Kỳ 3.
Quân Trần Cảo vẫn hoạt động mạnh, đánh phá vùng Kinh Bắc, Hải Dương. Vua Lê Chiêu Tông treo giải thưởng, thưởng lớn cho ai bắt được Trần Cảo và con là Trần Cung. Tháng 8 năm 1516, quân Lê bắt được tướng của Trần Cảo là Phan Ất ở An Bang. Phan Ất bị đóng vào cũi, giải về kinh và bị xử lăng trì. Nhân đà thắng lợi, Trịnh Duy Sản tâu với vua Lê Chiêu Tông:
-Tâu hoàng thượng, quân “Tam Đóa” vừa mới bại trận, đại tướng giặc Phan Ất vừa bị bắt, thế giặc sa sút. Hiện nay tổng hành dinh của Trần Cảo ở Chí Linh, thần xin thống lĩnh quân thủy bộ vào hang bắt cọp cho hoàng thượng.
Lê Chiêu Tông nói:
-Chuẩn tấu. Chúc ái khanh ca khúc khải hoàn.
-Đa tạ hoàng thượng.
Lê Chiêu Tông trao cho Trịnh Duy Sản quyền tiết chế thủy bộ, cai quản vùng đất Hải Dương. Cùng lúc đó sai tướng Trịnh Tuy mang một đạo quân lấy lại vùng Kinh Bắc khỏi sự chiếm đóng của quân Trần Cảo.
Tháng 11 năm 1516, Trịnh Duy Sản dẫn các tướng Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân đem ba vạn quân tiến đánh Trần Cảo ở Chí Linh. Bầu trời mùa đông u ám, người ngựa bước đi rầm rập dưới bóng cờ vàng tung bay theo gió mùa đông bắc. Bỗng có thám mã Đông Kinh về cấp báo:
-Dạ bẩm Tiết chế, tướng Đa Sĩ cậy có công nhưng không được phong thưởng, đang cho quân bản bộ cướp bóc kinh thành làm cho Đông Kinh náo loạn.
Trịnh Duy Sản tức giận:
-Quan chức ngày nay tha hóa đến mức không coi danh dự luật pháp ra gì, phản loạn ngay giữa kinh thành. Trần Chân đâu?
-Dạ, có nghĩa tử.
-Con đem 5000 quân về dẹp loạn ở kinh thành. Nếu Đa Sĩ không đầu hàng thì cứ giết chết đi.
-Dạ, tuân lệnh nghĩa phụ.
Trần Chân đem 5000 quân trở lại Đông Kinh. Đa Sĩ hoảng sợ đem quân bản bộ chạy trốn lên Sơn Tây.
Quân triều đình đi đánh Trần Cảo tiến đến địa phận xã Nam Giản, Chí Linh, Hải Dương đã thấy 1 vạn quân “Tam Đóa” dàn trận. Tướng Công Uẩn cầm ngang ngọn giáo đứng trước hàng quân chờ đợi. Trịnh Duy Sản cho quân dàn trận. Tướng quân Trần Hạnh vác đại đao xông ra. Tướng Công Uẩn bên quân “Tam Đóa” cũng múa ngọn giáo xốc tới. Hai bên giao đấu khoảng 20 hiệp, Công Uẩn lia một giáo qua cổ, đầu Trần Hạnh văng xuống đất. Bất chấp tùy tướng bị giết, cậy quân đông, Trịnh Duy Sản vẫn thúc quân xông lên chém giết. Hai bên hỗn chiến, gươm chạm giáo tóe lửa, tiếng trống vang trời, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Công Uẩn thấy quân triều đình đang hình thành thế bao vây liền ra lệnh cho quân tháo chạy. Trịnh Duy Sản thúc quân đuổi theo. Sản quên mất bổn phạn chủ tướng, xông xáo lên đầu truy kích. Đến một nơi đường hẹp, cây cối um tùm thì nghe có tiếng pháo lệnh nổ ran. Quân Trần Cảo mai phục từ hai bên sườn đồi bắn xuống như mưa. Quân Lê trúng vào trận địa mai phục thi nhau gục xuống chết. Tiếp đó quân Trần Cảo lao xuống chém giết. Nguyễn Hoằng Dụ đi phía sau ra lệnh cho quân tháo chạy. Trịnh Duy Sản và Nguyễn Thương bị quân Trần Cảo bắt sống, bị đem về Vạn Kiếp và bị chém chết.
Sau trận Chí Linh, Trần Cảo cùng các tướng thừa thắng tiến quân về Bồ Đề, chuẩn bị vượt sông Hồng tấn công Đông Kinh lần 2. Khi đó trời đã gần tối, hoàng hôn đỏ tím rồi lại chuyển sang màu đen. Trần Cảo ra lệnh cho quân đóng trại nấu cơm ăn, nghỉ ngơi. Đình Ngạn nói với Trần Cảo:
-Bẩm chúa công, đêm nay nên cho quân ra ngoài doanh trại mai phục, đề phòng quân Lê tới cướp trại.
Trần Cảo cười ha hả:
-Tướng quân lo quá xa, trụ cột của nhà Lê có mỗi một Trịnh Duy Sản thì đã bị ta giết rồi, còn ai nữa đâu mà lo. Cứ cho quân trong trại nghỉ ngơi, mai có sức công thành.
Lại nói ở kinh thành, Vua Lê Chiêu Tông nghe nói Trịnh Duy Sản bại trận đã bị giặc bắt và giết liền nói:
Trịnh Duy Sản là trụ cột của quân đội và triều đình, nay chết rồi ta biết dựa vào ai đây. Quân phiến loạn đã đến Bồ Đề, mai sẽ tấn công kinh thành, biết làm sao đây?
Lê Nghĩa nói:
-Còn nghĩa tử của Trịnh Duy Sản là Trần Chân rất giỏi binh pháp thao lược, mới mấy hôm trước đã dẹp loạn Đa Sĩ, giữ yên cho kinh thành. Nên cử Trần Chân cầm quân đánh Trần Cảo.
-Lê Chiêu Tông gọi:
-Người đâu?
-Dạ, có thần.
-Cho nội quan đi gọi tướng Trần Chân đến gặp ta.
Trần Chân đến:
-Dạ thần là Trần Chân, hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.
-Miễn lễ, đứng dậy đi.
-Đa tạ hoàng thượng.
Lê Chiêu Tông nói:
-Nghĩa phụ của tướng quân vì nước hy sinh, ta vô cùng nhớ ơn và cảm kích chia buồn cùng tướng quân và gia quyến. Nay giặc đã đến Bồ Đề, kinh thành vô cùng nguy cấp. Trẫm cho tướng quân làm Tiết chế cầm quân tiêu diệt giặc được không?
Trần Chân đáp:
-Đa tạ hoàng thượng, thần xin tuân lệnh, một là để diệt giặc cứu kinh thành, hai là để rửa hận báo thù cho nghĩa phụ.
Lê Chiêu Tông bảo Lê Nghĩa:
-Khanh hãy trao binh phù ấn tín cho tướng quân Trần Chân.
Rồi nhà vua nói với Trần Chân:
-Trẫm chờ tướng quân trở về với khúc ca khải hoàn.
Trần Chân quỳ lạy đỡ ấn tín binh phù và nói:
-Đa tạ hoàng thượng, thần hy vọng không phụ lòng hoàng thượng.
Trần Chân nhận trọng trách vào khoảng chiều, liền bàn với các tùy tướng là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng và Hoàng Duy Nhạc:
-Bây giờ có hai cách để phá giặc, một là chờ giặc công thành rồi phòng thủ, hai là sang đánh giặc tại Bồ Đề.
Chợt có thám mã ở Bồ Đề về báo:
-Dạ, bẩm chủ soái, quân giặc ở Bồ Đề hoàn toàn chỉ ở trong doanh trại ăn uống nghỉ ngơi, không phòng bị, rất lơ là chểnh mảng.
Nguyễn Kính nói:
-Trời cho tướng quân thành công chuyến này rồi, đêm nay bí mật bao vây cướp trại, quân giặc có cánh cũng không bay thoát.
Nguyễn Áng nói:
-Nhỡ đó là kế của Trần Cảo cho mai phục, dụ quân ta vào cướp trại thì sao?
Trần Chân nói:
-Đêm nay cứ bí mật tiến sang Bồ Đề, chuẩn bị cướp trại, nhưng cứ cho thám mã dò la, không có mai phục thì cứ ào ạt đánh vào.
Gần tối, 5 vạn quân Lê ăn uống no say, lặng lẽ âm thầm vượt cầu phao sang sông Nhị Hà đến Bồ Đề. Một vùng đất mênh mông, doanh trại quân Trần Cảo san sát hiện ra trong bóng đêm mờ ảo. Sau khi nắm chắc Trần Cảo không có kế mai phục, Trần Chân cho quân bao vây bốn mặt, bò lại gần. Một phát tên lửa bắn lên trời. Những lính canh của quân “Tam Đóa” bị những mũi tên bắn đổ gục. Quân Lê lại gần mà quân Trần Cảo vẫn ngủ say sưa vì uống quá nhiều rượu. Quân Lê lao vào các trại băm người như băm chuối. Lát sau mới có tiếng trống báo động nổi lên, quân Trần Cảo thức dậy nhưng bị băm chém tối tăm mặt mày. Số chưa chết chỉ biết vùng dậy tháo chạy về phương Bắc. các tướng Đinh Ngạn, Công Uẩn liều chết mở đướng máu cho Trần Cảo chạy thoát lên Lạng Giang. Trận đó, quân Trần Cảo bị giết tới ba vạn và đi vào những ngày tàn của công cuộc mưu bá đồ vương.
Loạn Trần Cảo chưa dẹp xong thì các quyền thần trong triều đình lại lại xung đột nhau tranh quyền đoạt lợi. Đó là các thế lực của An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, Vinh Hưng Bá Trịnh Tuy, Thiết Sơn Bá Trần Chân. Cuối cùng Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy đem quân về Thanh Hóa. Chỉ còn mỗi Trần Chân ở lại Triều đình. Thế lực của Trần Chân ngày một lớn. Vua Lê Chiêu Tông phong Trần Chân làm phụ chính. Thế lực của Trần Chân lớn đến mức một thế lực quân phiệt lớn nhất Hải Dương là Mạc Đăng Dung đang có âm mưu vào triều đình, liền kết thông gia với Trần Chân để gây dựng thế lực sau này. Mạc Đăng Dung hỏi con gái của Chân cho con trai của mình là Mạc Đăng Doanh. Trong tình hình mâu thuẫn giữa các đại thần gay gắt và xung đột nhau, vua Lê Chiêu Tông lại không sáng suốt và đa nghi, bị chúng lợi dụng, mượn bàn tay của nhà vua giết những kẻ thù của họ và chính nhà vua lại giết những trung thần tay chân của mình. Trong đó nổi bật mâu thuẫn giữa dòng họ Nguyễn và dòng họ Trịnh mà cụ thể là giữa Nguyễn Hoằng Dụ với Trịnh Tuy, con của Trịnh Duy Sản. Một hôm vua Lê Chiêu Tông thiết triều, chú của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lự bước ra tâu:
-Dạ bẩm hoàng thượng, thần có lời tâu.
-Khanh có gì tâu?
Nguyễn Văn Lự rút từ tay áo ra một tờ sớ và lớn tiếng nói:
-Dạ bẩm hoàng thượng, thần có bằng chứng Trịnh Tuy cùng với Trịnh Duy Đại mưu với nhau lập con của Nguyễn Trinh là Nguyễn Tùng làm ngụy chúa. Đây là một việc đại nghịch, mưu phản. Mong hoàng thượng suy xét.
Lê Chiêu Tông nghe tấu không cần xét hỏi, giận dữ quát:
-Võ sĩ đâu.
Võ sĩ vào:
-Dạ, tâu hoàng thượng.
-Bắt Trịnh Duy Đại và các tùy tướng đem ra chém.
Các võ sĩ lôi Trịnh Duy Đại ra ngoài. Trịnh Duy Đại luôn miệng kêu:
-Hoàng thượng, thần bị oan, thần bị oan…
Cùng lúc đó Nguyễn Hoằng Dụ đem quân kịch chiến với Trịnh Tuy. Trịnh Tuy thua chạy về Thanh Hóa. Trần Chân là con nuôi của Trịnh Duy Sản, là anh nuôi của Trịnh Tuy liền đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Hoằng Dụ thua cũng tháo chạy về Thanh Hóa. Kinh sư khi đó đầy máu và xác chết. Hàng ngày mặt trời bỗng nhiên vàng và tối, điềm báo rất xấu cho vận nước và triều đại nhà Lê.
Lúc bấy giờ là năm 1518, dân gian xuất hiện câu ca lan truyền rằng: “Trần hữu nhất nhân, Vi thiền hạ quan, Thổ đầu hổ vĩ, Tế thế an dân”. Trong quán nước, một nhóm cụ gia ngồi uống trà đàm đạo với nhau. Một cụ hỏi cụ bạn ngồi bên cạnh:
-Cụ giỏi chữ Hán, cụ dịch câu sấm truyền ở trên cho bọn ít học này biết với.
Cụ già nom dáng dấp thông minh như một đồ Nho vuốt bộ râu trắng bạc và nói khẽ:
-Với vị vua non trẻ, hay đa nghi như Lê Chiêu Tông thì việc dịch và bàn bài ca này có thể mất đầu ba họ như chơi. Câu đó có thể dịch như thế này: “Có một người họ Trần làm vua thiên hạ, trị nước an dân”.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-3-a10003.html