Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)

PGS TS Cao Văn Liên

14/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ  27.

Sau khi nhường ngôi, ngày 30 tháng 4, Trần Thuận Tông đi tu đạo ở quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy. Trong tháng đó, Thái thượng hoàng Nguyên Quân Trần Thuận Tông qua đời, thọ 23 tuổi (1377-1400), ở ngôi 9 năm (1388-1398), tôn hiệu Nguyên Hoàng.

*      *
   *

 Năm 1399, đêm mùa hè tháng 6 ở vùng núi Đốn Sơn khí trời oi bức. Khắp nơi phủ bóng đen mịt mù. Những vì sao trên trời lung linh như những viên ngọc. Những dòng sông Mã, sông Bưởi nước cũng nhuộm màu đem oằn mình trườn ra biển. Vài con thuyền trôi vô định lập lòe ánh lửa. Những dãy núi cao thấp say trong giấc ngủ. Kinh thành An Tôn đèn sáng lập lòe tạo nên vùng sáng tựa ngân hà xa xăm.

chtrthde-1652452113.jpg
Tượng vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400). Nguồn: Internet

 

  Trong ngôi nhà lợp ngói hai tầng của tướng Trần Khát Chân dưới chân núi Đốn Sơn cũng chìm trong bóng tối. Trên căn phòng tầng hai le lói ánh đèn, ngồi ghế chủ là Trần Khát Chân. Trước mặt Trần Khát Chân là hai chiếc ghế tràng kỷ màu gụ, giữa đặt một chiếc bàn, trên bàn đặt bộ ấm trà. Những người ngồi ở ghế gồm Phạm Ngưu Tất, Phạm Thu Tổ, Trần Nguyên Hãng, em Trần Khát Chân, Trụ Quốc Trần Nhật Đôn, Phạm Khả Vĩnh, Hành Khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiên. Tất cả gồm tám đại thần (trừ Phạm Ngưu Tất là thích khách) còn có lòng trung với nhà Trần. Sau một lượt trà, Trần Khát Chân đặt ly xuống và nói nhỏ đủ cho người trong phòng nghe được:

-Thưa các vị, các vị cùng ta là những trung thần ít ỏi của nhà Trần. Hầu hết bá quan văn võ trong triều đình đều là tay chân của Lê Quý Ly. Thưa các vị, ngài vàng và vương triều nhà Trần đã đến hồi nguy cấp. Thái Thượng hoàng nguyên quân hoàng đế Trần Thuận Tông mới 23 tuổi, khỏe mạnh nhưng Lê Quý Ly ép buộc phải thoái vị, nhường ngôi cho hoàng thượng Trần Thiếu Đế, hoàng thượng còn quá nhỏ, Lê Quý Ly là Thái sư nhiếp chính nắm đại quyền, cha con anh em Lê Quý Ly chia nhau nắm hết các chức vụ trọng yếu của triều đình. Bây giờ Lê Quý Ly chỉ còn một việc là tuyên chiếu nói hoàng thượng nhường ngôi cho mình là ngồi lên ngai vàng, trở thành hoàng đế, nhà Trần diệt vong. Cách tốt nhất để bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần là giết chết Lê Quý Ly. Nhưng giết được Lê Quý Ly không phải là chuyện dễ. Trong khi ông ta di chuyển thường có 20 võ sĩ võ nghệ cao cường trung thành bảo vệ. Tư dinh, phòng ngủ canh phòng cẩn mật, trong ăn uống cũng rất nghiêm ngặt, thức ăn thức uống đem đến qua nhiều lần dùng kim bạc thử độc và sau cùng có một võ sĩ chuyên nếm thức ăn trước khi Lê Quý Ly ăn. Khó tiếp cận như vậy, các ngài có cao kiến gì không?

  Trần Khát Chân dừng lại uống nước và chờ đợi. Trần Nguyên Hãng nói:

-Theo truyền thống thì ngày mùng 4 tháng tư, các quan văn võ phải lên núi Đốn Sơn để hội thề. Hôm đó dứt khoát Lê Quý Ly phải đến, ta cho Phạm Ngưu Tất dấu gươm vào người chen lại gần bất ngờ đâm thì Lê Quý Ly chắc chết.

  Phạm Ngưu Tất nói:

-Cần có bộ quần áo giống quần áo của 20 võ sĩ bảo vệ Lê Quý Ly, ta sẽ mặc và len vào gần bất ngờ đâm Lê Quý Ly thì việc lớn thành công.

  Trần Nhất Đôn nói:

-Nhưng như vậy kiếm khách sẽ phải chết.

  Phạm Ngưu Tất nói:

-Chết vì nghĩa lớn thì có xá gì.

  Mọi người im lặng một hồi lâu, cuối cùng Trần Khát Chân nói:

-Thôi cũng đành phải hy sinh một người vậy. Việc kiếm bộ quân phục võ sĩ không khó, ta sẽ cung cấp cho huynh. Vậy thống nhất là ngày mùng bốn tháng tư là ngày hội thề, chúng ta sẽ hành động.

  Tất cả đồng thanh đáp:

-Chúng tôi vâng lệnh tướng quân.

                             *        *
                               *

Nắng ban mai rải xuống khắp vùng Tây Đô, rải xuống núi Đốn Sơn trắng xóa. Cây lá xanh tươi đung đưa theo gió. Dưới chân núi xe ngựa của đại thần, quan lại đến ngày càng đông. Quân lính triều đình quân phục, gươm giáo đã rải khắp từ chân núi và vây quanh khu đền thề. Hôm nay là ngày hội thề của quan lại triều đình theo thủ tục từ thời Lý đến bây giờ. Thủ tục là các quan theo thứ tự lên đốt hương trước bàn thờ và đọc lời thề trung nghĩa với triều đình, nếu làm trái sẽ bị thần linh tiêu diệt. Hội thề này là kế thừa hội thề ở đền Đồng Cổ ở Thăng Long. Trong đền thờ khói hương nghi ngút, lửa hương đó rực. Người đi lên đi xuống, đi ra đi vào tấp nập đông đúc, chen chúc nhau. Thái sư phụ chính Lê Quý Ly mặc áo vàng, đội mũ ô sa màu vàng, che lọng vàng, nghi lễ trang phục như của thiên tử. Kiệu Lê Quý Ly dừng lại ở chân núi. Khoảng 20 võ sĩ gươm bên mình hộ vệ cho Lê Quý Ly đi lên núi làm lễ. Thích khách Phạm Ngưu Tất trong trang phục giống hệt võ sĩ của Lê Quý Ly trà trộn vào và cùng đi lên núi. Khi Lê Quý Ly làm lễ xong, các vệ sĩ xúm vào bảo vệ ra khỏi đền. Phạm Ngưu Tất cũng chen vào gần, khi đã vừa tầm, bằng một cú nhảy nhanh như tên bắn, Phạm Ngưu Tất lao cả người và con dao vào ngực Lê Quý Ly, một võ sĩ trông thấy cũng nhanh như gió lao lại chắn trước ngực Lê Quý Ly và hứng trọn lưỡi dao giữa ngực, máu phun ra và gục xuống chết ngay. Lê Quý Ly thoát chết trong gang tấc. 5 võ sĩ lôi Lê Quý Ly chạy xa, số còn lại lao vào đâm chém Phạm Ngưu Tất. Phạm Ngưu Tất rút gươm giao đấu, giết thêm 4 võ sĩ nữa nhưng bị trọng thương mà chết.

  Vụ ám sát làm chấn động Đại Việt và Triều đình. Lê Quý Ly thoát chết trong tích tắc nhờ có kỹ xảo điêu luyện của các võ sĩ bảo vệ, đặc biệt là tên võ sĩ lấy ngực hứng dao cho Lê Quý Ly khi Phạm Ngưu Tất lao vào như mũi tên bắn. Phạm Ngưu Tất đã chết nhưng không rõ từ đầu mối nào, một tháng sau, Lê Quý Ly đã cho bắt 8 đại thần có mặt họp tại nhà tướng Trần Khát Chân, cả gia đình thân thích của 8 đại thần này cũng bị bắt, tổng cộng 370 người đều bị giết tại núi Đốn Sơn. Thành Tây Đô và cả nước kinh hoàng bởi vụ huyết án máu chảy đầu rơi, những trung thần cuối cùng của vương triều Trần đã bị tiêu diệt. Tài sản của họ bị tịch thu. Trần Khát Chân là người cuối cùng bị hành hình trên núi Đốn Sơn. Trên đỉnh cao của núi, ông hiên ngang nhìn xuống Tây Đô và bao quát toàn phủ Thanh Hóa, xuống vùng Hà Lãng, Vĩnh Lộc, quê hương yêu dấu của ông. Núi non trời nước một màu xanh bao la tươi đẹp hùng vĩ. Ông thét vang lên nỗi uất hận không nguôi:

-Trời ơi sao lại phụ lòng người trung nghĩa, Than ôi!!!.

  Tiếng ông vang vọng lan ra tạo nên một điệp khúc bi tráng. Lưỡi gươm vừa đưa vào cổ Trần Khát Chân thì sấm sét vang trời, chớp tung sáng lóa, gió nổi lên và cơn giông bão dữ dội ập đến điên cuồng gào thét. Đó là năm 1399, Trần Khát Chân khi đó mới 29 tuổi (1370-1399). Về sau, dân lập đền thờ ông. Dân gian kể mỗi khi vùng Thanh Hóa hạn hán, bách tính làm lễ cầu đảo thì quả nhiên mưa to gió lớn ập đến.

    Tháng 2 năm 1400, kinh thành Tây Đô cũng như toàn vùng Vĩnh Lộc khí trời mùa xuân mát mẻ, nắng ban mai nhàn nhạt, sương phủ trắng núi đồi bay vật vờ như khói. Gió hơi se lạnh, vạn vật cây cối đang bắt đầu ra hoa nở lộc, khoác lên mình bộ áo mới, thay cho sự tàn tạ của mùa đông băng giá.

  Trong điện Càn Nguyên đang có buổi thiết triều. Vua Trần Thiếu Đế ngồi trên ngai vàng. Thái sư phụ chính Lê Quý Ly mặc áo vàng đứng cạnh. Văn võ bá quan quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Lê Quý Ly nói thay Trần Thiếu Đế:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ hoàng thượng, tạ Thái sư phụ chính.

-Ái khanh nào có tấu bước ra.

-Thần có tấu.

-Tấu đi.

  Một đại thần đứng dậy, mọi người nhìn ra thì đó là tướng Phạm Như Lặc. Phạm Như Lặc nói:

-Nhà Trần dựng nước được gần 200 năm, nay khí số đã hết. Triều đại suy vi, về kinh tế tiêu điều xơ xác, quốc khố trống rỗng, lụt lội triền miên, bách tính đói khổ. Bên ngoài thì nhà Minh tăng cường gây sức ép, sẽ tấn công xâm lược Đại Việt trong nay mai. Tất cả những công việc đó rất cần một hoàng đế tài giỏi để khắc phục, giải quyết, để đưa đất nước vượt qua những khó khăn đó, đi đến cường thịnh để bên ngoài đủ sức chống ngoại xâm, bên trong làm cho dân tình bớt khổ cực, ngày một no ấm, xã tắc vững bền. Kính mong Thái sư phụ quốc hãy ngồi vào ngai vàng để giải quyết những vấn đề bức xúc, khẩn thiết của triều đình, của đất nước. Thần rập đầu khẩn thiết cầu mong Thái sư chấp nhận đăng quang hoàng đế.

  Bá quan văn võ rập đầu:

-Mong Thái sự phụ quốc đăng quang hoàng đế.

  Lê Quý Ly nói:

-Không được, ta là bề tôi của nhà Trần nên dốc một lòng phò tá hoàng thượng. Bãi triều.

  Phiên thiết triều thứ hai, bá quan văn võ lại đề nghị Lê Quý Ly đăng quang hoàng đế, Lê Quý Ly lại từ chối.

  Phiên thiết triều thứ ba, bá quan văn võ lại quỳ hành lễ.

-Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng

-Tạ ơn Thái sư phụ quốc.

-Ai có tấu trình lên.

-Thần có tấu.

  Mọi người nhìn ra thì đó là quan đại thần Đỗ Tĩnh. Đỗ Tĩnh  nói:

-Tâu hoàng thượng, tâu Thái sư, trên con đường đi của các vương triều, sự thay thế vương triều này bởi vương triều khác là hợp lẽ trời. Như nhà Đinh thay nhà Ngô, nhà Lê thay nhà Đinh, nhà Lý thay nhà Lê, nhà Trần thay nhà Lý. Nay nhà Trần đã hết số, mong Thái sư ngồi lên ngai vàng cho hợp lẽ trời và vì vận nước. Vả lại, khi Trần Nghệ Tông lâm chung đã di chiếu lại cho ngài nếu như vua nhỏ quá không làm được việc thì Thái sư ngồi vào để điều hành đất nước. Ngài Thái sư dám kháng chỉ cũng là di chúc của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông sao?

(Còn nữa)

CVL                                                                       

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn