Bên cạnh các chữ “Tâm”, “Nhẫn”, “Đức”,…được trân trọng, các cụ còn có một thú vui khác, đó là sáng tác câu đối vào dịp tết. Ngày nay, việc xin chữ và cho chữ đầu năm không còn được như xưa nên đã để lại cho nhiều người một niềm nuối tiếc, hoài niệm, trăn trở về cái đẹp xưa. Để gìn giữ nét đẹp xưa, một số cụ trong Câu lạc bộ Hán Nôm (CLBHN) xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đã dốc tâm khôi phục phong tục xin chữ và cho chữ mỗi độ tết đến, xuân về.
Vào những ngày đầu tháng Chạp, khi những luống cày trên cánh đồng bắt đầu khô rốm, khi vài ruộng ngô đông cuối vụ đã héo rũ và đang run rẩy trước những cơn gió bấc,…chúng tôi đến thăm các cụ trong Câu lạc bộ Hán Nôm (CLBHN) xã Vĩnh Sơn. Tại căn phòng cũ nhưng khá rộng của Trung tâm học tập cộng đồng xã Vĩnh Sơn, các cụ đang tất bật chọn lựa câu đối tết hay; chuẩn bị nghiên, bút lông, mực Tầu, giấy điều đỏ để tổ chức việc cho chữ đầu xuân. Khác với những năm trước đây, năm nay là năm thứ hai, do tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, nên người dân có nhu cầu xin chữ phải đăng ký trước để các Cụ viết tặng, tránh tập trung đông người để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thực ra, việc khôi phục nét đẹp tao nhã này được các cụ tổ chức tại sân đình được gần chực năm. Kinh nghiệm ít nhiều đã có, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng Chạp, các cụ lại tất bật với công tác chuẩn bị. Phải chăng công tác chuẩn bị ấy, ngoài thể hiện sự cẩn thận, chu đáo trong công việc thì đó còn là thời khắc rất thiêng liên để các cụ tìm về và được sống trong hương vị tết cổ truyền xưa với thú chơi tao nhã xin chữ và cho chữ - nét văn hóa đẹp không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền ngày xưa.
Theo lời kể của các cụ trong CLBHN xã Vĩnh Sơn thì: Ngày xưa, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người dân Việt từ kẻ chợ đến làng quê, ngoài việc chuẩn bị thực phẩm cho 3 ngày tết với quan niệm “No ba ngày tết, ấm ba tháng hè” còn chú ý bày biện ban thờ, dọn dẹp lại không gian trong nhà, treo các bức tranh, câu đối, chữ Nho để cầu mong một năm mới tốt lành, thịnh vượng, khang thái. Chính vì vậy, cứ từ Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) trở đi; khi người dân bắt đầu đi sắm tết thì những người có tài viết chữ Nho đẹp tựa “Như phượng múa, rồng bay” lại tất bật với công việc viết chữ, cho chữ, viết câu đối. Cái hay của phong tục xin chữ và cho chữ đó là cả người cho và người xin chữ đều rất quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ. Bởi thế, khi được xin chữ, các thầy Đồ sử dụng bút lông viết tặng người xin chữ bằng tất cả cái tâm, cái đức, cái tài của mình được thể hiện sinh động qua từng nét chữ. Người xin chữ, ngoài việc “Tấm tắc ngợi khen tài” của cụ Đồ thì cũng muốn trả tiền cho người viết để cảm tạ, song đấy không phải là chuyện mua - bán chữ. Cũng có khi, người xin chữ tự mua giấy điều đỏ đến nhà thầy Đồ nhờ viết chữ và cảm tạ thầy Đồ bằng dăm ba quả cau hay nải chuối, trái bưởi hái tại vườn nhà. Chẳng thế, dân gian đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện về cụ Nguyễn Khuyến khi viết câu đối tết. Năm ấy, có một cụ bà đến gặp Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến để xin câu đối thờ chồng, cụ nói “Năm hết tết đến, con kiếm được cơi giầu đem biếu cụ, xin cụ đôi câu đối để thờ ông nhà con”. Bấy giờ, cụ Nguyễn Khuyến cười và bảo rằng: bà vừa đọc câu đối đó thôi, đưa giấy hồng ra đây, tôi viết hộ. Thế rồi, cụ Nguyễn Khuyến chỉ sửa câu nói của bà lão thành câu đối, đó là:
“Kiếm một cơi giầu đem cúng cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông”
Qua câu chuyện của các cụ trong CLBHN xã Vĩnh Sơn, chúng ta thấy, phong tục cho chữ và xin chữ đầu xuân của các cụ ta ngày xưa không chỉ là một nét đẹp tao nhã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là một minh chứng sinh động về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của nhân dân ta. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hóa đẹp không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.
Ngày nay, mặc dù điều kiện kinh tế khá giả, đủ đầy hơn, nhưng khi nhắc đến tết cổ truyền xưa, chắc nhiều người vẫn còn cảm nhận được hương vị của nó qua câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Thực phẩm bây giờ như: Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành trong ngày tết thì nhà nào chẳng có, thậm chí, dưa hành còn được làm từ sớm để ăn trước tết chứ đâu có như ngày xưa khó khăn, bố mẹ làm dưa hành phải cất kỹ, đợi đến khi đụng lợn cúng tất niên mới đem ra ăn. Song, có lẽ, nhiều người vẫn cảm thấy còn thiếu một cái gì đó và chưa thật sự trọn vị tết. Phải chăng, cái vị thiếu ấy chính là sự vắng bóng của câu đối, của thú chơi chữ ngày xuân, của hình ảnh ông Đồ “Bày giấy tầu, mực đỏ/ Bên phố đông người qua”.
Chính sự thiếu vắng của phong tục xin chữ và cho chữ đầu năm như hiện nay đã trở thành nuối tiếc, hoài niệm của nhiều người dân Việt, nhất là các cụ trong CLBHN xã Vĩnh Sơn. Để gìn giữ nét đẹp xưa, các cụ đã dốc tâm khôi phục lại phong tục cho chữ, viết câu đối vào dịp tết Nguyên Đán. Việc làm của các cụ đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân và có sức lan tỏa lớn. Bởi lẽ, những năm chưa có dịch bệnh covid-19, khi các cụ tổ chức viết chữ, cho chữ ngoài sân đình, người xin chữ đâu chỉ có các cụ cao tuổi, tầng lớp trung niên mà còn có rất nhiều cháu học sinh, sinh viên cũng đến xin các cụ chữ với một thái độ kính trọng để cầu mong một năm mới như ý nguyện.
Cụ Phạm Văn Thúc- Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã chia sẻ: Để tổ chức khôi phục phong tục cho chữ sao cho gần nhất với nguyên bản của các cụ ngày xưa, chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ qua tham khảo trực tiếp các cụ cao niên đã từng được chứng kiến, qua các cụ được học chữ Hán của nền giáo dục Nho học cũ, qua các tài liệu cổ,…Chính vì lẽ đó, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện như: Giấy bản đỏ, mực tàu, bút lông, nghiên,… thì trang phục của các cụ được cho chữ cũng phải đúng nguyên bản là quần áo the, khăn xếp nhằm đưa nét đẹp xưa dần trở lại vào mỗi dịp tết đến, xuân về.
Nội dung chữ và câu đối mà người dân xin các cụ cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào lứa tuổi và ước nguyện của mỗi người trong năm mới. Là một trong những cụ có chữ viết đẹp, cụ Hạ Văn Gia cho biết: Những chữ được mọi người thích và xin nhiều đó là: “Tâm”(心), “Đức” (德), “Phúc” (福), “Lộc“ (祿), “Thọ” (寿), “Khang” (康), “Thịnh” (盛), “Nhẫn” (忍), Thành (成),… Còn câu đối được các cụ chúng tôi tâm đắc, chọn viết và được nhiều người thích vẫn là câu:
天 添 歲 月 人 添 壽
春 滿 乾 坤 福 滿 堂
Có nghĩa là:
“Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ
Xuân mãn kiền khôn phúc mãn đường”
Dịch lời:
“Trời thêm ngày tháng người thêm thọ
Xuân rạng non sông phúc rạng nhà”
Không giấu được niềm vui, đôi mắt của người già quầng quậng nước, không khóc mà say sưa như đang gửi gắm tâm tình vào từng nét chữ. Trong miền xúc cảm dâng trào, cụ nhẹ nhàng dùng bút lực thảo từng nét chữ. Dưới bàn tay gầy guộc của cụ, nét phẩy, nét mác, nét ngang,... trở nên mềm mại, sắc nét hơn chẳng khác gì “phượng múa, rồng bay” trên nền giấy đỏ.
Mặc cho vật đổi sao dời, các cụ trong CLBHN xã Vĩnh Sơn vẫn âm thầm, dốc tâm gìn giữ tục xưa, nếp cũ để lưu truyền cho đời sau. Bằng cái tâm, cái đức cao cả của mình, các cụ đã điểm tô cho mùa xuân mới đang về bằng một nét đẹp cũ; làm cho mùa xuân mới ở chốn quê vốn đã thanh bình, yên ả trở nên trọn vị và tròn đầy hơn.
Bài & ảnh: Ths. Phí Văn Liệu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-vinh-tuong-gin-giu-net-dep-xua-a10261.html