Nghề hậu đài

Gánh hát cải lương nào muốn hát suôn sẻ cũng phải nhờ tới giàn hậu đài. Có một giàn hậu đài giỏi thì Bầu gánh xem như khỏe re khỏi phải lo gì hết. Tùy theo tuồng mà trưởng hậu đài sắp xếp từ A tới z, những cái nhỏ nhặt như trên sân khấu như kêu quân thì hậu đài phải dạ.

272105280-2985522075043747-3041044909187676907-n-1643270574.jpg

- Truyền mang ngự tửu thì phải có cái bình xứng tầm của ông vua.

- Truyền "Tam nguyên triều điển" thì phải biết phải chuẩn bị mang ra 3 thước vải lụa, một ly thuốc độc và một con dao.

- Truyền Tấn binh thì phải có gươm lệnh , cờ lệnh, tiếng hò reo ngựa hí vang trời.

- Tuồng nào có bao nhiêu màn phải nhớ mà dọn cảnh, lỡ mà đến màn cảnh đền vua mà dọn cảnh rừng là trốn luôn.

- Tuồng dã sử kiếm hiệp thì lúc đánh nhau bằng côn, kiếm, đao thương... nhưng nếu hát tuồng dã sử đường rừng thì khi đánh nhau phải đánh bằng dao găm, mã tấu, búa hay rìu... hậu đài giỏi thì sẽ điều động đủ thứ hết chưa kể những đoàn chuyên về đánh kiếm đấu chưởng, đấu phép đu bay khói lửa thì trưởng hậu đài còn vất vả hơn nhiều. Ai nghe cũng có thể bật cười và nghĩ:

- Làm quân sỹ có gì mà khó nhỉ?

Nhưng ngày xưa vẫn có nhiều hậu đài giỏi đủ sức để mạnh dạn nói chuyện lương hợp đồng với Bầu gánh. mà muốn rước hậu đài giỏi nhiều khi khó hơn rước kép chánh. Ai đã từng theo cải lương ở miền tây thập niên 80 đều phải biết tiếng của Quý Hậu đài (anh ruột của Quý xù một tay trống nổi tiếng trong giới chơi nhạc trẻ từ Sài gòn đến các tỉnh). Đoàn nào hợp đồng được Quý Hậu đài không phải là chuyện dễ bởi vì tiền lương, tiền xe, tiền cho mượn trước phải đủ hết... và khi tiền lương trả không đúng hợp đồng ngày mai sẽ không ai còn thấy anh ấy trong đoàn. (Bây giờ Quý Hậu đài nằm một góc nhỏ ở nghĩa trang Long Xuyên).

Thằng Ở con trai của nhạc sỹ khiếm thị là anh Mù Khẩu ở chợ Đông An - Long Xuyên cũng là một hậu đài giỏi. Ở theo đoàn hát từ khi còn nhỏ xíu và dĩ nhiên cũng không được học hành gì nhưng tuồng nào nó cũng thuộc lòng, khi thiếu người vai nào nó cũng hát được, tuy không hay nhưng cũng không ai chê. Cái đặc biệt của nó là khi gánh hát có mấy tên uống rượu say quậy phá cả đoàn ai cũng năn nỉ chỉ có nó là làm thinh rồi lẻn đi mất mà không ai biết nó đi đâu. Hôm sau là nghe tin cái tên quậy gánh hát bị ai đó đánh nâu con mắt. Thì ra nó lẻn đi đón đánh cái thằng quậy khi trên đường về gần tới nhà nên đâu ai biết? Mà thằng uống rượu say xàm xàm bị đánh thì biết ai đánh? Mà nó chỉ đánh vô con mắt nên mấy hôm sau anh chàng bị đánh đâu có dám ra đường vì mắc cỡ. Tạm gọi nghề Hậu đài ngoài chuyện đảm nhiệm cất ráp sân khấu tối còn làm quân sỹ, có hai loại quân là quân báo và quân câm. (Quân báo là quân chạy ra thông báo một câu thoại đại loại như:

- Muôn tâu bệ hạ có quan tân trạng xin vào yến kiến long nhan.

Hay:

- Bẩm đại soái giặc đã tấn công vào 4 mặt thành, xin Đại soái truyền lệnh tấn công.

Câu thoại không dài nhưng không phải Hậu đài nào cũng nói được. Vì vậy quân báo tiền sẽ cao hơn quân câm.

Có không ít nghệ sỹ Tài danh xưa cũng theo gánh hát làm quân sỹ, nhờ ca nghêu ngao và tình cờ được phát hiện và lăng xê lên hát kép chánh. Xưa ở An Giang có đoàn Sân khấu mới Minh Kỳ của bầu Thanh Giang (Bầu Quới), Minh Kỳ là kép trẻ thời đó cùng với Châu Phương Tùng được bà con vùng An Giang rất mến mộ. Sau khi Thanh Giang dẹp đoàn hát chuyển ra Sông Bé thì Minh Kỳ cũng đi ra nước ngoài. Bà con vùng An Giang vẫn mong gặp Minh Kỳ để xem anh hát nhưng chuyện Minh Kỳ đi vượt biên thì ít người biết. Đến năm 1985, đoàn hát Vàm cỏ Long An của chú Mười Ngân về hát ở Châu đốc, chú đang rầu rỉ vì chú nghĩ đoàn hát chú đang khủng hoảng lực lượng cho nên nếu hát ở rạp chắc chỉ một đêm là không có ai đến xem nữa vì trong đoàn chỉ còn mấy người không tên tuổi. Bỗng từ trong rạp anh chàng "hai lúa" ham hát nhà ở Định Hòa Đồng tháp tên Kỳ vừa xin theo đoàn làm Hậu đài cất lên câu vọng cổ dây xề với làn hơi thẳng rang cao vút làm chú Mười nổi gai ốc.. Chú nghĩ thầm:

- Trời ơi, thằng này nó ca câu vọng cổ hơn 100 chữ như vầy thì đâu có thua gì Châu Thanh? Cho nó hát kép chánh là mình hốt bạc.

Chú Mười liền tới vỗ vai:

- Chú sẽ cho mày hát kép chánh. Bắt đầu từ hôm nay mày sẽ là nghệ sỹ Minh Kỳ. Ai hỏi mày quê ở đâu mày nói mày là nghệ sỹ Minh Kỳ nhà ở Sài Gòn hen.

Thế là loa phóng thanh oang oang thông báo tối nay trên sân khấu đoàn cải lương Vàm cỏ có mặt nghệ sỹ Minh Kỳ, tấm băng rol cũng được cấp tốc vẽ tên và treo trước cửa rạp hát, suốt buổi chiều cả đoàn vừa ráp tuồng lại phải bẻ tay bẻ chân giấu bớt cái bộ tịch Hai lúa để làm Hoàng tử... Tối đêm đó đoàn Bầu Ngân thắng lớn vì khán giả đến xem đầy rạp. Lúc nghe Minh Kỳ ca vọng cổ câu: Em ơi dốc núi đường xa dặm ngàn gió núi... câu vọng cổ dài thậm thược nín thở 4 lần vẫn chưa hết hơi nên ai cũng vỗ tay. Mà chuyện Minh Kỳ thiệt đi vượt biên đâu có ai biết nên làm gì có ai phát hiện chuyện thiệt hay giả? Và mặt mũi Minh Kỳ tròn méo ra sao ai mà nhớ trong khi đoàn Vàm cỏ là đoàn cấp Tỉnh thì chắc không phải là giả mạo rồi. Từ đó Minh Kỳ được hát kép chánh nhưng lãnh lương cao hơn hậu đài một chút.

Anh Ba Thọ là người có công hợp đồng đưa Minh kỳ về hát chánh cho đoàn Hương Bình của Bầu Sỹ Phú với tiền lương cao ngất ngưởng, cộng với thời điểm 1987 đoàn Hương Bình tăng cường nghệ sỹ Linh Huệ cũng là đào hơi dài nên khi hát cặp với LH tên tuổi Minh Kỳ càng được bà con mến mộ hơn. Lương cao, được nhiều người mến mộ nên vợ chồng anh chia tay... Bây giờ nghe nói Minh Kỳ vẫn còn theo nghệ thuật cải lương ở tỉnh Trà Vinh. Đó là trường hợp cá biệt, có người theo cải lương mấy chục năm nhưng bây giờ vẫn chưa ca tròn câu vọng cổ. Các bạn biết là ai không nhỉ./.

 

Chuyện quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-hau-dai-a10180.html