Thương lắm hoa quê ơi!

Khi sống xa quê hương, tôi bỗng thấy nhớ rất nhiều thứ: nhớ bầu trời trong xanh với những đám mây trắng bay chầm chậm, nhớ những hàng cây xanh ríu rít tiếng chim hót đang xòe tán lá để che bóng mát những con đường làng gồ ghề bụi đất vào những trưa hè nóng nực, nhớ dòng sông quê hương lững lờ chảy uốn lượn qua làng với tiếng hò khoan nhặt của ai đó đang loang xa trên sông.

271899715-4817733271605884-3571415788823737048-n-1643271894.jpg
Ảnh minh họa

Tôi vẫn còn nhớ cả những cây hoa dại, tưởng như "vô tri, vô giác" nhưng cũng có tâm hồn của thiên nhiên. Một buổi chiều hay một buổi sớm tinh mơ ở làng quê êm đềm, tinh khiết, cuộc sống không ồn ào như chốn phố thị, tôi một mình đi tha thẩn trên con đường làng thân quen. Sau nhiều năm xa cách, cảnh vật nơi đây, vừa rất quen thuộc lại vừa như có vẻ khá xa lạ với tôi. Cái cổng làng bằng gạch cũ kỹ đã rêu phong, trầm mặc đứng im chờ những bước chân những người trong làng đi qua. Không biết ai trong số những người đi qua cổng làng tôi, có ai sẽ rất lâu mới quay trở lại như tôi không? Chỉ biết rằng cổng làng là vật cuối cùng mà ta ngoảnh lại nhìn lưu luyến khi ra đi và cũng lại là vật đầu tiên ta bồi hồi, xúc động nhìn thấy khi trở về, sau những tháng ngày đằng đẵng xa quê.

Trước nhà tôi có cây Đào cổ thụ, ông tôi đã trồng cách đây nhiều năm rồi! Cứ đúng dịp Tết là cây Đào nở rất nhiều hoa. Những bông hoa phơn phớt hồng, mềm mại mại như làn môi thiếu nữ xuân thì. Hoa Đào là biểu tượng của mùa Xuân, biểu trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tình bạn thân thiết và tình yêu. Ông tôi đã đi xa nhưng cây Đào vẫn còn đó để khi Tết đến, Xuân về, nở hoa khoe sắc hồng tươi làm đẹp một góc sân nhà tôi.

Sau những cơn mưa phùn của tháng Giêng, tháng Hai, nếu ai nhìn kỹ, sẽ chợt thấy cây cối như xanh tươi hơn, long lanh hơn và những cây cỏ dại dưới chân mình đọng lại những giọt mưa trong vắt và long lanh như được đính bằng những hạt cườm pha lê. Kia là những bông hoa trinh nữ bên đường, mà dân gian còn gọi là hoa Xấu hổ hay hoa Mắc cỡ với màu hoa phơn phớt hồng dịu dàng. Bông hoa tròn mềm giống như viên bi trẻ con hay chơi. Lá cây trinh nữ giống như thiếu nữ thôn quê ngày xưa, e ấp cụp lại khi có ai đó vô tình chạm vào. Nhìn vẻ e lệ của cây trinh nữ, nhiều người tưởng rằng hoa rất yếu đuối nhưng thực ra hoa cũng biết tự bảo vệ bản thân theo cách riêng. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi sỗ sàng chạm vào vào một cành hoa trinh nữ và phải giật mình rụt tay lại vì dưới lớp lá đã khép lại kia có hàng gai sắc nhọn châm vào da thịt tôi rớm máu.

Những con đường mòn ở quê tôi cũng mọc rất nhiều cây cỏ may. Những bông hoa cỏ may có chứa hạt giống nhỏ bé bên trong, luôn đợi sẵn hai bên đường để níu chân người đi qua để nhờ người ta mang đi vài hạt cây đi đến nơi xa để mọc thành cây cỏ may. Cây cỏ may mới mọc lại ung dung đung đưa trong gió chờ những bước chân người qua để tiếp tục âm thầm gửi những hạt giống cỏ may găm vào quần những người khách bộ hành xa lạ.

Màu tím hoa sim lại gợi nhớ nhiều cho ta về những ngày thơ ấu bên bạn bè. Màu hoa sim nhuộm tím cả một ngọn đồi, một triền đê hay chỉ là một góc vườn quê nào đó. Trong những chiều ta vui chơi bên bạn bè. Có ai đó đã từng hái đầy cả nón quả sim chín ngọt lịm để cả lũ cùng nhau ăn đến khi tím ngắt môi cười. Có ai đó đã từng mộng mơ ép cánh hoa sim tím trong cuốn sổ tay học trò, với mong muốn nhờ cánh hoa lưu giữ hộ nhiều ước mơ và kỷ niệm thơ ngây của ngày xưa ấy.

271939875-4817733208272557-2821741440888748578-n-1643271894.jpg
Ảnh minh họa

Quê tôi có rất nhiều những đồi sim bát ngát là bối cảnh cho bài thơ "Màu tím hoa sim" của cố thi sĩ Hữu Loan. Hoa sim đã nhuộm tím bài thơ khóc người vợ còn quá trẻ đã mất đột ngột của nhà thơ - người lính xứ Thanh có cuộc đời nhiều thăng trầm và khổ đau. Màu tím hoa sim miên man làm ta liên tưởng đến một niềm day dứt, khắc khoải thương nhớ không nguôi của nhà thơ quá cố. Vẫn còn kia màu vàng tươi của hoa Vông vang, đang khoe sắc ở bên con đường vào làng tôi. Hoa Vông vang lay lay trong gió như đang đón chào những người qua lại, khiến tôi chợt dừng lại để ngắm nhìn. Màu vàng mộc mạc của Vông vang góp thêm một gam màu tươi sáng cho các sắc màu thiên nhiên ở nông thôn quê tôi.

Tôi chợt dừng lại bên bờ rào nhà ai trồng cây dâm bụt. Hoa dâm bụt đỏ thoáng gợi nhớ cho tôi về những cậu bạn cùng làng lúc lên 5 lên 6 thường xé các cánh hoa dâm bụt dán lên mặt nhau và bảo rằng thêm râu và ria cho đẹp. Nếu gặp lại chưa chắc chúng tôi đã nhận ra nhau vì đã không gặp mấy chục năm rồi. Chúng tôi không còn là những đứa trẻ vô tư ngày xưa nữa, đã bước qua nửa bên kia của cuộc đời rồi.

Ngày ấy, tôi chia tay bạn bè người thân đi xa nhà, với bao nhiêu nhớ nhung, kỷ niệm lại đúng vào mùa hoa gạo nở đỏ rực đầu làng, để bây giờ khi tôi quay lại đúng cuối mùa hoa Gạo. Hoa Gạo đã rụng gần hết, nhuộm đỏ gốc cây đầu làng. Tôi cầm trên tay một bông hoa gạo đơn côi rơi rụng, héo úa nuối tiếc nằm bơ vơ trên cỏ dại.

Hoa Gạo ra vào tháng Ba âm lịch, đúng vào "mùa giáp hạt" mà ngày xưa người ta còn gọi là "tháng 3 ngày 8" - khoảng cách giao thời khi mà mùa thu hoạch trước đã cạn lương thực trong khi mùa thu hoạch mới chưa đến. Có lẽ, nhìn thấy bông hoa giống hạt gạo khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng trong mùa đói kém nên người ta gọi là hoa gạo. Ngày nay, mùa đói kém ngày xưa không còn nữa nhưng hằng năm hoa gạo vẫn nở đỏ rực, điểm tô cho một góc trời thôn quê yêu dấu.

Đã lâu lắm rồi, liệu ai còn nhớ vị chua khi nhai lá Chua me đất hay không? Ở một góc tường nhà tôi vẫn còn thấy những cánh hoa chua me nhỏ bé, tim tím, xinh xinh đang đứng khiêm nhường lặng lẽ. Chợt nhớ ngày thơ bé, cô bé nhà bên thích đuổi bướm, hái hoa dại ở triền đê. Bé có cái cái miệng xinh xinh hay chu lại, mũi chun lại và khẽ rùng mình khi nhai mấy nhánh lá chua me đất tôi đưa cho.

Thời gian trôi nhanh thật. Cô bé ngày xưa đã lấy chồng xa xứ rồi. Chắc em không còn nhớ vị chua của chua me đất nữa. Mẹ tôi nói rằng đã rất lâu lắm em không còn trở lại chốn này nữa rồi!

Có những loài hoa tôi biết tên nhưng có những loài hoa dại tôi không biết tên hoặc không còn nhớ tên nữa nên tôi chỉ đơn giản gọi là HOA DẠI hay là HOA QUÊ. Tôi yêu hoa quê vì đó cũng là một phần ký ức ướp đầy sắc hương thương nhớ của miền quê yêu dấu của tuổi thơ tôi.

 

Chuyện Làng quê

Trần Mạnh Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuong-lam-hoa-que-oi-a10184.html