Cái qui luật hết năm cũ là sang năm mới theo tự nhiên vẫn như vậy. Đông qua kết thúc một năm và xuân đến đất trời bâng khuâng, lòng người rạo rực. Sẽ không tìm thấy nơi đâu và lúc nào khác để có được cái khoảnh khắc bồi hồi nôn nao như tết đến xuân sang.
Nhớ ngày xưa khi còn nghèo khó, chỉ có tết trẻ con mới có quần áo mới. Chỉ có tết cả nhà mới có được bữa cơm "đủ chất" sau khi đã cúng gia tiên. Chỉ có tết mọi người mởi nghỉ ra đồng vài buổi để gặp gỡ nhhau. Tết mọi người đến nhà nhau chúc tết dù không có phong bao lì xì ( vì khó khăn), nhưng thật vui và ấm áp nghĩa xóm tình làng. Hơn nữa tết là cái thời khắc thiêng liêng lắm. Khi khách đến nhà trước khi chúc tết thì thắp 3 nén hương lên bàn thờ gia tiên để mừng tuổi ông bà rồi sau đó là chúc gia đình một năm mới bình an hạnh phúc. Lời chào hỏi cảm ơn và tiếng nói cười rộn rã.
Thanh niên, thanh nữ thì hội từng tốp đi hết nhà này đến nhà khác cùng chúc nhau vui mừng tuổi mới. Nhà nào đầu năm mới ngẫu nhiên được một tốp trai tráng đến chúc tết thì càng thấy vui. Cũng từ đây những tình yêu đôi lứa cũng chớm nở và kết trái đơm hoa.
Trẻ em từ sáng mùng 1 tết dậy rất sớm và được mẹ hay chị mặc đồ mới ngay để đi khoe với chúng bạn. Có thể nói đây là những ngày mà trẻ con lớn đúng nghĩa về thể chất.
Một tục lệ hay nữa là đúng 7h sáng mùng 1 tết, tại trụ sở thôn làm lẽ chào cờ đầu năm mới với sự tham gia gần như đầy đủ của tất cả mọi người trong thôn. Sau đó mọi người từng tốp hay cá nhân đi chúc tết gia đình.
Hoa tết là những bui bông vạn thọ xưa ( loại vạn thọ cây cao, nhiều cành và bông to hay gọi là vạn thọ tiện ), hay hoa mào gà, thược dược đều tự trồng. Đến ngày 29 tết nhổ vào chậu mang vào trang trí trong nhà, treo thêm bong bóng đủ màu lên cho bắt mắt. Những bức tranh vẽ phong cảnh được các chị mua ngoài chợ mang về dán trang trí lên tường nhà vách đất. Đó là kết quả của sự dành dụm chắt chiu từ những quang gánh nông sản nhà nông và một tinh thần lạc quan tươi trẻ.
Tất cả điều đó diễn ra thật tự nhiên và thiêng liêng lắm chứ không bắt buộc. Dường như ai cũng hân hoan và những điều đó đã thành một ý thức trách nhiệm, một nét văn hoá đẹp của làng quê.
Tết là nét văn hoá truyền thống của bao đời ông cha ta để lại và thật tự hào khi chúng ta có nét đẹp truyền thống ấy.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không nhất thiết phải có một cái tết thật to thật hoành tráng mới là tết. Hãy giữ gìn cái tết ấm cúng và phù hợp với hoàn cảnh của mình trong sự thoải mái và an nhiên của tâm hồn.
Bàn thờ gia tiên ấm cúng và không nhất thiết ngày nào cũng phải cúng cơm. Gia đình sum họp có gì dùng nấy. Chỉ vậy thôi ta sẽ có một cái tết trọn vẹn.
Hôm nay chỉ còn hơn mươi ngày nữa tết sẽ về. Một chút hoài niệm tết xưa và một chút suy nghĩ của cá nhân thôi.
Chúc một cái tết đoàn viên, một năm mới vạn sự bình an đến mọi người mọi nhà.
Theo Chuyện làng quê
Lệ Thuỷ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tan-man-tet-a10018.html