Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 56)

PGS TS Cao Văn Liên

10/10/2021 09:31

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

 

ph-hung-1633833028.jpg
Tranh minh họa: Năm 791, khi lực lượng nghĩa quân đã lớn mạnh, Phùng Hưng quyết định điều binh đánh phủ Tống Bình – cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 56.        

Dù không xa lạ nhưng Đỗ Hàn Anh cũng chắp tay thi lễ chào mọi người. Mọi người chắp tay đáp lễ. Phùng Hưng nói tiếp:

-Tại hạ là Phùng Hưng, hiệu là Công Phấn, chủ nhân của trang viên ở Đường Lâm này.

Bồ Phá Lặc đã gặp Phùng Hưng chiều hôm qua do Đỗ Hàn Anh đưa tới, đã nhìn thấy Phùng Hưng, nhưng bây giờ Bồ Phá Lặc quan sát kỹ thì thấy Phùng Hưng cao to, lực lưỡng, mặt vuông môi dầy, mắt sáng, tiếng nói vang vang như chuông, sức khỏe phi thường. Phùng Hưng chỉ vào người ngồi ngay hàng đầu của ghế:

  -Đây là đệ thứ hai của tại hạ, tên là Phùng Hải, tự là Tư Hòa.

-Đây là đệ thứ ba của tại hạ, tên là Phùng Dĩnh, tự là Danh Đạt.

Bồ Phá Lặc nhìn kỹ hai người em và Phùng Hưng, do tam sinh nên ba anh em giống nhau như đúc một khuôn, chỉ khác là Phùng Hưng có phong thái đĩnh đạc và khỏe mạnh hơn.

Phùng Hưng chỉ vào ba cô gái trẻ:

-Đây là ba cháu gái họ của tại hạ, gọi tại hạ bằng bác. Cháu này là Phùng Thị Mây, cháu đây là Phùng Thị Nga và còn cháu này là Phùng Thị Hoa. Ba cháu tuy là gái nhưng cũng biết chút võ nghệ côn quyền, múa kiếm bắn cung, cũng muốn đòi thực hiện chí lớn với các bác và các chú.

Ba cô gái chắp tay thi lễ với các chú, các bác.

Phùng Hưng nói:

-Bây giờ chúng ta bàn đến việc khởi sự. Lực lượng dân binh bí mật của ta cho đến nay có hai vạn, lương thực đủ ăn trong 6 tháng nhưng khi đã phất cờ khởi nghĩa thì trai tráng trong toàn An Nam sẽ tham gia đông đảo, có thể lên đến ba, bốn vạn người, có thể đánh thành phá lũy. Quân sư Đỗ Hàn Anh có kế gì không?

Đỗ Hàn Anh nói:

-Thời cơ cho chúng ta khởi nghĩa giành thắng lợi nay đã có. Trung Quốc chưa phân liệt thành nhiều nước nhưng do chính sách áp bức bóc lột dân tộc nên đã sinh ra biến loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (755-763). Hai cuộc chiến tranh làm Trung Quốc tổn hại không biết bao nhiêu sinh mạng và của cải vật chất nên nhà Đường bước vào suy yếu. Những vua giỏi của nhà Đường đã chết như Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông và nay kế vị là Đường Đại Tông Lý Tự. Hậu quả lớn nhất là nền kinh tế bị tàn phá, đời sống nhân dân khổ cực. Chính quyền trung ương nhà Đường suy yếu thì thế lực của các Tiết độ sứ địa phương mạnh lên, đang chứa đựng mầm mống cát cứ phân liệt. Nhà Đường lúc này đang khắc phục hậu quả nội chiến nhưng cũng không phải một sớm một chiều mà xong được. Cho nên, chúa công có thể khởi sự vào lúc này lật đổ Cao Chính Bình là tạm thời thích hợp với thời thế.

-Thứ hai là muốn khởi sự thì phải có danh nghĩa, danh có chính thì ngôn mới thuận, phải có danh nghĩa để hiệu triệu bách tính đứng dậy, bên trong thì lấy quân lệnh để điều hành tướng sĩ để họ thi hành những nhiệm vụ của chiến tranh, thưởng phạt nghiêm minh thì mới điều hành được. Cho nên, chúa công phải tự phong cho mình là quân vương, sau đó lấy danh nghĩa quân vương phong chức vụ và giao nhiệm vụ cho các tướng, các tướng lấy danh nghĩa tướng soái mới điều hành được binh sĩ và tùy tùng. Hàng vạn người khi đó như một bộ máy cơ thể thống nhất, hành động vào mục tiêu diệt thù, giành quyền tự chủ và độc lập. Chức vụ không phải là một thứ quyền lực cho oai, một thứ trò chơi mà là dùng nó vào mục đích cao thượng là giải phóng bách tính.

-Thứ ba là ngày mai chúng ta khởi sự sẽ tấn công đâu trước? Trước mắt là tấn công huyện lỵ Mê Linh, sau đó là tấn công lên trị sở của Phong Châu là thành Gia Ninh. Giải phóng Phong Châu sẽ ảnh hưởng đến châu ki mi Vũ Định, thậm chí cả Giao Châu, từ đó bao vây và tấn công thành Tống Bình. Lấy thành Tống Bình thì chính quyền nhà Đường ở An Nam sụp đổ. Đó là vài lời thiển cận, mong chúa công suy xét.

  Phùng Hưng hỏi:

-Các quý vị có cao kiến gì nữa không?

Bồ Phá Lặc nói:

-Tại hạ tán thành những cao kiến của quân sư Đỗ Hàn Anh. Tại hạ chỉ thêm rằng đã khởi sự với danh nghĩa quân vương thì nghi thức và tổ chức phải đàng hoàng và chặt chẽ. Lính tráng và tướng lĩnh  phải có quân phục và kỷ luật, phải có cờ hiệu, phải có chiêng, trống, tù và để khi hành quân, khi lâm  trận tạo nên khi thế động viên tướng sĩ.

Phùng Hải nói:

-Quân sư Đỗ Hàn Anh và đại nhân Bồ Phá Lặc nói chí phải, ngày mai chúng ta dựng cờ khởi nghĩa, nếu không nhỡ mất thời thế.

Phùng Hưng nói:

-Như vậy là để lấy danh nghĩa hiệu triệu bách tính và điều hành ba quân, tại hạ lấy hiệu là Đô Quân, phong cho Phùng Hải là Đô Bảo, Phùng Dĩnh là Đô Tổng, phong cho Đỗ Hàn Anh làm đại tướng quân sư, phong cho Bồ Phá Lặc làm đại tướng tiên phong, phong cho Phùng Thị Mây làm tướng hậu quân, phong cho Phùng Thị Nga làm tướng Trung quân, phong cho Phùng Thị Hoa là tướng phụ trách quân lương.

-Còn về vũ khí, cờ, quân phục, áo giáp, ngựa chiến, trống, chiêng, tù và trang trại chúng ta đã chuẩn bị nhiều năm nay. Tướng quân Phùng Thị Hoa

-Dạ, có mạt tướng.

-Ngay chiều và đêm nay, tướng quân cho mở tất cả các tổng kho phân phát vũ khí, quân phục, áo giáp, cờ, chiêng, trống cho các tướng lĩnh và quân sĩ, đồng thời chuẩn bị ngựa, yên cương cho hàng trăm ngựa chiến.

-Mạt tướng tuân lệnh. 

Suốt chiều và đêm hôm đó trong trang trại rộng hàng nghìn dặm vuông của Đô Quân Phùng Hưng, trai tráng đông như hội tấp nập chuẩn bị lương thực, cơm nước, vũ khí, quân phục, cờ quạt, áo giáp, chiến mã, yên cương, chiêng trống. Sự chịu đựng đã hết, đã đến lúc vùng dậy lật đổ chế độ tàn bạo của ngoại bang để cứu lấy giống nòi.

                                                                  III

Sớm hôm sau, một ngày mới của tháng 3 năm 786 bắt đầu, vẫn một ngày nắng đẹp rải như tơ lụa xuống đồi núi muôn hình thù, muôn màu cây lá của  Đường Lâm, thuộc Phong Châu. Nhưng hôm nay Đường Lâm đang bừng bừng khí thế. Trên một bãi rộng mênh mông thuộc điền trang của Đô Quân Phùng Hưng, hai vạn dân binh, những trai tráng nhà nông đã mặc quân phục màu nâu, áo giáp sắt, mũ sắt nhọn, chân đi dép da bò khô, lưng mang cung tên, lương thực, tay cầm vũ khí đủ loại gươm, giáo, dao, đại đao... Trên đầu họ, hàng nghìn lá cờ màu vàng mang chữ Đô Quân pháp phới bay vàng rực trong nắng. Còn hàng nghìn người lính mang cả trống da bò, tù và, chiêng là những thứ không thể thiếu để cổ vũ tinh thần trong xung trận. Họ xếp hàng dọc nhưng toàn bãi thì hàng vạn lính đứng thành một hình vuông nom oai phong và dũng mãnh. Đứng trước hàng quân là các tướng lĩnh mặc quân phục màu nâu, áo giáp đồng vàng, mũ đồng vàng, đi giầy da bò, lưng mỗi tướng mang một bộ cung tên, tay cầm những vũ khí sở trường như đại đao, kiếm, dao, ngồi trên những con ngựa  nâu khỏe mạnh. Nổi bật là Đô Quân Phùng Hưng, mình mặc áo chiến bào màu vàng, áo giáp đồng màu vàng, mũ đâu mâu đồng màu vàng, chân đi giầy màu vàng, cưỡi con ngựa màu đen, tay cầm đại đao. Phía trên, một người lính tay cầm lá cờ lớn màu vàng viết chữ Soái đỏ rực. Ba nữ tướng Phùng Thị Hoa, Phùng Thị Nga, Phùng Thị Mây đều mặc chiến bào xanh, áo giáp đồng màu vàng, mũ đồng vàng, chân đi guốc màu đồng, lưng mang cung tên, tay mỗi người đều cầm song kiếm, cả ba đều cưỡi ngựa màu trắng. Chung quanh binh lính, bách tính Đường Lâm ra đứng tiễn đưa những người lính ra trận đông vòng trong vòng ngoài. Phía trước hàng quân và các tướng, một lá cờ màu vàng có chữ Đô Quân được treo trên cao, cờ được gió sơm mai thổi bay phần phật. Dưới cột cờ, người ta đặt một chiếc bàn cao, trên đặt nhiều lư hương cắm đầy hương đang cháy nghi ngút. Bên cạnh bàn, những bó đuốc với những ngọn lửa thiêng cháy rần rật. Phùng Hưng xuống ngựa, quỳ lạy làm lễ tế cờ, cầu tổ tiên thần thành đất Việt phù hộ cho nghĩa quân chiến thắng quân thù, làm tròn nghĩa vụ giải phóng đất nước, chiêng trống và tiếng tù và vang lên. Sau lễ tế cờ, chiêng trống im lặng, Phùng Hưng nói trước ba quân:

-Hỡi ba quân, hôm nay chúng ta vùng dậy rửa hận cho nước, cứu giống nòi bách tính, lật đổ chế độ tàn bạo của nhà Đường, giành độc lập dân tộc cho chúng ta và con cháu chúng ta thoát khỏi cảnh nô lệ, diệt vong, xây dựng một cuộc đời tự do, no ấm. Ba quân hãy tiến về công phá phủ đường Mê Linh, giải phóng quê hương, sau đó chúng ta tiến lên công phá thành Gia Ninh, giải phóng Phong Châu. Bản Đô Quân ra lệnh xuất phát!

Phùng Hưng dứt lời, chiêng, trống tù và vang lên. Hai vạn quân rùng rùng chuyển động, đi đầu là Đại tướng tiên phong Bồ Phá Lặc. Theo sau Bồ Phá Lặc là một vạn quân. Đi tiếp theo là trung quân  có Đô Quân Phùng Hưng và các tướng trung quân như Đại tướng quân sư Đỗ Hàn Anh, tướng trung quân Phùng Thị Nga, lá cờ Soái bay phần phật. Theo sau trung quân là hậu quân gồm có Đô Bảo Phùng Hải, Đô Tổng Phùng Dĩnh và nữ tướng hậu quân Phùng Thị Mây, nữ tướng Phùng Thị Hoa. Quân đi, bụi cuốn mù mịt, cờ bay rợp trời đất.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "    Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 56)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn