danh Tiết độ sứ và xưng là Ngô Vương, tự khẳng định sự độc lập khỏi các thế lực phong kiến phương Bắc từ nay về sau.

Sau ba ngày lễ lớn tưng bừng, ngày hôm sau tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Vương thiết triều bàn những việc quan trọng của đất nước, của một triều đại mới. Trong buổi thiết triều Ngô Vương nói:

- Đất nước một ngày không thể không có vua. Từ khi Dương Tiết độ sứ qua đời cho đến nay, ta mãi công việc diệt trừ phản nghịch Kiều Công Tiễn, rồi tiếp theo là kháng chiến chống quân Nam Hán. Nay sự nghiệp chống ngoại xâm và diệt trừ nội phản đã hoàn thành, đáp lại sự mong mỏi của bách tính và ba quân, các khanh hãy nghe mệnh lệnh sau đây:

- Ta Ngô Quyền, nay lên ngôi vua, đế hiệu là Ngô Vương, lấy Cổ Loa là kinh đô của triều đại và đất nước. Nay phong Ngô Phu nhân Dương Thị Như Ngọc là Dương Hoàng hậu, Dương Phương Lan làm quý phi; Ngô Xương Ngập là Thái tử, Ngô Xương Văn, Ngô Hưng Nam, Ngô Càn Hưng là hoàng tử. Phong Dương Tam Kha, Lã Tử Bình, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc là đại thần kiêm Quân quốc trọng sự. Phong Đỗ Cảnh Thạc đứng đầu hàng võ quan. Phong Kiều Công Hãn là Thứ sử Phong Châu, Dương Huy làm Thứ sử Vũ Ninh, Ngô Nhật Khánh làm Thứ sử Đường Châu, Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu, Đinh Bộ Lĩnh làm Tư mã Hoan Châu, giúp việc cho cha là Đinh Công Trứ. Còn các châu khác, các Thứ sử vẫn trung thành với triều đình ta thì giữ nguyên như cũ.

Đỗ Cảnh Thạc đứng dậy tâu:

- Muôn tâu Hoàng thượng, đế vương vừa là danh hiệu chủ tể của thiên hạ, đế là hàng nhất, vương là hàng nhì. Nay Hoàng thượng vừa đánh cho quân Nam Hán vỡ mật, chiến thắng lẫy lừng làm bên trong thì nức lòng bách tính, bên ngoài thì vang dội, phương Bắc và phương Nam đều kinh hãi. Sao Hoàng thượng không xưng đế, bên trong thì lấy uy trị vì thiên hạ, bên ngoài thì bố cáo một thời đại độc lập sánh ngang với Bắc phương. Mong Hoàng thượng suy xét.

Ngô Vương đáp:

- Vương đế khác về chữ viết nhưng quyền hành có khác gì nhau, chỉ là chỉ tước hiệu người đứng đầu quốc gia. Đế hay vương thì nay nhà Ngô ta cũng là một triều đình độc lập, mở đầu cho thời độc lập bền vững của nước nhà, mở đầu một vương triều chính thống từ nay về sau.

Phạm Bạch Hổ nói:

- Từ xưa tới nay nước độc lập đều có Quốc hiệu để dùng trong hành chính, quân sự, bang giao. Xin Hoàng thượng quyết định.

Ngô Vương đáp:

- Ta biết thời Hùng Vương quốc hiệu là Văn Lang, thời An Dương Vương quốc hiệu là Âu Lạc, thời hai Bà Trưng là Hùng Lạc hạy còn gọi là Lĩnh Nam, thời Lý Nam đế gọi là Vạn Xuân, thời tự chủ của họ Khúc, của Dương Đình Nghệ vẫn gọi là An Nam hay Tĩnh Hải Quân. Bây giờ ta cứ gọi nôm na là Nước Việt vậy.

Triều đình đáp:

- Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Rồi thời gian trôi đi chớp mắt đã 5 năm. Trong thời gian đó, bằng võ công Bạch Đằng hiển hách, bằng lực lượng quân sự, bằng uy tín của mình, Ngô Vương đã làm cho các thế lực hào trưởng trong nước phải phục tùng chính quyền trung ương, chịu sự thống trị của triều đình Cổ Loa. Cho nên, đất nước hòa bình, bách tính sống no ấm yên vui trong những làng mạc nông thôn yên ả, thanh bình. Nhưng thiên hạ, quốc gia và các triều đại là tuân theo một sự vận động không ngừng theo quy luật thăng trầm, thịnh suy, suy thịnh, tan hợp, hợp tan. Bước vào những năm 40 kỷ thứ X, triều đình Cổ Loa bước vào thời kỳ biến động. Sự kiện rõ ràng và nguy nan nhất là sức khỏe của Ngô Vương ngày càng giảm sút, các buổi thiết triều bàn việc nước ngày càng ít đi, hoặc nếu có thì cũng nhiều lần do Thái tử Ngô Xương Ngập chủ trì. Cũng may khi đó đất nước thanh bình, không có sự đe dọa từ phương Bắc, Trung Nguyên chìm trong cục diện tranh hung của Ngũ đại thập quốc, nhà Nam Hán đang trên bờ diệt vong, không còn sức, không còn ý chí sang đánh báo thù trận thua năm 938. Thế rồi một ngày Ngô Vương đang ngồi bỗng nhiên tối xầm mặt mày suýt ngã, may có thị vệ đỡ đem vào giường nằm. Ngô Vương biết đã sắp đi, cho gọi hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc, quý phi Dương Phương Lan, Thái phó Dương Nhất Kha, Thái phó Dương Nhị Kha, Thái sư Dương Tam Kha là các anh của Dương Hoàng hậu, Thái tử Ngô Xương Ngập và các hoàng tử Ngô Xương Văn, Ngô Càn Hưng, Ngô Hưng Nam vào bên giường. Ngô Vương cầm tay Ngô Xương Ngập mà nói, giọng yếu ớt:

- Cha nay số mệnh ngắn ngủi, đã đến lúc phải đi về tiên thế. Con là con trưởng kế vị cha. Cha mừng là con cũng đã trưởng thành, cũng từng xông pha chiến trận. Con phải làm một ông vua tốt với dân, trung với nước, đặc biệt phải giữ được cơ nghiệp độc lập mà cha ông gian khó, bách tính hy sinh to lớn mới giành lại được. Con phải có hiếu với thân mẫu, tốt và nhân nghĩa bao dung với các em. Có như vậy cha dưới suối vàng mới yên tâm nhắm mắt.

Ngô Xương Ngập quỳ lạy khóc nói:

- Con xin ghi nhớ và làm theo những lời căn dặn của cha.

Ngô Vương lại cầm tay Dương Tam Kha:

- Trong các trụ cột của triều đình, bác là đại thần lại là người nhà. Nay vua mới còn trẻ, bác phải phò tá giúp cho tròn đạo anh em bác cháu, vua tôi. Ngoài ra ba bác phải giúp đỡ Dương Thái hậu và các cháu.

Dương Tam Kha và tất cả đều quỳ nhận cố mệnh:

- Thần xin lĩnh chỉ.

Ngô Vương lại cầm tay Dương Hoàng hậu, mắt vua trào ra những giọt nước, ý vua muốn nói nhiều với hoàng hậu nhưng rồi vua im bặt. Ngô Vương đã băng hà, thọ 47 tuổi, ở ngôi 5 năm. Dương Hoàng hậu, quý phi Dương Phương Lan và các con đều khóc lóc thảm thiết, lúc đó là năm 944. Ngô Vương ra đi quá sớm ở cái tuổi đang thời kỳ sung mãn về sức lực, đỉnh cao của tài năng trí tuệ và uy tín trong việc kinh bang tế thế. Một con người đã làm cho những kẻ bán nước như Kiều Công Tiễn mặt xanh nanh vàng, hồn bay khỏi xác, một người hai lần làm cho cựu thù của đất nước là triều đình Phiên Ngung nghe đến tên là bàng hoàng như nghe sấm sét, coi giấc mộng Nam chinh là giấc mộng kinh hoàng. Người đã dựng một cột mốc lớn, sừng sững trên con đường đi của lịch sử dân tộc Việt. Than ôi! Con người vĩ đại cũng không thoát khỏi quy luật sinh trụ dị diệt của tạo hóa. Triều đình Cổ Loa và đất nước chìm trong mùa tang tóc bi thương, đã đưa thi hài vị anh hùng về yên nghỉ ở Đường Lâm - Phong Châu. Ngô Xương Ngập bước lên ngai vàng làm chủ triều đình Cổ Loa và đất Việt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn