Thím tôi Phạm Ngân Hà (kỳ 1)

Xin được kể tiếp câu chuyện về thím tôi, một chuyện tình của một người dám yêu người lính. Nhất là dám yêu người lính Cụ Hồ, cực khổ hiểm nguy nào hay lúc nào sống chết.

ngan-ha-1643040583.jpg
Vườn hoa Con Cóc

 

Sự kiện thứ hai là việc chú tôi đến. Một hôm, cuối xuân đột nhiên trời trở lạnh. Mẹ bảo, đó là rét nàng Bân, đợt rét cuối cùng của năm. Ông chú ở vùng biên giới Lào Cai xa xôi chợt xuất hiện với hai giỏ đào Sa Pa. Những quả đào màu xanh mướt mắt với cái núm đo đỏ ngon lành đã được anh em tôi nhanh chóng đem chia cho lũ trẻ tập thể. Tất nhiên, không thể quên chia cho cô Hà yêu quý.

Cộng với vô số những tò mò và huyền thoại quanh chú bộ đội dong dỏng cao, rắn chắc, da rám nắng. Qua những câu chuyện của bố, mới biết chú đi bộ đội từ năm mười lăm tuổi, Giải phóng quân ba (III), ngay từ trước cách mạng tháng Tám. Chính chú là người đưa bố đến với cách mạng, đến với Giải phóng quân.

Còn trong mắt chúng tôi, chú là một cái gì lãng mạn, đáng kiêu hãnh lắm, còn hơn trên phim Liên Xô nữa. Và nghe nói, chú có cả một con ngựa mà chú đã cưỡi nó suốt trên con đường từ biên ải về Hà Nội nhận công tác. Mặc dù rất yêu quý và có phần hãnh diện về chú, song thực ra anh em tôi khi đó cũng nào biết gì về chú, ngoài việc chú là người chú duy nhất của chúng tôi, và chú là chú bộ đội.

Hồi ấy, do bị sơ nhiễm lao em thứ hai tôi phải về quê, làng Cói Thái Đường ở bên kia con sông Đuống đỏ sậm phù sa. Chính em là người đầu tiên được chứng kiến chú dùng súng ngắn quân dụng mà lại bắn rơi một con chim, ngay trước ngõ nhà, và tròn mắt “Anh bộ đội?” Chú bảo, “Sao lại anh. Chú là chú mày đây. Chú Kỷ.”

Rồi một bức ảnh trong an bom của cô bị mất. Sau mới biết, mẹ đã lén bóc gỡ bức ảnh ấy, đưa cho ông em chồng. Một cách để giới thiệu cô với chú. Không hiểu sao, mẹ tôi lại chọn cô, vì lúc ấy khu tập thể nhiều cô lắm, mà như cách nói của các chú ở đấy, cô nào cũng đẹp.

Ngoài cô Hà ra, theo tôi nhớ ít nhất trong khu tập thể còn có ba cô nữa, mà nói theo kiểu cụ Nguyễn Du, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Một là cô Hòa, da ngăm ngăm đen, mạnh khỏe, răng trắng lóa, lúc mới về vẫn thường mặc chiếc quần bộ đội bạc màu, chỗ ống quần có cái khuyết để cài khuy, thường thấy trong quần bộ đội. Tôi nhớ, cô suốt ngày vui vẻ ngâm, “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi.” Một câu thơ, mãi sau lớn hơn tôi mới biết, đó là thơ Tố Hữu, một nhà thơ nổi tiếng lắm.

Cô thứ hai, tự nhiên lại quên mất tên, song vẫn nhớ cái miệng hay cười, dáng người nhỏ nhắn, tròn tròn và da thì trắng ngần. Cô xinh lắm, xinh đến nỗi mỗi bữa ăn, các chú tre trẻ ở tập thể thường tranh nhau rửa bát cho cô.

Còn cô thứ ba, theo tôi còn xinh đẹp hơn. Cô tên Nguyên, đâu như người Thái Nguyên, da trắng hồng, dáng dong dỏng cao mang đậm vẻ đẹp miền sơn cước. Nghe các chú ở tập thể cãi nhau, người nói cô đẹp như nàng Kiều, người khen cô có vẻ đẹp của thần Vệ Nữ. Cô ít nói, hay e thẹn, mỗi tội tối nào cũng đi chơi rất khuya, bị nhiều cự nự. Sau mới biết, người dẫn cô đi là chú Lanh, một bạn của bố mẹ tôi. Đó là một bác sĩ rất đẹp trai, râu hầm hàm én.

Cô Hà cũng có nhiều người để ý, đặt vấn đề “tìm hiểu.” Một trong số đó là chú Soạn, một bác sĩ mới ra trường. Thường thấy chú đến nhà trẻ, nhỏ to kéo cô đi. Cô không chịu. Song chả biết bằng cách nào, mẹ tôi lại lôi được cô đi, chắp nối cho ông em chồng, chú Kỷ. Tôi nhớ một lần, mẹ dẫn chúng tôi và cô đi chơi. Rồi chả biết làm sao, chú đến và đưa cô vào vườn hoa Con Cóc, thầm thì trò chuyện. Chúng tôi chỉ lờ mờ thấy bóng hai người dưới ánh đèn. Tôi vẫn nhớ, lúc đó thấy chú như đang nói. Còn cô chỉ cúi đầu. Lặng lẽ nghe, tay vân vê cái gì đó. Khá lâu.

Mẹ con chúng tôi thì hình như túm tụm nhau ở mãi bên kia con đường trước cổng Bắc Bộ Phủ, bấy giờ còn những cây sấu thủng lỗ rõ to, chỗ ngang tầm người. Nghe nói, vệ quốc đoàn và tự vệ thành đã khoét những cái lỗ ấy để đặt mìn gôm chống xe tăng, từ hồi bắt đầu đánh Pháp, mùa đông năm 1946.

 

(Còn tiếp)

Theo Trái Tim Nguời Lính

Trịnh Xuân Tiến

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thim-toi-pham-ngan-ha-a10114.html