Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 2)

Xin được kể tiếp câu chuyện về người thím duy nhất tôi từng có, người dám yêu và đã sống trọn đời cùng một người lính Cụ Hồ.

bat-pho-1643208414.jpg
Bát phở tái của Hà thành hôm nay. Ảnh Tuệ Phong

 

Hôm ấy, hình như cô vừa từ nơi sơ tán, tận Tuyên Quang, về Hà thành. Đấy là nơi cô một nách ba con, chồng xa, một mình vừa làm việc, vừa nuôi con. Phải nói, xa Hà Nội nghĩa là cửa nhà tạm bợ, là không có điện, nước tự ra giếng hoặc ra sông lấy. Xa Hà Nội, nhất là xa lần đầu, còn có nghĩa là ngã nước, lớn bé đều hắc lào, chấy rận và nhất là ghẻ kềnh ghẻ càng. Tôi đã ngấm điều đó ngay từ khi cùng mẹ sống ở ATK, thời chống Pháp. Cũng trên đất thành Tuyên. Giờ đến lượt cô và mấy đứa em lít nhít, con cô chú.

Từng nghe chú kể, hồi trước cách mạng, khi còn là lính Giải phóng quân ở Tam Đảo chú đã bị ghẻ, ngón tay sưng tấy lên đến mức, bóp cò súng không nổi. Sau mới biết, ai xa nhà lần đầu, nhất là lên mạn ngược, đều bị thế cả. Về sau, tự nhiên khắc khỏi. Thậm chí không thèm bị lại lần nào. Người nhẵn như trứng. Có lần, nghe chú đùa đùa, “Chấy rận, ghẻ lở, hắc lào, sốt rét, ngã nước… í à. Đấy là cái giá đầu đời, là bài học vỡ lòng cho những kẻ thích lãng du.” Chắc để chọc ông cháu, đang yên đang lành lại hoắng lên, đi bộ đội. Nhưng cô và ba em tôi đâu phải những người thích phiêu lãng.

Đến thời đánh Mĩ thì cái khó cái khổ chắc chắn đã đỡ hơn nhiều so với hồi chín năm. Song thức ăn, đồ dùng, và cả đến miếng xà phòng, cái gì cũng thiếu. Đường sữa thì quên đi. Dành cho trẻ lúc ươn mình còn chưa đủ. Cô về hôm ấy, có nhẽ chỉ là để quáng quàng đi mua ít lương thực thực phẩm, theo tem phiếu, và vài thứ đồ nhu yếu cho mấy mẹ con nơi sơ tán. Nào dám mong gặp chồng. Vì thế, gặp chú thì cứ đi ăn phở cái đã. Mọi chuyện bỏ đấy, tính sau.

Về sau, tôi cũng không có dịp hỏi, hôm ấy có tìm được hàng phở ngon chăng. Lúc bấy giờ, khắp nơi chỉ toàn phở thịt lợn, hoặc thậm chí không thịt, gọi là thứ phở “không người lái.” Chỉ Hà Nội may ra còn có hàng phở gọi là tử tế. Mà có nhẽ cũng chỉ phở gà. Chỗ gần ga mới có. Ga là cái tên tắt dân Hà Nội đã quen mồm để chỉ Ga Hà Nội. Còn phở bò thì đừng mơ. Dạo ấy và mãi sau này, nhà nước còn cấm thịt trâu bò, nghe nói, để bảo vệ sức kéo.

Sau mới biết, bữa phở ấy cô chú ăn với nhau khi chú vừa ở chiến trường Quảng Trị ra. Hút chết. Trước đấy Cục Quân huấn thí điểm tổ chức huấn luyện một đơn vị chiến đấu “kiểu mới.” Cán bộ khung toàn lính cũ, quen trận mạc. Cán bộ khung ra Bắc tự tuyển quân lấy. Cả lính lẫn quan đều được huấn luyện, tập tành chiến kĩ thuật chu đáo, bài bản, vào là đánh được ngay. Độc lập tác chiến.

Tiểu đoàn đã vào Quảng Trị, lừa miếng nhử ra, đánh cho quân Mĩ những đòn tiêu diệt đau điếng. Mĩ không làm gì được, cay lắm, cho máy bay và trực thăng dòm dỏ khắp nơi, tìm mọi cách trả đũa. Vì thế, trên đường rút ra Bắc, đơn vị chú bị dính B-52. Chú bị cành cây quật xuống lưng, hàng chục năm sau vẫn đau. Dáng đi từ đó cứ khom khom. Thế mà còn cười, bảo “May đấy. Có cái ba lô nó đỡ cho.” Chuyện ấy, mãi sau qua anh em cùng đơn vị chú, cô mới biết.

Cũng phải nói thêm, không phải lúc nào cô chú cũng được gặp nhau ở Hà Nội. Con cái ở cả trên Tuyên, cô về quáng quàng mua sắm, rồi vội ngược. Còn chú, nhiều khi về không thấy ai có nhà, thế là mò sang ông anh, bố tôi, lúc đó nhà còn ở ngay ven đê, có khung cửa sổ bọc sắt tây to tướng, nhìn thẳng ra con sông Hồng lộng gió. Và nào phải bao giờ cũng gặp anh. Bố tôi cũng đi sơ tán. Lắm khi tận Thái Nguyên.

Lần ấy may quá, chú về đúng lúc mẹ tôi đang ở nhà, bụng chửa vượt mặt. Được chị dâu nấu cho một bát mì sợi. Thời đó ta được viện trợ bột mì nhiều, song lấy đâu ra có đồ làm ra mì sợi. Cơ quan, đoàn thể toàn diễn bánh bao tự ủ, tự làm. Thậm chí cứng đanh, đùa là bánh nắp hầm, ném chó chó chết. Các gia đình phần nhiều tự cán lấy mì sợi. Gọi là mì sợi tươi. Đâu có chuyện hấp, hay xấy lên trong lò như mì ăn liền sau này. Vật để cán thường là một cái chai thủy tinh. Mì sợi “nhà nước” được coi là một món ăn cao cấp, thậm chí là xa xỉ.

Được bữa ngon, dù chỉ mì sợi không với chút cà chua, hành lá. Ấm bụng hẳn. Song bù vào đó, rạng sáng sau, chú phải tức tốc đạp xe chở mẹ tôi và đứa em trong bụng vào nhà hộ sinh, đâu như là Hộ sinh A. Theo em thứ ba tôi kể lại, đấy là nơi mẹ sinh em út, chót lòng, đặt tên là Hải Bằng. Kém tôi, đứa đầu, gần hai chục tuổi. Lại trai. Mặc dù mẹ hằng mong, và tính toán (theo lịch Càn Long cẩn thận) là gái. Đứa con gái chấy rận.

Còn chú, lần ấy chắc lại không gặp cô. Và tất nhiên, cũng chả gặp đứa con nào.

(Còn tiếp)

Trái Tim Người Lính

Trịnh Xuân Tiến

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thim-toi-pham-ngan-ha-tiep-theo-a10169.html