Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

31/12/2021 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 26.

CHƯƠNG III

LÊ LỢI ĐÁNH GIẶC MINH

(1418-1427)

I

  Lúc này là mùa xuân năm 1418, muôn cảnh vật của miền đất Thanh Hóa đang chuyển dần khởi sắc sau một mùa đông rét mướt, tàn tạ. Cây lá đâm chồi nẩy lộc, vùng trung du Vĩnh Lộc tràn ngập cây xanh tươi màu óng ánh. Nắng dịu dàng rải khắp không gian. Mây bay trắng xóa trên bầu trời cao. Từng đàn chim tung cánh từ phương Nam tránh rét trở về. Thành Tây Đô với những khối đá đồ sộ vươn mình trong nắng. Những lá cờ vàng có chữ “Đại Minh” bay phấp phới trên mặt thành.

chnhaho1-1640879917.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Inernet

 

  Thành Tây Đô xưa là kinh đô của nhà Hồ, đã thay đổi chủ 11 năm nay, kể từ năm 1407. Mười một năm nay ngồi trên ngai vàng của nhà Hồ là những võ quan nhà Minh giữ sứ mạng cai trị trấn Thanh Hóa. Vẫn như mọi buổi sáng, tướng Minh Trần Trí, sau bữa ăn sáng là hắn ngồi vào cái ngai vàng xưa chỉ có vua của nước Đại Ngu là Hồ Quý Ly và sau là Hồ Hán Thương mới được ngồi. Hắn tựa lưng vào ngai vàng để uống trà. Hắn cảm thấy khoan khoái lạ thường khi tựa lưng vào cái ngai đó để hồi tưởng lại công cuộc chinh phục Đại Ngu mà hắn cho là đầy hiển hách. Hắn không ngờ một đất nước dưới vương triều Trần đã ba lần đánh bại 100 vạn quân Nguyên Mông, một đế quốc hùng mạnh và lớn nhất thời đó. Đến rộng lớn như Trung Quốc, đất nước của hắn dưới triều Tống cũng bị quân Nguyên Mông đánh bại năm 1279. Nhưng Đại Việt dưới triều Hồ được đổi là Đại Ngu, chỉ mấy tháng cuối năm 1406 và đầu 1047, không chống nổi 20 vạn quân Minh và nhanh chóng mất nước. Trần Trí không tài nào lý giải được. Trần Trí chỉ biết rằng Hồ Quý Ly sinh năm 1336, quê ở Hà Trung, trấn Thanh Hóa, trình độ chỉ đỗ khoa thi hương. Nhưng do có hai bà cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông. Một bà sinh ra vua Trần Duệ Tông, một bà sinh ra Trần Nghệ Tông nên Hồ Quý Ly được thăng quan tiến chức nhanh chóng. Năm 1371, Hồ Quý Ly là Khu Mật Viện Đan Sứ, năm 1380, được cử thống lĩnh quân đội đánh Chiêm Thành, năm 1387, được phong làm Tể tướng, nắm toàn bộ quyền lực trong triều đình. Năm 1397, cho xây thành ở Vĩnh Lộc bằng đá và sau đó cho dời kinh đô về đây gọi là Tây Đô, Thăng Long được gọi là Đông Đô. Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần mà vua Trần Phế Đế là cháu ngoại của ông, cải quốc hiệu từ Đại Việt là Đại Ngu (niềm vui lớn), lấy Thanh Hóa làm Tây Đô, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên. Được một năm, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lui về làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm quyền lực. Hồ Quý Ly đã tiến hành một loạt cải cách kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa nhằm khắc phục sự khủng hoảng của kinh tế đại điền trang thái ấp của phong kiến bấy giờ. Nhưng cải cách của Hồ Quý Ly thất bại vì bị thế lực quý tộc nhà Trần và nhà Hồ chống lại vì chúng bị hạn chế ruộng đất, hạn chế số lượng nô tì. Mặt khác, giai cấp nông dân, nô tì không được gì trong cải cách, do đó họ không ủng hộ. Nhà Hồ bị cô lập trước dân tộc. Đại Ngu trải qua nạn đói dữ dội năm 1405. Hồ Quý Ly lại thảm sát 370 quý tộc Trần ở Tây Đô, trong đó có cả tướng Trần Khát Chân, người đã từng đánh bại Chiêm Thành và giết chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga trong cuộc xâm lược ra Đại Việt năm 1390.

  Năm 1406, nhà Minh phát động chiến tranh xâm lược Đại Ngu. Nhà Minh cử hai đạo quân. Đạo thứ nhất 20 vạn quân do Trương Phụ chỉ huy từ Lạng Giang tiến vào, đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy từ Lào Cai tiến xuống. Ngày 19 tháng 1 năm 1407, Trương Phụ phá vỡ phòng truyến Đa Bang ở bờ Nam sông Cầu, ngày 20 tháng 1, Thăng Long (Đông Đô) thất thủ. Tháng 7  năm 1407, quân Đại Ngu bị quân Minh đánh tan ở Vĩnh Lộc trong chiến dịch công phá Tây Đô. 16-7-1407, cha con Hồ Quý Ly và triều đình bị quân Minh bắt sống ở Thiên Cầm Hà Tĩnh và đưa sang lưu đày bên Trung Quốc. Như tướng Minh Hoàng Phúc nói: Thành công nhanh chóng như vậy chưa bao giờ có trong quá khứ.

 Nhà Hồ thất bại nhưng nhân dân Đại Việt không khuất phục, liên tục nổi dậy chống Minh. Đầu tiên là khởi nghĩa của Trần Ngỗi, con của Trần Nghệ Tông năm 1407 ở Ninh Bình, xưng là Giản Định Đế. Năm 1409, Giản Định Đế về với Trần Quý Khoáng, cháu nội của vua Trần Nghệ Tông, khởi nghĩa ở Nghệ An, đế hiệu là Trần Trùng Quang và được tôn là Thái thượng hoàng. Khởi nghĩa Trần Trùng Quang kéo dài từ 1409 đến năm 1014. Thái thượng hoàng Giản Định Đế và Trần Trùng Quang bị quân Minh bắt giải về Trung Quốc. Trên đường đi Trần Trùng Quang nhảy xuống sông tự vẫn.

  Trong cuộc chiến tranh năm 1406-1407, Trần Trí cũng là một tùy tướng của Trương Phụ, tham gia chiến đấu và làm nên chiến công. Hắn tựa lưng vào ngai vàng và cảm thấy dư vị ngọt ngào, ngạo nghễ của kể chiến thắng. Trần Trí còn phấn chấn hơn khi hắn đang thay mặt nhà Minh áp đặt một chính sách thống trị, áp bức bóc lột, đồng hóa vô cùng hà khắc đối với bách tính Đại Việt. Năm 1407, nhà Minh xóa bỏ quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành quận Giao Chỉ và nhập vào hành chính của nhà Minh. Đứng đầu quận Giao Chỉ là ba ty: Ty đô phụ trách quân sự, chính trị, Ty Bố chính trong coi dân sự và tài chính, Ty Án sát nắm quyền tư pháp và giám sát. Dưới quận là chính quyền phủ, châu, huyện. Năm 1407, toàn Giao Chỉ có 15 phủ, 30 châu, 181 huyện. Nhà Minh tổ chức nhiều thôn ở Đại Việt kiểu Trung Quốc, 110 hộ thành một lý do lý trưởng đứng đầu, một giáp là 10 hộ do giáp thủ đứng đầu. Nhà Minh muốn phá vỡ kết cấu công xã nông thôn vững chắc của Đại Việt từ hàng nghìn năm để dễ bề cai trị, bóc lột, đồng hóa. Cùng với hệ thống hành chính, nhà Minh tổ chức một hệ thống quân sự dày đặc thành lũy để đàn áp những cuộc đấu tranh của bách tính Đại Việt. Tiêu biểu như các thành Tân Bình, Nghệ An (Hưng Nguyên), thành Diễn Châu ((Nghệ An), Tây Đô (Thanh Hóa), Cổ Lộng (Ý Yên Nam Định), Điêu Diêu (Gia Lâm), Đông Quan (Thăng Long), Chí Linh (Hải Dương), thành Xương Giang (Bắc Giang), thành Chi Lăng (Lạng Sơn), Tam Giang (Phú Thọ)…

    Với bộ máy hành chính, quân sự khổng lồ, nhà Minh thực hiện chính sách thống trị tàn bạo. Nhà Minh nghiêm cấm người Việt sử dụng vũ khí, thả sức chém giết, giết người rút ruột quấn vào cây, rán thịt người lấy mỡ, dùng nhục hình để mua vui, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt tay mẹ con, bắt người đem bán ra bốn phương làm nô tì, bắt những người chống đối lưu đày sang Trung Quốc. Về kinh tế, nhà Minh ra sức vơ vét tham tàn. Sau khi đánh chiếm được Đại Việt, chỉ 6 tháng đầu tiên nhà Minh đã vơ vét 235.000 con ngựa, 130.600.000 thạch thóc, cướp 86.700 chiếc thuyền. Nhà Minh đã thiết lập một hệ thống thu thuế má: Ty thuế khóa, Ty tuần kiểm, Ty thuế muối và các cơ quan khai thác tài nguyên, bắt dân Đại Việt đem về nước làm phu phen. Chỉ năm 1407, Trương Phụ đã bắt 9000 thợ thủ công, phường nhạc, thầy thuốc, phụ nữ, trẻ em. Năm 1417, nhà Minh xây dựng kinh đô mới ở Bắc Kinh, đã bắt rất nhiều nhân công và thợ  sang phục vụ cho việc xây dựng kinh đô mới.

  Nhà Minh chủ trương thủ tiêu nền văn hóa Đại Việt để thủ tiêu dân tộc Việt. Đào tạo bọn tay sai người Việt gọi là thổ quan, bắt trẻ em Việt sang Trung Quốc đào tạo, chiêu mộ thổ binh (ngụy quân) để đánh lại đồng bào mình. Từ năm 1416, từ Bắc đổ vào Ninh Bình cứ 3 suất đinh bắt một suất lính, từ Thanh Hóa vào cứ 2 suất đinh bắt một suất lính. Nhà Minh tiến hành hủy diệt nền văn hóa Việt, đốt tất cả các sách, kể cả sách của trẻ con học như loại sách thương đại, nhân ất kỷ, tàn phá hết bia do người Việt dựng (trừ bia Trung Quốc). Trương Phụ đã thu hết sách vở cổ kim của người Việt đem về Kim Lăng (Nam kinh), xóa bỏ phong tục tập quán của người Việt và cưỡng bức người Việt theo phong tục Hán, mặc y phục Hán, bắt không được nhuộm răng đen, đàn ông không được cắt tóc, phụ nữ không được mặc váy mà phải mặc quần dài như nữ Hán, truyền bá lễ giáo nhà Minh, quy định cách ăn mặc theo đẳng cấp của xã hội phong kiến Hán. Tất cả chỉ nhằm hủy diệt dân tộc Việt, thay vào đó là dân tộc Hán trên mảnh đất này. Trần Trí mơ tới ngày đó. Hắn cất tiếng cười ha hả và tu thêm vài bát rượu. Chợt có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm phó tướng quân, có thổ quan Lương Nhữ Hốt muốn xin gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

  Lương Nhữ Hốt vốn là quan lại dưới triều Hồ Quý Ly, người huyện Cổ Đằng, phủ Thanh Hóa, đã đầu hàng nhà Minh và được phong tri huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa, đã được sang Yên Kinh gặp vua Minh Thành Tổ. Cho nên, Lương Nhữ Hốt là một tên Việt gian rất trung thành với nhà Minh. Trông thấy Trần Trí, Lương Nhữ Hốt cúi mình xun xoe:

-Hạ quan xin chào Phó tướng quân.

-Chào Lương tri huyện. Bay đâu.

-Dạ.

-Rót rượu mời tri huyện đại nhân.

  Hai người cạn bát rượu xong, Trần Trí hỏi:

-Lương tri huyện vào thành có việc gì chăng?

-Dạ bẩm phó tướng quân, hạ quan đã dò ra được một người đang chuẩn bị nổi loạn chống lại nhà Minh trong nay mai.

  Trần Trí hốt hoảng:

-Kẻ nào? Ở đâu?

-Dạ, Lê Lợi ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, Thanh Hóa.

-Lương đại nhân nói rõ hơn về Lê Lợi xem nào.

-Dạ bẩm, Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385) ở Lam Giang, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa trong một gia đình hào trưởng giàu có. Lê lợi nối đời làm phụ đạo Lam Sơn, từng nghiền ngẫm nhiều sách vở binh pháp, hạ mình cầu hiền tài, bỏ tiền nuôi binh sĩ. Năm 1416, Lê lợi đã cùng 18 người khác tham gia “Hội thề Lũng Nhai” thề sống chết có nhau, cùng hy sinh cứu nước.

  Trần Trí hỏi:

-18 người đó là những ai?

-Dạ, bẩm, đó là Lê Lợi, Lê Lai, quê quán Dục Tú, Kiến thọ Ngọc Lạc, Lê Thận ở Mục Sơn, Xuân Bái, Lương Giang, Lê Văn An cùng quê với Lê Thận, Lê Văn Linh ở Thọ Hải, Lương Giang, Trịnh Khả ở Kim Bôi, Vĩnh Lộc, Trương Lôi, gia tướng của Lê Lợi, Lê Liễu, cùng quê với Lê Lợi, Bùi Quốc Hưng ở Chương Mỹ, Hà Tây, Lê Hiểm, dân tộc Mường ở Ngọc Lạc, Vũ Uy, cùng làng với Trương Lôi, Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Thường Tín, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú ở Đại Từ, Thái Nguyên, Lê Bồi ở Lương Giang, Thanh Hóa, Lê Lý ở Xuân Lam, Lương Giang, Đinh Lan, cùng quê với Đinh Liệt, Trương Chiến cùng quê với Trương Lôi, Đinh Lễ ở Thủy Cối, Lương Giang và Lê Ninh.

(CVL)

Còn nữa.

  

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn