Về Hải Thịnh nhớ câu hát “Hỏi rằng O gái Làng Đông”

Dương Công Bắc

20/10/2021 14:37

Theo dõi trên

Khi tôi đã quen với Hải Thịnh thì mới biết nơi đây đã có 2 điều nổi tiếng. Một là điều tốt vì thành tích bắn cháy tàu chiến Mỹ, hai là điều xấu vì “O gái Làng Đông, để chồng giặc bắt”.

dan-quan-hai-ithinh-1634715328.jpg

Việt Nam nhi nữ anh hùng chí,

Chẳng thích Hồng trang, thích Vũ Trang!

Thời kỳ chống Mỹ, ở miền Bắc có 2 đơn vị nữ dân quân miền biển được vinh danh thành tích bắn rơi máy bay và bắn cháy tàu chiến Mỹ. Một ở Ngư Thủy, Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình và một ở Hải Thịnh, Nghi Thiết, Nghi Lộc của Nghệ An.

Các tập phim “Trở lại Ngư Thủy” đã khiến cả nước xúc động khi được gặp lại các chị, những tượng đài sống của một thời oanh liệt! Bộ phim cũng đã góp phần mang lại chút quyền lợi nhỏ nhoi mà các chị xứng đáng được nhận. Nhưng các chị ở Hải Thịnh thì chưa có một thước phim nào, một tác phẩm báo chí nào nhắc đến ngoài một câu hát của Nhạc sĩ Tân Huyền trong bài “Câu hò trên đất Nghệ An”. Mà nếu tôi không cắt giải thì cũng khó có ai biết rằng câu hát “Hỏi rằng O gái Làng Đông” ấy lại nói về các chị. Bởi Hải Thịnh còn có tên là Làng Đông, nơi có trung đội nữ dân quân đã từng bắn cháy tàu giặc năm 1964.

Tôi đến Hải Thịnh lần đầu trong một đợt tuần tra bờ biển của các chiến sỹ CAVT Đồn 96 vào tháng 5/1972, khi tôi là binh nhì, mới rời ghế trường Đại học được bổ sung về Đồn. Lúc đó, chúng tôi phải trèo qua các tảng đá nhô hẳn ra biển, quanh năm sóng vỗ mới sang được Hải Thịnh. Hải Thịnh, một xóm nhỏ hiền lành như một ốc đảo, bốn bề bị núi vây kín, muốn sang Hải Thịnh chỉ có 1 cách là trèo qua các eo núi. Từ Nghi Tiến sang thì cũng phải thế.

Người Hải Thịnh kiên cường, con gái Hải Thịnh xinh đẹp và sắc nhọn. Còn nhớ một lần cần tới Hải Thịnh để làm việc với Trung đội dân quân. Vừa lên đến đỉnh eo núi thì tôi đã phải chúi vào vách đá khi từng đàn máy bay Mỹ thi nhau lao xuống cắt bom đánh xuống đoàn thuyền vận tải vừa mới tới neo đậu ở khúc sông dưới chân núi đêm qua. Khi chúng rút đi, nghe thấy tiếng kẻng báo yên rất gần như là ngay chỗ mình vừa nằm tránh bom. Nhìn lên tôi chợt  thấy 2 O dân quân đang nhìn mình, khúc khích cười. Thì ra các O trong tổ dân quân trực chiến máy bay, đã phát hiện thấy tôi trong bộ dạng hốt hoảng. Một O cất tiếng:

- Anh Công an Đồn ơi, anh vừa “lo qua eo” phải không? Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, cả 2 cười ré lên. Sau này tôi mới biết họ nói lái của từ  bậy là “Leo qua O”!

Khi tôi hỏi đường xuống núi để vào xóm, một O dẩu cái mỏ lên dấm dẳng bắt tôi phải gọi chị thì mới nói (Chắc nhìn thấy quân hàm binh nhì của tôi chứ thực ra lúc ấy tôi đã 20 tuổi, trông già dặn lắm), cô kia trông hiền hơn thì chỉ đường tận tình. Tôi đã bắt đầu cảnh giác với các cô dân quân Hải Thịnh từ hôm ấy, họ đáo để lắm! Về sau tôi mới biết cô hiền tên là Thinh, cô dấm dẳng tên là Rân, Rân là hoa khôi của trung đội, thảo nào! Sau này ông trung đội trưởng còn kể nhiều chuyện về các cô nữa.

Khi tôi đã quen với Hải Thịnh thì mới biết nơi đây đã có 2 điều nổi tiếng. Một là điều tốt vì thành tích bắn cháy tàu chiến Mỹ, hai là điều xấu vì “O gái Làng Đông, để chồng giặc bắt”. Chuyện là thế này:

Vào một đêm mùa Đông năm 1968, một tốp người Nhái của Mỹ Ngụy từ ngoài biển lợi dụng đêm tối và biển động, đã bí mật đổ bộ vào bờ biển Hải Thịnh. Như là đã được tập dượt kỹ, bọn chúng men theo sườn núi vào bắt cóc đ/c Trưởng CA xã mang ra tàu ngoài khơi mà bà vợ không hay biết. Sáng dậy không thấy chồng đâu, tìm mọi nơi cũng không thấy mới báo Chính quyền. Chính quyền cũng không biết, đành báo lên trên là mất tích. 6 tháng sau thấy anh lênh đênh ngoài khơi với 1 cái phao với chút đồ ăn, dân chài mới vớt chở vào bờ. Nghe anh báo cáo lại mới biết được anh bị người nhái bắt cóc. Không khai thác được gì, chúng phải phóng thích anh. Một thời gian dài, anh không được tham gia việc gì kể cả việc xung phong đi bộ đội. Một năm gần đây,  người ta tiếc cái sức khỏe và trình độ chỉ huy tác chiến của anh nên mới phục chức cho anh làm Xã đội trưởng, tuy vậy anh vẫn nằm trong diện sưu tra của Đồn. Tiếp xúc với người đàn ông 6 con này, tôi thấy đó là người chân chất, đôn hậu, nhiệt tình công tác, nhưng anh vẫn mặc cảm việc mình bị người nhái bắt cóc, bị Tổ chức nghi ngờ. Còn Làng Đông thì bị chịu tiếng xấu là “O gái Làng Đông, để chồng giặc bắt”!

Trên đỉnh một phần dãy núi nhô ra bờ biển, trung đội nữ dân quân đã xây dựng 2 trận địa, một trận địa phòng không 12 ly7 và một trận địa pháo 75 ly phòng vệ bờ biển. Nói là trận địa thực ra chỉ có 2 khẩu 12, 7 ly và 1 khẩu pháo 75 ly. Các thành viên của bộ phận trực chiến đều được huấn luyện thành thục sử dụng đồng thời cả 2 trận địa này. Nếu có máy bay, các O bắn 12 ly7, nếu có tầu giặc thì lại nhảy lên mâm pháo. Bộ phận trực chiến suốt ngày đêm, ăn công điểm của HTX. Thế hệ bắn cháy tầu chiến năm xưa lúc ấy chỉ còn lại vài người. Đội ngũ bây giờ hầu như toàn các cô trẻ. Chúng tôi đã xem các O luyện tập. Không khí chiến đấu khẩn trương, căng như dây đàn. Tiếng thét, tiếng hô khẩu lệnh dứt khoát như đang trong trận đánh.

 Tôi và ông Thượng sỹ già đã có một thời gian đóng chốt ở đây để xây dựng tình huống giả định chống người nhái đổ bộ. Buổi tối cùng lên trận địa ngủ và đêm xuống thì thực hành các bài huấn luyện về tuần tra bờ biển. O Rân, cái cô dẩu mỏ bắt gọi là chị rất hay bắt nạt tôi bằng những trò tinh quái của mình và thường xuyên ra những câu đố rất bậy. Một lần, trong buổi kiểm tra vị trí gác, tôi đã lấy được súng của Rân trong khi các o vẫn say sưa tán chuyện.  Bị phê bình, Rân đã tỏ thái độ bất mãn. Hôm sau, tôi làm bộ lạnh lùng và vào hầm giả bộ ngủ từ sớm. Thế là một đoàn các o xông vào hầm cậy tay, khiêng tôi ra ngoài. Trong lúc lộn xộn, tôi cảm thấy có một nụ hôn nóng bừng, ẩm ướt. Không biết có phải là của Rân không?

Tháng sau, ngày chúng tôi quay lại, lại là ngày cả trung đội đang có chuyện buồn. Chồng một chị vừa có giấy báo tử. Chúng tôi vào thăm hỏi. Nhà chị ở rìa làng gần bến thuyền. Nhìn người thiếu phụ mới 24 tuổi và 3 đứa trẻ, đứa mới lẫm chẫm, đứa vẫn còn bế ngửa, thẩy đều chít khăn tang mà chúng tôi không kìm nổi nước mắt. Anh là con một nên được hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng vợ anh lại mới đẻ con trai thế là người ta gọi anh nhập ngũ, tòng quân chưa được một năm.  Rồi đây cuộc sống của chị sẽ ra sao? Chiến tranh tàn ác biết chừng nào!

viet-ve-cac-chi-nu-dan-quan-hai-thinh-1634715328.jpg
Người viết cùng vợ chồng người bạn lính, chụp chung với vợ và con ông Chủ tịch Xã thời kỳ đó và đặc biệt có mặt chị dân quân (hàng đầu áo trắng) từng tham gia bắn chay tầu chiến Mỹ.

Thế rồi Hải Thịnh bị ném bom. Từ bên này núi là Nghi Tiến, tôi thấy rõ 2 chiếc A37 và 2 tốp F4 quần thảo, thi nhau lao xuống trút bom và bắn 20 ly xuống bên kia núi. Mọi người đều kêu lên “Hải Thịnh bị bom rồi, sao dai thế, phải đến nửa tiếng đấy”. Tôi và Hạ sĩ Hoàn vội phóng lên núi, vượt eo sang bên Hải Thịnh. Từ xa đã thấy cả một biển lửa bao trùm và khói bốc cao ngút trời. Tiếng khóc than, tiếng chân người chạy, rồi cảnh người người gồng gánh dắt nhau chạy vào trú ẩn trong khe núi. Hải Thịnh hoảng loạn thật rồi!

 Chúng tôi túm được ông Bí thư Chi Bộ thì được biết có 5 người chết và bị thương nhưng bom Mỹ đã bỏ trúng kho lưới và bãi đỗ thuyền của HTX, lửa và khói bốc cao đó là do kho lưới cháy nhưng rất có thể sẽ chỉ điểm cho máy bay Mỹ quay lại. Tôi bàn với Hoàn là ngay bây giờ phải cứu thuyền và lưới, sau đó sẽ dần dần khôi phục sinh hoạt cho nhân dân. Tôi đề nghị ông Bí thư triệu tập họp Chi Bộ ngay tối nay, chúng tôi sẽ tham dự. Nói xong chúng tôi khẩn trương đi tìm trung đội dân quân để tổ chức cứu lưới, cứu thuyền.

Chúng tôi đã xông vào dập lửa, tháo dỡ nhà kho để lôi những vàng lưới đang cháy ra xa, để cứu những vàng lưới chưa bị bén lửa. Việc làm của chúng tôi đã khích lệ lực lượng dân quân cũng dũng cảm, liều mình. Khi những vàng lưới cuối cùng được khiêng đến nơi cất dấu thì cũng là lúc Máy bay Mỹ quay lại tiếp tục bắn phá. Chúng tôi hô dân quân cùng ra cứu thuyền, vì thuyền và lưới còn thì sản xuất còn và đời sống nhân dân mới có.

 Lúc này bến thuyền đã tan hoang, nhiều chiếc đã bị bom tan nát, có chiếc lại bị đạn bắn thủng đang lập lờ dưới nước. Chúng tôi chia nhau lên những chiếc còn nguyên vẹn và ra sức chèo khỏi bến với đội hình giãn cách. Trên đầu mấy chiếc A37 vẫn gào rú, bỗng nó bổ nhào xuống đội hình. Ở trên thuyền ngước lên, tôi chỉ thấy một vệt nằm ngang, ở giữa có vòng tròn to. Kinh nghiệm cho biết là nó đang bổ nhào cắt bom. Xác suất trúng vào mình là rất cao. Theo bản năng, mọi người đều tìm chỗ nấp, nhưng trên thuyền thì nấp vào đâu? Chỉ nghe thấy tiếng xoẹt xoẹt rồi tiếng nổ, rồi từng cột nước bốc thuyền lên cao và ném xuống. Tôi đã nghĩ tới cái chết nhưng rất lạ, chẳng ai bị sao, thuyền chỉ xoay như chong chóng và bị nước vào. Chỉ có một chiếc thuyền bị lật úp đang lập lờ theo sóng. Cũng may là mọi người đã kịp thoát ra ngoài và đang được các thuyền khác cứu. Hú vía, tôi đã không ở trên con thuyền ấy, vì tôi bơi rất kém! Cuối cùng, hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi đã đưa được gần 20 chiếc thuyền sang tập kết ở một bãi khác cách đấy 800 mét.

Buổi tối, họp Chi Bộ, 2 thằng chúng tôi chưa đứa nào là Đảng viên cả nhưng vẫn cứ tham gia và chỉ đạo địa phương xây dựng phương án khôi phục sản xuất, giữ vững trật tự trị an cũng như đối phó phương án địch tiếp tục đánh phá.

Sau đợt đó, tôi về Đồn xin chịu tội vì đã vi phạm nguyên tắc Đảng, nào ngờ lại được ông Chính trị viên Đồn khen “Công 7 tội 3”!

Kể lại chuyện này tôi muốn mọi người hiểu thêm về đất Hải Thịnh và con người nơi đây, đặc biệt là trung đội nữ dân quân Hải Thịnh, các cô gái tuổi đôi mươi nhưng đã dạn dày đạn bom và anh dũng, liều mình viết nên trang sử của quê hương mình.

Hiệp định Pari ký kết, miền Bắc sống trong hòa bình, các cô gái Hải Thịnh thi nhau lấy chồng. Tôi vẫn về Hải Thịnh với những nhiệm vụ khác nhau. Hỏi thăm các cô mà thấy cô nào bụng cũng lùm lùm. Tôi cũng có ý gặp lại O Rân để hỏi về nụ hôn năm nào, nhưng được tin O cũng đã lấy chồng về xã khác, lòng cũng thoảng một nỗi buồn man mác!

Tôi trèo lên trận địa pháo, trận địa vẫn còn đó nhưng các khẩu pháo đã được bôi mỡ và khoác những tấm bạt, cỏ dại đã mọc um tùm. Hỏi tại sao không cho vào kho? Đáp quân thù vẫn còn đó, miền Nam vẫn đang đánh Mỹ, vẫn cần phải cảnh giác!

Mùa thu năm 2011, sau 37 năm tôi mới quay lại Hải Thịnh. Lúc này tôi đã là một lão già bụng phệ còn Hải Thịnh lại đang là một cô thôn nữ e lệ khi đang được gã nhà giàu Cửa Lò để mắt tới để làm khu nghỉ dưỡng. Bây giờ người ta đã lấn biển làm đường vòng qua chân núi. Nơi mà khi xưa những người lính chúng tôi phải trèo qua từng mỏm đá nhô ra biển mới sang được Hải Thịnh thì bây giờ đã là đường ô tô đi.

Tôi gặp lại vợ và con trai ông Chủ tịch xã, gặp một chị thuộc thế hệ O gái làng Đông khi xưa bắn cháy tàu giặc. Ôn lại chuyện xưa mà không khỏi ngậm ngùi khi được hỏi về chế độ đãi ngộ của các chị. Dân quân Ngư Thủy còn vớt vát chút này chút nọ, còn các chị thì tuyệt nhiên chẳng có gì.

Hiện nay, hàng ngày từng đoàn người lũ lượt kéo đến khu nghỉ dưỡng Hải Thịnh, hỏi có người nào còn nhớ hơn 4 chục năm trước, cũng chính nơi này có một trung đội nữ dân quân pháo bờ biển anh hùng, đã từng lập nên chiến công hiển hách bắn cháy tàu chiến Mỹ. Mỗi khi cất lên câu hát “Hỏi rằng O gái Làng Đông” mấy ai còn nhớ tới các chị? Các chị bây giờ ở đâu?

Bài viết này thay những đóa hoa tươi thắm dâng tặng các chị nhân ngày 20/10./.

DCB

Bạn đang đọc bài viết "Về Hải Thịnh nhớ câu hát “Hỏi rằng O gái Làng Đông”" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn