Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

31/10/2021 09:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

duong-tam-kha-124-1635645912.jpg
Tranh minh họa: Dương Tam Kha (? – 980), tức Dương Bình Vương, là một vị vua Việt Nam, trị vì từ 944 đến 950, xen giữa triều đại nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 6.

Sau khi vua tôi ăn cơm xong, Phạm Bạch Hổ gọi người nhà, gia nhân và dặn:

- Không được đem chuyện Hoàng thượng về đây nói với bất cứ ai. Ai trái lệnh giết không tha.

Rồi bảo tùy tướng là Phạm Bạch An:

- Thứ nhất, từ nay trở đi cắt cử do thám tin tức ở Cổ Loa, có gì phải báo ngay, nhất là tin tức Dương Tam Kha cho quân về Đằng Châu lục soát, tìm kiếm Hoàng thượng. Thứ hai, cử năm tráng sĩ cao thủ bảo vệ quanh phòng của Hoàng thượng. Thứ ba, ngày mai cho 10 tên lính khỏe mạnh vào núi Hun Sơn đào một cái hầm rộng bằng nửa cái phòng, quét dọn sạch sẽ, đem bàn ghế và giường ngủ xuống, nước non ấm chén. Đề phòng khi quân Dương Tam Kha về khám xét, Hoàng thượng vào đó ẩn mình và nghỉ ngơi.

Tất cả đều đáp:

- Dạ, tuân lệnh chúa công.

Lại nói Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi trở về Cổ Loa gặp Dương Bình Vương. Dương Bình Vương hỏi:

- Có bắt được Ngô Xương Ngập không?

Dương Cát Lợi quỳ tâu:

- Dạ, tội thần đáng chết, không bắt được Ngô Xương Ngập.

Dương Bình Vương hỏi:

- Có vào nhà Phạm Bạch Hổ không?

- Dạ có.

- Có lục soát nhà cửa, dinh thự, trang viên không?

Đỗ Cảnh Thạc đáp:

- Chúng thần tưởng đợi ở Hồng Châu sẽ gặp Ngô Xương Ngập từ An Biên trở về. Không ngờ đón mãi không thấy mới vào nhà Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu xem Ngô Xương Ngập có về đây không nhưng cũng không thấy. Chúng thần không có lệnh chỉ của Hoàng thượng nên không dám khám xét nhà của một đại thần.

Dương Bình Vương nói:

- Ở Hồng Châu và Đằng Châu chỉ có Phạm Bạch Hổ là trung thành với Ngô Vương. Ngô Xương Ngập không vào đó thì chạy đi đâu. Các khanh không lục soát làm sao mà thấy được. Ngày mai hai khanh cầm chỉ dụ của ta về nhà Phạm Bạch Hổ lục soát.

- Chúng thần tuân chỉ.

Hôm sau, Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi lại đem 5000 quân về Đằng Châu, vào nhà Phạm Bạch Hổ. Phạm Bạch Hổ ra đón. Nội quan nói to:

- Phạm Phòng Át Tướng quân nghe chỉ.

Phạm Bạch Hổ quỳ nghe.

Nội quan dỡ chiếu chỉ ra đọc:

- “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay lệnh cho Phạm Phòng Át tướng quân để cho Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi xem xét trang viên, nhà cửa, dinh thự, thậm chí toàn bộ vùng Trà Hương và Đằng Châu để tìm khâm phạm của triều đình là Ngô Xương Ngập. Khâm thử. Đế hiệu Bình Vương năm thứ nhất (946)”

Phạm Bach Hổ nhận chỉ và nói:

- Đa tạ Hoàng thượng, hạ thần tuân chỉ.

Đỗ Cảnh Thạc nói:

- Vì công việc triều đình, mạt tướng đã mạo phạm, xin Phòng Át tướng quân thứ tội.

Phạm Bạch Hổ bình thản đáp:

- Không sao, lão phu không dám. Hai đại tướng cứ làm hết phận sự, nếu không về sẽ bị trách phạt.

Dương Cát Lợi nói:

- Đa tạ Phòng Át tướng quân, mạt tướng xin đắc tội.

Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi chỉ huy 5000 quân lục soát nhà cửa, biệt thự, trang viên nhưng không thấy tăm hơi dấu vết của Ngô Xương Ngập.

Sau tuần trà, Đỗ Cảnh Thạc chắp tay nói:

- Đã đắc tội với Phòng Át tướng quân, mạt tướng xin thứ lỗi, bây giờ mạt tướng xin cáo biệt.

Phạm Bạch Hổ nói:

- Không có gì, hai Đại tướng quân cũng chỉ là thi hành công vụ thôi. Cáo biệt.

Dương Cát Lợi chắp tay:

- Cáo biệt Phòng Át Tướng quân.

Viên Nội quan chắp tay:

- Cáo biệt Phòng Át tướng quân

Phạm Bạch Hổ chắp tay đáp lễ:

- Cáo biệt, cáo biệt, chúc thượng lộ bình an.

Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi kéo quân về Cổ Loa. Thì ra khi quân của Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi chưa đến nơi, thám mã đã về báo cho Phạm Bạch Hổ biết. Phạm Bạch Hổ cho 5 tùy tướng dẫn Ngô Xương Ngập vào căn hầm đã đào sẵn ở núi Hun Sơn. Sau đó, do Dương Bình Vương bận nhiều công việc, hơn nữa cũng không muốn đuổi cùng diệt tận cháu của mình nên không truy sát Nam Sách Vương nữa. Nam Sách Vương ở Đằng Châu từ đó cho đến năm 950, khi Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha thì đón về Cổ Loa cùng làm vua với em. Trong thời gian ở Đằng Châu, Nam Sách Vương đã được Phạm Bạch Hổ gả con gái là Phạm Thị Ngọc Dung và sinh hai con trai là Ngô Xương Xí và Ngô Xương Tý, còn gọi là Ngô Chân Lưu, sau này là Khuông Việt Đại Sư thời Đinh-Tiền Lê.

Năm năm sau, Cổ Loa thành sừng sững vươn lên trong mưa nắng, bất chấp những biến cố bi thương cùng thời gian nắng mưa khốc liệt. Nước sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy về Đông như bất tận. Một sáng mùa hè năm 950, Dương Bình Vương đang thiết triều. 5 năm qua, dưới triều đại của ông, đất nước tương đối yên bình nên phong tục thành luật lệ từ thời Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền vẫn không có gì thay đổi. Trên nền tảng đó, bách tính vẫn an cư lạc nghiệp. Công việc mà triều đình Dương Tam Kha đẩy mạnh là công cuộc khai hoang. Theo Dương Bình Vương, mọi triều đại sẽ lui vào lịch sử nhưng công việc khai hoang, tăng diện tích trồng trọt là mang lại lợi ích muôn đời với ruộng đất nhiều và một nền nông nghiệp gia tăng, phát đạt. Sớm nay, trong buổi thiết triều là rà soát lại việc thực hiện công việc khai hoang từ 5 năm trước. Dương Tam Kha hỏi quan đồn điền chánh sứ Trần Công Lộc:

- Công cuộc khai hoang, mở rộng đất đai ven sông là một chủ trương lớn của triều đình, khanh tổ chức bách tính thực hiện đến đâu rồi?

Quan đồn điền chánh sứ Trần Công Lộc đứng dậy tâu:

- Muôn tâu Hoàng thượng, việc khai hoang những bãi đất ven sông Hồng, cụ thể là bến Chương Dương đã hoàn thành, đã cho 1000 hộ dân tới ở sản xuất và đã được một vụ mùa bội thu. Các hộ nông dân vô cùng đội ơn Hoàng thượng đã lo ruộng đất cho họ sinh sống muôn đời.

Dương Bình Vương tỏ vẻ hài lòng:

- Khanh làm tốt lắm. Còn việc khai hoang ở vùng đất Giao Thủy thế nào? Quan đồn điền phó sứ Nguyễn Mạnh tấu trình xem.

Quan đồn điền Phó sứ Nguyễn Mạnh bước ra tâu:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, vùng đất này mới chiêu dụ được nhân công và 700 hộ dân đến, công việc đang tiến hành.

- Khanh làm ăn kiểu gì vậy?

Nguyễn Mạnh cả sợ:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng thần đã cố hết sức nhưng do…

- Do gì vậy? Bay đâu!

- Dạ, Hoàng thượng

- Lột phẩm chức, đánh 50 gậy, đuổi về quê.

Hai võ sĩ bước ra lột áo mũ của Nguyễn Mạnh, xốc nách lôi ra ngoài. Nguyễn Mạnh kêu:

- Hoàng thượng tha mạng, Hoàng thượng…

Dương Tam Kha giận dữ:

- Ăn lộc của triều đình, ăn thuế của dân nhưng không làm được việc gì cho dân cho nước, chỉ lo vinh thân phì gia, ăn chơi lãng phí, bất tài bất đức. Loạn rồi.

Các đại thần ngồi im lặng, giật mình, hình như Dương Bình Vương đang chỉ trích chính họ. Đang khi đó có nội thần vào báo:

- Tâu Hoàng thượng, có thám mã xin vào bẩm báo.

- Cho vào!

Thám mã vào quỳ và tâu:

- Bẩm Hoàng thượng, vùng Đường Lâm Phong Châu phản loạn, viết cáo thị ngang nhiên chống lại triều đình. Mong Hoàng thượng định đoạt.

Dương Bình Vương hỏi:

- Vì sao họ phản loạn?

- Dạ bẩm, họ đòi Hoàng thượng trả lại ngai vàng cho con cháu Ngô Tiên Vương.

Dương Bình Vương nổi giận:

- Ta không phải là con cháu nhà vua chúa sao? Đại tướng Đỗ Cảnh Thạc, Đại tướng Dương Cát Lợi, nghĩa tử Ngô Xương Văn đâu?

Ba người đứng dậy:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, có chúng thần.

Dương Bình Vương nói:

- Đó là quê hương của Ngô Tiên Vương, cũng là quê hương của con. Nghĩa tử hãy dẫn theo hai Đại tướng Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi và 2 vạn quân về Đường Lâm dẹp loạn. Trước hết là thuyết phục, nếu không nghe thì dùng quân đội đàn áp. Rõ chưa?

- Dạ, chúng thần tuân chỉ.

- Bãi Triều.

(Còn nữa)

CVL                                                                                           

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn