Pháo giao thừa và mừng tuổi đầu năm

Điều công bằng nhất ở những cái Tết chưa xưa lắm ở làng Thổ Hà và nhiều vùng quê khác ở miền Bắc Việt Nam ấy là mỗi gia đình đều có một bánh pháo tép y chang nhau. Mỗi bánh pháo tép (làng Cự Đà) hồi ấy đều được đựng trong một hộp dẹt hình chữ nhật bằng bìa cacton gia công có dán nhãn in kiểu làng Hồ; lôi bánh pháo ra khỏi hộp, cát mịn còn vương đầy.

phao-giao-thua-1643556474.jpg
 

 

        Từ năm 1960 (sau khi gia đình tôi từ Thái Lan về nước) cho đến tháng 9 năm 1972, tôi thường đón Tết ta với bố mẹ và em trai tôi ở làng Thổ Hà, một làng gốm nổi tiếng của tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang). Làng Thổ Hà tiếng là ở vùng nông thôn nhưng chẳng ai làm ruộng (làm gì có ruộng mà làm). Người dân trong làng ở tuổi lao động thường làm công nhân của Xí nghiệp công tư hợp doanh ngói gốm Thổ Hà hoặc là xã viên Hợp tác xã cang gốm Thổ Hà; mọi gia đình trong làng đều ăn gạo sổ giống người thành phố. Cứ mỗi độ Tết đến mỗi gia đình trong làng đều được phân phối một suất quà Tết; thường là một hộp mứt, một chai rượu chanh, vài bao thuốc lá, một gói chè mậu dịch và luôn có một bánh pháo tép và 2-3 quả pháo đùng. Gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong làng thường không có gà cúng tết; cả làng chẳng có lấy một cành đào. Trang hoàng cho ngày Tết chỉ là mấy cành hoa giấy cắm lọ gốm đặt trên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ, đôi câu đối đỏ dán ở hai cột gian giữa hoặc hai bên ban thờ và vài bức tranh hàng Trống, tranh Đông Hồ dán trên những khoảng tường trống hoặc dán thay lên vị trí của những bức tranh của Tết năm trước vừa được bóc ra. Quần áo mới của bọn trẻ con nhà công nhân thì không phải năm nào cũng được cả bộ; năm được cái áo, năm được cái quần; ấy vậy mà Tết đến là cứ vui như Tết.

       Điều công bằng nhất ở những cái Tết chưa xưa lắm ở làng Thổ Hà và nhiều vùng quê khác ở miền Bắc Việt Nam ấy là mỗi gia đình đều có một bánh pháo tép y chang nhau. Mỗi bánh pháo tép (làng Bình Đà) hồi ấy đều được đựng trong một hộp dẹt hình chữ nhật bằng bìa cacton gia công có dán nhãn in kiểu làng Hồ; lôi bánh pháo ra khỏi hộp, cát mịn còn vương đầy. Mỗi quả pháo tép chỉ nhỏ bằng đầu đũa, dài khoảng 4-5cm; vỏ pháo được cuốn bằng loại giấy xeo thủ công bở bục nhuộm màu Hồng Điều; các quả pháo được tết ngòi với nhau tạo thành bánh pháo trông khá bắt mắt. Mấy quả pháo đùng thì có đường kính khoảng gấp 4 lần đường kính quả pháo tép và chỉ được cài vào cuối bánh pháo tép trước khi đốt. Bánh pháo thường được buộc vào một đầu que tre để đảm bảo an toàn hơn cho người đốt pháo; nhưng đa phần thanh niên thường trực tiếp cầm phía trên bánh pháo để đốt, khi nào pháo nổ gần đến những quả pháo đùng mới chịu buông tay. Những quả pháo xịt (do ngòi pháo bị tắt ngang chừng) thường được bọn trẻ chúng tôi nhặt lên và đốt lại; lúc đó chúng tôi thường cầm phần đuôi của quả pháo tép để đốt pháo, thấy ngòi cháy xòe..xòe mới buông tay hoặc cho nổ khi tay vẫn cầm phần đuôi quả pháo vẫn không sao. Gần đến giao thừa là các nhà đều mang pháo ra trước cửa nhà hoặc cửa ngõ để chuẩn bị đốt pháo; khoảng 12 giờ kém 10 là bắt đầu có tiếng pháo nổ và râm ran nhất là đúng 12 giờ đêm 30. Tạch tành... tạch tành tành… là tiếng nổ của pháo tép và kết thúc bằng tiếng nổ hoành tráng... đùng đùng… đoàng (Xin chúc …mừng) của mấy quả pháo đùng. Ở vùng quê hồi ấy không có điện, chỉ dùng đèn dầu nên bình thường người dân thường đi ngủ trước 9 giờ tối để rồi thức dậy từ 4-5 giờ sang; chỉ có đêm 30 Tết họ mới thức đến sau 12 giờ đêm. Tiếng pháo nổ đêm giao thừa của mỗi nhà như lời chúc mừng năm mới gửi cho nhà hàng xóm; như lời chúc mừng năm mới của dân cư mỗi con ngõ gửi cho dân cư con ngõ kế bên; của xóm dưới gửi cho xóm trên; mùi khói pháo thơm nồng chứ không khét như mùi thuốc súng của các loại pháo Tết chưa xưa lắm. Đốt pháo xong mọi người lại vào nằm ngủ tiếp chứ đâu có cỗ giao thừa; vậy mà chẳng thấy ai thở ngắn than dài. Sáng hôm sau trước mỗi cửa nhà đều vương đầy xác pháo màu hồng điều trông giống như những cánh hoa Đào (nhờ loại giấy xeo thủ công mà có); thảm xác pháo sẽ được nằm trước cửa nhà cho hết ngày mồng một Tết. Vì mỗi nhà chỉ có một bánh pháo tép nên đám xác pháo trước mỗi cửa nhà đều gần giống nhau; giống như cuộc sống của mỗi gia đình thời bao cấp.

          Sau 1975, tôi ra quân và trở lại trường ĐHTH Hà Nội học tiếp. Tết năm 1977, vì tò mò nên tôi quyết định đón giao thừa ở Hà Nội với gia đình bạn cũng là đồng đội của tôi ở 96 Tuệ Tĩnh – Nguyễn Văn Phú. Trước giao thừa khoảng 5 phút; Phú lấy xe máy (xe Honda 50) đưa tôi ra phố Huế; ra đến phố Huế thì pháo của một vài gia đình bắt đầu nổ. Chúng tôi phi xe máy từ phố Huế ra Hàng Bài; vòng một vòng Hồ Gươm rồi trở về Tuệ Tĩnh. Chúng tôi được đắm mình trong tiếng pháo nổ, trong khói pháo và mùi pháo thơm nồng (pháo Bình Đà của thời bao cấp) của các gia đình hai bên phố mang ra cửa đốt. Sáng mồng một Tết; Phú đưa tôi ra bến Nứa để bắt chuyến xe ca đầu tiên về Bắc Ninh để về ăn Tết với bố mẹ tôi; một kỷ niệm đáng nhớ.

        Năm 1990, tôi chuyển về ở Thụy Khuê cùng vợ và con trai. Đêm Giao thừa, tiếng pháo khắp ngõ phố vang lên nhưng tiếng pháo không giống như xưa nữa, nó đì đùng như tiếng súng trận; pháo đùng đã được thay bằng pháo cối với tiếng nổ đinh tai; khói pháo thì khét lẹt như mùi thuốc súng ở chiến trường xưa. Con trai tôi giật mình tỉnh giấc và co rúm người, khóc thét lên khi nghe thấy pháo nổ; tôi ghét pháo từ đó – Pháo của thời mở cửa. Bánh pháo tép gần như mất dần sau năm 1990; các quả pháo bằng ngón tay với lớp giấy đỏ bóng lộn thay cho những quả pháo tép ngày xưa. Các bánh pháo bằng nhau được thay bằng những cuộn pháo to nhỏ, dài ngắn tùy thuộc ý thích của các chủ nhân. Nổ pháo hình như không phải để chúc mừng nhau nữa mà để đe nẹt lẫn nhau; pháo càng dài, càng to, nổ càng lớn thì gia chủ hình như cảng nở mày nở mặt; mùi thơm nồng của thuốc pháo đã không còn. Đám trai trẻ nghịch ngợm còn dúi pháo nổ vào đám đông người hoặc vào túi xách của cánh phụ nữ để rồi lấy sự sợ hãi của người khác làm thú vui của mình; nhiều tai nạn pháo nổ đã xảy ra. Thật buồn! Tôi ủng hộ cấm pháo thời mở cửa vì thế.

mung-tuoi-dau-nam-1643556474.jpg
 

     Sáng mồng một Tết, sau khi đã có người xông nhà thì mọi người trong ngõ, những người ở xóm trên, xóm dưới bắt đầu đến nhà nhau chúc Tết. Khi được mời vào nhà, khách đến chúc Tết thường đứng vái trước bàn thờ rồi mới ngồi vào bàn hoặc phản, sập. Sau những lời chúc tụng là nhấm nháp miếng mứt bí, mứt dừa, mứt lạc với cốc nước trà nóng (gói vuông mậu dịch), rồi lại vội vã rời đi để đến nhà khác chúc Tết. Tiền mừng tuổi hồi ấy thường không có bao lì xì như bây giờ; thường là tập tiền giấy mệnh giá thấp nhất hồi ấy (một hào màu đỏ); cứ mỗi đứa một tờ là vui như Tết, nhưng không có thì vẫn vui như Tết.

       Mừng tuổi Tết chưa xưa lắm và Tết nay thì khác lắm. Trẻ nhỏ ở một vài thành phố hóng tiền mừng tuổi để tổng kết thu nhập, tiền mừng tuổi với mệnh giá thấp là không vui ra mặt. Đã xuất hiện hiện tượng khoe tiền mừng tuổi của một số phụ huynh và nhiều người vì nghĩ đến tiền mừng tuổi mà chẳng còn dám đến chúc Tết nhau nữa.

         Tiền mừng tuổi của các doanh nghiệp tư nhân còn trở thành động lực để Công nhân sau Tết đi làm đúng ngày, các cơ quan công quyền cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu này. Đúng ngày đi làm đầu tiên sau Tết, sau cốc rượu và lời chúc mừng xuân, Lãnh đạo đơn vị thường mừng tuổi những người có mặt mỗi người 100.000 đồng đến 200.000 đồng để lấy hên (tiền đa phần từ quỹ đời sống của đơn vị, không cần phải phong bao vì số tiền được nhận của mọi người như nhau). Ở các ngân hàng hoặc doanh nghiệp nhà nước thì số tiền mừng tuổi có thể được tăng thêm. Nếu có lãnh đạo cấp trên xuống chúc Tết, thì thủ quỹ của đơn vị lại xuất ra một tập tiền mới để Lãnh đạo cấp trên mừng tuổi cho cán bộ nhân viên của đơn vị. Đúng là của người phúc ta; vậy mà cả người mừng tuổi lẫn người nhận mừng tuổi chẳng thấy ai ngượng ngùng. Vui thật; thời mở cửa.

       Tôi chỉ dám chia sẻ cảm nhận của mình về “Pháo Giao thừa và tiền mừng tuổi” theo cảm nhận của tôi về Tết; nếu bạn đọc thấy không đúng với cảm nhận của mình thì xin đừng trách tôi. Tôi chỉ muốn các bạn được thấy cảm nhận của tôi về Tết ở một vài nơi chứ không phải nói chung về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Cám ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn và gia đình có một năm con Hổ luôn bình an; vui khỏe; hạnh phúc và thành công.

 

Chuyện làng quê

Nguyen van Noi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phao-giao-thua-va-mung-tuoi-dau-nam-a10256.html