Kiên Giang: Du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trương Anh Sáng

09/06/2021 10:42

Theo dõi trên

Việc phát triển du lịch có những ảnh hưởng xấu đến môi trường, xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu mà du lịch mang lại cho nền kinh tế - xã hội là không nhỏ.

1-kien-giang-du-lich-gop-phan-1623210128.jpg
Dinh Cậu (Dương Đông, Phú Quốc) tỉnh Kiên Giang

Cần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội 

Nhiều vấn đề về an ninh và trật tự an toàn xã hội được đặt ra.

Do nhu cầu về nhân lực và sức hút lao động từ thu nhập du lịch, du lịch phát triển sẽ thu hút một phần không nhỏ lao động trong các ngành khác đặc biệt là trong nông nghiệp làm giảm lượng lao động sản xuất lương thực của địa phương có hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó hiện tượng nhập cư của một số lao động trong du lịch, của những nhà đầu tư kinh doanh du lịch ở nơi khác về và vấn đề di cư của dân trong khu vực do nhu cầu giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những vấn đề khác nhau của xã hội như mâu thuẫn giữa người mới và cư dân địa phương trong cư trú, tìm kiếm việc làm, thay đổi phong cách sinh hoạt. Việc xây dựng các khách sạn cao tầng sẽ là nguyên nhân của việc di chuyển chỗ ở và tái định cư ngoài ý muốn của người dân địa phương do nhu cầu giải phóng mặt bằng, được thể hiện rõ nét nhất tại khu vực đảo Phú Quốc, Tp. Rạch Giá, Tp. Hà Tiên…

Du lịch phát triển thu hút ngày càng đông du khách quốc tế và khách nội địa. Nhiều đối tượng khách khó có thể kiểm soát được, do vậy các tệ nạn xã hội sẽ phát sinh như: mại dâm, ma túy, cờ bạc, tranh giành khách giữa những người dân địa phương..., ngoài ra do việc phân bố lợi ích và chi phí của du lịch trong nhiều trường hợp chưa được công bằng sẽ gây ra mâu thuẫn giữa những người làm du lịch với dân địa phương.

Do tính mùa vụ của hoạt động du lịch (du lịch biển, lễ hội...) cho nên vào thời kỳ cao điểm số lượng khách và nhu cầu sinh hoạt của du khách có thể vượt quá khả năng đáp ứng về dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của địa phương, như: ách tắc giao thông, các nhu cầu về cung cấp nước, năng lượng, khả năng xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn vượt quá khả năng của địa phương nơi diễn ra các hoạt động du lịch.

Việc phát triển du lịch đã mang lại tăng thu nhập và mức sống của dân địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Các khu du lịch, các đảo, tăng sức mua nhưng đồng thời cũng làm tăng giá các hàng hoá và nguyên vật liệu, thực phẩm tại các khu du lịch. Sự chi tiêu tương đối thoải mái của khách du lịch làm giá cả của các mặt hàng trong khu vực bị nâng cao gây khó khăn trong cơ cấu chi tiêu của dân cư trong vùng, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Hơn nữa với tỷ trọng ngày càng tăng của du lịch, dịch vụ đòi hỏi người dân địa phương phải hiểu biết thêm nhiều mặt nhất là về cơ chế thị trường.

Chuẩn mực xã hội thay đổi, trong một số trường hợp làm suy thái văn hóa truyền thống. Khi du lịch phát triển, người dân trong vùng có nhiều điều kiện tiếp xúc với khách du lịch sẽ dẫn đến quan niệm sống, lời nói và việc làm sẽ thay đổi các hệ thống giá trị, nhân cách, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, lễ nghi truyền thống. Một số đơn vị kinh doanh du lịch chỉ chạy theo lợi nhuận đã thương mại hoá các hoạt động văn hóa biến lễ hội thành loại hình nghệ thuật trình diễn, mất lễ nghi đối với các nghi thức tôn giáo truyền thống. Các hoạt động du lịch chuyên đề như khảo cổ học có thể nảy sinh mâu thuẫn với các hoạt động tín ngưỡng ở địa phương.

Du lịch gắn liền với việc tiếp xúc của dân cư địa phương với khách du lịch ngoại vùng, do vậy sự xâm nhập của dòng khách du lịch từ các vùng địa lý và các chủng tộc khác nhau cũng đồng thời kéo theo nguy cơ lan truyền của các bệnh khác nhau. Ngoài ra, các ô nhiễm môi trường, rác thải, nước bẩn, ô nhiễm không khí, tiếng ồn..., cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng dân địa phương.

2-kien-giang-du-lich-gop-phan-1623210084.jpg
Đông đảo du khách nước ngoài đến với đảo Phú Quốc (Thời điểm chưa bị dịch Covid

 Cải thiện hạ tầng cơ sở và dịch vụ xã hội

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Du lịch phát triển đồng nghĩa với việc tạo điều kiện các ngành khác cùng tham gia cung ứng các hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch, các ngành tham gia là nông nghiệp, vận tải khách, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước...

Du lịch đã đóng góp quan trọng đối với kinh tế địa bàn, đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh ngày càng tăng đã mang lại thu nhập cho các ngành khác cùng đóng góp vào ngân sách; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp này đang có xu hướng chuyển dịch sang dịch vụ du lịch thông qua việc phân bổ lại nguồn lao động trên địa bàn. Đồng thời thông qua các hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa của các xã có điểm du lịch cụ thể tại các đảo Hòn Sơn, khu vực VQG U Minh Thượng…

Phát triển du lịch sẽ tạo thêm nhiều khả năng, cơ hội việc làm cho cư dân địa phương như mở hàng, quán phục vụ du khách, các công việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch, xây dựng hay tham gia vào các công đoạn xây dựng công trình, tham gia vào vận chuyển du khách. Nhờ phát triển du lịch mà cộng đồng dân cư tại một số khu vực đã tham gia cung cấp sản phẩm cho khách du lịch như tại các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, các khu du lịch Mũi Nai, Thạch Động, đảo Hòn Sơn, Hòn Tre...và cũng đã mang lại nguồn thu đáng kể cho từng hộ gia đình.

Phát triển du lịch kéo theo các dịch vụ đi kèm góp phần cải thiện về hạ tầng cơ sở và dịch vụ xã hội cho địa phương: Y tế, giao thông, thông tin liên lạc, các khu vui chơi giải trí. Cộng đồng dân cư tại một số khu vực đảo, vùng ven biển, các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ nguồn đầu tư cho du lịch.

Việc phát triển du lịch mở ra cơ hội giao lưu văn hoá của người dân trong vùng với các địa phương trong cả nước, với người nước ngoài thông qua giao tiếp với khách du lịch. Phát triển du lịch góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ trong vùng cả về cơ sở hạ tầng xã hội cũng như nhận thức của dân địa phương. Những tác động về văn hóa - xã hội của du lịch được thể hiện trong việc góp phần làm thay đổi các hệ thống giá trị, tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, lễ nghi truyền thống... khi người dân địa phương quan hệ trực tiếp và gián tiếp với du khách.

Dự báo năm 2030, tổng số lượt khách du lịch là 12.785 ngàn lượt, trong đó khách du lịch quốc tế là 1.224 ngàn lượt, khách du lịch nội địa là 6.561 ngàn lượt và khách đến tham quan các khu du lịch là 4.000 ngàn lượt. Tăng trưởng bình quân khách du lịch giai đoạn 2021 - 2030 là 16,5%, trong đó khách quốc tế là 16,5%, khách nội địa là 17% và khách tham quan là 5,4%. Ngày lưu trú trung bình đến đến năm 2030 đối với khách du lịch quốc tế là 2,6 ngày/ khách, khách nội địa là 2,0 ngày/ khách. Doanh thu từ du lịch mức chi tiêu trung bình đến năm 2030 đối với khách du lịch quốc tế là 90 USD/ 01 ngày/01 khách, khách du lịch nội địa là 25 USD/ 01 ngày/01 khách.

Thu nhập du lịch đến năm 2030 đạt 659,25 triệu USD, trong đó từ khách du lịch quốc tế là 516,78 triệu USD, khách du lịch nội địa là 132,47 triệu USD và từ khu du lịch 10,00 triệu USD. Đến năm 2030 giải quyết công ăn việc làm cho 31.000 người có liên quan đến ngành du lịch trong đó lao động trực tiếp là 9.300 người, lao động gián tiếp của xã hội là 21.700 người. 

Nhu cầu đầu tư cho du lịch đến năm 2030 là 217,50 triệu USD, hệ số đầu tư ICOR du lịch đến năm 2030 là 4,5 - 4,3 - 4,0. Cơ sở lưu trú năm 2030 cần khoảng 5.470 phòng, trong đó cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên là 950 phòng, cơ sở lưu trú dưới 3 sao là 4.520 phòng.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn