Nhà văn Đặng Thai Mai – Bố vợ của ba vị tướng

Giáo sư, Nhà nghiên cứu, Nhà văn Đặng Thai Mai (1902 - 1984), chẳng những là một học giả uyên thâm, một trí thức yêu nước, một nhà giáo mẫu mực mà còn là người cha của 6 giáo sư và phó giáo sư, bố vợ của ba vị Tướng lừng danh, là ông ngoại và ông nội của hàng chục tiến sĩ và cử nhân...

bo-vo-1643041527.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ phải sang) và Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ hai, từ phải sang).

 

Đặng Thai Mai là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông đã vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (1982); Giải A giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 (cuốn Hồi ký); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, 1996).

MỘT GIA ĐÌNH TRÍ THỨC MẪU MỰC

Quê ở làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Đặng Thai Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước: ông nội là Đặng Thai Mai đỗ cử nhân khai khoa, thường được dân trong vùng gọi kính cẩn là Cụ Huyện. Cụ đã khảng khái từ quan, về nhà dạy học và tìm cách “đánh Tây”. Thân sinh là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ Phó bảng, làm Đốc học, tham gia Duy Tân hội của Phan Bội Châu, bạn thân của các bậc chí sĩ như Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... Chú ruột là Đặng Thúc Hứa, đỗ tú tài đầu xứ, là người giao thiệp rộng, quen biết nhiều, từng giúp cụ Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du; cô ruột là Đặng Quỳnh Anh, lão thành cách mạng, từng hoạt động lâu năm tại Thái Lan...

Bởi cả gia đình đều tham gia kháng Pháp nên không tránh khỏi bị giặc trả thù, khủng bố; lên bảy tuổi, Đặng Thai Mai đã phải sống với bà nội, vì cha bị Pháp bắt đi đày. Lớn lên, chàng thanh niên Đặng Thai Mai đã hăng hái hoạt động xã hội từ rất sớm: Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, tham gia phong trào đòi “ân xá” cho Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, gia nhập đảng Tân Việt... Đặng Thai Mai làm giáo sư cho Trường Quốc học Huế. Khi đảng Tân Việt bị tan vỡ, ông bị Pháp kết án một năm án treo, rồi vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ mà bị tù ở Huế.

gs-dang-thai-mai-1643041575.jpg
Giáo sư, Nhà nghiên cứu, Nhà văn Đặng Thai Mai

Là người theo chủ nghĩa dân tộc, yêu nước và nhân văn, nhưng Đặng Thai Mai đã chuyển sang chủ nghĩa cộng sản rất tự nhiên như bao anh em, bạn bè cùng thời. Ông từng tham gia phong trào mặt trận bình dân, biên tập các báo tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương và là một rong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ... Thậm chí năm 1939 Đặng Thai Mai còn được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ.

Tuy nhiên, nhiều thế hệ học trò lại nhớ đến Đặng Thai Mai trong tư cách một giáo sư văn học, một nhà nghiên cứu xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, không phải vì ông từng đảm nhiệm những trọng trách như Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hay vì nhiều năm là Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam... mà là vì chính vốn kiến thức uyên bác của ông.

Đặng Thai Mai đến với văn học rất muộn. Tuy được học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Tây từ bé, lại ham đọc và nhớ rất nhiều thứ sách đông tây, kim cổ... nhưng khởi đầu Đặng Thai Mai không có ý định viết văn. Ông chỉ thực sự cầm bút vì sự đòi hỏi bức xúc của xã hội và yêu cầu của công việc tuyên truyền cho Cách mạng. Trong cuộc đời cầm bút, Đặng Thai Mai đã cho xuất bản tới mười bốn cuốn sách. Hầu hết chúng đều thuộc dạng tác phẩm nghiên cứu và “phổ biến tri thức”: Văn học khái luận, Triết học phổ thông, Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay, Giảng văn Chinh phụ ngâm, Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng, Lịch sử triết học phương Tây, Lịch sử văn học Trung Quốc, Văn thơ Phan Bội Châu và Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ Hai mươi... Đặc biệt là tác phẩm Trên đường học tập và nghiên cứu từng một thời được coi như loại sách “gối đầu giường” cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Đặng Thai Mai cũng là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên say mê dịch Lịch sử Triết học phương Tây, dịch Lỗ Tấn và Tào Ngu...

Về đời tư, Đặng Thai Mai lập gia đình năm 1926, vợ ông, bà Hồ Thị Toan là con gái cụ Hồ Phi Thống (một nhân sĩ yêu nước, tác giả của cuốn sách “Nhân đạo quyền hành”, rất nổi tiếng trước năm 1945). Ông bà sinh hạ được 6 người con, trong đó có 5 gái và 1 trai, tất cả đều có học hàm cao: Phó Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà (sinh năm 1928); Phó Giáo sư Văn học Pháp Đặng Thị Hạnh (sinh năm 1930), Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Văn học Việt Nam Đặng Thanh Lê (sinh năm 1932); Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn học phương Tây Đặng Anh Đào (sinh năm 1934); Nhà giáo Ưu tú Phó Giáo sư, kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng (sinh năm 1939) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sinh vật học Đặng Xuyến Như (sinh năm 1945).

Đặc biệt, trong bốn “chàng rể hiền” của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai, thì có đến ba người mang quân hàm tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư và Trung tướng Phạm Hồng Sơn.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (1911 - 2013): VỪA LÀ BẠN, VỪA LÀ RỂ TRƯỞNG

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 (kém Đặng Thai Mai chín tuổi). Trước khi có cuộc hôn nhân lịch sử, hai người vẫn coi nhau như bạn bè. Phần vì tuổi tác chẳng hơn kém nhau là mấy, phần vì họ cùng là đảng viên Tân Việt, cùng bị Pháp bắt giam năm 1930, ra tù họ lại cùng sống bằng nghề dạy học. Đặc biệt, năm 1935 Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám... cùng là sáng lập viên của Trường Tư thục Thăng Long nổi tiếng. Đấy là chưa nói đến trong những năm 1936 - 1939 họ cùng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, hăng hái biên tập, viết báo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, họ cùng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Trong Chính phủ, Đặng Thai Mai được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, còn Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ...

Cũng thời gian ấy, sau mấy năm xa cách gặp lại Đặng Bích Hà, con gái lớn của giáo sư Đặng Thai Mai đã lớn vổng lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Một tình cảm đẹp đã nảy nở giữa Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đó không chỉ là một tình yêu nam nữ đơn thuần mà còn là sự đồng cảm của những tâm hồn cao đẹp, những nhân cách văn hóa. Bởi thế, tình yêu của họ càng đẹp và lãng mạn hơn khi đã được thử thách và chín muồi trong cách mạng và kháng chiến.

Đám cưới của hai người đã được tổ chức giản dị và trang trọng trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và chia vui. Vợ chồng Võ Nguyên Giáp - Đặng Bích Hà sinh được 4 người con (2 trai và 2 gái), trong đó có nữ Tiến sĩ khoa học Vật lý Võ Hạnh Phúc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Liên tục hơn 30 năm (1946 - 1977), ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Ông là người được Nhà nước ta phong hàm Đại tướng đợt đầu tiên (1948).

HAI VỊ TƯỚNG GIỐNG NHAU HỌ VÀ TÊN ĐỆM, CÙNG LÀM RỂ HỌ ĐẶNG SAU CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Vị tướng con rể thứ hai của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai là Phạm Hồng Cư. Tên thực của ông là Lê Đỗ Nguyên, sinh năm 1926, quê ở Đông Cương, Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông cũng chính là một trong 3 người anh của nhân vật nữ (Lê Đỗ Thị Ninh) trong bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan (Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên và Lê Đỗ An).

Phạm Hồng Cư nhập ngũ tháng 9 năm 1945, được kết nạp vào Đảng năm 1947. Trưởng thành từ những ngày là Đội viên Tự vệ chiến đấu Cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội), Phạm Hồng Cư đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội ta từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh... Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Phạm Hồng Cư đã kết hôn với Đặng Thị Hạnh, con gái thứ hai của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai. Vợ chồng họ sinh được 2 trai và một gái. Các con của họ đều đã trưởng thành, được đào tạo rất cơ bản và hầu hết đang làm việc tại nước ngoài.

Những năm 1974-1978, Phạm Hồng Cư là Cục trưởng Cục Văn hóa, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó ông đảm nhiệm trọng trách Phó Chính uỷ, rồi Phó Tư lệnh, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Hai cho tới ngày nghỉ hưu. Phạm Hồng Cư được phong hàm Trung tướng năm 1988.

Vị tướng thứ ba, con rể của giáo sư nhà văn Đặng Thai Mai là Phạm Hồng Sơn. Ông tên thật là Phạm Thành Chính, sinh năm 1923 tại Hưng Khánh, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông là cháu ruột của liệt sĩ Phạm Hồng Thái - người đã dũng cảm hy sinh khi mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc-Lanh tại Sa Diện (Trung Quốc) năm 1925. Phạm Hồng Sơn nhập ngũ năm 1945, được phong hàm Trung tướng năm 1982. Tướng Phạm Hồng Sơn từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở nhiều mặt trận. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Những năm 1955 - 1959, ông làm Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn, tiếp đó là Cục phó Cục Khoa học Quân sự, rồi Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1967, ông được điều vào chiến trường miền Nam chỉ huy chiến dịch Đường Chín - Nam Lào, rồi Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên. Phạm Hồng Sơn còn được biết đến là một Phó Tiến sĩ khoa học quân sự... Những năm 1971 - 1975 ông từng đảm nhiệm trọng trách Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự, Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao...

Năm 1954, Phạm Hồng Sơn kết hôn với Đặng Anh Đào, con gái thứ tư của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai. Đám cưới của họ được tổ chức tại Thanh Hóa, trước ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Vợ chồng họ sinh được ba người con, thì hai từng là sĩ quan hải quân, một người là tiến sĩ toán học, cả ba đều tốt nghiệp tại Liên Xô cũ.

NHỮNG THẾ HỆ NỐI TIẾP NHAU VINH DỰ ĐƯỢC LẤY TÊN ĐẶT CHO ĐƯỜNG PHỐ

Qua điện thoại, Phó Giáo sư, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng, người con trai duy nhất của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai đã mời tôi đến thăm số nhà 30 Nguyễn Huy Tự (Hà Nội). Nơi đây, Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai đã sống và làm việc nhiều năm, cho tới những ngày cuối đời.

Trong một căn phòng nhỏ, rộng hai mươi nhăm mét vuông trên lầu hai, nơi được gia đình chọn đặt Phòng lưu niệm Đặng Thai Mai, Phó giáo sư, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng đã giới thiệu với tôi hàng trăm tư liệu quý chưa được công bố về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai.

Trong câu chuyện say sưa, kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng cho hay: Tên của cụ Đặng Nguyên Cẩn - ông nội của ông - đã được chọn để đặt cho một đường phố của Sài Gòn xưa. Ngày nay, phố Đặng Nguyên Cẩn thuộc Quận Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh. Còn thân phụ ông - Giáo sư, Nhà văn Đặng Mai Mai - cũng đã có tên trên một đường phố thuộc quận Tây Hồ của thủ đô Hà Nội, ở thành phố Vinh và cả ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thật hiếm có gia tộc nào mà hai cha con cùng vinh dự được đặt tên cho đường phố như trường hợp Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thai Mai.

Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng còn giới thiệu với chúng tôi một số tấm ảnh quý chụp gia đình người anh rể cả của ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với một niềm tự hào đặc biệt. Vâng, về vị tướng lừng danh “anh hùng của những anh hùng” này, chắc chắn tên ông không chỉ được đặt ở một nơi, Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào khi được đặt cho các đường phố của Việt Nam, mà còn mãi mãi được cả thế giới biết đến.

Theo TRái Tim Người Lính

"Văn sĩ tài danh" của nhà văn Đặng Vương Hưng - NXBCAND

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-van-dang-thai-mai-bo-vo-cua-ba-vi-tuong-a10116.html