Tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển - hải đảo Quảng Ngãi

Lê Hồng Khánh

04/06/2021 08:49

Thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng khá phổ biến trong cư dân duyên hải Việt Nam, từ vùng tiệm cận dãy Hoành Sơn vào đến Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, trong đó có cư dân vùng ven biển – hải đảo tỉnh Quảng Ngãi. 

h1-le-nghinh-ong-o-binh-thanh-binh-son-1622770774.JPG

Lễ Nghinh Ông ở  Bình Thạnh (Bình Sơn)

Nhiều tài liệu khảo sát còn cho thấy tục này xuất hiện ở cả những địa phương nằm sâu trong đất liền như vùng tam giác châu Bình Dương (hạ lưu sông Trà Bồng, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), xã Vang Quới Đông (huyện Bình Đại, tỉnh Bến tre), thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất nhận định tục thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng của người Chăm cổ, vốn gắn bó nhiều với biển cả, đã được người Việt (và cả người Việt mang hai dòng máu Việt – Chăm, hậu duệ của người Chăm bản địa và người Việt lưu dân) tiếp thu và nhập vào đó nhiều nét tín ngưỡng - văn hoá của cư dân văn hoá Đông Sơn để trở thành một tín tục mang đậm dấu ấn truyền thống của hai dân tộc. Một số vùng, rõ nhất là ở Bình Thuận, tục này lại dung nhận thêm yếu tố tín ngưỡng của cộng đồng người gốc Hoa, chủ yếu là vùng duyên hải Hoa Nam, định cư lâu đời ở Đàng Trong.

Tục thờ cúng cũng như thái độ trọng vọng đối với cá Ông, khi sống cũng như khi chết, thực ra là một hình thức tín ngưỡng vật linh mà ở đây trực tiếp là quan niệm cho rằng loài cá nầy là vị thần độ mạng, đấng cứu tinh trong những trường hợp gian nguy trên biển. Trong tâm thức của cư dân chài lưới, những người sống lênh đênh nhiều ngày giữa biển khơi, lắm khi gặp sóng to gió lớn, tai hoạ đắm thuyền, mất mạng là nỗi ám ảnh trực tiếp trong cuộc mưa sinh đầy gian khó. Hình ảnh cá Ông Voi trong tâm thức của họ là chỗ dựa tinh thần quý giá, nơi gởi gắm niềm tin. Niềm tin này ban đầu là một nhu cầu giúp người ta có thể chịu đựng gian khổ, hiểm nguy trong cuộc  mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành một tín ngưỡng  dân gian.

Gắn liền với lễ cúng cá Ông là trò hát múa bả trạo (chèo đưa linh, chèo hầu linh, hát bạn chèo, hát đưa Ông…). Đây là hình thức diễn xướng dân gian sử dụng phối hợp các động tác múa, ca hát và âm thanh nhạc cụ tái hiện hành trình ra khơi của người đi biển.“Bả” có nghĩa là chặt, nắm chặt; “trạo” là mái chèo. Bả trạo là nắm chặt mái chèo, thể hiện ý chí vững tay trên biển cả, sẵn sàng đối phó với phong ba. Cũng có người gọi là bá trạo (một trăm mái chèo), thế nhưng hầu hết các lão ngư ông cũng như đa số cư dân ven biển – hải đảo Quảng Ngãi đều gọi là bả trạo.

h2-doi-ba-trao-lang-van-thach-bi-duc-pho-1622770774.jpg
Đội bả trạo lăng vạn Thạch Bi (Đức phổ)

Căn cứ vào mối liên hệ của cuộc hát bả trạo với lễ cúng Ông, có thể chia loại hình diễn xướng nghi lễ này thành 2 nhóm:

Nhóm 1, tạm gọi là bả trạo vui chơi, chỉ những cuộc hát không gắn liền với nghi thức tế lễ. Nhóm nầy phổ biến ở các địa phương vùng ven biển Nam bộ, một số vùng thuộc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ven biển huyện Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi). Ở đây, trong dịp cúng cá ông người ta thường tổ chức các đám hát  nhằm mục đích giải trí, vui chơi, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư có dịp thưởng thức sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát bội, hát chúc phước lộc thọ, hát múa bả trạo.

Nhóm 2, tạm gọi là bả trạo nghi lễ, chỉ những cuộc hát gắn liền với nghi thức tế lễ, góp phần thể hiện tổng thể “kịch bản” hành lễ  và trở thành một bộ phận của cuộc lễ hoàn chỉnh. Nhóm này phổ biến ở hầu hết vùng ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận…Tính nghi thức dẫn đến sự chặt chẽ trong trình thức, mô hình của cuộc hát, cho dù phần lời vẫn có những thay đổi, gia giảm phù hợp với kỳ cúng, địa điểm cúng, quy mô và bối cảnh xã hội.

Cho đến nay, tục thờ cúng cá ông và theo đó là hát múa bả trạo vẫn còn được lưu giữ khắp vùng ven biển, hải đảo Quảng Ngãi. Những năm gần đây, từ sự đóng góp của bà con vạn chài và các bậc Mạnh Thường Quân, nhiều lăng thờ cá ông đã được sửa chữa, trùng tu. Lễ tế cá Ông xuân thu nhị kỳ cũng được tổ chức long trọng, nghiêm cẩn. Các Đội hát múa bả trạo vẫn duy trì tập luyện và sẵn sàng phục vụ những dịp tế Ông tại vạn mình cũng như ở các vạn bạn khi có lời mời. Vùng ven biển huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn vẫn là nơi lễ hội cúng cá Ông diễn ra khá thường xuyên, chu đáo, giữ đúng định kỳ, có sự tham gia của đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều người tha hương làm ăn cũng nhân lệ cúng Ông thu xếp về thăm quê để có dịp hoà mình vào không khí lễ hội của bà con cố quận. Nếu như ở Bình Sơn, lễ cúng cá Ông thường đi liền với hát múa bả trạo, thì ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền tứ linh (Long Ly Quy Phụng) là trò vui cộng đồng không thể thiếu trong những dịp xuân kỳ thu tế.

 
h3-hat-mua-ba-trao-o-binh-thuan-1622770953.JPG

Hát múa bả trạo ở xã Bình Thuận (Bình Sơn)

Có thể nói rằng, hát múa bả trạo là một trong những loại hình diễn xướng dân gian hiếm hoi còn được bảo lưu sống động trong cộng đồng cư dân ven biển trước vô vàn những chuyển động của đời sống xã hội, đặc biệt là sự thâm nhập không thể ngăn cản của các hình thức ca hát, vui chơi theo lối sống hiện đại.

Cũng có ý kiến đề cập đến những thay đổi trong lễ cúng cá Ông và trò diễn bả trạo hiện nay so với vài mươi năm trước. Lưu tâm đến điều đó là cần thiết để kịp thời bảo nhau uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, dung tục hoá lễ hội, song cũng cần nhận thấy trong bối cảnh xã hội không ngừng chuyển động, đời sống tâm linh của con người cũng sẽ có những biến đổi tất yếu, và do đó dẫn đến những biến đổi trong đời sống tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống: Một số yếu tố mới xuất hiện, một vài yếu tố cũ mai một dần, có khi mất hẳn, là lẻ tự nhiên. Vấn đề là những biến đổi, thích nghi đó có làm mờ nhạt bản sắc văn hoá gốc, có khiến mất đi tính độc đáo, xa rời nguồn cội nhân bản của lễ hội hay không.

Là một loại hình diễn xướng dân gian mang đậm yếu tố nguyên hợp, thu hút sự đăm mê của đông đảo quần chúng và đặt biệt là gắn liền với nghi thức cúng tế cá Ông của cư dân ven biển, hải đảo, hát múa bả trạo có đủ những điều kiện cơ bản, tự thân để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm giá trị văn hoá tinh thần, vừa đem lại lợi ích về kinh tế, vừa góp phần quảng bá, giới thiệu di sản văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc Quảng Ngãi.

Phát triển du lịch biển, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân duy trì lễ hội cúng cá Ông và hát múa bả trạo, đầu tư nghiên cứu để tìm hiểu những nét riêng, độc đáo của bả trạo Quảng Ngãi là những tác động khách quan cần thiết để bảo tồn, khai thác có hiệu quả và đúng hướng lễ hội giàu ý nghĩa này. 

h4-tac-gia-bai-viet-trong-mot-lan-du-le-hoi-nghinh-ong-1622770774.JPGTác giả bài viết trong một lần dự Lễ hội nghinh Ông ở vùng duyên hải Bình Sơn

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển - hải đảo Quảng Ngãi" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn