
VĂN HÓA DÂN GIAN ỨNG DỤNG- Kỳ 17
PHẦN 5- DI SẢN VĂN HÓA
SÁCH CỔ NGƯỜI DAO - NGUỒN SỬ LIỆU QUAN TRỌNG
TÌM HIỀU LỊCH SỬ TỘC NGƯỜI DAO
Các bộ sử chính thống của nhà nước phong kiến Việt Nam ít đề cập đến người Dao cũng như nhiều tộc người ở miền núi. Nhiều vấn đề trong lịch sử người Dao như quá trình di cư, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam … vẫn ẩn mình trong lớp sương mù của thời gian. Trong khi đó, kho tàng di sản sách cổ của người Dao khá phong phú. Đây là nguồn sử liệu quan trọng nhằm góp phần nghiên cứu lịch sử tộc người Dao. Sách cổ như một tấm gương phản chiếu các sự kiện lịch sử ở miền núi và lịch sử tộc người Dao. Sưu tầm, tìm trong sách cổ, so sánh các sự kiện được phản ánh đối chiếu với các nguồn sử liệu khác sẽ góp phần xác minh thời điểm người Dao đến Việt Nam, cũng như con đường thiên di của người Dao, các phong trào đấu tranh của người Dao…v.v. Vì vậy bài viết này đề cập đến một số sự kiện lịch sử được phản ánh trong sách cổ người Dao. Các sách này hiện đang lưu giữ tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai (các sách cổ là sản phẩm của dự án bảo tồn sách cổ người Dao tại cộng đồng do quỹ Ford tại Hà Nội tài trợ).
Sách cổ là một khái niệm mang tính chất tương đối để chỉ toàn bộ số sách được người Dao viết hoặc sao chép từ các bản gốc (có xuất xứ đầu thế kỷ 20 về trước). Người Dao gọi sách là “sâu” hay “tsâu” có nghĩa là “thư”, “sách. Sách cổ được ghi chép bằng loại chữ viết tượng hình theo kiểu chữ Hán. Nhưng có nhiều cuốn sách, người Dao đã sáng tạo chữ mới hoàn toàn trên cơ sở mượn từ chữ Hán, hoặc là mượn chữ Hán nhưng âm nghĩa của ngôn ngữ Dao.
Sách cổ của người Dao có nhiều loại. Thực hiện Dự án bảo tồn sách cổ người Dao tại cộng đồng do Văn phòng Quỹ Ford tại Hà Nội tài trợ, sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cao đã khảo sát ở 466 làng người Dao, phát hiện 10.318 cuốn sách cổ, trong đó nhiều nhất là các sách về tôn giáo, tín ngưỡng với các bộ kinh thư đạo giáo có trên 200 loại khác nhau. Tính riêng trong lễ làm chay ngành Dao Làn Tiẻn (Dao Tuyển) đã có 121 cuốn sách tôn giáo. Phần lễ cúng đạo giáo có 104 cuốn.
- Bộ Kinh thư gồm 28 cuốn.
- Bộ Huyền bí gồm 12 cuốn.
- Bộ Huyền khoa gồm 64 cuốn.
Phần lễ cúng “sư giáo” sử dụng thêm 5 cuốn “Huyền bí” và 12 cuốn “Huyền khoa”. Trong các loại sách này có một số phần đề cập đến lịch sử người Dao.
Số sách cổ dân ca nghi lễ chủ yếu là các bài “Hôn lễ ca”, “Tang ca”. Số sách về hôn nhân rất phong phú, ngành Dao Làn Tiẻn, Dao quần trắng, Dao quần chẹt, Dao đỏ đều có nhiều loại sách khác nhau. Riêng ngành Dao Làn Tiẻn (Dao Tuyển) ở xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chúng tôi đã sưu tầm được 6 cuốn sách về “Hôn lễ ca” với hơn 10.000 câu thơ, bài ca. Trong các sách về “Hôn lễ ca” đều có phần kể sự tích lịch sử người Dao, quá trình thiên di của người Dao…v.v...
Loại thứ ba trong kho tàng sách cổ người Dao là các sách truyện thơ. Người Dao gọi là “Coóng Cấu” có nghĩa là kể chuyện. Khảo sát 3 ngành Dao (Dao đỏ, Dao Làn Tiẻn, Quần trắng) trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong năm 2006. 2007, 2008 đã phát hiện 53 truyện thơ người Dao. Trong các truyện thơ, có một số truyện đề cập đến các anh hùng thần thoại, sự tích các vị thần cógiá trị lịch sử.
Một thể loại quan trọng và độc đáo trong kho tàng sách cổ người Dao là “Tín ca” tức các bức thư viết theo thể văn vần. Trong đó có loại “Tín ca thiên di” - những bức thư người Dao đến vùng đất mới gửi về người thân ở quê hương có nhiều giá trị về lịch sử. Các “Tín ca” này đều kể lại nguyên nhân, quá trình thiên di cũng như các sự kiện nổi bật ở vùng đất người Dao cư trú tại các tỉnh, các huyện của Việt Nam.
Bên cạnh các loại sách cổ có nhiều tác phẩm trên, kho tàng sách cổ người Dao còn phát hiện các bài cúng, các gia phả, và cuốn “Quá sơn bảng văn, Bình Hoàng Thắng điệp” - rất có giá trị của người Dao. Đây là các nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu lịch sử người Dao. Trong quá trình nghiên cứu, các học giả Trung Quốc, Việt Nam đều coi trọng nguồn sử liệu này.
I. Quá trình nghiên cứu về lịch sử người Dao và sách cổ người Dao
Vấn đề nghiên cứu lịch sử người Dao ở Việt Nam đã được đề cập một cách sơ lược trong một số sách lịch sử, địa chí. Tác phẩm sớm nhất đề cập đến người Dao ở Việt Nam là "Kiến Văn Tiểu lục" (1778) của nhà bác học Lê Quý Đôn. Lê Quý Đôn viết về 7 chủng tộc Man ở xứ Tuyên Quang: "Bảy chủng tộc người Man: trong ấy có 3 chủng tộc Sơn Trang, Sơn Tử và Cao Lan, mặc áo màu chàm xanh, tay áo rộng, hoặc áo màu trắng để tóc dài, búi tóc nhọn. Ba chủng tộc Sơn Man, Sơn Bán và Sơn Miêu cũng thế, 2 chủng tộc Hán Văn và Bảo Toàn cắt tóc, chít khăn vải hoa, áo xanh, quần ngắn"[1]. Trong 7 chủng tộc Man, ngoài người Cao Lan, Lê Quý Đôn đã đề cập đến người Dao. Ông cũng viết về tập quán canh tác: "Cày cấy thì đốt nương, đào hố bỏ thóc. Chỗ ở nay đây, mai đó" [2]. Như vậy, trước năm 1778, người Dao đã có mặt ở Tuyên Quang.
Năm 1778, tiến sĩ Hoàng Bình Chính viết tác phẩm "Hưng hoá xứ - Phong thổ lục" có giới thiệu về người Mán (Dao) ở châu Thủy Vĩ (tỉnh Lào Cai ngày nay). Năm 1858, Phạm Thận Duật viết cuốn "Hưng hoá ký lược" có dành hẳn một chương viết về phong tục tập quán[3] các tộc người ở Hưng Hoá, trong đó có người Dao. Trong chính sử phong kiến Việt Nam thì đến đời vua Tự Đức, bộ sử của Quốc sử quán triều Nguyễn "Khâm định việt sử thông giám cương mục” ở quyển 41 năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) có một đoạn chép về người Dao - Đại tiểu bản dân tộc.
Như vậy, nguồn sử liệu của nhà nước phong kiến Việt Nam rất ít đề cập đến người Dao. Nhưng qua ghi chép của Lê Quý Đôn, Hoàng Bình Chính có thể nhận thấy người Dao đến Việt Nam từ trước năm 1778.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Dao cũng như nhiều dân tộc anh em ở vùng thượng du Bắc Kỳ liên tiếp nổi dậy chống thực dân Pháp. Vì vậy, đi theo các đội quân bình định là các nhà dân tộc học, các sĩ quan Pháp đến vùng người Dao nghiên cứu lịch sử tộc người, phục vụ cho chính sách cai trị thực dân. Trong số các tác giả nghiên cứu về người Dao và lịch sử người Dao nổi bật là A. Bonifacy. Ông ta vừa là sĩ quan, vừa là người nghiên cứu dân tộc học có uy tín. Ông am hiểu chữ Nôm Dao, lại sống ở vùng người Dao, có mối liên hệ thường xuyên với người Dao từ năm 1898 đến 1914 nên có điều kiện nghiên cứu lịch sử người Dao qua sách cổ và gia phả. Ông đã công bố các công trình nghiên cứu về các nhóm người Dao: “Mán quần cộc”, 1904 – 1905; “Mán quần trắng” – 1905; “Mán Chàm hoặc lam Điền”, 1906; “Mán Tiểu bản hay Đeo Tiên”, 1907; “Mán Đại Bản Cốc hay Sừng”, 1908 …v.v. Trong các công trình nghiên cứu của mình, ông sử dụng nhiều tư liệu ở các cuốn sách cổ của người Dao, nghiên cứu thần thoại, huyền thoại của người Dao …Đáng chú ý trong cuốn “Mán Đại Bản Cốc hay Sừng” (1908)[4]. Ông đã nghiên cứu phả hệ gia đình khán động Dương Ba Viên. Từ đó ông ta đưa ra nhận xét người Mán Đại Bản đã vào Việt Nam từ năm 1720. Đây là vấn đề lý thú trong việc tìm hiểu lịch sử người Dao. Song rất tiếc tác giả không đi sâu phân tích về thời điểm di cư, nguyên nhân di cư và các sự kiện lịch sử….
Năm 1951, trong tập “Ghi chép lịch sử các xứ vùng cao Tây Bắc Việt Nam”, E douard Chabant nhận định: người Dao vào vùng Tây Bắc Việt Nam 3 lần (thời Tống, thời Minh, thời nhà Thanh) nhưng rất tiếc không thấy tác giả sử dụng các nguồn sử liệu nào để chứng minh.
Từ năm 1955 đến nay, các nhà dân tộc học, sử học Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử di cư của người Dao đến Việt Nam. Nhưng về thời gian người Dao đến Việt Nam, con đường di cư của người Dao còn nhiều ý kiến khác nhau.
Năm 1957, đặc san Dân tộc của Ủy ban dân tộc số 11 đăng bài khảo cứu người Dao Quần trắng ở Tuyên Quang có mặt tại Việt Nam từ thời nhà Tống - Trung Quốc, nhà Lý – Việt Nam. Quan điểm này được nhà sử học uy tín Trần Quốc Vượng chứng minh qua việc nghiên cứu các bản Bình Hoàng Khoáng Điệp của người Dao [5]. Nhà sử học Trần Quốc Vượng còn dựa vào Tống sử[6] để chứng minh người Dao đến Việt Nam sớm nhất là đời nhà Tống của Trung Quốc và đời nhà Lý của Việt Nam. Năm 1971, tác phẩm chuyên khảo đầu tiên viết về người Dao “Người Dao ở Việt Nam” của Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến xuất bản cũng nhận định người Dao đến Việt Nam sớm nhất từ thế kỷ 13, sau đó người Dao có nhiều ngành thiên di nhiều đợt đến Việt Nam từ thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 20[7]. Các tác giả cũng đưa ra luận điểm về con đường thiên di của người Dao, từng ngành Dao. Rất tiếc các tác giả không chứng minh bằng luận cứ cụ thể.
Năm 1973, Hà Văn Viễn – Hà Văn Phụng công bố công trình nghiên cứu “Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”. Trong công trình này, khi nghiên cứu người Dao, các tác giả đều dựa vào sách cổ “Bình hoàng khoán điệp”, “Quá hải đồ”, sách cúng, gia phả đưa ra nhận xét người Dao đến Việt Nam từ đời nhà Minh, nhà Thanh. Thời gian di cư đến Tuyên Quang của các ngành Dao cũng khác nhau nhưng sớm nhất mới hơn 200 năm và muộn nhất là khoảng 60, 70 năm nay[8]. Các tác phẩm sau này viết về lịch sử người Dao di cư đều dựa theo công trình nghiên cứu “Người Dao ở Việt Nam” và “Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”. Như vậy, về lịch sử di cư của người Dao đến nay các nhà khoa học Việt Nam đều cho rằng thời điểm di cư từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Con đường di cư của mỗi ngành Dao có khác nhau (Về luận điểm này, các tác giả ít có luận cứ chứng minh). Mặt khác, người Dao sang Việt Nam sinh sống ra sao, chịu sự tác động của các sự kiện lịch sử như thế nào cũng chưa được đề cập tới. Ngoài vấn đề người Dao cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham gia chống thực dân Pháp xâm lược, còn hầu hết các sự kiện khác đều chưa được các tác giả nghiên cứu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế này là do thiếu nguồn sử liệu.
Trong vấn đề lịch sử di cư người Dao đến Việt Nam, các nhà sử học, dân tộc học Trung Quốc đã đề cập ở một số công trình nghiên cứu như “Bình hoàng điệp tập biên” của Hoàng Ngọc (1990), “Lược sử dân tộc Dao” của Hoàng Ngọc, Hoàng Phương Bình (1993), “Luận văn về văn hóa dân tộc Dao” của Trần Bân (1993)... Các tác giả này cho rằng người Dao di cư vào Việt Nam sớm nhất là đầu thế kỷ 15. Trong tham luận trình bày tại Hội thảo “Dao học Quốc tế”, tổ chức tại thành phố Thái Nguyên năm 1995, Chủ tịch Hội “Dao học Trung Quốc” Trương Hữu Tuấn trình bày tham luận “Mấy vấn đề người Dao di cư vào Việt Nam”. Tác giả nhận định người Dao di cư đến Việt Nam sớm nhất vào đầu và giữa thế kỷ 14 [9]. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra nguyên nhân di cư của người Dao vào Việt Nam và các con đường người Dao đến Việt Nam. Năm 2001, công trình nghiên cứu “Văn hóa sử tộc Dao” của Từ Tổ Tường được xuất bản cũng cho rằng người Dao đến Vân Nam, Việt Nam chủ yếu từ đời nhà Minh, nhà Thanh[10]. Trong quyển Thượng của bộ “Thông sử tộc Dao” do Phạm Hằng Cao chủ biên cũng cho rằng người Dao đến Việt Nam từ đời nhà Minh. Như vậy, hầu hết các học giả nghiên cứu lịch sử người Dao ở Trung Quốc đều cho rằng người Dao đến Việt Nam sớm nhất từ thế kỷ 15 đời nhà Minh hoặc đời nhà Nguyên thế kỷ 14. Khi người Dao đến Việt Nam sinh sống, cuộc sống của họ như thế nào đều không được các học giả Trung Quốc đề cập. Đây là khoảng trống trong nghiên cứu lịch sử người Dao.
II. Một số vấn đề lịch sử được phát hiện trong sách cổ người Dao
Thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo tồn sách cổ người Dao” do quỹ Ford tài trợ, trong những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã tiến hành khảo sát, kiểm kê phân loại sách cổ ở 466 làng người Dao, sưu tầm 700 cuốn sách cổ ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang. Trong số sách cổ sưu tầm được, có một số tác phẩm có giá trị lịch sử, bổ sung nguồn sử liệu quan trọng vào việc nghiên cứu một số vấn đề lịch sử tộc người Dao.
2.1. Về thời gian di cư, nguyên nhân di cư và con đuờng di cư.
Người Dao có mặt tại Việt Nam từ bao giờ? Như trên đã trình bày, các học giả nghiên cứu Dao học Trung Quốc đều cho rằng người Dao đến Việt Nam sớm nhất là thế kỷ 14 (Trương Hữu Tuấn – 1995) còn hầu hết các học giả đều có quan điểm người Dao đến Việt Nam từ thế kỷ 15 (Hoàng Ngọc, Hoàng Phương Bình – 1993; Trần Bân – 1993; Từ Tổ Tường – 2001; Phạm Hằng Cao – 2007….). Nghiên cứu ở Việt Nam, một số tác giả cho rằng người Dao đến Việt Nam sớm nhất là thế kỷ 13 (Bonifacy – 1908, Bế Viết Đăng, Nguyễn Khắc Tụng… 1971). Nhưng rất tiếc các tác giả này chưa công bố các tài liệu chứng minh cụ thể giả thiết của mình. Trần Quốc Vượng bằng tài liệu lịch sử Trung Quốc (Tống Sử - quyển 33) và cuốn sách cổ “Quá Sơn bản văn” của cụ Phùng Văn Phấu cho rằng người Dao đến Việt Nam từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 và cả sau này.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai sưu tầm được cuốn “Kía sên póng vần Pèng Hùng sính tịp” (Quá Sơn bảng văn – Bình Hoàng Thắng điệp” của ông Phùng Xuân Thị ở khe Cam xã Ngòi A huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái (ngành Dao Đại bản). Cuốn sách có ghi rõ ngày cấp “Bảng văn” là ngày 1 tháng 11 năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Định. Cảnh Định là niên hiệu duy nhất của nhà vua Nam Tống là Tống Lý Tông. Niên hiệu Cảnh Định có thời gian từ năm 1260 – 1264. Như vậy cuốn “Bảng văn” này có thể được cấp vào năm 1260. Đây là một tài liệu chứng minh cho sự xuất hiện của người Dao ở Việt Nam từ thế kỷ 13.
Đồng thời trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc ở quyển 1 mục “Biên cảnh phục dịch” có ghi “Liêu Tử là một tên khác của giống Man Di, phần đông thuộc về các tỉnh Hồ Nam, Lưỡng Quảng, Vân Nam nhưng có một số phục tùng nước Giao Chỉ” (13). Tác giả Từ Tổ Tường – Nhà nghiên cứu người Dao nổi tiếng ở Vân Nam – Trung Quốc cho biết, trong “Man Thư” quyển 10 của Phàn Xước đời Đường có ghi “Hàm Thông năm thứ ba, có một bộ phận “Miêu quần” tự xưng là “Tổ nãi Bàn Hồ chi hậu” xuất hiện trên chiến trường An Nam đô hộ phủ” (14). Các tư liệu này mới được phát hiện bổ sung cho giả thuyết người Dao có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ 13 của nhà sử học Trần Quốc Vượng và các tác giả Việt Nam. Tuy nhiên, tư liệu trên cần được kiểm chứng và bổ sung thêm nhiều nguồn sử liệu khác nhau.
Tìm hiểu thời gian người Dao đến Việt Nam cần nghiên cứu giả phả của người Dao. Gia phả người Dao có nhiều tên gọi khác nhau. Có loại ghi danh tính các vị tổ tiên dành cho con cháu đọc khi cúng gọi là “Chà Phìn Sâu”. Có viết tương đối chi tiết cả phần mộ tổ tiên ở đâu. Loại này tiếng Dao đỏ gọi là “Trụ chóng sâu” - Tổ tông thư. Nhưng rất tiếc, việc tính thời gian theo chu kỳ 1 đời người không chính xác. Có tác giả tính 1 đời là 60 năm, có tác giả tính một đời trong gia phả là 30 năm. Người Dao ở Việt Nam kết hôn sớm, trong gia phả người Dao 20 năm là hợp lý. Chúng tôi có thống kê 17 gia phả của các tác giả Hà Văn Viễn, Hà Văn Phụng (1971), Đỗ Quang Tụ - Nguyễn Liễn (2005) đã công bố và tư liệu điền dã của bản thân. Kết quả thời gian người Dao di cư đến Việt Nam chủ yếu từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 (Chỉ có 1 dòng họ ông Bàn Hữu Quan di cư từ thế kỷ 17 (15).
Bảng thống kê một số gia phả của người Dao
Stt |
Họ và tên chủ gia phả |
Ngành Dao |
Địa chỉ cư trú khi sưu tầm |
Năm sưu tầm |
Số đời ở Việt Nam |
Thời gian |
1 |
Dương Văn Tình |
Đại Bản |
Xã Sơn Thiện - huyện Lương Sơn – Tuyên Quang |
1970 |
12 |
1730 |
2 |
Phùng Văn Phấn |
Quần Chẹt |
Xã Kháng Nhật – Sơn Dương – Tuyên Quang |
1970 |
11 |
1750 |
3 |
Bàn Văn Liên |
Coóc Mùn |
Xã Trung Yên – Yên Sơn – Tuyên Quang |
1970 |
12 |
1730 |
4 |
Phùng Trường Thọ |
Đại Bản |
Xã Thổ Bình – Chiêm Hóa – Tuyên Quang |
1970 |
7 |
1830 |
5 |
Chúc Phùng Chòi |
Đại Bản |
Xã Côn Lôn – Na Hang – Tuyên Quang |
1970 |
6 |
1850 |
6 |
Triệu Hồng Thắng |
Quần Chẹt |
Xã Kháng Nhật – Sơn Dương – Tuyên Quang |
1973 |
11 |
1753 |
7 |
Phùng Kim An |
Quần Chẹt |
Xã Kháng Nhật – Sơn Dương – Tuyên Quang |
1973 |
9 |
1793 |
8 |
Đặng Kim Chiu |
Dao đỏ |
Thôn Đoàn Kết - Hồ Thầu – Hoàng Su Phì – Hà Giang |
1998 |
9 |
1818 |
9 |
Phùng Xuân Tấn |
Dao đỏ |
Thôn Nậm Hầm - Nậm Xây – Văn Bàn – Lào Cai |
2004 |
9 |
1824 |
10 |
Bàn tiến Hiển |
Dao đỏ |
Thôn Giáp Luồng – Khai Trung – Lục Yên – Yên Bái |
1956 |
7 |
1816 |
11 |
Bàn Hữu Quan |
Dao đỏ |
Thôn Hàm Rồng – An Lạc - Lục Yên – Yên Bái |
2004 |
20 |
1604 |
12 |
Triệu Hữu Thắng |
Dao đỏ |
Thôn Tá Nắng – xã Nậm Xé – Văn Bàn – Lào Cai |
2004 |
10 |
1804 |
13 |
Phàn Chần Seng |
Dao đỏ |
Tả Phìn - huyện Sa Pa – Lào Cai |
2000 |
9 |
1820 |
14 |
Vạn Hiền Phảnh |
Dao Tuyển |
Thôn Cốc Lầu - Cốc Lầu - Bắc Hà – Lào Cai |
2007 |
6 |
1887 |
15 |
Chảo Phù Chỉn |
Dao đỏ |
Xã Bản Khoang – Sa Pa – Lào Cai |
2007 |
5 |
1907 |
16 |
Lý A Hạng |
Dao Tuyển |
Xã Bản Vược – Bát Xát – Lào Cai |
2007 |
5 |
1907 |
17 |
Triệu Văn Dồi |
Dao đỏ |
Xã Dền Thàng – Bát Xát – Lào Cai |
2008 |
4 |
1928 |
Trong các sách cổ sưu tầm ở Lào Cai, Yên Bái có nhiều “Tín ca thiên di”, các bức thư được viết bằng thơ kể về lịch sử thiên di của người Dao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được 8 bản “Tín ca thiên di”. Các bài “Tín ca thiên di” rất có giá trị nghiên cứu tìm hiểu lịch sử di cư của nd Dao.
Thống kê 8 bản “Tín ca thiên di” có tới 6 bản phản ánh thời gian người Dao vào Việt Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Trong đó có 1 bản Tín ca sưu tầm ở Làng Đen – xã Đồng Tuyển - thành phố Lào Cai ghi rõ năm người Dao đến Việt Nam:
Năm Giáp Thân triều Minh kết thúc
Người Dao ly tán khắp nơi
Một đường là núi Nam Bộ Quý Châu
Đường thứ hai là đất Giao Chỉ Việt Nam”.
Bản “Tín ca thiên di” này còn ghi rõ thời gian người Dao di cư đến Vân Nam và từ các châu ở Vân Nam di cư tiếp đến Hà Khẩu và Lào Cai.
Đến Vân Nam phân làm hai đường
Một đường là phủ Giám Yên sông Hồng
Sinh sống theo hướng châu Mông Tự
Một đường khi mở đất Văn Sơn….
Ở Mông Tự, Giám Yên được 50 năm
Năm Nhâm Thân, Quý Dâu (1812 – 1813) cùng nhau đi
Chạy vào trong rừng sâu
Xin nơi ruộng đất bằng làm ruộng mới
Cho đến năm Tân Dậu (1871) Triều Thanh
Đến Hà Khẩu, đến Quỳnh Sơn
Một số sách cổ khác như “Đặng Thị Hành truyện” (16) của người Dao Quần chẹt, “Bốn Cú Cấu” của người Dao Họ (Dao Quần trắng) (17), “Diền Mao nhặng Nin” (Dao đỏ - xã Quảng Minh, Văn Yên, Yên Bái), “Trà Sơn Cú”, người Dao Bình Đầu – xã Tam Đường – Lai Châu…. đều cho rằng người Dao đến Việt Nam thời vua Lê – “Lê Hoàng” (Thế kỷ 16, 17, 18 và thế kỷ 19).
Ngoài cuốn “Quá sơn bảng văn – Bình Hoàng thắng điệp” có niên hiệu Cảnh Định (1260 – 1264), còn hầu hết sách cổ, gia phả ghi thời gian người Dao vào Việt Nam chủ yếu ở thế kỷ 16 đến 18. Thời gian này cũng phù hợp với thời gian Lê Quý Đôn viết về người Dao trong sách “Kiến Văn Tiểu lục”. Một số “Tín ca thiên di” như “Tín ca thiên di” ở làng Đen thành phố Lào Cai, “Tín ca thiên di” ở Tam Đường – Lai Châu cho rằng người Dao Làn Tiẻn (Dao đầu bằng, Dao Tuyển) vào Việt Nam cuối thế kỷ 19.
Như vậy, thời điểm người Dao di cư vào Việt Nam phản ánh qua sách cổ tập trung vào các thời điểm cụ thể nhu sau:
- Thời gian người Dao đến Việt Nam sớm nhất là vào năm Cảnh Định nhà Nam Tống (1260 – 1264) (sách Quá Sơn Bảng Văn – Bình Hoàng thắng điệp).
- Người Dao đến Việt Nam rải rác từ cuối đời nhà Minh đến cuối thế kỷ 19, thậm chí đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn người Dao ở Vân Nam đến Lào Cai, Lai Châu.
Nguyên nhân di cư chủ yếu của người Dao là do sự đàn áp các phong trào khởi nghĩa người Dao của các triều đình phong kiến Trung Quốc. Sách “Tín ca thiên di” phát hiện ở làng Đen – thành phố Lào Cai ghi:
“Triều Minh điều binh 16 vạn
Phân binh 4 đường, 12 nhánh
Đánh qua 26 ngày
Không rút động binh, tự rút binh….
Giết người, đốt nhà không để gì lại
Khắp trời, rợp đất đầy lửa khói
Quan phủ ra lệnh giết người Dao…
Giết chết người Dao hơn 5 vạn
Từ đây người Dao ly tán tứ phương…”.
Nguyên nhân thứ hai là do Trung Quốc hạn hán, đất chật người đông lại thấy Việt Nam đất tốt, dễ làm ăn nên người Dao di cư vào Việt Nam. Sách “Diệu Thảo sình chà lầy” (Sách hôn lễ) của người Dao đỏ ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa có ghi rõ:
“Nhân vì người đông đất lại hẹp
Cùng nhau phân tán khắp núi sông
Phần lên Quảng Tây, ở Hồ Quảng
Phần đến Quý Châu để an cư
Một phần về phía đạo Vân Nam
Lại một phần đến Giao Chỉ” (18)
Con đường thiên di của người Dao đến Lào Cai, đến Việt Nam có nhiều đường nhưng chủ yếu là hình thức vượt biển vào các cửa sông và đi đường bộ. Đường thủy từ đảo Hải Nam đến Quảng Đông vào cửa sông ở Vân Đồn - Quảng Ninh, sau đó ngược sông đến thượng nguồn sông Hồng, sông Chảy, sông Lô. Đi đường bộ từ phủ Quy Hóa châu Vân Sơn xuống Hà Giang, Lào Cai hoặc từ Mông Tự về Hà Khẩu xuôi sông Hồng. Mỗi ngành Dao có con đường di cư khác nhau. Ngành Dao đỏ chủ yếu di cư đường bộ xuôi sông Hồng. Dòng họ của cụ Phàn Chẩn Seng ở Tả Phìn, Sa Pa từ Quảng Tây di cư đến phủ Khai Hóa, châu Vân Sơn, đi Kiến Thủy theo sông Hồng vào xã A Lù huyện Bát Xát và đến thôn Má Tra – xã Sa Pa - huyện Sa Pa nay định cư ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa.
Tuy nhiên, theo sách “Diền mao nhậy nin” của dòng họ Đặng người Dao đỏ đi đường thuỷ lên Văn Bàn. Tổ tiên ông Đặng Quý Hội từ Quảng Đông đi thuyền đến Hoành Bồ - Đông Triều - Quảng Ninh ngược các sông đến sông Hồng lên Văn Bàn (19). Người Dao Họ (Dao Quần trắng) có dòng họ ở vùng ven sông Hồng (huyện Bảo Thắng, huyện Văn Bàn - tỉnh Lào Cai) lại từ phủ Khai Hóa vào Lào Cai xuôi theo sông Hồng xuống Yên Bái ngược lên sông Chảy ở Yên Bình - Lục Yên. Trong cuốn “Tín ca thiên di” của chủ sách Triệu Tiến Tham ở xã Tân Đồng huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã dựng lại bức tranh thiên di của người Dao Quần Trắng từ thế kỷ 18 vào Đông Bắc Việt Nam đi theo đường sông, ngược sông Lô lên Tuyên Quang, sau ngược sông Gâm đến Chiêm Hóa vào phủ Thông Hóa (vùng Chợ Đồn, Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn hiện nay). Từ Phủ Thông Hóa, người Dao Quần Trắng lại di cư đến Cao Bằng. Năm Tân Hợi (1731), vào đất Văn Lan - Lạng Sơn (huyện Văn Lãng, Văn Quán tỉnh Lạng Sơn hiện nay). Sau đó đến năm Kỷ Hợi (1779), người Dao Quần trắng lại từ Văn Lan chuyển về huyện Cảm Hóa (nay là huyện Ngân Sơn – Na Rì - Bắc Cạn hiện nay).
Ngành Dao Làn Tiẻn (Dao Tuyển) đến Lào Cai và Việt Nam bằng đường bộ là chính.
“Tín ca thiên di” của người Dao đầu bằng ở Tam Đường từ vùng Mông Tự đến Kim Binh vào Phong Thổ - Lai Châu – Việt Nam và xuống định cư ở Tam Đường – Lai Châu.
Trong cuốn “Tín ca thiên di” của người Dao Tuyển (Làn Tiẻn) phát hiện ở làng Đen – xã Đồng Tuyển – thành phố Lào Cai còn ghi rất rõ từng chặng thiên di người Dao từ Lưỡng Quảng đến Lào Cai. “Năm Giáp Thân triều Minh kết thúc (năm 1644)”, người Dao ở Quảng Tây di cư đi Vân Nam. Họ định cư ở Giám Yên, Mông Tự đến năm Nhâm Thân, Quý Dậu (1812 – 1813) lại đi tiếp vào rừng sâu phương nam. Mãi đến năm Tân Dậu triều Thanh (1871), người Dao Làn Tiẻn mới tới Hà Khẩu, Quỳnh Sơn và sau đó vào Lào Cai – Việt Nam.
Truyện “Tăng Si Hèng” (Đặng Thị Hành) của chủ sách Triệu Tài Thông ở thôn Đồng Máy – xã Việt Cường – huyện Trấn Yên - tỉnh Yên Bái (20) cho thấy mốc thiên di của người Dao Quần Chẹt (Dao Nga Hoàng) đến Việt Nam rất gian nan. Họ từ Quảng Đông vượt biển vào vùng Quảng Ninh. Vượt qua bao hoạn nạn, được chính quyền phong kiến Việt Nam cho phép họ đến ngã ba Bạch Hạc bỏ thuyền đi bộ lên Đại Từ - Thái Nguyên lập quê mới:
“Tháng hai ngày 12 lập bến nước
Lên tới Ba Hạc để thuyền lại
Bỏ hết đại thuyền theo đường bộ
Lên đến Tế Sơn thành Đại thôn
Đúng tháng hai âm ngày 16
Dừng lại Tế Sơn để lập làng”
Như vậy, các sách cổ người Dao đã dựng lại con đuờng thiên di phức tạp của các ngành Dao. Có tốp người Dao đến Việt Nam bằng đường bộ nhưng cũng có ngành vừa đi đường bộ, vừa đi đường thủy. Riêng ngành Dao Nga Hoàng (Dao Quần chẹt) vượt biển, ngược sông đi bộ từ Bạch Hạc lên Đại Từ Thái Nguyên. Nhìn chung, các ngành Dao dù đến Việt Nam bằng đường biển hay đường bộ nhưng khi đi sâu vào các châu phủ miền núi, người Dao thường đi theo sông suối. Đồng bào ngược sông (xuôi sông) tỏa về các con suối, lập làng ở ven suối. Đặc điểm này trở thành tập quán cư trú của nhiều ngành Dao. Vì vậy, địa danh “Khe” trở thành khá phổ biến ở các làng người Dao. Huyện Bảo Thắng - tỉnh Lào Cai có 65 làng người Dao thì có 21 làng mang tên là khe, là suối, cửa suối. Huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có 105 làng người Dao thì có tới 40 làng mang dấu ấn của khe, suối.
Người Dao di cư đến Việt Nam kéo dài suốt từ đời nhà Lý đến đầu thế kỷ 20. Có nhiều đợt thiên di khác nhau ứng với thời gian khác nhau. Con đường thiên di chủ yếu theo 2 hướng từ Quảng Đông, Quảng Tây đến Đông Bắc (Quảng Ninh – Móng Cái) hoặc từ Vân Nam sang các tỉnh giáp biên giới của Việt Nam. Đường thiên di có thể là đường thủy (vượt biển, vượt sông) hoặc đi bằng đường bộ. Nhưng có nhiều đợt người Dao kết hợp đi cả đường bộ và đường thủy.
2.2. Phản ánh các sự kiện lịch sử quan trọng của Trung Quốc và Việt Nam
2.2.1 Phản ánh phong trào khởi nghĩa của người Dao chống ách cai trị của phong kiến Trung Quốc
Suốt hàng nghìn năm lịch sử hình thành, người Dao luôn kiên cường nổi dậy chống ách cai trị của phong kiến Trung Quốc. Trong đó, nổi bật là các cuộc khởi nghĩa Mai Sơn thời vua Tống Thái Tổ và khởi nghĩa Đại Đằng thời nhà Minh. Nhưng cuộc khởi nghĩa Mai Sơn chỉ được đề cập rất sơ lược trong các sách nghiên cứu về lịch sử người Dao ở Trung Quốc. Một số tác phẩm lịch sử về dân tộc Dao như “Lược sử Dao tộc” của Hoàng Ngọc, Hoàng Phương Bình (1993), “Văn hóa sử tộc Dao” của Từ Tổ Tường (2001) đều không đề cập đến cuộc khởi nghĩa Mai Sơn. Trong Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu Dao học” (1992), Tạ Kiệm đề cập đến ảnh hưởng của Mai Sơn đời Tống đối với người Dao (nhất là trong các bài ca cổ). Nhưng chủ yếu xuất hiện với hình thức địa danh. Còn các sự kiện lịch sử trong đó đề cập nhưng không cụ thể nêu bật diễn biến của cuộc khởi nghĩa (21). Năm 2007, tác phẩm lịch sử người Dao mới nhất xuất bản của tác giả Phụng Hằng Cao (chủ biên) có ghi chép rất sơ lược về sự kiện khởi nghĩa Mai Sơn: …"Năm thứ 8, Khai bảo Tống Thái Tổ (năm 975), Dao Mai Sơn dùng quàn cướp Đàm, Thiệu châu”. Tác giả có trích một đoạn trong “Tống sử - Bản kỷ” ghi “Man ở Mai Sơn làm loạn, đánh quân ở Đàm Châu, thiết lập 5 trại để khống chế” (22). Trong bài nghiên cứu về sự kiện Mai Sơn, Tạ Kiệm có trích dẫn nhiều nguồn sử liệu nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc xác định địa danh Mai Sơn, hoặc trích trong sách cổ “Hồ Nam Thông chí” quyển 2 của Thanh Tăng Quyết về diễn biến sơ lược sự kiện Mai Sơn: “Năm thứ 8, Khai Bảo Thái Tổ (đời Tống) (975) có giặc cướp nổi lên ở Thiệu Nhi Châu. Người ta đã cung tấn lên Quan Lý xin cho đội quân hùng mạnh để tiêu diệt Thiệu Châu vào tháng 3, cắt đứt mọi con đường của bọn Man Mai Sơn. Bọn Man đã bại trận” (23). Như vậy, cuộc khởi nghĩa Mai Sơn được các nhà nghiên cứu Dao học chú ý nhưng do tư liệu quá ít ỏi vì khó có điều kiện, phân tích nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Sơn của người Dao.
Trong “Tín ca thiên di” của người Dao Tuyển (Dao Làn Tiẻn) sưu tầm ở làng Đen, xã Đồng Tuyển tỉnh Lào Cai, lại miêu tả cuộc khởi nghĩa của người Dao khá chi tiết:
“Năm Ất Hợi vua Tống thứ nhất (975)
Người Dao ở Mai Sơn tập trung binh lớn
Đánh phá Vũ Động, Trường Sa
Tiêu diệt binh 100 vạn
Giết chết bọn triều quan
Thừa thắng tiến vào Quảng Đông
Làm kinh động Liên Sơn cùng đất phía Nam
Từ đây thông suốt đường ải đến đường ven núi”
Đặc biệt trong sách cổ “Tín ca thiên di” của người Dao Tuyển làng Đen còn đề cao chiến công, đề cao cuộc khởi nghĩa không chỉ đánh tan quân triều đình Tống (dù có nêu con số thiệt hại của quân Tống quá lớn) mà còn buộc nhà Tống phải thay đổi chính sách cai trị:
“…Đánh cho vua Tống ngồi không yên
Ép bắt vương triều phải hạ lệnh
Phải bán gạo cấp cho dân
Sớm thu lại ruộng trả cho dân trồng cấy
Lại làm cho yên dân, lấy người già đứng đầu
Dùng người Man trị người Man làm an lòng mọi người”
Trong sách cổ “Tín ca thiên di” của người Dao Tuyển ở cũng kể lại các cuộc khởi nghĩa quật cường của người Dao chống ách nô dịch của quân Nguyên (năm Tân Mùi - 1271) và một số cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Minh. Đặc biệt, sách cổ dành nhiều đoạn mô tả khá chi tiết cuộc khởi nghĩa Đại Đằng chống quân Minh và của người Dao:
“…. Đánh xuống dẹp yên các huyện
Đốt hết các thành, đánh tan lính binh
Cùng nhau thề giữ lấy giang sơn
Bảo vệ Vạn Sơn về phương ta
Chiếm cả trước đường Lĩnh Sơn
Thống soái 6 huyện lập ra nơi chiến địa…”
Sách cổ người Dao đã ghi lại các trang sử hào hùng của người Dao chống phong kiến Trung Quốc. Sách cổ người Dao không chỉ tô đậm thêm chiến công mà còn xóa tan lớp hỏa mù do sử gia phong kiến tung ra nhằm che dấu thất bại và tội ác của bọn thống trị.
2.2.2 Sách cổ người Dao phản ánh chiến công của nhà Tây Sơn đánh bại quân Thanh xâm lược
Âm hưởng chiến công của nhà Tây Sơn chống quân Thanh xâm lược được ghi chép nhiều trong các bộ sử Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng những chiến công này lại vượt qua chặng đường dài đến với người Dao vùng Đại Từ Thái Nguyên và được người Dao cảm phục ghi nhận quả là sự kiện quan trọng, hy hữu. Bản “Tín ca thiên di” của người Dao Quần trắng do chủ sách Triệu Tiền Tham xã Tân Đồng - huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một tài liệu quý có giá trị dựng lại bức tranh lịch sử thế kỷ 18 ở miền núi Bắc Bộ.
Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 18, người Dao Quần trắng cư trú ở phủ Thông Hóa (tương đương với tỉnh Bắc Cạn hiện nay). Đời sống người Dao rất cơ cực, đồng bào luôn bị quan lại cướp bóc:
“Bọn thổ quan làm giặc cướp
Đêm đêm phá phách
Người người sợ hãi vào rừng sâu”
Quá hoảng sợ, mọi người chạy về biên giới Lạng Sơn, tìm đường vượt cửa khẩu về đất “Thiên Triều”. Nhưng quan lại Trung Quốc gác cửa ải đòi hối lộ, tống giam:
“Người về đến đất Thiên Triều
Giáp giới quan gác đầu đường
Quan lại đòi lấy vàng tiền
Quan lấy vàng mỗi người 5 lạng
Nếu không có tiền nộp không được thả
Không có vàng nộp sẽ bị giết”
Đời sống đang cùng cực, người Dao Quần trắng phải lần hồi cố nộp một phần tiền hòng thoát thân, chạy về huyện Cảm Hóa Việt Nam (huyện Ngân Sơn, Na Rì tỉnh Bắc Cạn hiện nay). Đời sống đang cơ cực. Bỗng các sự kiện lịch sử ập đến, chúa Trịnh bị quân Tây Sơn giết chết, vua Lê cũng qua đời. Người Dao nhìn sự kiện này với niềm vui mừng:
“Lại đến Bính Ngọ (1786) năm ấy
Xe quan lão Triệu (chúa Trịnh?) thấy thân mình bị mất
Chúa của quan là Lê Hoàng (vua Lê) cũng qua đời
Bốn phía huy hoàng ánh mặt trời”
Tín thư của người Dao còn miêu tả cuộc hành quân tiến quân thần tốc của quân Tây Sơn và chiến công tiêu diệt quân Thanh:
“Đông Nam, Tây Bắc rầm rầm vào
Tiến đến Kinh thành trước kiệu nhà vua
Vạn mã, ngàn quân đi như nước chảy
Người ngoài nhìn thấy thất kinh hồn
… Tây Sơn chạy đến chặt cầu
Cầu lớn cả hai đầu đứt gãy
Ngàn quân chìm xuống nước chết đuối
Mười vạn quân chết đến 8 vạn
Chỉ còn 2 vạn chạy về nước Thanh”
Quét sạch quân thù, đất nước thanh bình, cuộc sống người Dao ở núi cao cũng được sống yên ổn làm ăn:
“Quang Trung ngồi trong kiệu định ra năm tháng
Cửa châu khắp nơi được bình an”
Như vậy, âm hưởng chiến thắng giặc ngoại xâm của vua Quang Trung còn vang vọng mãi trong rừng thẳm núi cao phía Bắc. Người Dao Quần trắng dù mới di cư đến huyện Cảm Hóa (Ngân Sơn, Na Rì tỉnh Bắc Cạn hiện nay) cũng nhận thấy tự hào trước chiến công chung. Ý thức dân tộc cũng thấm nhuần các động người Dao. Vào hoàn cảnh ở vùng núi xa xôi của thế kỷ 18 thông qua bản “Tín ca”, ta càng nhận rõ tinh thần yêu nước của người Dao.
Bên cạnh vấn đề phản ánh các sự kiện lịch sử quan trọng của thế kỷ 18, 19, các sách cổ người Dao cũng ghi lại cuộc sống cơ cực của người dân vùng biên giới luôn bị giặc phỉ quấy nhiễu, thổ quan áp bức, bóc lột nặng nề. Đồng thời một số sách cổ phản ánh sự bất lực của quan quân triều Nguyễn, không bảo vệ được dân lành vùng biên giới.
Sách cổ người Dao có nhiều giá trị lịch sử. Sách cổ còn là tiếng nói của người Dao tuy mới thiên di đến Việt Nam vài ba trăm năm nhưng đã coi Việt Nam là quê hương, Tổ quốc mình. Những bài ca thiên di không chỉ là những lời than về nỗi cực khổ trước ách áp bức bóc lột của phong kiến phương Bắc phải di cư mà còn là tiếng nói hào hùng ngợi ca tình nhân ái trên quê hương mới. Một số tín thư đã phản ánh các sự kiện lịch sử di cư, lịch sử diễn ra ở đất nước, ở vùng cao dưới lăng kính người Dao. Dù cách xa các trung tâm chính trị nhưng trái tim người Dao thế kỷ 18, 19 vẫn đập chung mạch đập của Tổ quốc Việt Nam.
[1] Phạm Thận Duật (2001) – Toàn tập, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội
[2] Bế Viết Đẳng - Nguyễn Khắc Tụng – Nông Trung - Nguyễn Nam Tiến (1971), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội
[3] Lê Quý Đôn (2007) - Kiến văn tiểu lục, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
[4] Phạm Quang Hoan – Hùng Đình Quý - Người Dao ở Hà Giang (1999), NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội
[5] Phạm Hẳng Cao chủ biên (2007) – Thông sử tộc Dao (Quyển thượng), NXB Dân tộc, Bắc Kinh – Trung Quốc
[6] Lê Tắc (2002) – An Nam chí lược, NXB Thuận Hoá - Thừa Thiên - Huế.
[7] Đỗ Quang Tụ - Nguyễn Liễn (2005) - Người Dao trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội
[8] Từ Tổ Tường (2001) – Văn hóa sử Dao tộc, NXB Dân tộc, Vân Nam – Trung Quốc.
[9] Hà Văn Viễn – Hà Văn Phụng (1973), Ban Dân tộc Tuyên Quang.
[10] Trần Quốc Vượng (1967) – Đôi điểm về lịch sử người Dao”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 95 – trang 46 – 53.