Quê tôi ở xã Diễn Minh, miền quê vùng chiêm trũng nằm phía Tây Nam của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gần đây người ta sáp nhập ba xã Diễn Bình - Diễn Minh - Diễn Thắng thành xã mới với tên gọi Minh Châu. Thật ra tên Minh Châu đã từng có từ lâu rồi, thời bố mẹ tôi, các anh chị lứa trên tôi nhiều người vẫn còn ghi nhớ.
Bây giờ nói quê tôi ở xã Minh Châu lại càng đúng, vì bố tôi ở Diễn Minh, làng Trung Phường. Mẹ tôi ở Diễn Bình, làng Hậu Luật. Còn anh em tôi sinh ra ở tận Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Tuổi thơ tôi được đi nhiều nơi là vì theo bố mẹ công tác. Đến tận sau năm 1973 gia đình tôi mới chính thức "hồi hương".
Xã Diễn Minh "xưa" có 2 làng Trung Phường và Phú Lâm, nằm về hai phía của Lèn Hổ Lĩnh. Nhà tôi ở làng Trung Phường, trong làng chia ra nhiều xóm. Tên xóm cũng có rất nhiều cách gọi, mỗi thời gọi một tên khác nhau. Ví như làng Trung Phường thời tôi có ba xóm 11, 12 và 13. Chẳng biết gọi thế từ bao giờ? Riêng xóm 12 lại có xóm Đình, xóm Đoài, xóm Tây, xóm Mới. Các xóm 11, 13 còn có tên gọi xóm Đông, xóm Trửa, xóm Lèn. Chỉ kể đủ tên nhiều khi đã rối hết cả đầu. Những người đi xa lâu về kể chuyện xưa, nhắc đến nhiều địa danh bọn trẻ con cứ há mồm nghe "lạ hoắc", tưởng họ đang nói chuyện thiên hạ.
Cách đây chưa lâu, để dễ quản lý ở Diễn Minh họ xóa hết tên gọi xóm cũ mà đặt theo thứ tự từ 1 đến 7. Mỗi khi về quê nghe bạn đọc tên mới tôi cứ ngẩn ngơ, rối như canh hẹ. Có lúc bực mình tôi bảo: "Ông nói tên cũ thời ta cho dễ hiểu chứ 1234 tôi nỏ biết mô!". Còn bây giờ, sau khi nhập xã mới Minh Châu nghe đâu các Làng lại được trở về với tên gọi cũ thân thương, làng tôi vẫn là Trung Phường.
Về cái danh xưng Trung Phường, từ thời bé tôi đã tò mò hỏi, được nghe nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Có người nói rằng: Ngày xa xưa có hai ông từ phương Bắc đến vùng đất này lập nghiệp, cùng nhau gây dựng lên xóm làng đông đúc, trù phú. Hai ông được tôn là Thành Hoàng làng. Họ tương thân, tương ái cùng dân làng "chống thù trong, giặc ngoài", nên gọi là "Tương phùng" sau nói lái thành "Trung Phường". Có người thì đơn giản cho rằng: Nơi đây xưa có chợ Lèn là trung tâm giao thương của vùng, nhiều phường hội buôn bán tụ họp nên gọi là "Trung Phường". Tôi thì thích cách giải nghĩa thứ 2, ngắn gọn mà thực tế hơn, còn ai muốn nói sao cũng được, tôi đều tin là đúng. Vì đây là quê hương, nơi hội tụ những gì yêu thương gắn bó nhất.
Năm 1968 lên 6 tuổi, học lớp Một, tôi được bố mẹ cho về quê với ông bà nội ở xóm Đoài, khi đó còn có tên gọi khác là "xóm Chợ". Tôi chỉ ở xóm Chợ chưa đầy 1 năm rồi lại phải theo bố mẹ quay ra Bắc học tiếp, mãi đến giữa năm 1973 mới được trở về. Nhắc đến "xóm Chợ" vì trong bài viết này tôi muốn góp nhặt những ký ức về Chợ Lèn, cái chợ quê nhỏ bé mà bất cứ ai ở Diễn Minh dù đi xa bao lâu cũng nhớ, cũng có nhiều kỷ niệm.
Như vậy, theo trí nhớ của tôi, chợ Lèn đã có thời họp ở phía ngoài xóm Đoài, nơi bãi đất trống trước cửa nhà ông Mậu (Long), ông Duyên (Đàm), bên cạnh đó có cái sân đội kề nhà ông Khoa (Tịnh), chắc vì thế mới có tên là "xóm Chợ". Thời gian sau chợ chuyển lên chân Lèn Hổ Lĩnh. Tại đây chợ cũng phải chuyển tới 3 địa điểm. Ban đầu chợ họp ngay trước cửa "Hang Chữ", vùng đất cao cận kề với cửa hàng HTX mua bán. Sau chuyển ra phía đối diện ngoài sân vận động, cạnh cái Hố bom to đầy bùn và rau cỏ dại. Cuối cùng mới chuyển về vị trí hiện nay. Dù họp ở vị trí nào, từ sáng đến gần trưa chợ cũng được lèn Hổ Lĩnh phủ bóng nên rất thoáng mát.
Năm 1967, khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 30/4 (Âm lịch) khi chợ đang lúc đông người, máy bay Mỹ dã man ném bom vào giữa chợ làm 52 người chết, trong đó Diễn Minh có 2 người, số còn lại là người nơi khác đến. Tang thương bao trùm, từ đó người ta gọi ngày 30/4 ÂL hàng năm là ngày Giỗ chợ Lèn. Nghệ nhân dân gian nào đó đã bật khóc, thốt lên: "...Chợ Diễn Minh đông đúc buổi trưa hè/Lèn Hai Vai ngả bóng râm che/Cho buổi chợ thêm phần đông đúc...". Ngày Giỗ chợ ấy tôi chỉ được nghe kể lại vì đang ở nơi đất Bắc, nhưng mỗi khi nhìn cái hố bom to đùng và tảng đá sập trước cửa Hang Chữ lại thấy người gai gai ớn lạnh.
Chợ Lèn xưa họp một tháng 6 phiên vào các ngày chẵn 5 và chẵn 10 Âm lịch, tháng nào thiếu thì họp vào ngày 29. Chợ chỉ họp từ sáng sớm đến gần trưa. Ngày đó chợ đông lắm, người khắp nơi trong vùng đổ về tấp nập, nhiều xã của huyện Yên Thành cũng xuống. Chợ quê nên đủ thứ hàng hóa từ lúa gạo, rau quả, lợn gà đến cuốc xẻng, dao kéo,...Các bà, các chị hàng xén, hàng la ghim từ các chợ bạn Diễn Nguyên, Diễn Hạnh, Diễn Cát sang, chợ Bộng Yên Thành xuống. Mờ sáng từng đoàn các chị từ miền biển Diễn Ngọc, Diễn Bích đạp xe chở cá lên, chủ yếu là cá mắm. Góc chợ cá bao giờ cũng ồn ào nhất bởi giọng nói quắn quéo đặc trưng của dân vùng biển. Họ nói to nhanh liến láu, miệng đếm tay bốc cá như làm trò ảo thuật, ai không có kinh nghiệm thì mua hai chục mắm về nhà đếm lại chỉ còn được mươi lăm con. Cuối buổi họ lại chở lúa thu mua từ chợ về, mỗi xe chất một hai bao lúa nối đuôi nhau hối hả, đố ai tranh được đường của họ. Có lần ông Trần Hữu Thung về quê giữa trưa hè đổ lửa, đến gần Giếng Vang bị họ hất văng cả người lẫn xe xuống ruộng, tôi đỡ lên bờ, ông lắc đầu nhìn theo ngao ngán. Ngày đó ông Thung mới ốm dậy nên yếu lắm.
Trước đây dân Diễn Minh rất ít người bán buôn làm ăn ở chợ, hình như họ ngại mang tiếng là "con buôn", họ chỉ lên chợ bán vài "nồi" lúa, vài con gà vịt nhà nuôi hoặc các loại rau quả "cây nhà lá vườn" rồi mua về đồ dùng thiết yếu: thúng mủng, liềm hái, vài chục mắm Trích, mắm Thèn,...đủ cho gia đình dùng đến phiên chợ sau. Không quên mua cho con cháu vài đồng quà, đôi khi chỉ vài đốt mía, chục "kẹo dắc", cái bánh đa vừng, khá hơn thì vài cái bánh rán, vài góc bánh đa kê, ít thôi nhưng bao giờ cũng có. Có những nhân vật "huyền thoại" chuyên làm ăn ở chợ phiên. Như ông Toái mặt lúc nào cũng đỏ au đứng sau phản thịt lợn. Ông Lan (sau này có ông Thoại) bán hàng sắt, rồi nhận nông cụ về nhà rèn và "cắt trấu" liềm. Ông Chức cắt tóc bằng kéo, cái dao cạo to bản của ông mài trắng lóa cạo sồn sột vài ngày sau da đầu vẫn chưa hết rát. Đặc biệt, có ông Khuy chuyên đời đi "thử rượu", chưa tan chợ ông đã ngất ngưởng say. Ông Khuy còn hành nghề "vuốt đuôi" lợn. Nghe kể rằng: Có người mang con lợn kén ăn, hay phá ra chợ bán, mua con khác về thả vào chuồng, nhìn kỹ lại vẫn là con lợn cũ nhà mình. Kể như vậy để biết dân "vuốt đuôi" của chợ Lèn ta cũng vào hàng "cao thủ" chẳng thua kém chợ nào. Từ "vuốt đuôi" đã đi vào quên lãng, bây giờ người ta hay gọi là "cò". Tất nhiên còn nhiều "huyền thoại" khác nữa, tôi không thể nhớ hết được.
Nói đến chuyện quà chợ của các bà, các mẹ thì cũng nhiều chuyện vui. Ngóng quà chợ là thói quen đáng yêu của con trẻ. Riêng tôi không bao giờ quên cảnh chực ở đầu ngõ đón bà đi chợ về, bà cố Thung. Lưng bà còng gập, đội trên đầu cái "mủng", vừa đặt mủng xuống bên thềm tôi ào tới bới tìm quà, đôi khi chưng hửng vì bà chỉ còn đủ tiền mua cho được chùm "tàu nhân", loại quả người ta hay mua cho trẻ con ăn để sổ giun. Có khi nhờ vậy mà sau này bụng tôi rất sạch, chẳng bị giun sán quậy bao giờ.
Vui nhất là đi chợ Lèn ngày Tết. Chợ đông vui nhộn nhịp, họp lấn ra ngoài đường với đủ các sắc màu, hình như ai cũng cười tươi rạng rỡ bởi tâm niệm "Tết phải vui, tránh mang xui xẻo về nhà". Người dân quê quanh năm bóp bụng chi tiêu, tất cả chỉ dành cho "ba ngày Tết". Chợ Tết ngày xưa không có hoa tươi, toàn hoa giấy nhuộm phẩm màu lòe loẹt bày bán cùng những cặp câu đối viết trên giấy hồng điều, những bức tranh "Đông Hồ" in hình 12 con giáp trên giấy gió mỏng tang, chỉ dùng một năm là màu bạc phếch. Nhà nào cũng mua vài bộ về treo bên bàn thờ gia tiên và trang hoàng "gian bảy" thật đẹp để đón Tết.
Bọn trẻ chúng tôi xúng sính áo mới, "đập lợn đất", xin thêm được ít tờ bạc lẻ nhét túi quần, có đứa cẩn thận còn lấy kim băng găm túi lại cho chắc. Theo mẹ lên chợ, lỉnh sang khu vực bán pháo, chợ Tết chỉ khu này là náo nhiệt nhất. Đủ các loại pháo, từ Thăng thiên, pháo cối đến pháo băng Điện Quang, Hợp Tiến. Có loại pháo băng tự cuốn dài vài mét, quả pháo to như ngón chân cái, nổ rất đanh. Vui nhất là cảnh thanh niên "khích" nhau, chê pháo anh này "tịt", thăng thiên anh kia thấp để họ đốt thử, nghe cho sướng tai! Có anh bị chơi khăm làm nổ cả bị pháo, tiếng nổ rền vang, người xô nhau chạy tán loạn, tưng bừng như cả chợ đón Tết sớm vậy. Luồn lách trong rừng người, xô đẩy, hò hét cả buổi chợ tôi chỉ giành giật được dăm cái pháo "tịt", mua được chục pháo "đùng". Thế là mừng lắm rồi, bởi tiền đâu mà mua hơn. Tiếng pháo nổ giòn vang đập vào vách lèn đá đuổi nhau vọng ra, khói pháo quện với mùi thuốc pháo ngày ấy, đến nay tôi vẫn nhớ đến nao lòng.
Có lần khi đã lớn, cũng phiên chợ Tết tôi cùng hai thằng bạn thân lân la vào quầy hàng xén làm quen với hai chị em người Vĩnh Thành, khéo mồm "tán" được hai cô mời Tết lên nhà chơi. Đúng hẹn, mùng 4 Tết ba thằng diện áo quần tươm tất, nhà hai cô khang trang, tường đá xây cao bao quanh vẻ "gia thế" lắm. Được đón từ ngoài ngõ, ba thằng hồ hởi vào nhà mồm miệng huyên thuyên. Bỗng thấy ông bố áo dài, khăn đóng, râu ba chòm đĩnh đạc bước ra tiếp chuyện, cả bọn mặt tái dần, biết là chuyện không đùa được rồi. Chưa hết, chỉ ít phút sau mâm cỗ thịnh soạn từ bếp bưng lên, gà lợn giò chả đủ cả, lại thêm các anh trai vào mâm ngồi tiếp chuyện. Ba thằng nhìn nhau nghĩ kế lui quân. Sau đận ấy bọn tôi "bỏ của chạy lấy người", hai cô mấy lần bỏ chợ vào xóm tìm...Hú vía!
Từ sau 1986 đất nước vào thời kỳ đổi mới, cơn lốc "kinh tế thị trường" cuốn phăng đi tất cả những rào cản, buôn bán thông thương, hàng hóa đưa về tận cửa. Chợ Lèn vì thế cứ thưa thớt dần, chủ yếu phục vụ nhu cầu của dân trong xã. Chợ dù đã tăng từ 6 phiên/tháng lên 12 phiên/tháng, nhưng cũng chẳng khá hơn. Cảnh quan ngày càng đìu hiu, chạnh lòng nhìn sang những "chợ em" nhộn nhịp của vùng quê lân cận. Nền chợ phong rêu, lều ốt già nua xập xệ nằm lạnh lẽo dễ làm nhòe mắt người xưa. Lứa thanh niên cứ lớn lên là tìm đường đi làm ăn lập nghiệp xứ lạ. Làng quê chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ cũng cạn dần vì cha mẹ chúng muốn con cái sớm được tiếp cận, thụ hưởng văn minh đô thị. Cả xã Diễn Minh các cháu gom lại chưa đủ một lớp học chuẩn. Những tư gia đẹp đẽ, tiện nghi chỉ có ông bà già vào ra không còn là hiếm. Thậm chí nhiều ngôi nhà mỗi năm chỉ mở cửa vài ba lần dịp Lễ Tết, giỗ chạp đón con cháu tụ họp. Nhiều lần về quê, thong dong vãng cảnh Chùa Am, ghé thăm chợ Lèn, ngắm hình Hổ Lĩnh, tôi không khỏi ngậm ngùi tiếc nhớ về một thời "oanh liệt" chưa xa.
Bây giờ Minh Châu đã đạt chuẩn nông thôn mới, khắp nơi tưng bừng khởi sắc, chắc ai cũng mong chợ Lèn được nâng cấp sạch đẹp hơn. Không cần hoành tráng cao sang như "Trung tâm thương mại", vẫn chỉ là cái "Chợ Lèn" nhỏ bé nhưng giữ được hồn cốt làng quê. Mong lắm, ngày không xa sẽ có một "Tour du lịch Minh Châu" với những điểm "check in" như: núi Lưỡng Kiên Sơn (lèn Dặm), Nhà Thánh Vân Tập, Giếng Thần, Giếng Vang, Đình làng Trung Phường, lèn Hổ Lĩnh, Chùa Cổ Am, du khách "đi chợ Lèn" về nấu ăn trong những "Home stay" đủ đầy tiện ích. Cùng nhau trải nghiệm lao động thời "Cổ tích" trong không gian yên bình thơm mùi rơm mới. Những điểm "check in" mang đậm dấu ấn người và đất Minh Châu, nơi có thời đã từng là điểm sáng văn hóa của cả nước.
Theo Chuyện làng quê
Vũ Quang Trần
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-len-trong-ky-uc-toi-a10010.html