Những chiếc răng vàng của Má

Năm 1976, má dẫn chị Bảy và hai đứa em tôi về quê ở Dĩ An (Bình Dương) - nơi có mộ ba tôi và ông bà - để làm bánh tráng sống qua ngày. Tôi ở lại Sài Gòn cùng hai chị buôn bán kiếm sống.

Mới mười hai tuổi, tôi đã phụ các chị ra chợ Cầu Muối mua bắp về nấu rồi tối mang sang ngã tư Hoàng Diệu - Đoàn Văn Bơ (Q.4) bán đến khuya. Hết bán bắp, mấy chị chuyển sang leo xe lửa về Thủ Đức mua rau muống đem về chợ Calmette bán mỗi sáng. Còn tôi đội mâm bánh phục linh đến trước cổng Trường Khai Minh ngồi từ giờ ra chơi đến giờ học sinh tan học mới về.

mo-ma-1642983977.jpg
Hình chụp bên mộ má mỗi lần về

 

Năm đầu của lớp 6 Trường Cô Giang (nay là Trường Thalmann), tôi chỉ học bữa đực bữa cái. Cho đến một buổi trưa, má tôi từ Bình Dương lên thấy tôi ngồi giữa nắng với mâm bánh trước mặt thì má quyết định: bán căn nhà ở Sài Gòn về quê sống.

Được hơn một năm thì nhà tôi ly tán: người ôm con theo chồng về Bến Tre, người được phân công về Lâm Đồng, người nhận nhiệm sở ở Vũng Tàu. Má tôi lại theo người quen xuống Gò Công mua gạo và rượu nếp về bán kiếm sống qua ngày. Tôi một buổi đi học ở Trường cấp II Xuân Hiệp, một buổi cắt cỏ nuôi bò. Lớp phải nuôi mấy đứa con đi học, lớp phải dành dụm cho thêm mấy đứa con đi làm nhà nước - lúc đó chỉ được mấy đồng lương ít ỏi - nên đồ đạc trong nhà dần đội nón ra đi.

Tôi nhớ cái ngày tôi cứ chảy nước mắt mãi khi má đem con búp bê của tôi ra chợ Thủ Đức bán buổi sáng thì buổi trưa gọi ông mua đồ dạo vào để bán cái ly thủy tinh đặt trên bàn thờ ba tôi mà khi sống ông vẫn dùng. Cứ thế ngày qua ngày, cho đến khi trong nhà không còn món gì để bán. Không còn bò, tôi bắt đầu bán báo dạo, được đồng nào là mua vài lon gạo, cho đến ngày tôi thi đậu vào Trường Trung học Thủ Đức.

Ngôi trường cách nhà gần tám cây số. Năm giờ tôi đã bắt đầu đi bộ đến trường. Những sáng cuối năm trời lạnh căm nhưng tới cổng trường áo tôi đã ướt đẫm mồ hôi, những buổi chiều mưa dầm ướt sũng nước. Chẳng mấy khi trong túi tôi có tiền, quần áo thì không có cái nào là không vá chằng vá chịt ở lưng áo. “Đói cho sạch, rách cho thơm” - má tôi luôn nhắc đi nhắc lại mỗi khi cả nhà quây quần bên nồi khoai bốc khói do má con tôi trồng.

Ngày ấy, tất cả khổ cực tôi đều chịu đựng được, nhưng có một điều tôi không thể chịu đựng được là ánh mắt thương hại của những người bạn trong lớp. Nhiều lần bạn bè đã ép tôi lên xe cho quá giang về đến gần nhà. Một cái ruột xe vá đi vá lại, vỏ xe bánh - ta - lông vẫn được khâu lại dùng nên ngồi ké xe bạn bè, dù ngồi trước hay sau, cũng là một cực hình với tôi. Trốn tránh bạn bè mãi - bằng cách đi học thật sớm và về thật trễ để không gặp ai - cũng không xong, mùa hè chuẩn bị lên lớp 11 tôi có một quyết định sai lầm là bỏ học !

Má tôi không nói gì. Thế nhưng má tôi hiểu hết. Mấy ngày sau má tôi đi đâu đó đem về một chiếc xe đạp màu xanh lá mạ, em tôi mới nói má đã xuống tiệm răng nhổ đi mấy chiếc răng vàng má làm từ lâu để lấy tiền mua xe cho tôi đi học. Tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào lòng vì biết má tôi đã đau đớn thế nào bởi khi đó làm gì có thuốc tê như bây giờ. Không có tiền trồng răng lại, miệng của má từ ngày đó móm hơn. Mỗi bữa ăn, nhìn má nhai cơm trệu trạo và khó nhọc, tôi nghe miệng mình đắng ngắt.

Từ đó, tôi cặm cụi học dù dầu thắp đèn hôm có hôm không. Chiếc xe đạp tôi tự sửa lấy mỗi khi hư và dùng nó đi mua gạo về bán. Lời thì ít mà hàng xóm mua thiếu mãi nên hết vốn. Tôi lại định buông xuôi. Thế nhưng nghĩ đến những chiếc răng vàng của má, tôi lại cố gắng vượt qua. Hết phổ thông rồi mấy năm ở trường ngân hàng và hơn 33 năm đi làm, tôi vẫn lấy câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” má vẫn thường nói để thẳng lưng đi tới.

Tôi không bao giờ có thể là tôi ngày hôm nay nếu không có những chiếc răng vàng mà má tôi phải chịu đau đến tận óc khi cạy lấy ra ngày đó.

Chia sẻ từ fb Đỗ Huỳnh Hoa

Theo Chuyện làng quê

An Lê

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-chiec-rang-vang-cua-ma-a10085.html