Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 64)

PGS TS Cao Văn Liên

18/10/2021 08:59

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

           

d-dn1-1634522232.jpg
Tranh minh họa: Dương Đình Nghệ chỉ huy quân công phá thành Đại La. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Kỳ 64

  IV

Tám năm sau.

Vào một buổi sáng mùa hè, toàn bộ làng Giàng, Dương Xá chìm trong màu xanh cây lá, ánh nắng rải xuống làm không gian trắng lấp lánh lung linh. Sông Mã vẫn lững lờ đổ nước về Đông, những dòng nước chảy xiết chồm lên như vó ngựa. Núi Ngũ Hoa, núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa vươn mình xám trắng trong mây và nắng, phía tây, núi Trịnh, núi Vòm mờ ảo như sương khói. Thành Tư Phố vươn lên bề thế, quyền lực nhưng phủ đầy rêu phong nhuốm bụi thời gian. Dinh thự của dòng họ Dương ở Dương Xá chìm trong cây cối, tre trúc xanh rờn, êm ả , bình yên.

Sáng nay, Ngô Quyền, một tùy tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ được lệnh của chúa công đi kiểm tra thao trường, còn gọi là “Trường đấu vật”, là nơi huấn luyện quân đội Khúc -Dương và hơn 3000 võ sĩ từ khắp nơi kéo về Dương Xá tụ nghĩa. Ngô Quyền sinh năm 898, là con của Ngô Mân, một hào trưởng được người dân mến phục ở Đường Lâm, Phong Châu. Ngô Quyền là người có dung mạo khác thường, khôi ngô tuân tú, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức khỏe có thể nâng được vạc nặng. Ngô Mân về với Khúc Thừa Dụ trong cuộc hội quân ở Lỗ Xá tiến đánh Đại La năm 906, cũng là một gia tướng thân cận của dòng họ Khúc, đã nhiều lần cầm đầu phái bộ sứ giả sang Lạc Dương, kinh đô nhà Đường để đề đạt Đường Ai Đế công nhận chức Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ, sang Biện Kinh buộc nhà Hậu Lương, Lương Thái Tổ Chu Ôn công nhận chức Tiết độ sứ của Khúc Hạo, đem Khúc Thừa Mỹ sang Phiên Ngung giao hảo với nhà Nam Hán và gửi Khúc Thừa Mỹ làm “Khuyến Hiếu sứ’. Ông tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Nhật Đại, quê ở châu Phúc Lộc (Hà Tĩnh). Năm 713, Ngô Nhật Đại tham gia khởi nghĩa của Mai Hắc Đế chống nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Ngô Nhật Đại phải chạy ra Ái Châu làm nghề dạy học. Ngô Nhật Đại sinh ra Ngô Nhật Dụ, Ngô Nhật Dụ sinh ra Ngô Đình Thực, Ngô Đình Thực sinh ra Ngô Đình Mân. Ngô Đình Mân lấy vợ quê Đường Lâm, Mê Linh, Phong Châu, về sống ở quê vợ và sinh ra Ngô Quyền.

Năm 923, Ngô Mân xin cáo quan về nghỉ ở quê nhà do già yếu. Ngô Mân cũng là bạn tâm phúc với Dương Đình Nghệ, khi về ông giao Ngô Quyền khi đó mới 24 tuổi cho Dương Đình Nghệ, nhờ Dương Đình Nghệ dìu dắt trên con đường đi của chàng thanh niên trẻ tuổi tài ba. Bây giờ Ngô Quyền đã là bộ tướng tâm phúc và là con rể của Dương Đình Nghệ.

Trong khi chờ đợi các võ sĩ tập trung về “Trường đấu vật” luyện tập, Ngô Quyền đi ra bờ sông Mã, ngồi trên một phiến đá, ngắm cảnh đẹp của sông nước, của trời đất làng mạc và suy tư. Phải nói trời đất phong cảnh xứ Ái Châu thật là tươi đẹp, cảnh đẹp nước non sông núi trữ tình đó được thu nhỏ ở làng Giàng, Dương Xá. Sông Mã trong xanh cuồn cuộn nước như từ trên trời rót xuống chồm lên như vó ngựa chảy về Đông. Những ngọn núi xa, núi gần như những ngọn tháp nhô mình trong nắng gió, khói sương, hiên ngang bất khuất, thách thức với phong ba bão táp, với thời gian. Làng Giàng bao phủ một màu xanh mênh mông mát mắt và chìm dưới đó là những nhà lợp gianh, lợp ngói. Ngô Quyền nhớ lại mà thấy thời gian trôi nhanh quá. Khi theo cha về đây, chàng mới 24 tuổi, bây giờ đã tám năm trôi qua. Tại bờ sông Mã nên thơ này, bên Cầu Trăng, chàng đã ngẫu nhiên may mắn gặp được tiểu thư, con gái Dương Đình Nghệ, nổi tiếng tài sắc xinh đẹp, nết na đoan trang. Đó là tiểu thư Dương Thị Như Ngọc, em gái Dương Tam Kha. Hôm đó, Ngô Quyền cũng đang ngồi ngắm cảnh đẹp thì tiểu thư cưỡi ngựa đi qua. Thốt nhiên, con ngựa lồng lên, tiểu thư  sắp bị hất xuống đất. Ngô Quyền bằng miếng võ phi thân nhanh như cắt đã tiếp cận và ghì cương con ngựa. Chàng xoa xoa thân thiết vào đầu con ngựa. Con ngựa màu hồng khỏe mạnh tuyệt đẹp như bị thôi miên, dừng lại và trở nên hiền lành, nhìn Ngô Quyền như chủ nhân thân thiết lâu ngày của nó. Dương Thị Như Ngọc e lệ cảm tạ và khi nàng nhìn rõ Ngô Quyền, nàng bỗng nhiên đỏ mặt, tim đập loạn xạ. Trước mắt nàng  là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, dáng khỏe mạnh như một võ tướng. Khi hỏi ra thì Dương Thị Như Ngọc mới biết đó là nha tướng của cha và đang ở trong nhà mình. Ngô Quyền cũng nghe nói chúa công của mình có một cô con gái xinh đẹp hương trời sắc nước đến mức hàng ngày, hàng tháng, Dương Đình Nghệ phải tiếp không biết bao nhiêu khách khứa, nào là hào trưởng trẻ tuổi, nào là công tử đến xin làm con rể nhưng vẫn chưa ai lọt vào mắt xanh của tiểu thư. Hôm nay được gặp mặt, Ngô Quyền cảm thấy choáng váng trước sắc đẹp đoan trang lộng lẫy của nàng. Lần đầu tiên trong đời Ngô Quyền bối rối, tim cũng đập liên hồi. Dương tiểu thư cũng cảm nhận được điều đó, nàng e ấp từ biệt Ngô Quyền. Ngô Quyền nhìn theo bóng nàng cho đến khi khuất nẻo. Sau lần đó, hai người yêu nhau và năm 925, được phép của thân mẫu và gia đình, hai người thành phu thê, đến nay đã có hai con trai cũng khôi ngô tuấn tú như cha.Tên chúng là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn. Làng Giàng, Dương Xá Ái Châu thật là một nơi đầy kỷ niệm đẹp trong cuộc đời chinh chiến của Ngô Quyền. Ái Châu thật là quê hương thứ hai của chàng. Tiếc rằng nay Ngô Mân, người cha kính yêu của chàng, người bạn tri kỷ của Dương Đình Nghệ đã qua đời.

Trống thúc vang dồn dập ở “Trường đấu vật” làm Ngô Quyền trở về với thực tại. Ngô Quyền đứng đậy đi về thao trường thì một gia nhân của Dương Đình Nghệ chạy lại báo:

-Bẩm tướng quân, chúa công Dương Đình Nghệ mời tướng quân về đại sảnh có việc gấp.

Ngô Quyền đáp:

-Đa tạ, ta biết rồi.

Rồi Ngô Quyền đi vội về sảnh đường cũng là phòng khách của Dương Đình Nghệ.

Sảnh đường là gian phòng rộng tường gạch quét vôi trắng lợp ngói vẩy cá, cột bằng gỗ lim nâu bóng. Dương Đình Nghệ và ba vị khách đã ngồi ở hai chiếc ghế tràng kỷ bằng gỗ gụ, giữa đặt một chiếc bàn rộng cũng bằng gỗ quý, chạm khắc hoa văn và khảm xà cừ bóng loáng. Dương Đình Nghệ và ba vị đang uống nước chè xanh. Ngô Quyền quen biết gần hết những người ngồi trên ghế khách. Một người là Đinh Công Trứ, quê quán Trường Châu, người nữa là Phạm Bạch Hổ người ở Đằng Giang, Hồng Châu, người thứ ba là Kiều Công Tiễn, quê quán Bạch Hạc, Phong Châu. Ngồi đối diện với ba người là Dương Đình Nghệ và ngồi cạnh là ba con trai của ông: Dương Nhất Kha, con trưởng, Dương Nhị Kha, con thứ hai và Dương Tam Kha con thứ ba. Cả ba đều là anh của tiểu thư Dương Thị Như Ngọc. Ngô Quyền chắp tay chào nhạc phụ, chào các quý khách, chào các huynh. Mọi người chào lại và Ngô Quyền lễ phép ngồi cạnh Dương Tam Kha. Khi đó Dương Đình Nghệ mới nói:

-Sau thất bại năm 923 của Khúc Hậu Chủ, chúng ta lùi về đây chuẩn bị lực lượng để phản công, đánh lấy lại thành Đại La từ tay quân Nam Hán, trả thù cho Khúc Hậu Chủ, giành lại quyền tự chủ độc lập. Qua tám năm chuẩn bị, bây giờ chúng ta đã có 5 vạn quân, đặc biệt chúng ta có 3000 nghĩa dũng mà họ nhận ta là nghĩa phụ, ta cũng nhận họ là nghĩa tử. Nét đặc biệt của 3000 người này là võ nghệ cao cường, sức chiến đấu dẻo dai, trèo thành vượt sông dễ dàng, kỹ thuật chiến đấu chính xác mạnh mẽ mà người lính thường không thể có. Vũ khí và lương thực của quân Khúc-Dương đã đầy đủ. Về phía quân Nam Hán, trong tám năm qua, thế và lực của chúng không vượt quá thành Đại La. Toàn bộ đất nước vẫn thuộc quyền quản lý của quan lại và các hào trưởng người Việt. Theo các thám mã về báo thì các quan lại và các hào trưởng sẵn sàng ủng hộ chúng ta tiến đánh Đại La, bách tính cũng mong mỏi chúng ta sớm giải phóng Đại La để nhổ đi cái gai ung nhọt trong cơ thể. Nay thời cơ đã đến, ta quyết định tấn công Đại La. Nay ta phân công các tướng lĩnh chỉ huy các mũi tấn công như sau:

-Đạo thứ nhất, Ngô Quyền chỉ huy 1 vạn quân, 1000 võ sĩ là đạo chủ lực tấn công cửa Đông là cửa chính của thành.

-Đạo thứ hai do Dương Tam Kha chỉ huy 5000 quân và 1000 võ sĩ tấn công cổng phía Nam của thành.

-Đạo thứ ba do Đinh Công Trứ chỉ huy 5000 quân và 1000 võ sĩ tấn công cổng thành phía Tây.

Kiều Công Tiễn nói:

-Thưa nghĩa phụ, còn con làm gì ạ, con xin được chỉ huy tấn công cửa Bắc của thành.

Dương Đình Nghệ khẽ cười và nói:

-Con sẽ ở trong quân với ta để giúp việc, đó cũng là công việc quan trọng. Cửa phía Bắc không cần vây đánh. Binh pháp đã nói là khi đánh thành phải để một cửa thoát cho kẻ địch để chúng không quyết tử giữ thành, ta sẽ đỡ thiệt hại mà vẫn chiến thắng.

Đương Đình Nghệ nói tiếp:

-Thành Đại La là một thành trì vừa để cố thủ vừa có thể tấn công. Là thủ phủ của An Nam Đô hộ phủ. Đại La ban đầu do Trương Bá Nghĩa xây dựng từ năm Đại Lịch thứ hai đời Đường Đại Tông (767). Năm Trường Khánh thứ tư đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị đến bên sông Tô Lịch, xây một thành nhỏ gọi là La Thành, sau đó Cao Biền, Tiết Độ sứ nhà Đường cho đắp lại cao to hơn. Nay thành Đại La có chu vi 1982,5 trượng, cao 2,6 trượng, chân thành rộng 2,5 trượng, nữ tường (bức tường nhỏ đắp trên bốn mặt thành, có lỗ để quan sát và bắn tên xuống) cao 5,5 thước với 55 ụ vọng địch, 6 nơi úng môn, 3 hào nước, 34 đường đi trong thành. Cao Biền còn cho đắp đê vòng ngoài thành dài 2.125,8 trượng, đê cao 1,5 trượng, chân đê rộng 2 trượng. Trong thành có 4 vạn gian nhà.

Dương Tam Kha nói:

-Quả nhiên thành Đại La cực kỳ kiên cố. Ba đạo quân dũng mãnh như vậy nhưng phải có mưu kế gì để hạ thành đây? 

Kiều Công Tiễn nói:

-Vậy chúng ta cứ bao vây thành, chờ chúng hết lương thực, chúng chết đói, ta sẽ bắt chúng dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.

Dương Đình Nghệ nói:

-Chúng ta bao vây lâu ngày không được vì thám mã báo Lý Tiến biết ta sẽ tấn công thành nên đã gửi thư xin Lưu Nghiễm tiếp viện. Khi ta bao vây mà quân tăng viện sang, quân ta bị đánh cả trước mặt và sau lưng sẽ rất khó khăn, có nguy cơ thất bại.

Ngừng một lát, Dương Đình Nghệ uống ngụm nước chè xanh và nói tiếp:

-Đối với Lý Tiến và Lý Khắc Chính, khi ta tiến công thì chúng có hai khẳ năng đối phó, thứ nhất là mở cổng thành đem quân ra ngoài thành tiếp chiến với Ngô Quyền. Khi Lý Khắc Chính mở cổng thành ra thì 3000 dũng sĩ với kỹ thuật tác chiến dũng mãnh của mình từ hướng Tây và hướng Nam, xông thẳng sang cửa Đông, dùng ván che tên đạn xông thẳng vào cổng thành đã mở và giữ chặt không cho đóng lại để đạo quân của Dương Tam Kha ở cửa Nam xông vào chiếm thành, đạo quân của Đinh Công Trứ ở cửa Tây xông sang cổng thành phía Đông đánh tập hậu sau lưng quân của Lý Khắc Chính. Như vậy, quân ta cầm chắc phần chiến thắng.

Khả năng thứ hai, Lý Tiến và Lý Khắc Chính cố thủ, không ra đánh chờ viện binh thì quân ta cũng không thể bao vây lâu được, phải diệt thành trước để rút lực lượng ra đánh địch từ Phiên Ngung kéo sang. Trong trường hợp này cũng dùng 3000 võ sĩ mang ván và dùng giáp che tên đạn kiến quyết tấn công dũng mảnh, dùng chất cháy và rơm rạ đốt cổng thành để quân ta tràn vào chiếm thành. Khả năng thứ hai này đòi hỏi hy sinh nhiều hơn, chiến đấu quyết liệt hơn nhưng cũng sẽ chiến thắng. Cho nên tướng Dương Tam Kha và Đinh Công Trứ phải lệnh cho 2000 võ sĩ ngoài vũ khí thì phải mang theo ván, chất cháy, rơm rạ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 64)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn