Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 45)

PGS TS Cao Văn Liên

29/09/2021 09:40

Theo dõi trên

  Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

thanhtamgiang-1632883055.jpg
Tranh minh họa: Thánh Tam Giang là danh xưng mà người dân Việt Nam tôn vinh chung hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát thời Triệu Việt Vương được thờ ở 372 làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ. Nguồn: Internet.

                

Kỳ 45.

 Đó là tháng tư năm Quý Sửu 713, năm Khai Nguyên thứ nhất đời Đường Huyền Tông (712-750), nhà Đường, trang Đường Lâm, phong Châu, An Nam Đô hộ phủ chìm trong màn đêm nóng bức của mùa hè, bóng tối bao trùm khắp nơi. Không gian bị phủ một màn nhung đen nên trở nên mơ hồ và mong manh. Trong màn đen ấy, bầu trời như cao vút xa xăm mênh mông, có những ngôi sao như những viên ngọc lưu ly nhấp nhánh. Trời cuối tháng, trăng muộn nhưng ánh sáng nhạt nhòa ban đêm vẫn thấy miền trung du Đường Lâm với những đồi núi quanh co huyền bí nhấp nhô phủ phục như những con quái vật khổng lồ. Những rừng cây không ngủ trong đêm âm thầm huyền bí lắc lư theo gió hát lên những bản nhạc xạc xào muôn thuở quen thuộc nhưng xa xăm. Làng xóm tối om chìm trong giấc ngủ. Tiếng chó sủa  lúc xa xôi, lúc gần như cầm canh trong đêm vắng. Tuy vậy, nằm sâu trong xóm có một căn nhà vẫn leo lét ánh đèn dầu. Ánh đèn hắt ra ngoài sân vàng vọt dưới những tàn lá của khóm tre, cây mít, cây cau, bụi trầu không rậm rạp quanh nhà. Đó là căn nhà của Phùng Hạp Khanh, một hào trưởng có tiếng của xứ Đường Lâm.

  Trong căn nhà ngói khang trang, dưới ánh đèn dầu lạc, gian giữa nổi bật lên bàn thờ gia tiên họ Phùng với những tay ngai, bài vị, lư hương đặt ngay ngắn trên những chiếc bàn gỗ rộng. Tất cả đều toát lên những hình ảnh trang nghiêm với màu sắc sơn son thếp vàng, ánh sáng hắt vào càng thêm lấp lánh, lung linh chói lọi. Phía dưới và trước bàn thờ đặt chiếc bàn và hai ghế tràng kỷ gỗ lim. Bộ bàn ghế được chạm khắc hoa lá và khảm ngọc trai cầu kỳ đẹp mắt. Trên bàn đặt một chiếc ấm và 4 chiếc bát uống trà xanh. Hào Trưởng Phùng Hạp Khanh, người khỏe mạnh lực lưỡng như một võ quan, mặt vuông tai lớn càng tăng thêm vẻ uy nghi và hiểu biết. Ngồi đối diện với ông bên kia bàn là ba thanh niên một gái hai trai. Cô gái khoảng 20 tuổi, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn, mười phần đoan trang xinh đẹp. Còn hai chàng thanh niên khoảng 17, 18 tuổi, khôi ngô tuấn tú. Đó là ba người con của em gái Phùng Hạp Khanh. Cô gái tên là Phạm Thị Uyển, là chị, còn hai người em trai của nàng là Phạm Huy và Phạm Miễn, cả ba đều tinh thông binh pháp và giỏi cung kiếm. Bà mẹ của ba thanh niên là Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa, còn cha là Phạm Huyên, hiệu Minh Đức. Cả nhà họ Phùng và họ Phạm đều có tinh thần yêu nước và căm thù bọn ngoại bang xâm lược đang thống trị đất nước mình. Bách tính nước Nam này thật là bất hạnh, đau khổ từ khi An Dương Vương làm mất nước năm 179 trước công nguyên, hết nhà Triệu Nam Việt rồi đến nhà Hán, hết nhà Hán đến nhà Đông Ngô, hết nhà Đông Ngô thì sang nhà Tấn, nhà Tùy, nhà Lương và từ năm 618 đến nay thì lại nằm dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Đường. Với ách thống trị của Triều đại nào thì chính sách bóc lột, áp bức, đàn áp đều tàn khốc và man rợ như nhau. Đến đời Đường, dân Nam càng khổ vì sưu cao thuế nặng, binh dịch, lao dịch không lúc nào ngớt, cống phẩm quanh năm triền miên, lại thêm chính sách thủ tiêu văn hóa Việt, buộc dân cư theo phong tục văn hóa Hán, cùng với đó là chính sách làm suy nhược nòi giống, thủ tiêu nòi giống Việt để cho người Hán thay thế người Việt trên mảnh đất này ngày càng được nhà cầm quyền tiến hành ráo riết thâm độc. Dưới ách thống trị của nhà Đường, đặc biệt là đưới thời của Tiết độ sứ Quang Sở Khách tàn bạo, bách tính Việt sôi sục căm thù và liên tục nổi dậy đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời thế hỗn loạn này, bà Phùng Thị Thảo và ông Phạm Huyền rất lo lắng cho tương lai của ba đứa trẻ, con gái có thể bị bắt làm tì tiếp, làm nô tì, nô lệ, con trai thì có thể bị bắt làm lao dịch hoặc đi lính Đường chống lại dân tộc mình. Hai ông bà giao ba đứa con cho ông bác Phùng Hạp Khanh để ông trau dồi võ nghệ, kiến thức, bảo vệ và dìu dắt ba cháu đi đúng con đường của dân tộc.

  Đêm nay, bốn bác cháu thức khuya là để bàn bạc và quyết định một công việc quan trọng. Đó là việc bốn bác cháu có nên vào Diễn Châu để tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đã bùng nổ và đang lan rộng khắp An Nam Đô hộ phủ. Tin Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống giặc Đường ở Hùng Sơn, Sa Nam, Diễn Châu đang làm chấn động An Nam Đô hộ phủ, từ miền Nam đến miền Bắc, các hào trưởng yêu nước, thanh niên trai tráng ở các châu, huyện đang lần lượt kéo về tụ nghĩa ở Sa Nam. Phùng Hạp Khanh vừa nhâm nhi bát nước chè xanh vừa trầm ngâm suy nghĩ, Phạm Thị Uyển thì tay vẫn vân vê tờ cáo thị, lời kêu gọi khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đang truyền ra khắp nước. Phạm Huy, Phạm Miễn thì ngồi im lặng. Phùng Hạp Khanh đặt bát nước xuống bàn nói với Phạm Thị Uyển:

-Cháu đọc lại lời kêu gọi khởi nghĩa của chúa công Mai Thúc Loan xem nào.

-Dạ vâng ạ

  Và nàng đọc: “ Trong cõi thiên địa bao la, trời đã vạch sẵn giang sơn ranh giới đất đai cho mọi giống người để lập nên những quốc gia xã tắc riêng biệt. Nay  vua chúa nhà Đường  không hiểu đạo trời, cậy sức mạnh người đông đi chiếm giang sơn xã tắc của người Việt, đẩy dân Việt vào muôn trùng khổ ải và đứng trước họa diệt vong nòi giống. Hỡi các anh hùng hào kiệt  Lạc Việt, hãy đứng dậy đem hết sức quyết sống mái với giặc Đường tàn bạo, đem lại giang sơn cho người Việt. Tại hạ là Mai Thúc Loan bất tài nhưng vì bách tính quyết dương cao lá cờ đánh đuổi giặc Đường. Các anh hùng hào kiệt nếu có lòng vì nghĩa lớn xin về Sa Nam, Diễn Châu tụ nghĩa cùng tại hạ mưu việc lớn, cứu dân thoát cảnh lầm than, thống khổ bởi họa ngoại bang nô dịch.  Nay kính cáo-Mai Thúc Loan”.

  Phạm Thị Uyển đọc xong. Bốn bác cháu lại chìm trong cảm xúc căm thù quân cướp nước, thương dân thương nước trào dâng. Phạm Huy hỏi:

-Mai chúa công là người thế nào hở bác?

Phùng Hạp Khanh nói:

-À phải, trước khi bác cháu ta có quyết định đi Diễn Châu hay không, các cháu phải biết qua về Mai chúa công. Mai chúa công tên thật là Mai Phượng, húy là Thúc Loan, năm nay tuổi chắc chỉ bằng tuổi bác. Hai cụ thân sinh, cụ ông là Mai Hoàn, còn gọi là Mai Sinh, cụ bà là Mai An Hòa, còn gọi là Vương Thị. Hai ông bà quê gốc là ở Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, Hoan Châu. Sau đó, hai ông bà lưu lạc đến Ngọc Trừng, huyện Nam Đường, Diễn Châu. Nhưng cụ Mai Hoàn mất sớm khi Mai Thúc Loan còn nhỏ. Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi cùng mẹ đi hái củi trên rừng, cụ Mai An Hòa bị hổ vồ chết. Mồ côi cả cha và mẹ nên Mai Thúc Loan sớm làm đủ nghề để kiếm sống, lấy củi bán, cày thuê, cuốc mướn, ở đợ. Được cái Mai Thúc Loan là người có sức khỏe phi thường. Tương truyền khi thấy hổ ăn thịt mẹ, Mai Thúc Loan đã đánh nhau với hổ, hổ dữ phải thua chạy. Mai Thúc Loan nghe nói có dáng hổ, tay vượn, dáng đi hùng dũng, tiếng nói sang sảng. Sau đó, Mai Thúc Loan được người bạn của bố là ông Đinh Thế nhận làm con nuôi, lớn lên, Mai thúc Loan giỏi côn quyền, võ nghệ, binh pháp, giỏi cung kiếm, là thợ săn và tay đấu vật giỏi nhất vùng, thường giành dật được những giải đấu vật, là tay thợ săn giỏi, từng giết được hổ để trừ hại cho dân nên dân vô cùng mến phục và tin yêu. Ông Đinh Thế đã gả con gái xinh đẹp là Đinh Ngọc Tô cho Mai Thúc Loan, chia tài sản ruộng đất cho hai vợ chồng. Do giỏi công việc nông trang nên tài sản của hai vợ chồng Mai Thúc Loan ngày càng tăng lên, trở nên giàu có. Mai Thúc Loan là người thương dân, yêu nước. Hai vợ chồng lo giúp đỡ người nghèo, mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Ông được nhân dân trong vùng tôn là Soái trưởng Giao Châu. Các anh hùng hào kiệt khắp nước đã về tụ nghĩa rất đông, quân số nay có thể hàng năm, bảy vạn người…

  Phùng Hạp Khanh kể say sưa, ba người cháu ngồi nghe cũng say sưa mê mải. Phạm Thị Uyển nói:

-Mai đại nhân đúng là con người kiệt xuất, lại yêu nước, yêu dân. Được chiến đấu dưới lá cờ của Mai chúa công cũng thỏa chí anh hùng.

Phạm Huy nói:

-Vậy bác cháu ta về Diễn Châu đầu quân cho Mai đại nhân thôi.

Phạm Miễn nói:

-Đúng đấy, vào Diễn Châu đi thôi. Chần chừ là bọn Đường đến bắt chúng ta đi lao dịch hoặc binh dịch đánh lại Mai đại nhân đấy.

  Phùng Hạp Khanh thấy ba cháu sốt sắng thì vui vẻ đáp:

-Phải, bác cháu ta chuẩn bị hành trang mai lên đường sớm.

Rôi ông gọi:

-Người đâu!

Một gia nhân bước vào:

-Dạ, chủ nhân?

Phùng Hạp Khanh nói:

-Ngươi hãy chọn lấy bốn con ngựa khỏe. Mai bốn bác cháu ta có việc đi xa

-Dạ, rõ, thưa chủ nhân.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "  Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 45)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Tram Anh Hoang

Tram Anh Hoang

15:39 30/09/2021

bai viet rat hay va bo ich