‘Mùi cỏ cháy’ – Bi hùng ca về Thành cổ 1972

“Không ngờ, cái sông Thạch Hãn này lại nuốt của chúng ta nhiều người đến vậy”.

272203971-10227930222147200-7518517906457502297-n-1643125383.jpg
Ảnh minh họa

 

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…”

Từng giành giải “Cánh diều vàng” năm 2011, "Mùi cỏ cháy" là bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Bộ phim được giới phê bình cả trong lẫn ngoài nước đánh giá cao khi khắc họa lại chân thực và sống động hình ảnh trận chiến tại thành cổ Quảng Trị năm 1972, nơi biết bao thanh niên đã nằm xuống để đổi lấy hòa bình ngày hôm nay. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện nhập ngũ và chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị của bốn chàng sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long.

Sau 81 ngày đêm ác liệt tại Thành cổ, Thành, Thăng, Long đã ngã xuống, chỉ còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim là dòng hồi ức của Hoàng, khi ông đã già và về thăm lại chiến trường năm xưa.

Mở đầu bộ phim, ta thấy những anh thanh niên chỉ mười tám, đôi mươi sẵn sàng gác lại việc học tập, lên đường nhập ngũ giải phóng miền Nam. Họ mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ và cả sự ngây thơ, hồn nhiên - những điều vô cùng giản dị mà ai cũng từng trải qua. Song, những cảm xúc ban đầu này nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho tinh thần quyết tâm chiến đấu và nỗ lực hết mình. Nhưng bên cạnh đó, ta vẫn có thể thấy được những nỗi buồn man mác, khi những đồng đội, bạn bè lần lượt ra đi không lời từ biệt. Vượt lên trên hết, họ là minh chứng cho một thế hệ đã sẵn sàng xả thân vì tự do, độc lập ngày hôm nay.

“Không ngờ, cái sông Thạch Hãn này lại nuốt của chúng ta nhiều người đến vậy”.

Là con sông bắt buộc phải vượt qua để tiến vào thành cổ, Thạch Hãn là thử thách đầu tiên nhưng cũng khó khăn nhất của người lính trong trận chiến. Sông Thạch Hãn cùng Thành cổ Quảng Trị được gọi là sự song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Suốt 81 ngày đêm ác liệt tại Thành cổ, con sông với vị trí chiến lược quân sự trở thành con đường tiếp tế nhân lực, vũ khí cho mặt trận Quảng Trị. Chính vì thế, Mỹ - Ngụy điên cuồng ném bom bắn phá, tiêu diệt người lính khi chưa kịp chạm mặt quân thù. Báo chí phương Tây bấy giờ so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Cũng bởi vậy, để vượt qua con sông này là thử thách không hề nhỏ với những người lính đa số mới chỉ bước qua tuổi đôi mươi. Nhiều người thậm chí chưa kịp tham gia chiến đấu phút nào trên chiến trường ác liệt mà phải bỏ lại nắm xương tàn dưới lòng sông lạnh lẽo. Dù biết con đường phía trước chỉ toàn mưa bom bão đạn nhưng những người chiến sĩ vẫn giữ lòng vững chắc đi qua vì một mai thống nhất nước nhà. Những người lính đã đi xa, nhưng linh hồn của các anh vẫn còn “mãi ngàn năm”, vẫn còn mãi như “sóng nước” dạt dào xô bờ trên dòng sông “yên bờ bãi”. Sông Thạch Hãn, dòng sông thiêng liêng, là nhân chứng lịch sử đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những người lính kiên cường đất Việt.

Vượt qua sông Thạch Hãn mới chỉ là thử thách đầu tiên của những tân binh khi đến thành cổ. Tại đây, cuộc chiến giữa ta và địch vô cùng cam go, ác liệt. Đại đội của bốn nhân vật đến đúng 2 tháng quân ta giữ được thành cổ, là giai đoạn khốc liệt nhất của trận chiến. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Với ý chí “còn người, còn trận địa,” đại đội của nhân vật Hoàng cùng các lực lượng bạn, đã ngăn chặn thành công ý đồ chụp ảnh cờ nhằm mang ý nghĩa tuyên truyền, đem lại lợi thế lớn cho ta trên bàn đàm phán.

Sang tháng 9, chiến sự trong thị xã và Thành cổ lên tới đỉnh điểm. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng dãy nhà, từng mảng tường đổ nát của thành cổ. Chiến tuyến hai bên có khi chỉ các nhau 5-7 mét. Hàng ngày, các chiến sĩ của ta phải chịu những trận oanh tạc từ phi cơ và đạn pháo của địch. Con số thương vong mỗi ngày vô cùng lớn, chi viện và cáng chở thương binh không thể qua sông, đạn dược thuốc men cạn kiệt. Điều kiện thời tiết vô cùng xấu, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã và Thành cổ ngập trong nước. Suốt nhiều ngày liền bộ đội ta phải ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã, bắn dè sẻn từng viên đạn trước hỏa lực khủng khiếp của quân thù nhằm san bằng thành cổ.

Khó khăn, thương vong là không kể xiết, tuy vậy các chiến sĩ quyết không rời bỏ trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chả vậy mà báo Quân đội Nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết: “Mỗi mét vuông đất các chiến sĩ ta giành được ở Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Song sự hi sinh đó không hề vô ích khi với việc giữ được thành cổ đến 16/9, ta đã có được lợi thế trên bàn đàm phán tại Pari và cuối cùng buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari với các điều khoản có lợi cho công cuộc giải phóng đất nước.

Sau tất cả, lời tiên tri về thắng lợi cuối cùng của Thăng “Tháng 4/1975 sẽ trả lời cho bạn hạnh phúc là gì!" đã thành sự thật. Nhưng để tới được ngày đó, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống tại khắp mọi miền Tổ quốc. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị gắn liền với sông Thạch Hãn đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Sau này, cựu chiến binh Lê Bá Dương, với tất cả tình yêu thương dành cho đồng đội, đã viết nên bài thơ:

"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Còn tuổi 20 thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

Trái Tim Người Lính

Nguyễn Cúc (Theo HE_CSP)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mui-co-chay-bi-hung-ca-ve-thanh-co-1972-a10149.html