Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 7.

Sau khi vào đại phủ, Vua Lê Chiêu Tông ngồi rồi, Mạc Đăng Dung và các quan theo nghi lễ vẫn đứng. Mạc Đăng Dung nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, hoàng thượng xa gia khó nhọc tới đây chắc là có việc quân quốc trọng sự?

Lê Chiêu Tông đáp:

-Khanh là bậc trung nghĩa ái quốc, công lao lớn đã dẹp được các thế lực đại thần chống đối để thiên hạ bình yên. Nay trẫm tới đây là để thăm phủ đệ của ái khanh. Thứ hai là để xứng công lao của khanh, nay phong thêm chức và giao thêm trọng trách cho khanh. Quan nội giám:

-Dạ, có thần.

-Tuyên chỉ.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

Đại thần Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung tiếp chỉ:

Mạc Đăng Dung, gia đình, gia tướng vội quỳ xuống. Nội quan giở bản lụa vàng và đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, xét công lao to lớn của Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung nay sắc phong cho chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Khâm thử. Niên hiệu Quang Thiệu năm thứ 6.”.

Mạc Đăng Dung giơ tay nhận chỉ và nói:

-Thần đa tạ hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông nói:

-Miễn Lễ, ái khanh đứng dậy đi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông nói tiếp:

-Còn công việc quan trọng sắp tới của khanh là dẹp tan lũ phản loạn Trần Cảo hiện còn hoành hành ở Kinh Bắc và Bắc Giang.

Mạc Đăng Dung đáp:

-Thần tuân chỉ.

chuyngkim1-1643122921.jpg
Tranh minh họa: Đại tướng Nguyễn Kim bề tôi trung thành của nhà Lê. Nguồn: Internet.

 

Lê Chiêu Tông liếc nhìn khuôn mặt của Mạc Đăng Dung khi được phong chức Thái phó không một chút vui mừng. Bộ mặt lì lợm thản nhiên như là điều đó thật quá nhỏ so với tham vọng của một quyền thần đắc thế. Lê Chiêu Tông thất vọng cáo biệt Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung cùng các anh em tùy tướng tiễn kiệu vua ra khỏi cổng phủ. Ngay chiều hôm đó, Mạc Đăng Dung họp bàn với các tướng về việc đánh dẹp loạn Trần Cảo.   Mạc Đăng Dung nói:

-Ta đã sai thám mã đi do thám về Trần Cảo và con là Trần Cung đã 10 ngày rồi mà không thấy về.

Chợt có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm Thái phó có thám mã muốn vào gặp.

-Cho vào.

Thám mã vào:

-Dạ bẩm Thái phó…

-Cứ nói đi.

-Dạ, sau lần bị Trần Chân đánh bại ở Bồ Đề, Trần Cảo rút về phía Bắc sông Minh Nguyệt, chiếm cứ miền Kinh Bắc. Sau đó Cảo truyền ngôi cho con là Trần Cung rồi xuống tóc đi tu và từ đó không thấy tung tích đâu nữa.

Mạc Đăng Dung hỏi:

-Thế còn Trần Cung?

-Dạ, Trần Cung chiếm cứ vùng Kinh Bắc và Thái Nguyên xưng hoàng đế, niên hiệu là Tuyên Hóa.

Mạc Đăng Dung ra lệnh:

-Tướng quân Mạc Quyết.

-Dạ có mạt tướng.

-Tướng quân đem 1 vạn quân đi tiên phong lên Thái Nguyên đánh Trần Cung.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Mạc Đăng Doanh, Mạc Đốc đâu?

-Dạ có mạt tướng.

-Mạc Đăng Doanh đi trung quân, Mạc Đốc đi hậu quân cùng tiến đánh Thái Nguyên.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tháng 8 năm 1521, dưới trời nắng như đổ lửa, 3 vạn quân Mạc rầm rộ tiến về Thái Nguyên đánh vào hành dinh của vua Tuyên Hóa Trần Cung. Đến Phổ Yên đã thấy Trần Cung dàn quân nghênh chiến. Quân Mạc Quyết bên tả, quân Mạc Đốc bên hữu sẵn sàng bao vây quân địch. Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh cưỡi ngựa đứng ở trung quân. Mạc Đăng Dung nói lớn:

-Thằng nhãi ranh phản loạn Trần Cung bảo bố mày là Trần Cảo ra đây chịu trói đi.

Trần Cung quát:

-Thằng giặc họ Mạc kia, mày đã giết hại bao nhiêu trung thần của nhà Lê, có ai ra bắt thằng giặc này đền tội không?

Trong hàng trận Trần Cung, em Trần Cung là Trần Chúc múa gươm xông ra. Mạc Đăng Dung bị mắng nổi giận, múa thanh đại đao nặng 37 cân nổi tiếng thúc ngựa màu đen xông ra. Chỉ 10 hiệp, Mạc Đăng Dung đưa đại đao qua cổ Trần Chúc, chiếc đầu đẫm máu văng xuống đất. Mạc Đăng Doanh thấy vậy hô lớn:

-Xông lên giết.

3 vạn quân Mạc Đăng Dung khép chặt vòng vây chém giết, gươm giáo chạm nhau tóe lửa, máu chảy đầu rơi. Quân Trần Cung đại bại, 2 vạn quân bị giết, thây chồng chất, máu chảy thành suối. Trần Cung mở đường máu phá vây cùng tàn quân chạy lên phía Bắc. Mạc Đăng Dung ra lệnh cho Mạc Quyết, Mạc Đốc truy kích đuổi cùng, diệt tận, cuối cùng bắt được Trần Cung ở Thất Nguyên (Thất Khê) Cao Bằng, đóng cũi đem về kinh sư và chém chết. Cuộc phản loạn của Trần Cảo, Trần Cung kéo dài từ thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, đến đời Lê Chiêu Tông hoàn toàn bị Mạc Đăng Dung tiêu diệt. Thanh thế của Mạc Đăng Dung chấn động thiên hạ. Triều đình lúc này hoàn toàn nằm trong tay Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung tiếp tục củng cố thế lực vây cánh, chuẩn bị cho việc soán ngôi nhà Lê. Qua mai mối, Dung kết thông gia với quan thượng thư bộ lễ Phạm Gia Mô. Dung cho em rể là Quỳnh Khê Hầu làm hữu Đô đốc trấn giữ Sơn Tây, giữ vị trí xung yếu phía Tây kinh thành, sai em là Mạc Quyết chỉ huy đạo binh túc vệ, sai con là Mạc Đăng Doanh coi giữ điện Kim Quang để giám sát vua Lê Chiêu Tông. Dung còn đưa vào cung một mỹ nhân cho nhà vua để dò la tin tức, nhất cử nhất động của vua Lê Chiêu Tông và thân tín. Trước tình hình đó, một số thượng thư như Trình Chí, Nguyễn Thì Nuy… đã ngả theo Mạc Đăng Dung. Năm 1522 đại thần Lê Bá Hiếu đã dấy quân chống lại Mạc Đăng Dung ở Đông Ngàn, Gia Lâm. Dung đem quân đánh dẹp. Vài nghìn quân bản bộ của Lê Bá Hiếu không chống lại được 2 vạn quân chính quy của Mạc Đăng Dung. Chỉ một buổi sáng, lực lượng Lê Bá Hiếu bị đánh tan. Lê Bá Hiếu bị bắt và bị chém đầu. Một số quan chức của triều đình tỏ ý chống đối, Dung ra tay sát hại không thương tiếc như Dung giết thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn Bá, Nguyễn Thọ, Đàm Cử và nhiều quan viên của triều đình. Khi đó Mạc Đăng Dung đi kiệu thì trang trí long phượng dát vàng, đi thuyền thì thuyền rồng không kém gì nghi vệ của một hoàng đế.

Vào một đêm khuya, có mấy người lính thị vệ đi tuần, sau đó họ lẻn vào mật cung của vua Lê Chiêu Tông. Sau khi họ bỏ trang phục ngự lâm thì đó là đại thần Nguyễn Kim, Lại Thế Vinh, Trịnh Công Năng và một số người khác. Họ cải trang để tránh con mắt nhòm ngó của bọn mật thám đầy trong triều của Mạc Đăng Dung, kể cả nơi hậu cung của Vua. Chưa có vị vua nào mà khốn khổ như Lê Chiêu Tông. Tai mắt của quyền thần soi đến tận long sàng của vua. Nguyễn Kim, Lại Thế Vinh, Trịnh Công Năng và các đại thần quỳ hành lễ Lê Chiêu Tông. Lê Chiêu Tông nói rất khẽ:

-Miễn lễ, các ái khanh đứng dậy cả đi.

-Đa tạ hoàng thượng.

Vua Lê Chiêu Tông gọi thị nữ đem lên khay trà. Vài ngọn đèn dầu lạc trong những bát đồng tỏa ra ánh sáng vàng khè yếu ớt, vua cùng các đại thần uống trà. Một lát vua cho các thị nữ ra ngoài, đóng cửa và nói:

-Mạc Đăng Dung đưa các anh em và tay chân thân tín nắm hết các chức vụ trọng yếu trong triều đình, giết hại nhiều đại thần chống đối. Nay thiên hạ nhà Lê sắp mất vào tay nhà Mạc đã rõ. Trẫm bây giờ cũng như cá nằm trên thớt, như chim trong lồng. Các khanh có kế sách gì cứu vãn được ngai vàng và giang sơn nhà Lê Không?

Lại Thế Vinh nói:

-Hoàng thượng phải cải trang và trong đêm tối trốn về Sơn Tây, ra lời hiệu triệu cần vương, huy động lực lượng địa phương các trấn thì mới có thể đánh bại Mạc Đăng Dung, cứu vãn ngai vàng và giang sơn nhà Lê.

Lê Chiêu Tông hỏi Nguyễn Kim:

-Ái khanh thấy thế nào?

Nguyễn Kim đáp:

-Tâu hoàng thượng, trong tình thế hiện nay, chỉ còn cách như đại nhân Lại Thế Vinh nói mà thôi.

Vua Lê Chiêu Tông nói:

-Ta trốn đi nhưng phải mang theo hoàng thái hậu và em ta là Lê Xuân đi cùng, nếu ở lại tính mệnh sẽ rất nguy hiểm.

Trịnh Công Năng nói:

-Nếu báo cho thái hậu và điện hạ Lê Xuân công việc có thể bị bại lộ. Vả lại lúc này Mạc Đăng Dung chưa có gan giết thái hậu và điện hạ đâu.

Lê Chiêu Tông buồn thảm nói:

-Thôi cũng đành như vậy thôi.

Vào tối hôm 27 tháng 7 năm 1522, như thường lệ chiếc xe chở thực phẩm cho vua vẫn đi vào cung điện, sau đó đi vào nhà bếp hoàng gia, sau khi dỡ rau, thịt, thực phẩm và hoa quả, xe lại được bịt kín và dời đi trước con mắt nhìn ngó của quân túc vệ của Mạc Quyết và quân canh giữ điện Kim Quang của Mạc Đăng Doanh. Một tên lính chặn xe:

-Dừng xe, xuống xe để khám xét.

Người đánh xe ngựa nói:

-Dạ bẩm quan, xe chở thực phẩm cho nhà bếp hoàng gia, vừa mới vào chỉ nửa canh giờ, xuất hết thực phẩm cho nhà bếp, bây giờ quay ra.

Tên chỉ huy bảo:

-Xe này chở thực phẩm cho hoàng thượng, vừa khám rồi, đi đi.

-Dạ, tạ ơn quan chỉ huy.

Chiếc xe ra khỏi tử cấm thành, hoàng thành và cuối cùng ra khỏi kinh thành và chạy một mạch lên Sơn Tây. Khi đến vùng Minh Nghĩa, Sơn Tây xe dừng lại, bọn người vội vã lên xe lôi đủ các thứ bao tải, sọt tre và đỡ một người nằm dưới sàn xe dậy. Một người nói:

-Để hoàng thượng khổ cực thế này tội chúng thần đáng muôn chết.

Người được giấu dưới sàn xe chính là vua Lê Chiêu Tông. Chuyến đi trót lọt như vậy là nhờ sự giúp đỡ của Phạm Hiền, Phạm Thứ. Khi Lê chiêu Tông bước xuống xe thì các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú phủ phục dưới đất và nói:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, xa giá khổ cực long đong, tội các hạ thần đáng muốn chết.

Lê Chiêu Tông mệt mỏi nói:

-Các ái khanh đứng dậy đi, xa giá long đong vất vả tội ở thần quyền nghịch đạo, không phải lỗi ở các khanh. Đa tạ các khanh đã hộ giá.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-6-a10148.html