Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

21/02/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 33.

 Một ngày năm 1584 tin báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng và quan Nhiếp chính, Trịnh Tùng đem quân đánh đến Trường Yên, Sơn Nam ạ.

  Một ngày mùa xuân năm 1585 tin  báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng và quan Nhiếp chính, Trịnh Tùng cho quân đánh đến Thiên Quan, đánh đến huyện Mỹ Lương, Thạch Thất và An Sơn, Quốc Oai - Sơn Tây và tiến đến núi Sài Sơn thì rút về, chỉ để lại Chiêu Quận Công ở chợ Quảng Xá, Quốc Oai nhưng bị quân ta đánh, Chiêu Quận Công tử trận ạ.

chu5-jpg-zdbg-1645375189.jpg
Ngày 15/01/2020, thanh Định Nam đao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhân là bảo vật Quốc gia và được đưa về khu di tích Vương triều Mạc. Nguồn: Internet

 

  Trước tình hình đó Mạc Mậu Hợp hỏi Mạc Đôn Nhượng:

-Quân Nam Triều ngày càng lấn tới, Nhiếp chính vương có kế sách gì hay không?

  Mạc Đôn Nhượng đáp:

-Dạ tâu hoàng thượng, để đề phòng quân Nam Triều đánh Đông Kinh, xin cho đào thêm ba vòng hào, đắp thêm ba vòng chiến lũy quanh thành, cắm chông và trồng tre gai dày đặc quanh thành để tiện cho việc phòng thủ.

  Mạc Mậu Hợp nói:

-Chuẩn tấu, khanh huy động lực lượng nhanh chóng hoàn thành những công trình ấy đi.

-Thần tuân chỉ.

  Đông Kinh từ đó dày đặc chiến hào, chiến lũy, tre gai như pháo đài trong rừng rậm.

  Tháng 9 năm 1584, Trịnh Cối chết ở Đông Kinh, nhà Mạc sai quan viên đến lo tang lễ, phúng điếu, lại sai người đưa linh cửu, vợ con về quê nhà Thanh Hóa. Trịnh Tùng sai quan viên ra đón rước linh cửu về quàn ở núi Quân Yên, huyện Yên Định để lễ lạt cúng tế rồi mai táng, sai con là Trịnh Xuân mặc đồ tang đứng cạnh quan tài cùng con cái, gia đình Trịnh Cối. Trịnh Tùng dâng biểu xin vua Lê Thế Tông tha tội cho Trịnh Cối, truy phong Thái phó Trung Quốc Công.

  Ngày 29 tháng 6 năm 1586 phủ chúa của Trịnh Tùng ở An Trường phát hỏa, gặp nắng khô và gió to nên cháy từ giờ Ngọ đến giờ Thân, cháy tất cả trại quân, công sở, cung điện, phố xá đến vài nghìn nóc nhà. Thân mẫu Trịnh Tùng, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo bị chết trong hỏa hoạn. Bà là trưởng nữ của khai quốc công thần Chiêu Huân Tĩnh Quận Công Nguyễn Kim (1468-1545), mẹ là một người họ Đỗ. Bà là thứ phi của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1503-1570), thân mẫu của Lãng Quốc Công Nguyễn Uông (?-1545), của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng (1525-1613). Bà được triều Lê Trung Hưng truy tặng Từ Nghi Vương Thái Phi.

  Lại nói Nam Triều có một đại thần là Thái phó Vệ Dương Hầu Trịnh Bách nuôi âm mưu hãm hại Trịnh Tùng. Trước kia Trịnh Bách cùng đồng bọn với Lê Cập Đệ, đã bị Tùng bắt giam vào ngục, may nhờ có bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin giúp nên được tha. Mùa hạ năm 1587, Trịnh Bách nuôi đồng cốt làm yêu thuật ma quái hại Tùng, lại táng hài cốt của cha vào cấm địa để mong phát tích. Việc bại lộ, bị Trịnh Tùng bắt và cho đặc ân chết toàn thây bằng cách thắt cổ (xử giảo).

  Mùa đông năm 1587 tại Đông Kinh, Mạc Mậu Hợp đang say sưa tiểu sắc trong cung, chợt có nội giám vào báo:

-Dạ bẩm hoàng tượng, Trịnh Tùng đem 5 vạn quân đang tiến đánh Trường Yên và Thiên Quan.

 -Dạ bẩm hoàng thượng, Trịnh Tùng đã tiến ra Mỹ Lương, Chương Mỹ và huyện Lương Sơn, uy hiếp mặt Tây Đông Kinh ạ.

  Mạc Mậu Hợp ra lệnh:

-Sai Mạc Ngọc Liễn và Quốc cửu Nguyễn Quyện đem 6 vạn quân chống giặc, bảo vệ phía Tây Đông Kinh.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

  Mạc Ngọc Liễn đem 3 vạn quân đến Ninh Sơn đánh vào phía tả quân Nam Triều, Nguyễn Quyện đem 3 vạn quân tiến vào huyện Chương Đức, Vượt sông Do Lễ, Mỹ Đức đánh vào bên hữu quân Trịnh Tùng. Nguyễn Quyện lợi dụng địa thế hiểm trở hữu ngạn sông Do Lễ bố trí trận địa mai phục. Trịnh Tùng cho Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Đỗ đi về phía tả chống lại quân Mạc Ngọc Liễn, còn tự Trịnh Tùng dàn trận đánh nhau với Nguyễn Quyện. Sắp giao chiến thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô Tướng Tiết chế, phía sau 2 dặm là quân Mạc đang mai phục.

  Trịnh Tùng bảo nhỏ Hà Thọ Lộc:

-Khi quân Mạc giả thua dụ quân ta vào trận địa mai phục, tướng quân cứ đuổi theo, khi lọt vào trận địa thì cho quân nằm xuống tránh tên. Ta sẽ từ bên ngoài đánh vào, tướng quân từ bên trong đánh ra sẽ phá được Nguyễn Quyện.

  Hai bên dàn trận bên tả ngạn sông Do Lễ, chiêng trống vang lừng, cờ vàng bay phấp phới. Trịnh Tùng và Hà Thọ Lộc đối diện với Nguyễn Quyện và Mạc Đại Đô. Mạc Đại Đô cưỡi ngựa đen, múa giáo xông ra. Bên này Hà Thọ Lộc múa đại đao phi tới. Hai tướng xáp nhau giao chiến, giáo chạm đại đao tóe lửa. Quân hai bên hò reo vang dội, chiêng trống vang lừng. Đánh khoảng 10 hiệp, Mạc Đại Đô giả vờ thua quay ngựa chạy, quân Mạc cũng ào ào chạy theo. Hà Thọ Lộc dẫn vài nghìn quân đuổi theo. Khi trông thấy tên lửa bắn lên trời, Hà Thọ Lộc ra lệnh cho quân nằm xuống tránh những trận mưa tên. Thốt nhiên nghe bên ngoài tiếng trống vang lừng, quân Mạc rối loạn. Hà Thọ Lộc cho quân vùng dậy đánh ra, quân Trịnh Tùng bên ngoài đánh vào. Quân Mạc đại bại, thây đổ như chuối, máu nhuộm đỏ dặc sông Do Lễ. Nguyễn Quyện dẫn 1 vạn tàn quân mở đường máu chạy về Đông Kinh.

  Bên phía hữu sông Do Lễ, thám mã về báo cho Mạc Ngọc Liễn:

-Dạ, bẩm tướng quân, lão tướng Nguyễn Quyện bại trận, 2 vạn quân bị giết, 1 vạn quân đã cùng lão tướng chạy về Đông Kinh rồi ạ.

-Hả? Rút nhanh.

  Mạc Ngọc Liễn cùng Mạc Phúc Sơn chưa đánh đã chạy. Bọn Nguyễn Hữu Liêu, Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh dẫn quân truy kích. Quân Mạc chỉ có tháo chạy, hàng vạn xác chết rải đầy đường đi do dầy xéo lên nhau. Dù chiến thắng nhưng Trịnh Tùng biết chưa đủ lực vào Đông Kinh nên dừng lại và rút về.

  Mùa đông năm 1589 Trịnh Tùng đem 4 vạn quân đánh Yên Mô. Mạc Đôn Nhượng đem 7 vạn quân ra Sơn Nam quyết một trận sống mái với Trịnh Tùng. Trời mùa đông gió rét căm căm, gió lạnh như dao cắt, cây cối vùng Yên Mô, Tam Điệp một màu vàng úa, những cây lau trên những đồi núi nở bông màu trắng xám phất phơ trước gió như cờ  quân Hoa Lư của Đinh Tiên Hoàng xưa.

  Trên một bãi rộng mênh mông của Yên Mô, 7 vạn quân Mạc dàn trận đối diện với 4 vạn quân Nam Triều, cờ vàng rợp trời, gươm giáo tua tủa như rừng, trống chiêng dậy đất. Quân sĩ hai bên đều quân phục màu nâu, áo giáp sắt. Mạc Đôn Nhượng cưỡi ngựa đen, cao to. Bên cạnh là Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, các vương thân Mạc Phúc Sơn, Mạc Nhân Phú. Đối diện bên kia là Trịnh Tùng, hai bên là Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng. Mạc Đôn Nhượng nói to:

-Ai ra bắt Trịnh Tùng cho ta.

  Mạc Ngọc Liễn thúc ngựa đen cầm đại đao xông ra, bên này Trịnh Đồng cầm dao lớn lao tới. Hai bên quần nhau, dao lớn chạm đại đao tóe lửa, tiếng quân lính hai bên reo hò vang trời chuyển đất vùng Yên Mô Tam Điệp. Đánh được 50 hiệp, Trịnh Đồng thua quay ngựa chạy về. Quân Mạc ào lên chém giết. Quân Nam Triều tan vỡ tháo chạy. Bọn Trịnh Đồng, Ngô Cảnh Hựu, Trịnh Ninh ra sức đánh chặn cho đại quân và Trịnh Tùng rút lui. Bước chân 4 vạn quân Nam Triều tháo chạy cùng bước chân 7 vạn quân truy đuổi làm trời đất như rung chuyển. Quân Mạc đuổi đến dốc Tam Điệp, hai bên đồi núi cây cối um tùm. Thốt nhiên ba phát pháo hiệu vang lên, quân Mạc còn đang ngơ ngác thì hàng vạn mũi tên từ hai bên rừng cây phóng ra như mưa. Hàng vạn quân Mạc gục xuống. Có tiếng la thất thanh:

-Có mai phục, có mai phục.

  Quân Nam Triều của Trịnh Ninh, Nguyễn Cảnh Hựu phía trước quay lại đánh, quân Nguyễn Hữu Liêu khóa đuôi chặn đánh phía sau, 7 vạn quân Mạc lọt vào vòng vây khủng khiếp như thiên la địa võng ở Tam Điệp. Từ 4 hướng đá và tên như thác dội xuống quân Mạc. Thây chất như núi, máu tuôn như suối. Tiếng la hét, tiếng ngựa kêu, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Đây là trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử nội chiến Nam-Bắc triều. Mạc Đôn Nhượng nhờ các tướng mở đường máu chạy theo đường mòn mới thoát cùng 2 vạn quân. Quân Nam Triều giết chết 4 vạn, bắt sống 1vạn. Trận thất bại Tam Điệp làm chấn động toàn bộ lãnh thổ và triều đình nhà Mạc. Từ đó cứ nghe nói đến quân Nam Triều là quân Mạc vô cùng khiếp sợ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
tungdh

tungdh

17:14 23/02/2022

Dạ bẩm hoàng thượng và quan Nhiếp chính. Ngày xưa có lính nào dám bẩm báo ntn ah