Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

PGS TS Cao Văn Liên

01/01/2022 06:33

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 27.

Trần Trí lại hỏi:

-Lũng Nhai là ở đâu?

-Dạ bẩm, Lũng Nhai thuộc núi Pù Mé, làng Lũng Mi, Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, phủ Thanh Hóa, cách hương Lam Sơn 24 dặm về phía Tây.

  Trần Trí hỏi:

-Hội thề Lũng Nhai là 2 năm trước. Tình hình nay thế nào mà đại nhân nói Lê Lợi sắp nổi loạn?

-Dạ, bẩm phó tướng, từ đó đến nay trong nhà Lê Lợi có hàng nghìn gia nhân, ngựa nuôi hàng nghìn, anh hùng hào kiệt trong thiên hạ kéo về Lam Sơn không ngày nào ngớt. Đó là mầm loạn rất nguy hiểm đe dọa chế độ của Minh triều tại Giao Chỉ. Mong phó tướng hãy xuất binh diệt trừ mầm họa đó.

chuyhtln1-1640968299.jpg
Tranh minh họa Hội thề Lũng Nhai. Nguồn: Internet

 

  Trần Trí tức giận:

-Hèn chi mà mấy lần Phương Chính đại nhân mời Lê Lợi ra làm quan cho chúng ta, Lê Lợi đều từ chối. Vinh thân phì gia không muốn lại muốn đi vào đường chết, không thể hiểu nổi.

-Bay đâu.

-Dạ, cho mời tướng quân Sơn Thọ và Mã Kỳ tới đây.

-Dạ.

  Sơn Thọ, Mã Kỳ bước vào:

-Dạ, kính chào phó tướng quân.

-Chào hai tướng quân. Bay đâu.

-Dạ, rót rượu mời hai tướng quân.

-Dạ.

  Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Lương Nhữ Hốt nâng bát. Sau khi bốn người cạn bát, Trần Trí nói với Mã kỳ, Sơn Thọ:

-Đây là ngài Lương Nhữ Hốt, cộng tác với chúng ta, còn đây là hai tướng quân Sơn Thọ, Mã Kỳ.

  Lương Nhữ Hốt chắp tay thi lễ:

-Chào hai tướng quân.

Sơn Thọ, Mã Kỳ cũng chắp tay đáp lễ:

-Không dám, chào Lương đại nhân.

  Trần Trí nói với Sơn Thọ, Mã Kỳ:

-Hai tướng quân có biết Lê Lợi ở Lam Sơn, huyện Lương Giang không?

-Dạ, đó là một hào trưởng, đại địa chủ nổi danh, mạt tướng có biết.

-Theo tin thám mã và theo sự phát giác của Lương đại nhân đây, Lê Lợi vào năm 1416 đã cùng 18 người lập “Hội thề Lũng Nhai” thề sống chết có nhau, thề đồng lòng cứu nước, đánh đuổi chúng ta. Đến năm nay, lực lượng của Lê Lợi ngày càng phát triển mạnh và đang chuẩn bị dương cờ nổi loạn. Hai tướng quân có cao kiến gì không?

  Mã Kỳ nói:

-Lê Lợi có uy tín và ảnh hưởng khắp Giao Chỉ, nếu nổi loạn sẽ là chuyện lớn, ta nên bất ngờ đánh diệt đi để trừ hậu họa.

  Trần Trí nói:

-Ngày mai, ta đem 5 vạn quân cùng hai tướng quân đi chinh phạt, bắt Lê Lợi. Đại nhân Lương Nhữ Hốt thuộc đường sá dẫn đường thì quân ta sẽ rất thuận lợi.

  Sơn Thọ, Mã Kỳ, Lương Nhữ hốt đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

                                                                II

  Hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa đang là mùa xuân, cây cối bạt ngàn xanh tươi bao phủ, hương thôn như đang thay áo màu xanh mới của các loại cây tre, nứa, luồng, giang, mít, lim, gụ…Những ngọn núi cũng mang màu xanh vươn lên chạm vào mây trời với đủ hình thù kỳ ảo soi mình xuống dòng sông Chu. Sông Chu nước muôn thuở trong veo cuồn cuộn chảy về xuôi để hòa vào dòng sông Mã ở Ngã Ba Giàng. Núi rừng Lam Sơn mùa xuân này đang chứng kiến những biến động to lớn mở đầu cho 10 năm quật khởi. Ngày 8 tháng 2 năm 1418, sau một ngày dựng cờ tuyên bố khởi nghĩa, Bình Định Vương Lê Lợi cùng 50 tướng lĩnh của quân Lam Sơn đang ngồi trong Tổng hành dinh bàn việc tấn công quân Minh, bắt đầu cuộc chiến đấu trường kỳ để giải phóng dân tộc khỏi thảm họa diệt vong. Lê Lợi ngồi ghế chủ, dưới trướng có các tướng Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Thạch, Nguyễn Lý, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Trịnh Khả, Trịnh Đồ, Lê Thận, Vũ Uy, Lê Liễu, Lê Văn Linh, Lê Xa Lôi, Bùi Quốc Hưng, Trương Lôi, Lê Lý, Lê Hiểm, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Lê Bồi, Đinh Lan, Lê Ninh, Lê Ngân, Trần Nguyên Hãn…Trước tổng hành dinh, những lá cờ vàng viết chữ đỏ “Bình Định Vương” tung bay theo gió, rực rỡ dưới nắng ban mai của mùa xuân. Trong 50 tướng hầu hết là tướng võ, duy chỉ có Nguyễn Trãi là tướng văn, từng đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Hồ với cha là Nguyễn Phi Khanh và em là Nguyễn Phi Hùng. Năm 1407 ba cha con cùng bị quân Minh bắt với triều đình Hồ Quý Ly và bị đưa sang Trung Quốc. Đến ải Nam Quan, nghe lời cha là Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi là người có tài hãy trở về cứu nước, Nguyễn Trãi đã trốn về Đông Quan và từ Đông Quan ông đã vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Lê Lợi nhìn các tướng và nói:

-Thưa các anh hùng hào kiệt, hôm qua chúng ta đã làm lễ tế cờ, tế thiên địa thánh thần Đại Việt, tuyên bố khởi nghĩa, gửi “Hịch Khởi Nghĩa” cho toàn thể bách tính Đại Việt hãy tham gia hướng ứng cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị hung bạo của giặc Minh. Các anh hùng hào kiệt hãy nâng chén rượu mừng ngày hội ngộ và chúc sự nghiệp đại nghĩa của chúng ta thành công.

  50 tướng lĩnh cùng nâng ly rượu và đồng thanh nói:

-Đa tạ Bình Định Vương. Chúc mừng Bình Định Vương. Chúc sự nghiệp của chúng ta thắng lợi thành công.

  Sau khi mọi người cạn chén. Lê Lợi nói tiếp:

-Nay lực lương của chúng ta còn ít, mới chỉ 50 tướng lĩnh. Quân số 2000, sau tờ “Hịch Khởi Nghĩa” gửi đi, chắc nay mai các anh hùng hào kiệt sẽ về tụ nghĩa đông hơn. Chúng ta cần 20 vạn hùng binh thì đại sự mới thành công. Các vị có cao kiến gì để phát triển lực lượng không?

  Các tướng còn im lặng suy nghĩ thì thám mã đã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, quân Minh được bọn Việt gian báo ta khởi nghĩa nên Trần Trí đã cùng bọn Sơn Thọ, Mã Kỳ, thổ quan Lương Nhữ Hốt đem 5 vạn quân chia làm bốn hướng bao vây tấn công Lam Sơn ạ.

  Lê Lợi hỏi:

-Ta chỉ có 2000 quân, giặc đem 5 vạn quân 4 hướng bao vây. Các tướng quân ai có kế gì hay không?

  Nguyễn Trãi nói:

-Bẩm chúa công, trước hết phải dời khỏi Lam Sơn để thoát thế bị bao vây, tìm chỗ hiểm yếu mai phục tiêu diệt một trong các đạo quân của giặc, sau đó thì rút lui bảo toàn lực lượng.

  Lê Lợi nói:

-Quân sư nói phải lắm. Đường đến Lam Sơn có một cánh quân bắt buộc phải qua Lạc Thủy, địa thế rừng rậm núi non hiểm trở, ta có thể mai phục ở đó.

  Các tướng đồng thanh đáp:

-Tuân lệnh chúa công.

  Lê Lợi cùng các tướng dẫn 2000 quân bí mật rời khỏi Lam Sơn về Lạc Thủy thuộc huyện Lương Giang mai phục chờ một cánh quân Minh đi qua. Trời đã về chiều, núi non rừng rậm của Lạc Thủy chìm dần trong ánh hoàng hôn vàng vọt lay lắt gió xạc xào. Có tiếng chim chiều kêu lạc lõng báo hiệu hết ngày. Bỗng nhiên, quân Lam Sơn nghe thấy đất rung lên bởi bước chân người và ngựa của quân Minh đang cấp tốc hành quân. Một số tướng nhìn thấy hai kẻ đi đầu 1 vạn quân là Mã Kỳ và tên thổ quan Việt gian Lương Nhữ Hốt. Khi đoàn quân Minh lọt vào trận địa mai phục, một mũi tên châm lửa bắn lên không trung. Quân Minh còn đang ngơ ngác thì bị những trận mưa tên xả xuống. Hai nghìn quân Minh gục ngã. 2000 quân Lam Sơn từ hai bên rừng núi xông ra chém giết. Quân Minh bị bất ngờ thế trận tan vỡ. Bọn Mã Kỳ, Lương Nhữ Hốt đi đầu nên chạy thoát về Lam Sơn. Hơn 3000 quân Minh bỏ xác tại trận. Sau chiến thắng Lạc Thủy, Lê Lợi nói:

-Thế giặc rất mạnh, chúng ta nên rút lui về Mường Một huyện Lang Chánh.

  Các tướng đồng thanh đáp:

-Chúng mạt tướng tuân lệnh Bình Định Vương.

  Từ Lạc Thủy, quân Lam Sơn hành quân lên Mường Một. Đêm Khuya, quân Lam Sơn đang định hạ trại và lập tổng hành dinh thì thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, ba đạo quân Minh từ Lam Sơn đang truy kích gấp đến Mường Một. Mong chúa công định đoạt.

  Lê Lai nói với Lê lợi:

-Ta nên rút lên Chí Linh huyện Lang Chánh, dựa vào địa thế hiểm yếu mà cố thủ mới bảo toàn được lực lượng.

  Nguyễn Trãi nói:

-Tướng quân Lê Lai nói chí phải, mong chúa công quyết định.

  Lê Lợi nói:

-Tướng quân và quân sư nói phải lắm.

  Liền hạ lệnh toàn quân rút lên Chí Linh.

  Chí Linh, còn gọi là Linh Sơn thuộc huyện Lang Chánh, phủ Thanh Hóa. 2000 quân Lam Sơn lọt vào thung lũng mà bốn bên là núi cao hiểm trở với những rừng lim cao lớn bạt ngàn và nhiều cây cỏ không tên rậm rạp của rừng nhiệt đới. Bên dưới núi, hướng Tây và Tây Bắc là dòng sông Chu bao bọc, giữa núi là một bình địa, chỉ có một lối ra hướng Đông nhỏ hẹp. Nếu mà cố thủ thì Chí Linh là một nơi đắc địa. Nhưng vì quá hoang vu nên hoàn toàn không có lương thực hoặc cây lương thực cho quân Lam Sơn ở lâu dài. Hơn 10 ngày bị quân Minh vây hãm, quân Lam Sơn gần như nhịn đói. Một hôm tướng Lê Bí nói:

-Dạ bẩm chúa công, trong khi đi tìm thức ăn, mạt tướng đã tìm thấy nhiều tổ ong mật, chúng ta có thể uống mật ong để qua cơn đói.

  Lê Lợi ra lệnh:

-Vậy phá tổ ong lấy mật để ăn.

  Tướng Phạm Vấn nói:

-Dạ, bẩm chúa công, có rất nhiều tre, nứa đang ra măng, có thể luộc măng ăn đỡ đói.

  Lê Lợi ra lệnh:

-Cho khai thác măng để ăn.

  Qua 10 ngày lúc mà mật ong và măng tre nứa đã hết thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, quân Minh đã rút về Tây Đô nhưng mà…

-Nhưng mà sao?

-Dạ bẩm chúa công, chúng đã triệt hạ Lam Sơn, bắt hết vợ con của các tướng, kể cả phu nhân và tiểu thư của chúa công. Hu!hu!hu!!!

  Các tướng Lam Sơn nổi giận:

-Chúng đê tiện bắt cả đàn bà con trẻ sao?

-Vậy mà chúng cũng tự xưng là người của đất nước anh hùng hảo hán sao?

-Dạ, bẩm chúa công còn nữa ạ.

-Sao nữa?

-Dạ, bẩm chúa công, chúng đã khai quật hết mộ phần tổ tiên của chúa công rồi ạ. Hu!hu!hu!!!

  Các tướng Lam Sơn quá giận dữ, tuốt gươm ra khỏi vỏ, đanh thép căm hờn:

-Bọn này lang sói không còn là con người, vậy mà chúng tự xưng là trung tâm của văn minh, là Trung Hoa, là nhân nghĩa của đạo Nho sao?

-Thật là bọn cầm thú hình người.

-Trả thù!

-Trả thù!

  2000 người thét như sấm vang động rung chuyển cả thung lũng Chí Linh.

  Lê Lợi trầm ngâm và nói:

-Ông bà tổ tiên bị giặc xúc phạm, các cụ sẽ phù hộ chúng ta trả thù nhà nợ nước. Vả lại, đã ra đi vì nước thì phải chấp nhận hy sinh. Chớ nản lòng.

  Ngừng một lát, Bình Định Vương nói tiếp:

-Núi Chí Linh khó khăn lương thực, lại bị cô lập, nay ta quyết định trở lại Lam Sơn. Tướng quân Đinh Lễ.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân dẫn 500 quân đi tiên phong, dò đường xem có mai phục không.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn