Từ không chiến đến hòa giải: Khoảnh khắc đáng nhớ (Bài 4)

Nguyễn Việt Cường (QK7)/Thành Đô (Tổng hợp)

16/12/2022 07:15

Theo dõi trên

Sau khi gặp mặt và giao lưu tại Hà Nội, đi thăm quan một số nơi, đoàn cựu phi công Mỹ đã có cuộc gặp mặt, giao lưu với các cựu phi công Việt Nam tại Trường Phi công Bay Việt, thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung buổi gặp mặt, giao lưu ở thành phố Hồ Chí Minh tập trung đi sâu vào một số trận đánh của MiG17 (trận 19/4/1967; 23/8/1967 & 10/5/1972).

Tại lần gặp mặt thứ 2 tại San Diego năm 2017, một cựu phi công Mỹ hỏi phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy: “Xin lỗi, ngài có tham gia trận 19/4/1967 không?”. Phi công Nguyễn Văn Bảy có xuất kích ngày hôm đấy nhưng tham gia không chiến ở khu vực khác.

Trong cuộc gặp gỡ, giao lưu tại thành phố Hồ Chí Minh có các phi công MiG17 lão luyện, nhiều kinh nghiệm: Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng LLVTND Lê Hải, Đại tá phi công Nguyễn Văn Thọ. Đây là lần gặp mặt, giao lưu đầu tiên với cựu phi công Mỹ của phi công MiG17 Lê Hải, Nguyễn Văn Thọ, do tuổi cao và sức khỏe nên những lần gặp trước các anh không tham dự được.

d1aq1c-1671121413.jpg
Vợ chồng ông Howard Bodenhamer chụp ảnh lưu niệm với Đại tá Thọ. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Đại tá phi công Nguyễn Văn Thọ rất bất ngờ khi gặp các cựu phi công Mỹ trong các trận không chiến ngày 19/4/1967, 23/8/1967, 10/5/1972 mà ông là người trực tiếp tham gia cả ba trận này.

Ngày 19/4/1967 là ngày cả hai phía xuất kích với số lựợng lớn. Các trận không chiến giữa các biên đội máy bay chiến đấu của hai phía diễn ra rất ác liệt. Đây là các trận đã thể hiện đậm nét cách đánh phong phú và cách vận dụng linh hoạt chiến thuật đánh địch của MiG17. Biên đội Trung - Thọ - Dung - Tân trở thành một trong những biên đội MIG17 đánh đạt hiệu quả cao nhất của KQNDVN. Các kíp trực ban dẫn đường đã nỗ lực hết mình, dẫn đánh đúng ý định của người chỉ huy.

Chiều 19/4/1967, trên mạng B-1 xuất hiện nhiều tốp máy bay địch vượt qua biên giới bay về phía Hà Nội từ hướng Tây Nam. Lúc 15 giờ 52 phút, tại Sở chỉ huy (SCH) Quân chủng PK -KQ, Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài quyết định cho Biên đội MiG17: Võ Văn Mẫn – số 1, Hà Đình Bôn – số 2, Phan Văn Túc – số 3, Nguyễn Bá Địch – số 4 cất cánh tại sân bay Gia Lâm. Phát hiện 2 tốp máy bay địch ở phía tây Mai Châu 15km, SCH Binh chủng Không quân dẫn Biên đội vào khu vực Đông Nam Lương Sơn 11km. Lúc 16 giờ 7 phút xuất hiện thêm nhiều tốp máy bay địch ở phía Tây – Tây Bắc Hòa Bình 35km, SCH Binh chủng lệnh cho Biên đội 2 chiếc MiG17: Lê Quang Trung – số 1, Nguyễn Văn Thọ - số 2 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc vào khu vực Sơn Tây – Thanh Sơn để thu hút địch. Biên đội đánh chính Mẫn – Bôn – Túc – Địch được dẫn vào không chiến ở khu vực Đông Bắc Hòa Bình 10km. Số 4 Nguyễn Bá Địch đã bắn rơi 1 chiếc F105, Biên đội MiG17 bắn bị thương 2 chiếc khác; cản phá thành công, không cho địch vào đánh phá mục tiêu. Biên đội về hạ cánh an toàn

Gần 17 giờ, trên Mạng B-1 lại xuất hiện nhiều tốp máy bay địch bay vào. Lúc 17 giờ 01 phút, SCH cho Biên đội MiG17 đánh chính: Lưu Huy Chao – số 1, Lê Hải – số 2, Nguyễn Văn Bảy – số 3, Hoàng Văn Kỷ - số 4 cất cánh tại sân bay Gia Lâm. Phán đoán có khả năng địch đánh phá Phủ Lý, SCH dẫn biên đội vào khu vực Đông Bắc Vụ Bản 15km. 17 giờ 09, sau khi dẫn đường cho vòng phải cắt vào đội hình địch, biên đội phát hiện 4 máy bay F105. Gặp MiG, địch bị bất ngờ, phải vội vã vứt bom và tháo chạy. SCH cho Biên đội MiG17 vòng chờ tại chỗ, kéo lên cao để nhử địch.

Lúc này Radar dẫn đường phát hiện tốp máy bay địch ở Đông Nam Hòa Bình 20km đang bay về phía Tây Vụ Bản. SCH Binh chủng lệnh Biên đội MiG17: Lê Quang Trung – số 1, Nguyễn Văn Thọ - số 2, Nguyễn Xuân Dung – số 3, Dương Trung Tân – số 4 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc bay vào khu vực Hòa Bình để yểm trợ cho biên đội đánh chính: Chao – Hải – Bảy – Kỷ. Sau khi F105 bị số 4 Nguyễn Bá Địch bắn rơi, phi công nhảy dù, SCH Quân chủng phán đoán địch sẽ tổ chức máy bay vào tìm cứu phi công nên quyết định cho cả 2 biên đội MiG17 cùng vào đánh. Lúc 17 giờ 20 phút xuất hiện tốp máy bay địch phía Đông Cẩm Thủy 15km, SCH dẫn Biên đội Chao – Hải – Bảy – Kỷ vào chặn đánh ở Cẩm Thủy, nhưng địch bay đến Đường 12 lại vòng xuống Nho Quan vì vậy SCH dẫn biên đội về hạ cánh tại Gia Lâm.

17 giờ 21 phút, SCH dẫn Biên đội Trung - Thọ - Dung – Tân đến tây Tân Lạc 10km, vòng trái hướng bay 140 độ bay về khu vực tây Vụ Bản 15km. Khi phát hiện 2 tốp địch: một tốp máy bay tốc độ nhỏ ở Đông Bắc Vụ Bản 5km đang bay về phía tây Vụ Bản, và tốp bay từ Nho Quan vòng lên phía tây Vụ Bản, SCH dẫn biên đội tiếp cận địch và thông báo vị trí cả 2 tốp mục tiêu. Số 1 Lê Quang Trung phát hiện tốp máy bay F105 và AD6 ở cự li 7km, lập tức ra lệnh Biên đội tách làm 2 tốp: số 1 yểm hộ cho số 2; số 3 yểm hộ cho số 4. Biên đội MiG17 hoàn toàn kiểm soát tình hình và chủ động tấn công: số 2 Nguyễn Văn Thọ bắn rơi 1 chiếc AD6; số 4 Dương Trung Tân bắn rơi 1 chiếc F105 và 1chiếc AD6. Trong danh sách phi công Không quân nhân dân Việt Nam trong 1 trận bắn rơi 2 máy bay địch đã ghi thêm tên của phi công MiG17 Dương Trung Tân.

Đại tá Nguyễn Văn Thọ hồi tưởng lại về trận đánh trong buổi gặp gỡ, giao lưu: “Khi phát hiện AD6, tôi bắn một loạt, đạn trùm lên chiếc máy bay, tôi bắn loạt nữa thì chiếc máy bay AD6 lật ngửa và rơi. Lúc đấy 4 chiếc F105 đến, chúng tôi triển khai đánh F105. Trong quá trình đánh F105, tôi bắn một loạt nhưng không trúng. Khi bị chiếc chiếc F105 bám phía sau, tôi kéo vào rồi lật ngửa lại, nhìn lên thì thấy một phi công mắt xanh lè đang nhìn tôi”. Nghe đến đây, có người sẽ ngạc nhiên và thắc mắc: vì sao 2 chiếc máy bay đang quần nhau với vận tốc khoảng 750km/h lại có thể nhìn thấy mắt màu xanh? Cũng không có gì khó hiểu, vì 750km/h là vận tốc của máy bay so với mặt đất (hoặc một điểm chuẩn nào đấy); còn khi 2 máy bay bay song song cùng chiều ở dự ly rất gần nhau với vận tốc tương đương nhau, dù trong khoảnh khắc rất ngắn, thì giữa 2 máy bay có vận tốc so với nhau gần như con số không hoặc rất nhỏ, nhìn thấy mắt xanh của đối phương là chuyện bình thường. Lúc kể, Đại tá Thọ cũng chưa biết có phi công “mắt xanh” ngồi trong buổi gặp mặt.

Ông Howard Bodenhamer, phi công ‘mắt xanh” hỏi Đại tá Thọ: “Hôm đấy ông đội chiếc mũ da?”, Đại tá Thọ xác nhận đúng. Ông H. Bodenhamer muốn xác minh thêm và hỏi tiếp: “Sau khoảnh khắc ngắn ngủi úp lưng máy bay vào nhau thì ông bay đi đâu?”. Đại tá Thọ trả lời ông làm động tác trượt cạnh, sau đấy quay lại thì không thấy đâu nữa, ông Howard Bodenhamer công nhận tình tiết này và nói thêm lúc đấy ông ta cũng thoát ra khỏi khu chiến. Lúc này phi công Nguyễn Nam Liên chỉ cho Đại tá Thọ ông phi công “mắt xanh”. Mọi người nhìn ông Howard Bodenhamer, đúng là ông ta có đôi mắt xanh biếc.

Ông Howard Bodenhamer nhớ lại: máy bay của ông đang tiếp dầu thì được lệnh quay lại bảo vệ máy bay AD6 đang hoạt động tìm cứu phi công nhảy dù. Đáng lẽ nhiệm vụ bảo vệ là của tốp F4, nhưng không hiểu sao họ đã bỏ đi. Những chiếc MiG17 và F105 nối đuôi bám theo nhau thành một hình tròn trên không. Khi ông đang đưa vào kính ngắm 1 chiếc MiG17 thì nghe tiếng hô gấp “thoát ly” và ông nhìn thấy loạt đạn bay ngay trên đầu mình bắn ra từ chiếc MiG17 phía sau. Để tránh bị phi công MiG17 truy kích và bắn tiếp, ông giả vờ bị trúng đạn và lao xuống, sau đấy tăng lực kéo lên. Lúc kéo lên là lúc ông gặp MiG17 của Đại tá Thọ, chiếc mũ da và đôi mắt xanh đã được 2 phi công nhìn thấy và nhớ mãi 51 năm.

Trước khi bước vào phòng họp mặt, cả hai phi công không biết mặt nhau, khi các chi tiết về trận đánh được kể lại trùng khớp, cả hai người vui mừng vì đã gặp lại được địch thủ cũ.

Những nụ cười, những bàn tay xiết chặt, những vòng tay ôm lấy nhau; hai phi công đã từng không chiến với nhau, giờ đây, khi tuổi đã xế chiều họ bắt đầu trở thành bạn bè của nhau, cùng có kỷ niệm chung ở khoảnh khắc đáng nhớ.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Từ không chiến đến hòa giải: Khoảnh khắc đáng nhớ (Bài 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn