Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)

PGS TS Cao Văn Liên

26/09/2021 08:53

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

               

trieuvietvuong-20190906105627-1632621148.jpg
Việt vương Triệu Quang Phục - vị vua dũng mãnh trong sử Việt.
Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

 

Kỳ 42.

Năm 545, khi quân Việt bị thất bại ở thành Tô Lịch, người anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo và người cháu họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn quân chạy về Ái Châu và bị tướng Lương Trần Vũ Pháp đánh tan. Lý Phật Tử và Lý Thiên Bảo chạy sang đất Ai Lao lánh nạn. Năm 550, Lý Thiên Bảo đem 1 vạn quân về vùng Dã Năng. Dã Năng là vùng đất đầu nguồn sông Đào Giang, đất đai bằng phẳng và màu mỡ. Lý Thiên Bảo liền cho xây thành, đặt quốc hiệu Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương. Năm 556, Lý Thiên Bảo chết, Lý phật Tử nối ngôi.

Một ngày cuối năm 556, vào buổi sáng, Lý phật Tử  đang ngồi trong biệt phủ ở Dã Năng thì thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, Triệu Quang Phục đã tiêu diệt hết giặc Lương, đã trở về kinh đô Long Biên, lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương và đã khôi phục lại quốc hiệu Vạn Xuân.

Tin vui đó không làm cho Lý Phật Tử vui mừng mà lại làm cho Tử tức giận, đập tay xuống bàn nói to:

-Lý Nam Đế là tổ tiên của ta đã khó nhọc mới gây dựng được nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục chỉ là Đại tướng, khôi phục được nước phải trao lại cho ta là con cháu Lý Nam Đế mới phải, sao lại tiếm ngai vàng làm của họ Triệu.

Biệt súy phủ là Lý Phổ Đỉnh nói:

-Chúa công nói phải lắm, thiên hạ là của họ Lý chứ đâu phải của họ Triệu. Theo thần muốn lấy lại ngai vàng không khó.

Phật Tử hỏi:

-Lấy bằng cách nào ?

Biệt súy Lý Phổ Đỉnh hiến kế:

-Đem quân tiến đánh Triệu Quang Phục.

-Phải lắm.

Rồi Lý Phật Tử đem 3 vạn quân từ Ái Châu tiến ra Bắc đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương nghe tin Lý Phật Tử  đem binh tiến đánh liền nói:

-Dù sao thì Lý Phật Tử cũng là cháu của Lý Nam Đế, nếu về triều trình diện sẽ được phong chức cao bổng hậu, sao phải gây chiến tranh tổn hại binh lính, cũng là người Việt, cũng là binh lính nước Vạn Xuân.

Đại tướng Trương Hống nói:

-Bẩm Triệu Việt Vương, cùng họ Lý nhưng Lý phật Tử chưa chắc đã là hậu dụê của Lý Nam Đế, hơn nữa, lúc đất nước lâm nguy thì hèn nhát bỏ trốn sang tận Ai Lao, nay đất nước vừa mới khôi phục lại muốn tranh đoạt ngai vàng, đẩy đất nước vào xung đột bi thương chết chóc. Đúng là loại người phi nhân nghĩa, ích kỷ, chỉ nhìn thấy quyền lợi danh vọng của mình mà không biết dến bách tính và đất nước. Thần xin đem quân ra hỏi tội hắn.

Đại tướng Trương Hát nói:

-Bệ hạ không nên nghĩ hắn là cháu của Lý Nam Đế thì được kế vị ngai vàng. Về mặt pháp lý và danh chính ngôn thuận, chính Lý Nam Đế đã khẩu dụ truyền di mệnh cho Thái Phó và bệ hạ quyền được thay Lý Nam Đế lãnh đạo quân đội và lãnh đạo tối cao đất nước để kháng chiến chống Lương. Như vậy, Lý Nam Đế đã chính thức truyền ngôi cho bệ hạ. Vả lại, bệ hạ đã gian khổ cùng quân đội gian nan bao năm mới lấy lại được nước. Đúng là Lý Phật Tử là tên không biết điều, sự ngu xuẩn ích kỷ đã làm cho hắn mờ mắt. Thần xin cùng Trương Hát đem quân hỏi tội hắn.

Triệu Việt Vương vốn là người nhân từ nên dặn Trương Hống, Trương Hát:

-Các khanh chỉ cần đánh cho Lý phật Tử thua để hắn hối cải mà về với triều đình, không nên giết nhiều quân, không được tàn sát nhiều, không được đuổi cùng diệt tận.

-Dạ, chúng thần tuân chỉ.

Trương Hống, Trương Hát đem 3 vạn quân ra vùng Câu Lậu chặn quân Lý Phật Tử. Hai bên dàn trận. Lý Phật Tử ngồi trên ngựa quát:

-Nước Vạn Xuân là do tiên đế Lý Nam Đế của ta khởi nghiệp dựng nên, ngôi báu là của họ Lý ta, cớ sao Triệu Việt Vương lại dành lấy. Nay ta đem quân hỏi tội và buộc Triệu Việt Vương phải trả lại ngai vàng cho ta.

Trương Hống nói :

-Lúc Lý Nam Đế rút khỏi thành Gia Ninh, trong cơn thế nước nguy cấp đã trao binh quyền cho Triệu Việt Vương để lãnh đạo kháng chiến cứu nước. Sao ông không ở lại nhận chiếu kế vị quyền lực, lãnh đạo kháng chiến mà hèn nhát bỏ trốn tận Ai Lao. Nay đất nước thanh bình lại về đòi ngai vàng. Ta bảo cho mà biết, quyền thừa kế của ông không còn, vì chính Lý Nam Đế truyền di mệnh kế thừa cho Triệu Quang Phục. Nay ngươi biết điều thì quy thuận triều đình, lương cao lộc hậu, vinh hoa phú quý dù ngươi chẳng có công cán gì khi đất nước nguy nan.

Phật Tử đáp:

-Ta cần ngai vàng của ông bác ta chứ không thèm của bố thí. Ai

ra bắt thằng giặc này cho ta.

  Một tướng trong hàng quân của Lý Phật Tử phi ngựa múa giáo xông ra:

-Có mạt tướng đây.

  Mọi người nhìn ra thì đó là biệt súy Lý Phổ Đỉnh. Đỉnh cưỡi ngựa đen, sử dụng ngọn giáo dài. Trương Hát múa đại đao xông ra. Chỉ 10 hiệp, Lý Phổ Đỉnh không địch nổi Trương Hát quay ngựa chạy. Quân của Trương Hát xông lên chém giết. Quân Lý Phật Tử đại bại tháo chạy. Nhớ lời dặn của Triệu Việt Vương, lính Lý Phật Tử cũng là lính của Vạn Xuân, cũng là người Việt, chỉ cần đánh cho thua mà không cần đuổi cùng diệt tận, nghĩ như vậy nên Trương Hát khua trống thu quân.

Cứ như vậy 5 lần, lần nào dàn trận giao chiến, quân Lý Phật Tử cũng thất bại tháo chạy. Quân của Trương Hống, Trương Hát đuổi theo không truy sát rồi lại gõ trống thu quân. Nếu quân Triệu Việt Vương truy đến cùng thì Lý Phật Tử chắc chắn bị tiêu diệt.

Sau năm lần thất bại, Lý Phật Tử biết không thể thắng Triệu Việt Vương bằng sức mạnh. Lý Phật Tử lấy làm lạ là cả 5 lần quân Triệu Việt Vương không quyết chiến mà tiêu diệt hắn, nếu như vậy thì hắn đã không còn trên đời nữa. Và Lý Phật Tử hiểu lòng nhân từ của Triệu Việt Vương, không nỡ ra tay với hậu duệ của Lý Nam Đế để mong hắn thay đổi mà quy thuận triều đình. Qua đó, tên hèn nhát nhưng gian ngoan như Lý Phật Tử hiểu rằng hắn chỉ có thể lấy lại ngai vàng bằng mưu kế, bằng lợi dụng chính ngay lòng nhân từ của Triệu Việt Vương.

Một buổi sáng, Triệu Việt Vương đang ngồi trong cung ở thành Long Biên thì có thám mã vào báo:

-Bẩm bệ hạ có người của Lý Phật Tử xin vào yết kiến.

Triệu Việt vương nói:

-Cho vào!

Lý Đạo Quyền, người của Lý Phật Tử bước vào khấu đầu làm lễ:

-Triệu Việt Vương vạn tuế, vạn tuế, mạt tướng xin dâng lên Triệu Việt Vương bức thư của Lý Phật Tử chúa công.

Lý Đạo Quyền đưa thư cho cận thần, cận thần nhận thư và chuyển cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương bóc thư. Thư viết: “ Hậu dụê của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử khấu đầu trước Triệu Việt Vương. Sau khi Lý Nam Đế qua đời, sự nghiệp giải phóng nước Vạn Xuân là do tài năng và công lao của bệ hạ. Lý Phật Tử xa Hoàng Châu lâu ngày không rõ tình hình nên đã vô cớ động binh, thật là mạo phạm. Nay Lý Phật Tử hối hận và xin giảng hòa. Từ nay không động binh đao cho bách tính thanh bình, Vạn Xuân hưng thịnh. Nay xin thề nếu Phật Tử hai lòng sẽ bị trời chu đất diệt. Kính thư- Lý Phật Tử”.

Triệu Việt Vương đem việc xin giảng hòa của Lý phật Tử nói với các tướng tâm phúc:

-Lý Phật Tử có nói không hiểu tình hình nên gây hấn binh đao, nay hắn thua trận và xin giảng hòa. Các khanh thấy thế nào?

Đại tướng Trương Hát nói:

-Lý Phật Tử là hậu duệ của Lý Nam Đế, khi chúng ta thắng lợi, nước nhà được giải phóng, hắn phải mừng rỡ về triều chúc mừng và hưởng vinh hoa phú quý, lại gây ra chuyện binh đao là do tham vọng muốn dành ngai vàng, muốn thống trị toàn bộ nước Vạn Xuân. Khi thất bại về quân sự mới xin giảng hòa. Thần cho rằng đây là kế sách của hắn mà thôi, qua hành động của hắn thì Lý Phật Tử là một người hẹp hòi tham lam và nham hiểm. Mong bệ hạ hãy đừng trúng kế của hắn.

Triệu Việt Vương nói:

-Lý Phật Tử dẫu sao cũng là hậu duệ của Lý Nam Đế. Nay nếu diệt trừ hắn tận gốc sẽ bị thiên hạ chê cười. Vả lại hắn đã thề với thiên địa thần linh. Nay ta định đem một phần đất nước trao cho hắn để trả cái công ơn của Lý Nam Đế, tỏ cho thiên hạ biết ta là kẻ uống nước nhớ nguồn.

Đại tướng Trương Hát nói:

-Trả ơn cho Lý Nam Đế thì bệ hạ phong cho hắn quan cao chức trọng là được, còn nước là của dân, không thể mang cái của dân đi tặng được, vả lại nước là phải thống nhất, một nước không thể có hai vua được. Bệ hạ không thể đem vận mệnh quốc gia mà trao vào một kẻ gian tham như vậy. Lời hứa của kẻ hẹp hòi gian xảo như vậy có ý nghĩa gì. Xin bệ hạ anh minh.

Triệu Việt Vương nói:

-Ý ta đã quyết, hai Đại tướng quân chớ nhiều lời khiến ta bị thiên hạ chê cười là bất nghĩa. Cai trị thiên hạ mà bị coi là bất nghĩa thì còn gì để nói đây.

Rồi Triệu Việt Vương viết thư trả lời, cho sứ giả đưa đến doanh trại của Lý Phật Tử. Lý Phật Tử bóc thư đọc. Thư viết: “ Về việc vô cớ động binh đao, ta có thể hiểu được tâm trạng của các hạ. Nay các hạ đã nhận ra điều đó là không nên làm là tốt. Về quyền lợi của hậu dụê  Lý Nam Đế, ta vẫn ghi nhớ công lao của Lý Nam Đế là người khai sáng ra nước Vạn Xuân. Nay đối với quận Hoàng Châu, ta lấy bãi Quần Thần làm ranh giới, phía Nam là của ta, phía Tây thuộc các hạ cai quản. Các hạ nên giữ lời thề trước thiên địa thần linh của mình, nếu không sẽ gây họa lớn cho đất nước và cho bản thân mình. Nay Kính thư. Triệu Việt Vương”.

Lý phật Tử đọc thư cười ha hả, hồ hởi nói với sứ giả:

-Ngươi về nói với Triệu Việt Vương, ta sẽ suốt đời thực hiện lời thề hòa hiếu hai bên.

(còn nữa)

CVL

  

Bạn đang đọc bài viết "    Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn