Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)

PGS TS Cao Văn Liên

27/12/2021 06:44

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

 

chdv1-1640562205.jpg

Tranh minh họa: Đại Việt phản công, trút sấm sét lên đầu quân Mông Cổ . Nguồn: Internet.

 

Kỳ 22.

  Đang khi Thoát Hoan suy nghĩ thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có thám mã miền Đông Bắc về báo:

-Cho vào.

-Dạ, bẩm chủ soái, đoàn thuyền lương của ta do tướng Phí Củng Thìn chỉ huy gặp bão, bị dạt vào châu Quỳnh Nhai rồi ạ. Đoàn thuyền chở lương thứ hai do tướng Tú Khánh chỉ huy bị bão đánh dạt vào Chiêm Thành rồi ạ.

 Thoát Hoan kêu lên:

-Trời hại quân ta rồi!

  Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, theo tin tức chính xác thì hai vua Trần đã về Trúc Động, còn quân chủ lực Đại Việt và đại bản doanh của Trần Hưng Đạo đã ở Tháp Sơn lộ Hồng Châu từ lâu rồi ạ.

  Thoát Hoan nói với ÔMã Nhi:

-Ta tha mạng cho ngươi, ra ngoài chuẩn bị hộ tống ta về Vạn Kiếp.

-Dạ, đội ơn chủ soái tha mạng, mạt tướng tuân lệnh.

  Thoát Hoan bỏ Thăng Long về Vạn Kiếp đề phòng khi tháo chạy thì dễ dàng hơn. Từ Thăng Long về Vạn Kiếp , Ô Mã Nhi, Áo Lỗ Xích giao tranh với quân Việt lớn nhỏ hơn 30 trận, trong đó lớn nhất là trận Tam Giang Khẩu (ngã ba sông Lục Đầu, sông Cầu và sông Thương). Vạn Hộ Đường Long tử trận, gần 1vạn quân Nguyên Mông bỏ mạng mà đoạn đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp không đầy 100 dặm đường chim bay. Hai tháng trước, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi và A Bát Xích xé nát các dòng sông, vó ngựa cày nát các con đường ở Khoái Châu, Long Hưng, Thiên Trường,Trường Yên để tìm triều đình Trần và quân chủ lực Đại Việt. Nay đã biết vua Trần ở Trúc Động, Trần Hưng Đạo và quân chủ lực Việt ở Tháp Sơn (Đồ Sơn) mà Thoát Hoan không thể huy động tổng lực toàn quân tiến đánh. Vì tháng 3-1288, quân Nguyên Mông đã lâm vào tình trạng hết lương thực, đói khát, sức lực kiệt tàn. Quân Đại Việt đã làm chủ Khoái Châu, Long Hưng, Thiên Trường, Trường Yên…Thoát Hoan nói với Áo Lỗ Xích:

-Làm sao để quân ta rút lui trong danh dự, thậm chí Trần Nhật Huyên chỉ cần giả vờ đầu hàng để ta rút quân cũng được, nếu được như vậy cái lợi thứ hai là khi ta rút quân không bị phục binh chặn đánh dọc đường.

  Áo Lỗ xích nói:

-Để mạt tướng nghĩ cách xem.

  Đang khi đó có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có sử giả của vua Trần tới.

  Thoát Hoan vui mừng:

-Cho vào ngay.

  Một người mặc quan phục của nhà Trần bước vào thi lễ:

-Chào tướng quân, ta là Hưng Ninh Vương Trần Tung sang để mong hai nước giảng hòa.

  Thoát Hoan nói:

-Ta đồng ý giảng hòa, sứ giả về nói với vua Trần khi ta rút quân không được chặn đánh, thứ hai sau khi chiến tranh kết thúc, vua Trần Nhân Tông phải sang Đại Đô gặp hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt.

  Trần Tung nói:

-Xin tướng quân yên tâm, lão phu sẽ truyền đạt ý của tướng quân để hai vua Trần định đoạt.

  Đêm đó, Thoát Hoan phấn khởi được rút quân trong danh dự nên không phòng bị. Thốt nhiên, mấy trại quân quanh Vạn Kiếp bổng có tiếng chiêng trống quân reo kinh thiên động địa. Tướng A Lý Quy Thuận chạy về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, quân Việt đã đánh chiếm hết các trại quanh Vạn Kiếp rồi. Quân ta đói và không phòng bị chết khoảng 1 vạn và 3.000 ngựa.

  Thoát Hoan tức giận:

-Cả đời chinh chiến lại mắc mưu vua Trần. Còn lại những đồn nào quanh Vạn Kiếp?

-Dạ chỉ còn lại Tam Yên, Phả Lại, Chí Linh thôi ạ.

-Tướng quân ra truyền lệnh của ta phải phòng ngự các thành lũy đó vững chắc, không được để quân Việt đánh vào đại bản doanh, rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Cuối tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan đi kiểm tra toàn bộ các doanh trại còn lại ở Vạn Kiếp. Mùa hè ở Đại Việt nắng chói chang, cây cối của Đại Việt xanh tươi không một cây nào đung đưa theo gió, trời ngừng gió, không gian bị thiêu đốt như chảo lửa. Quân Nguyên Mông trong các doanh trại mồ hôi đầm đìa như tắm. Dù có thiết quân luật cũng không làm cho họ mặc áo giáp để sẵn sàng chiến đấu. Những người lính Nguyên Mông cao to lực lưỡng, bình thường ăn từ bốn đến năm bát cơm, vài cân thịt, vài bầu rượu, vậy mà bây giờ chỉ được một bát cháo loãng. Hàng vạn binh lính đau ốm, bị thương không thuốc. Ngày nào trong các doanh trại cũng có hàng chục binh lính chết. Họ nhìn Thoát Hoan như cầu cứu đừng để họ chết oan uổng, thảm thương như vậy nơi đất khách quê người. Trong mắt của những người lính, họ muốn nói với Thoát Hoan họ chán cuộc chiến tranh phi nghĩa này đến tận cổ. Họ chả có thù oán gì với dân Đại Việt. Họ chết vô nghĩa vì một tham vọng của một con người, đó là Hãn Hốt Tất Liệt, rộng hơn là chết cho quyền lợi giàu sang của một tập đoàn, tập đoàn thống trị quý tộc Mông Cổ. Thoát Hoan không ngờ một đạo quân lừng tiếng bách chiến bách thắng khắp nơi trên thế giới mà đến Đại Việt lại thảm thương như vây? Từ trên ngọn Chí Linh nhìn ra xa, Thoát Hoan thấy thấp thoáng doanh trại và bóng cờ quân Đại Việt. Thoát Hoan hiểu rằng Trần Hưng Đạo đang khép chặt vòng vây. Cái dây thòng lọng của Trần Hưng Đạo đang thiết chặt vào cổ hắn.

  Sau buổi xuống doanh trại, thực tiễn khắc nghiệt bi thảm của quân đội buộc Thoát Hoan phải thừa nhận và kết luận rằng đành phải rút lui nếu không muốn bị tiêu diệt hoàn toàn, nếu không muốn bị bắt làm tù binh. Thoát Hoan nghĩ phải đưa ra bàn với các tướng lĩnh để sau này nói với phụ hoàng rằng các tướng lĩnh không muốn đánh nữa. Thực ra có bàn hay không thì cuối cùng cũng do Thoát Hoan quyết định, nhưng tội gì gánh lấy trách nhiệm một mình.

  Sáng hôm sau, trong tổng hành dinh, Thoát Hoan triệu tập đông đủ các tướng lĩnh và nói:

-Sớm hôm qua, bản soái đi thị sát doanh trại quân đội ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Phả Lại, họ chỉ ăn cháo cầm hơi, không rượu, không thịt, binh sĩ đói khát, bệnh tật, bị thương chết quá nhiều hàng ngày, 1 ngày khoảng hàng trăm người chết. Bên ngoài thì quân Đại Việt đang thít chặt vòng vây. Nóng nực quá họ không mặc được quân phục và áo giáp để sẵn sàng chiến đấu dù đã ban bố quân lệnh. Quân Việt đang rục rịch tổng phản công. Trước tình thế bi đát này, các tướng quân có kế sách gì hay không?

-  Tướng Diệc Hác Mê Thất.

-Dạ, có mạt tướng.

-Lương thực toàn quân còn ăn được bao nhiêu ngày nữa?

-Da, cho binh sĩ ăn no hay ăn cháo ạ?

-Ăn no.

-Dạ còn được 5 ngày nữa.

-Thế còn ăn cháo?

-Dạ, 10 ngày nữa ạ.

-Con đường vận chuyển lương thực từ Tư Minh về đây thế nào?

-Dạ, bị dân binh Đại Việt cắt đứt hoàn toàn rồi ạ.

-Thân vương Tích Lệ Cơ.

-Có bản vương.

-Thân vương có kế gì không?

-Bản vương cho rằng nếu không đánh được nữa thì chủ soái hãy rút quân về để tránh thiệt hại nặng nề.

-Quân sư Áo Lỗ xích, có cách gì xoay chuyển được tình thế không?

-Dạ, bẩm chủ soái, nay thế quân sa suốt, không thể tiếp tục chiến đấu được nữa thì chủ soái nên rút quân về. Được thua là việc thường tình của việc dùng binh ạ.

-Ý các tướng quân khác thế nào?

  Gần như đồng thanh, các tướng Nguyên Mông trả lời mạnh mẽ:

-Dạ, bẩm chủ soái, chúng ta nên rút lui ạ.

  Thoát Hoan hỏi tiếp:

-Rút nhưng bây giờ rút theo mấy đường? Phương án một vẫn rút theo hai đường thủy và bộ. Đường bộ theo đường Vạn Kiếp Tư Minh, khoảng 5 vạn quân theo đường Thăng Long-Đại Lý, đạo thủy binh vẫn theo đường Lục Đầu Giang-Bạch Đằng-Khâm Châu. Phương án 2, bỏ thuyền lại và tất cả rút theo đường bộ.

 Ô Mã Nhi nói:

-Nên phá hết thuyền và dồn vào rút theo hai đường bộ để có sức mạnh đập tan các cuộc tập kích và truy kích của quân Đại Việt.

-Quân Sư Áo Lỗ Xích, ý quân sư thế nào?

-Dạ,bẩm chủ soái, mạt tướng cho rằng thuyền chiến là phương tiẹn của nhà nước không thể bỏ lại hoặc phá hoại được, nên theo phương án1 mà chủ soái đã nêu. Bộ binh, kỵ binh hầu hết rút theo đường Vạn Kiếp Tư Minh, khoảng 5 vạn kỵ binh rút theo đường Thăng Long-Đại Lý, 500 chiến thuyền và 5 vạn thủy binh vẫn đi theo đường Lục Đầu Giang-Bạch Đằng-Khâm Châu. Phân tán như vậy khi bị quân Đại Việt tập kích, truy kích không bị dồn ứ, giảm thiểu thiệt hại.

  Thoát Hoan hỏi Tích Lệ Cơ:

-Thân vương có ý kiến gì không?

-Bản vương không hiểu binh pháp lắm, chủ soái cứ quyết định đi.

  Cuối cùng Thoát Hoan quyết định:

-Nay do những khó khăn của cuộc Nam chinh, ta ra lệnh rút toàn quân khỏi chiến trường Đại Việt.

  Các tướng Nguyên Mông không dấu nổi vui mừng, đồng thanh đáp:

-Chúng mạt tướng tuân lệnh chủ soái.

-Để phân tán lực lượng, giảm thiểu thiệt hại khi bị quân Việt truy kích, nay ta ra lệnh:

-Ta sẽ chỉ huy 25 vạn quân kỵ binh và bộ binh rút theo đường Vạn Kiếp-Tư Minh, tướng quân Đương Cổ Đái đi tả tiên phong, Tướng quân Diệc Hác Mê Thất đi hữu tiên phong, A Lý Quỹ Thuận đi tả trung Quân, Áo Lỗ Xích đi hữu trung quân, A Bát xích, Ái Lỗ, Trương Ngọc, Tích Đô Nhi, A Lý, Bồ Tý Thành đi hậu quân.

-Đạo thứ hai do Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy gồm 5 vạn bộ binh và kỵ binh rút theo đường Thăng Long-Đại Lý.

-Đạo thứ ba gồm 500 chiến thuyền và 5 vạn thủy binh do Ô Mã Nhi chỉ huy, Phàn Tiếp phó chỉ huy cùng Thân vương Tích Lệ Cơ, Lư Khuê rút theo đường Lục Đầu Giang-Sông Kinh Thầy-Bạch Đằng về Khâm Châu. Đạo này phải đem theo tất cả những thương binh, bệnh binh về nước.

-Chiều nay  cho toàn quân ăn một bữa no để có sức mà đi, còn lại chia cho binh sĩ họ tự mang đi mà dùng trên đường đi. Đêm nay xuất phát. Đạo nào xong sớm thì rút sớm. Khi rút phải bí mật, không được lửa khói, không được khua chiêng đáng trống. Các tướng rõ chưa?

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh chủ soái.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 22)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Chu linh ngoại

Chu linh ngoại

10:02 27/12/2021

Đánh giặc Nguyên Thát lần này Hưng Đạo Vương đã sớm tiên đoán: thắng giặc nhàn. Ngài thật là kiệt xuất. Ước mong đất nước này thời nào cũng có Tướng lĩnh tài ba kiệt xuất như vậy.